Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2006/QĐ-UBND

Phủ Lý, ngày 20 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003;

Căn cứ Thông tư số 01/2005/TT-BTNMT ngày 13 tháng 4 năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 181/2004/NĐ ngày 29 tháng 10 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày 25 tháng 12 năm 1998;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Xuân Lộc

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2006/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng.

1. Bản quy định này quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên tranh chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003.

2. Trường hợp tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính và các trường hợp đòi lại đất quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 181/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

Các cơ quan Nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai đúng quy định của pháp luật.

Các tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân người nước ngoài, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong nước, các đối tượng khác được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hoặc giao đất, cho thuê đất có liên quan đến tranh chấp đất đai chịu trách nhiệm thi hành quy định này và các văn bản có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai.

1. Nguyên tắc hòa giải

Trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai khuyến khích các bên tranh chấp chủ động gặp gỡ thỏa thuận để hòa giải, nếu không tự hòa giải được thì thông qua hòa giải ở cơ sở. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có trách nhiệm khuyến khích, động viên thuyết phục các bên tranh chấp hòa giải.

2. Nguyên tắc khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Chương II

TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Điều 4. Hòa giải tranh chấp đất đai.

1. Tự hòa giải.

Khuyến khích các bên tranh chấp đất đai chủ động gặp gỡ nhau để tự hòa giải. Nếu không thỏa thuận được thì thông qua hòa giải ở cơ sở để giải quyết tranh chấp đất đai.

2. Hòa giải ở cơ sở.

Hòa giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục của Tổ hòa giải đối với các bên tranh chấp nhằm đạt được thỏa thuận và tự nguyện giải quyết với nhau, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Trường hợp các bên tranh chấp đất đai không tự hòa giải được ở cơ sở thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Hòa giải tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã.

a) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (sau đây gọi là Hội đồng tư vấn), gồm các thành phần sau:

- Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn;

- Tổ trưởng tổ dân phố hoặc tiểu khu dân cư đối với khu vực đô thị, thị trấn; trưởng thôn đối với khu vực nông thôn. Trường hợp cần thiết thì mời: Bí thư Chi bộ ở cơ sở và Trường các đoàn thể (nơi sinh hoạt chính trị, đoàn thể của các bên tranh chấp đất đai) cùng tham gia.

- Đại diện của một số hộ dân sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó;

- Cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn.

Hội đồng tư vấn hoạt động theo chế độ tập thể và sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày thành lập, Hội đồng tư vấn phải kiến nghị hướng giải quyết bằng văn bản gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã và các bên tham gia tranh chấp.

c) Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị hướng giải quyết của Hội đồng tư vấn, Ủy ban nhân dân cấp xã phải tổ chức hòa giải tranh chấp (phương thức hòa giải phải phân tích, thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp ở địa phương, tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó) và hoàn thành các công việc sau:

- Yêu cầu các bên tranh chấp xuất trình chứng cứ; giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, Điều 1 của Bản quy định này đối với phần diện tích đất tranh chấp.

- Lập biên bản hòa giải, biên bản hòa giải phải ghi rõ phần diện tích đất đang tranh chấp đã có hay không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, Điều 1 của Bản quy định này, biên bản hòa giải được gửi cho các bên tham gia tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp hòa giải thành thì biên bản hòa giải phải có xác nhận hòa giải thành của Ủy ban nhân dân cấp xã đó và chữ ký của các bên liên quan. Kết quả hòa giải thành làm thay đổi hiện trạng, ranh giới thửa đất, thay đổi chủ sử dụng đất thì gửi thêm 01 biên bản hòa giải thành cho Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện đối với những tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường đối với những tranh chấp khác. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định và trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận quyền sử dụng đất theo nội dung hòa giải thành và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp hòa giải không thành thì biên bản hòa giải phải có chữ ký của các bên (trường hợp một hoặc các bên cố tình không ký vào biên bản hòa giải thì phải có ký nhận của người làm chứng và ghi rõ lý do vì sao các bên tranh chấp không ký tên vào biên bản tại phần ký tên của các bên). Căn cứ quy định tại Chương II của quy định này, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải thích và hướng dẫn các bên nộp hồ sơ xin giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc cơ quan Tòa án nhân dân (đối với trường hợp các bên tranh chấp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, Điều 1 của Bản quy định này).

d) Trường hợp không tiến hành hòa giải được tại Ủy ban nhân dân cấp xã do một bên trong các bên tranh chấp đã được Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt không có lý do chính đáng, thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải lập biên bản hòa giải không thành, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong thời gian 15 ngày liên tục và giao biên bản này cho bên tranh chấp có mặt, đồng thời hướng dẫn họ gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Trường hợp một bên tranh chấp không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng (như tai nạn, ốm đau, bệnh tật, đi công tác nước ngoài, bị giam giữ, bị tạm giam...), thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và giao biên bản này cho bên tranh chấp có mặt, đồng thời hướng dẫn họ gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

đ) Trong trường hợp các bên tranh chấp nộp đơn xin giải quyết tranh chấp mà chưa qua hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lại đơn cho các bên tranh chấp và có trách nhiệm hướng dẫn họ thực hiện các quy định tại khoản 1 và 2 của Điều này. Trường hợp các bên tranh chấp đã gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nhưng không hoặc chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật thì có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các quy định tại khoản 2 và 3 của Điều này.

Điều 5. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết đối với tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn khiếu nại về giải quyết tranh chấp đất đai đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết đối với tranh chấp đất đai giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với nhau hoặc giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn khiếu nại về giải quyết tranh chấp đất đai đến Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.

Điều 6. Các căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai.

1. Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đưa ra;

2. Ý kiến của Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của xã, phường, thị trấn;

3. Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;

4. Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được phê duyệt;

5. Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước;

6. Quy định của pháp luật quản lý Nhà nước về đất đai.

Điều 7. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh.

1. Trường hợp hòa giải không thành, thì một hoặc các bên tranh chấp đất đai gửi một bộ hồ sơ đến Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất đối với những tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ hợp lệ phải có trách nhiệm thụ lý hồ sơ làm căn cứ giải quyết tranh: chấp đất đai. Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai của đương sự gồm có:

a) Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất lần đầu;

b) Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai không thành;

c) Ý kiến của Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của xã, phường, thị trấn;

d) Giấy tờ, tài liệu, chứng cứ sử dụng để chứng minh về quyền sử dụng đất (nếu có).

2. Trong thời hạn không quá 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh và hoàn thành các công việc sau:

a) Tiếp xúc với các bên tranh chấp để làm rõ nội dung tranh chấp và yêu cầu bổ sung hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung tranh chấp. Tổ chức đối thoại khi cần thiết;

b) Xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, thu thập chứng cứ và hồ sơ địa chính của thửa đất; thống nhất kết quả thẩm tra, xác minh;

c) Thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp và hồ sơ địa chính liên quan đến thửa đất (nếu có). Trường hợp cần thiết thì mở hội nghị tư vấn để giải quyết;

d) Trong quá trình các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, khuyến khích và vận động các bên tranh chấp hòa giải và rút đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp. Trường hợp hòa giải thành hoặc đương sự rút đơn thì viết báo cáo, dự thảo quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất (nếu có) để trình người có thẩm quyền giải quyết lần đầu;

Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh hòa giải thành thì biên bản hòa giải phải có xác nhận hòa giải thành của cơ quan đã tổ chức hòa giải thành và chữ ký của các bên liên quan. Kết quả hòa giải thành mà làm thay đổi hiện trạng, ranh giới thửa đất, thay đổi chủ sử dụng đất thì gửi thêm 01 biên bản hòa giải thành cho Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện đối với những tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường đối với những tranh chấp thuộc các đối tượng khác. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định và trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận quyền sử dụng đất theo nội dung hòa giải thành và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

đ) Báo cáo kết quả xác minh bằng văn bản và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trình người có thẩm quyền giải quyết lần đầu;

3. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan Tài nguyên và Môi trường, người có thẩm quyền giải quyết lần đầu ban hành quyết định công nhận ranh giới thửa đất, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và gửi cho các bên tranh chấp, cơ quan Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

4. Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, nếu không đồng ý thì một bên hoặc các bên tranh chấp gửi hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường; quá thời hạn trên cơ quan nhận hồ sơ không tiếp nhận đơn xin giải quyết tranh chấp. Hồ sơ gồm có:

a) Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất lần cuối;

b) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu (bản photocoppy không phải công chứng, chứng thực);

c) Ý kiến của Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của xã, phường, thị trấn;

d) Giấy tờ, tài liệu, chứng cứ sử dụng đất để chứng minh về quyền sử dụng đất (nếu có).

5. Trong thời hạn không quá 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ giải quyết tranh chấp, Sở Tài nguyên và Môi trường phải thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện và hoàn thành các công việc sau:

a) Thẩm tra, xác minh vụ việc;

b) Vận động các bên tranh chấp hòa giải và rút đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp. Trường hợp hòa giải thành hoặc các bên tranh chấp rút đơn thì viết báo cáo, dự thảo quyết định công nhận ranh giới thửa đất để trình người có thẩm quyền giải quyết cuối cùng;

c) Báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh bằng văn bản và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất để trình người có thẩm quyền

6. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, người có thẩm quyền giải quyết cuối cùng ban hành quyết định công nhận ranh giới thửa đất, quyết định giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất và gửi cho các bên có liên quan đến tranh chấp đất đai, người có thẩm quyền giải quyết lần đầu, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

7. Sau khi quyết định giải quyết cuối cùng có hiệu lực thi hành, nếu một bên hoặc các bên tranh chấp cố tình không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, thì bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 182/2004/NĐ- CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; nếu cán bộ được giao nhiệm vụ, nhưng cố ý không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, thì bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 175 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Cơ quan Tài nguyên và Môi trường các cấp có trách nhiệm.

1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai và tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Xác minh, báo cáo kết luận tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết và trả lời tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền cấp tỉnh;

c) Phối hợp và hướng dẫn về chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai.

2. Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã.

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai và tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Xác minh, báo cáo kết luận tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết và trả lời tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền cấp huyện;

c) Phối hợp và hướng dẫn về chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện hòa giải, tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai.

Điều 9. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

a) Tổ chức thực hiện và tổng hợp kết quả giải quyết tranh chấp đất đai báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Chỉ đạo các đơn vị có chức năng của cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;

c) Giải quyết và trả lời tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền cấp huyện.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

a) Tổ chức thực hiện và tổng hợp kết quả hòa giải ở cơ sở và tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai ở cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Chỉ đạo các cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố và các cụm dân cư khác phù hợp với pháp luật thành lập Tổ hòa giải để tổ chức thực hiện công việc hòa giải;

c) Thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai để tổ chức hòa giải nếu hòa giải ở cơ sở không thành;

d) Hòa giải và trả lời kết quả hòa giải tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền cấp xã.

Điều 10. Các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

1. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường tham mưu giải quyết các trường hợp tranh chấp đất đai phức tạp, liên quan nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Các ban, ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt công tác giải quyết tranh chấp đất đai.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải quyết tranh chấp đất đai.

Điều 11. Người sử dụng đất.

1. Thực hiện tốt việc tự hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại khoản 1, Điều 4 của Bản quy định này.

2. Thực hiện nghiêm quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành theo quy định của pháp luật

3. Thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật có liên quan giải quyết tranh chấp đất đai.

Điều 12. Khen thưởng và xử lý vi phạm.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác giải quyết tranh chấp đất đai hoặc chấp hành tốt quyết định công nhận hòa giải thành hay giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan có thẩm quyền thì được xét khen thưởng hoặc biểu dương theo quy định của pháp luật.

Nếu vi phạm quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Điều khoản thi hành.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các cơ quan, ban, ngành tổ chức thực hiện quy định này. Trong quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung./.

 

PHỤ LỤC

KÈM THEO BẢN QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

A/ Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, cụ thể như sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Ủy ban nhân dân xã, phường thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan, nhưng đến trước ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

………..

5. Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

B/ Khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai cụ thể như sau:

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 trong các trường hợp sau:

a) Đất bị tịch thu, trưng thu, trưng mua khi thực hiện cải cách ruộng đất ở miền bắc;……

b) Đất đã hiến tặng cho Nhà nước, cho hợp tác xã và tổ chức khác, cho hộ gia đình, cá nhân;

c) Đất đã góp vào hợp tác xã nông nghiệp theo quy định của Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao;

d) Đất thổ cư mà Nhà nước đã giao cho người khác để làm nhà ở; đất ở và đất vườn đã giao lại cho hợp tác xã để đi khai hoang; ruộng đất đã bị thu hồi để giao cho người khác hoặc điều chỉnh cho người khác khi giải quyết tranh chấp ruộng đất;

…………..

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 36/2006/QĐ-UBND về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai do tỉnh Hà Nam ban hành

  • Số hiệu: 36/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/11/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Trần Xuân Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/11/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản