Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/2005/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN THANH TRA VIÊN, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LÀM VIỆC TRONG CƠ QUAN THANH TRA XÂY DỰNG; TRANG PHỤC, PHÙ HIỆU, CẤP HIỆU, BIỂN HIỆU; PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT CỦA THANH TRA XÂY DỰNG”

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Luật Thanh tra số 22/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 46/2005/NĐ-CP  ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “Quy định về tiêu chuẩn Thanh tra viên, cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan Thanh tra Xây dựng; trang phục phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu; phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Thanh tra Xây dựng”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Quân

 

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHUẨN THANH TRA VIÊN, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LÀM VIỆC TRONG CƠ QUAN THANH TRA XÂY DỰNG; TRANG PHỤC, PHÙ HIỆU,CẤP HIỆU, BIỂN HIỆU; PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT CỦA THANH TRA XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36 /2005/QĐ-BXD ngày 24 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về tiêu chuẩn Thanh tra viên chuyên ngành Xây dựng, cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan Thanh tra chuyên ngành Xây dựng; trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu; phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Thanh tra chuyên ngành Xây dựng.

2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống tổ chức Thanh tra chuyên ngành Xây dựng (gọi chung là Thanh tra Xây dựng) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc chung

1. Cán bộ, công chức có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Thanh tra và các quy định của Quyết định này được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra Xây dựng; Việc bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra Xây dựng tuân theo quy định của pháp luật Thanh tra và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Thanh tra viên, cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan Thanh tra Xây dựng khi thi hành công vụ phải mặc đồng phục và mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu của Thanh tra Xây dựng theo các quy định của Quyết định này và có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để làm nhiệm vụ; nếu để mất, hư hỏng phải báo cáo ngay thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp và chịu mọi trách nhiệm về hậu quả xẩy ra.

3. Trường hợp Thanh tra viên, cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan Thanh tra Xây dựng thuyên chuyển công tác, nghỉ chế độ hoặc bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, thì phải giao lại cho cơ quan Thanh tra Xây dựng hoặc cơ quan quản lý trực tiếp toàn bộ phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, các phương tiện, thiết bị đã được cấp.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN THANH TRA VIÊN XÂY DỰNG, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LÀM VIỆC TRONG CÁC CƠ QUAN THANH TRA XÂY DỰNG

Điều 3. Tiêu chuẩn cán bộ, công chức Thanh tra xây dựng

1. Cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan Thanh tra Xây dựng, Đội Thanh tra Xây dựng ở địa phương, chưa được bổ nhiệm Thanh tra viên chuyên ngành Xây dựng thì phải có trình độ từ trung cấp chuyên ngành xây dựng trở lên hoặc chuyên ngành khác và được đào tạo qua khoá học về pháp luật xây dựng.

2. Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, những nơi thiếu cán bộ, thì cán bộ, công chức Đội Thanh tra Xây dựng phải có trình độ tốt nghiệp Trung học phổ thông trở lên và được đào tạo qua khoá học về pháp luật xây dựng.

Điều 4.  Tiêu chuẩn Thanh tra viên xây dựng

Cán bộ, công chức, khi được bổ nhiệm làm Thanh tra viên chuyên ngành Xây dựng, ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung được quy định tại Điều 31 Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật khác có liên quan, còn phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ:

- Là Kiến trúc sư, Kỹ sư chuyên ngành xây dựng trở lên, hiểu biết về pháp luật xây dựng; trường hợp tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác, thì phải được đào tạo qua khoá học về pháp luật xây dựng;

- Được đào tạo về nghiệp vụ Thanh tra.

Thanh tra viên chuyên ngành Xây dựng có các ngạch được quy định chung trong pháp luật về cán bộ, công chức.

Chương 3:

TRANG PHỤC, PHÙ HIỆU, CẤP HIỆU, BIỂN HIỆU, PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT CỦA THANH TRA XÂY DỰNG

Điều 5. Trang phục của Thanh tra Xây dựng

1. Trang phục của Thanh tra Xây dựng được dùng cho Thanh tra viên, cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan Thanh tra Xây dựng ( gọi chung là Cán bộ Thanh tra Xây dựng); trang phục của Thanh tra Xây dựng bao gồm: đồng phục nam và đồng phục nữ. Đồng phục của cán bộ Thanh tra Xây dựng có: Quần, áo, mũ kêpi, phù hiệu, biển hiệu, giầy da và các trang bị khác.

Trang phục cho cán bộ Thanh tra Xây dựng làm việc tại các Đội Thanh tra, ngoài các trang phục quy định ở trên còn có cấp hiệu của Thanh tra Xây dựng.

2. Qui định về trang phục của Thanh tra Xây dựng ( có mẫu kèm theo):

a) Mũ kêpi : phần trên màu vàng đất nhạt, cầu mũ màu vàng đen, lưỡi trai và quai mũ bằng nhựa màu vàng đen, viền xung quanh phần trên mũ và phần cầu mũ bằng dây nỉ màu vàng, phía trên lưỡi trai viền cầu mũ bằng 2 dây nỉ màu vàng nối với 2 cúc bọc nỉ vàng.

b) áo xuân- hè : Vải cotton màu vàng đất nhạt.

- Đối với nam : áo sơ mi ngắn tay có nẹp bong ở tay áo, cổ cứng, hai túi ngực có nắp, vai áo có hai quai để cài cấp hiệu.

- Đối với nữ : áo sơ mi ngắn tay có nẹp bong ở tay áo, cổ cứng, hai túi vạt góc có nắp, vai áo có hai quai để cài cấp hiệu.

c) áo thu- đông:  Vải kaki màu vàng đất nhạt.

- Đối với nam : áo veston, bốn túi hộp có nắp ở vạt áo trước, vai áo có hai quai để cài cấp hiệu, có 4 khuy, cúc áo bằng chất liệu phù hợp có màu như màu áo.

- Đối với nữ : áo veston, hai túi hộp có nắp ở vạt áo trước, áo chiết eo, vai áo có hai quai để cài cấp hiệu, có 4 khuy, cúc áo bằng chất liệu phù hợp có màu như màu áo.

d) áo sơ mi dài tay : Vải cotton màu vàng đất nhạt.

- Đối với nam : áo sơ mi dài tay, cổ cứng.

- Đối với nữ : áo sơ mi dài tay, kiểu nữ, cổ cứng.

e) Quần âu: Vải kaki màu vàng đất nhạt.

- Đối với nam : Quần âu ống dài, ống rộng vừa phải có hai túi chéo hai bên và một túi sau; quần được dùng chung cho tất cả các mùa.

- Đối với nữ : Quần âu ống dài,  ống rộng vừa phải, có 2 túi thẳng hai bên và một túi sau ; quần được dùng chung cho tất cả các mùa. (trường hợp làm việc tại văn phòng có thể mặc váy theo kiểu công sở) mẫu váy được thiết kế thống nhất, phù hợp với áo đã được quy định tại Điểm c, Điểm e Khoản 2 Điều này.

Quần, áo veston, sơ mi được may đo cho phù hợp với từng người.

g) Cravat màu cùng màu quần áo; thắt lưng bằng da màu nâu đen; giầy da màu đen, ngắn cổ, buộc dây; bít tất màu sẫm.

3. Cán bộ Thanh tra Xây dựng khi làm việc trong văn phòng được phép mặc thường phục.

Điều 6. Phù hiệu của Thanh tra Xây dựng (có mẫu kèm theo)

Phù hiệu của Thanh tra Xây dựng là biểu tượng của Thanh tra Xây dựng. Phù hiệu có 2 cành tùng ôm lá chắn màu đỏ, giữa có hình tròn dập nổi gồm vành bán nguyệt, chính giữa phía dưới là dòng chữ “Thanh tra Xây dựng”, hai bên có 2 bông lúa, giữa vòng bán nguyệt là cán cân công lý, phía trên có 1 ngôi sao toả sáng. Phù hiệu của Thanh tra Xây dựng bằng kim loại được gắn trên: mũ kê pi; cầu vai; ve áo; phù hiệu dệt bằng sợi nỉ màu đỏ gắn trên tay vai áo.

1. Phù hiệu gắn trên mũ kêpi : bằng kim loại hình lá chắn màu đỏ nội tiếp vòng tròn có đường kính 45 mm.

2. Phù hiệu gắn trên tiết ve áo : Tiết ve áo bằng nỉ màu xanh đen hình bình hành, cạnh dài 55 mm, cạnh ngắn dài 35 mm, giữa có phù hiệu đường kính 22 mm.

3. Phù hiệu gắn trên cầu vai: Cầu vai bằng nỉ màu xanh đen có kích thước: dài 95 mm, rộng 40 mm, xung quanh viền nỉ màu vàng, giữa có 2 vạch nỉ, phía trên gắn phù hiệu bằng kim loại màu đỏ, đường kính 22 mm, sao màu bạc.

4. Phù hiệu may liền với tay vai áo : Phù hiệu dệt sẵn bằng nỉ màu đỏ, đường tròn ngoại tiếp có đường kính 60 mm  may liền với tay vai áo.

Điều 7. Cấp hiệu của Thanh tra Xây dựng (có mẫu kèm theo)

Cấp hiệu của Thanh tra Xây dựng được đeo trên hai cầu vai áo để phân biệt các chức danh khi làm nhiệm vụ, được cấp cho cán bộ Thanh tra Xây dựng làm việc ở Đội Thanh tra Xây dựng và được quy định như sau:

1. Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng: 2 vạch dọc, 2 sao.

2. Đội phó Đội Thanh tra Xây dựng; Thanh tra viên Xây dựng: 2 vạch dọc, 1 sao.

3. Cán bộ Đội Thanh tra: 2 vạch dọc, không có sao.

Điều 8. Biển hiệu của Thanh tra Xây dựng (có mẫu kèm theo)

Biển hiệu của cán bộ Thanh tra Xây dựng dùng để đeo ở trên ngực áo trái khi làm việc. Biển hiệu bằng mica, có kích thước 55mm x 85mm, có 2 màu, phía trên màu xanh đen rộng 17 mm, phía dưới  màu xanh da trời đậm rộng 38 mm.

1. Phần trên của biển hiệu. Bên trái có biểu tượng Thanh tra Xây dựng, giữa có dòng chữ Thanh tra Xây dựng, chữ vuông cao 5 mm.

2. Phần dưới của biển hiệu: Nền màu xanh da trời đậm, rộng 38 mm, góc trái có 2 vạch đỏ song song và ảnh của cán bộ Thanh tra Xây dựng. Phía phải là họ tên, chức danh, in đủ dấu, chữ màu đen, nét chữ in đứng cao 4 mm. Số biển hiệu của Thanh tra Xây dựng gồm 6 chữ số, cao 3,5 mm, chữ số in màu đen, đứng.

Số biển hiệu gồm có 2 nhóm số: Nhóm số tỉnh và nhóm số cán bộ Thanh tra Xây dựng.

Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm cấp và quản lý biển hiệu cho cán bộ Thanh tra Xây dựng do mình quản lý.

Biển hiệu Cán bộ Thanh tra - Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng cấp.

3. Cách ghi số biển hiệu của Thanh tra Xây dựng: Ký hiệu nhóm số tỉnh gồm 2 chữ số (lấy theo mã số đăng ký phương tiện vận tải tại địa phương); nhóm số cán bộ Thanh tra Xây dựng gồm 4 chữ số được viết cách nhau bằng dấu gạch ngang.

Ví dụ: - Một cán bộ Thanh tra Xây dựng có số 18 trong danh sách quản lý thuộc Sở Xây dựng Hà Nội được viết như sau: 29-0018.

- Một cán bộ Thanh tra Xây dựng có số 26 trong danh sách quản lý thuộc Sở Xây dựng Hà Tây được viết như sau: 33-0026.

Điều 9. Thời hạn sử dụng trang phục, trang bị của Thanh tra Xây dựng

Thời hạn sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và các trang bị khác của Thanh tra Xây dựng được thực hiện thống nhất như sau:

TT

Tên trang phục

Số lượng

Thời hạn sử dụng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

Mũ kêpi

Phù hiệu, cấp hiệu

Quần áo Thu - Đông

Quần áo Xuân - Hè

Áo sơ mi dài tay

Áo bông

Áo len

Cravat

Giầy da

Thắt lưng da

Dép da

Tất chân

Áo mưa

Đèn pin

Mũ bảo hiểm

Mũ bảo hộ lao động

Cặp da đựng tài liệu

ủng cao su

1 cái

1 bộ

1 bộ

2 bộ

1 cái

1 cái

1 cái

1 cái

1 đôi

1 cái

1 đôi

4 đôi

1 cái

1 cái

1 cái

1 cái

1 cái

1 đôi

2 năm

2 năm

2 năm (lần đầu cấp 2 bộ)

1 năm

1 năm (lần đầu cấp 2 cái)

3 năm

3 năm

1 năm

1 năm

1 năm

1 năm

1 năm

1 năm

1 năm

2 năm

2 năm

3 năm

1 năm

Điều 10. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Thanh tra Xây dựng

1. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể trang bị, phương tiện làm việc như:

a) Trụ sở làm việc: Tất cả các đơn vị Thanh tra Xây dựng phải có trụ sở làm việc. Qui mô trụ sở, tuỳ theo tổ chức, điều kiện của từng địa phương; ô tô con, ô tô tải, xe tải trung có cần cẩu; mô tô 2 hoặc 3 bánh;

b) Máy bộ đàm, máy ảnh, máy ghi âm, camera và công cụ hỗ trợ;

c) Máy vi tính, điện thoại cố định, máy fax, tủ, cặp đựng tài liệu, bàn ghế, bút, giấy viết, máy phôtô và các thiết bị văn phòng khác;

d) Các trang bị khác như: áo mưa chuyên ngành kiểu măng tô; ủng cao su; đèn pin; mũ bảo hiểm để điều khiển mô tô, kiểu nam và nữ, màu vàng cam, hai bên mũ sơn các chữ TTXD; mũ bảo hộ lao động; cặp da đựng tài liệu; giầy da; dép da; thắt lưng da; áo bông; áo len; tất chân và các trang thiết bị khác theo yêu cầu kỹ thuật, nghiệp vụ.

e) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác theo yêu cầu nghiệp vụ.

2. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Thanh tra Xây dựng phải được gắn phù hiệu của Thanh tra Xây dựng.

3. Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định trang bị phương tiện, thiết bị làm việc cho Thanh tra Bộ Xây dựng.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Trụ sở, phương tiện, thiết bị kỹ thuật đã được trang bị cho các tổ chức Thanh tra Xây dựng nay được sử dụng tiếp và được cấp có thẩm quyền trang bị bổ sung cho đầy đủ theo quy định này.

2. Những cán bộ Thanh tra Xây dựng đã được cấp trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu mà không theo đúng quy định của Quyết định này thì được sử dụng đến hết thời gian sử dụng theo quy định tại Điều 9. Khi trang bị mới phải tuân thủ các quy định của Quyết định này.

3. Hàng năm, Giám đốc Sở Xây dựng phải chỉ đạo Thanh tra Xây dựng lập kế hoạch kinh phí để mua sắm trang phục, cấp hiệu, biển hiệu, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác thanh tra, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 36/2005/QĐ-BXD về tiêu chuẩn thanh tra viên, cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan thanh tra xây dựng; trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu; phương tiện, thiết bị kỹ thuật của thanh tra xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 36/2005/QĐ-BXD
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/10/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 17 đến số 18
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản