Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 355/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC KHÔNG KHÍ CỐ ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các Văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường Quốc gia đến năm 2020”;

Căn cứ Thông tư số 28/2011/TT-BTNMT ngày 01/8/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành quy định về quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn;

Căn cứ các Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (Quốc gia) QCVN về chất lượng không khí; Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về tiếng ồn; Rung động và Chấn động;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại Tờ trình số 65/TTr-STNMT ngày 05/01/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí cố định trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Quy hoạch phải có tính kế thừa, tận dụng và phát huy tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có; sửa chữa, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới các trạm, điểm quan trắc phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu bảo vệ tài nguyên - môi trường, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản phục vụ phát triển bền vững Đất nước trong từng giai đoạn.

2. Mạng lưới quan trắc không khí cố định trên địa bàn Thành phố Hà Nội được quy hoạch phải bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại và có đội ngũ cán bộ đủ năng lực để vận hành. Cùng một yếu tố quan trắc, tại mỗi thời điểm và vị trí xác định, việc quan trắc chỉ do một đơn vị sự nghiệp thực hiện theo một quy trình thống nhất.

3. Mạng lưới quan trắc không khí cố định trên địa bàn Hà Nội là một hệ thống mở, liên tục được bổ sung, nâng cấp và hoàn thiện, kết nối và chia sẻ thông tin bảo đảm thông suốt từ trung ương đến địa phương với sự quản lý thống nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

4. Từng bước hiện đại hóa công nghệ, máy móc và thiết bị quan trắc trên cơ sở áp dụng rộng rãi các công nghệ nghiên cứu tạo ra ở trong nước và tiếp thu, làm chủ được các công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

5. Hoạt động quan trắc không khí để thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản phục vụ bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố được bảo đảm chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đồng thời có cơ chế phù hợp để huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu tổng quát:

Bổ sung, hoàn thiện mạng lưới quan trắc không khí cố định để đánh giá sự thay đổi chất lượng không khí và các yếu tố khí tượng cũng như mối quan hệ giữa chúng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thiết lập được hệ thống mạng lưới quan trắc không khí cố định đồng bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội để: Phục vụ công tác quản lý Nhà nước về môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng; Tổng hợp cung cấp thông tin, số liệu hàng năm về hiện trạng, diễn biến chất lượng không khí và các yếu tố khí tượng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn:

a) Giai đoạn 2011-2015:

- Xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành; đào tạo bổ sung đội ngũ quan trắc viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của mạng lưới quan trắc không khí Hà Nội phù hợp với mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường Quốc gia;

- Bổ sung, sửa đổi các quy định, quy trình, quy phạm, chỉ tiêu quan trắc một cách đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quan trắc không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội;

- Xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 3 trạm quan trắc tự động liên tục dự kiến xây mới cùng với các trạm đã có và các điểm quan trắc định kỳ theo hệ thống mạng lưới quy hoạch mới, trọng tâm là những khu vực, những yếu tố quan trắc có nhu cầu cấp bách phục vụ công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội;

- Nâng cấp cơ sở dữ liệu môi trường không khí, bảo đảm thông tin thông suốt, đồng bộ, có hệ thống với độ tin cậy cao.

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Hoàn thiện việc xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các trạm quan trắc trong Quy hoạch (Bổ sung xây dựng 2 trạm quan trắc không khí tự động liên tục), bảo đảm tính hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường Quốc gia;

- Nâng cao năng lực đội ngũ quan trắc viên, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường Quốc gia.

III. PHẠM VI CỦA QUY HOẠCH:

Quy hoạch hoàn thiện mạng lưới quan trắc không khí cố định trên địa bàn thành phố Hà Nội, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường Quốc gia đến năm 2020 được giới hạn trong khuôn khổ mạng lưới quan trắc hoạt động ổn định, lâu dài. Các trạm quan trắc tự động mang tính đặc thù, phục vụ riêng cho dự báo, cảnh báo về các hiện tượng ô nhiễm nguy hiểm cục bộ khi có sự cố môi trường xảy ra sẽ được bổ sung, xây dựng theo từng đề án riêng.

IV. CÁC THÀNH PHẦN CƠ BẢN CỦA MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC

1. Mạng lưới quan trắc không khí cố định được xây dựng trên cơ sở duy trì, cắt giảm những điểm thừa và bổ sung những điểm mới từ hệ thống mạng lưới quan trắc cũ gồm 1258 điểm (2 trạm tự động liên tục; 716 điểm quan trắc định kỳ chủ động và 540 điểm quan trắc thụ động) để có mạng lưới quan trắc tối ưu theo quy hoạch mới gồm 359 điểm (7 trạm quan trắc tự động liên tục; 176 điểm quan trắc định kỳ chủ động và 175 điểm quan trắc thụ động) đến năm 2020.

2. Danh sách các trạm, điểm quan trắc không khí theo các trạm tự động liên tục, các điểm quan trắc định kỳ chủ động và thụ động được quy hoạch theo mức độ ưu tiên để đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hai giai đoạn: 2011 - 2015 và 2016 - 2020 được ghi trong các phụ lục kèm theo Quyết định này.

V. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH:

1. Cơ chế tài chính tổ chức thực hiện quy hoạch:

a) Kinh phí để thực hiện Quy hoạch được xác định sau khi Báo cáo đầu tư được phê duyệt;

b) Về nguồn vốn thực hiện quy hoạch: Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần huy động thêm các nguồn vốn khác từ xã hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn ODA, FDI … để thực hiện đầu tư có hiệu quả cho việc phát triển mạng lưới quan trắc không khí trên địa bàn Hà Nội.

2. Hoàn thiện về chính sách, pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy:

a) Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc quan trắc, thu thập, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của đơn vị quản lý, vận hành mạng lưới quan trắc không khí Hà Nội;

c) Rà soát, xây dựng, bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với đội ngũ làm công tác quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường;

3. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công nghệ quan trắc:

a) Tăng cường đầu tư xây dựng các trạm, điểm quan trắc (sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây mới);

b) Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại cho hoạt động quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản môi trường không khí.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, Ban, Ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trực thuộc xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm và chi tiết hàng năm để triển khai, thực hiện các nội dung của Quy hoạch; tổ chức thực hiện việc xây dựng và vận hành các trạm, điểm quan trắc không khí;

b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cho các đơn vị làm công tác quan trắc, điều tra cơ bản, quản lý thông tin, số liệu về chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố do Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm và phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng, tham mưu đề xuất, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt theo đúng quy định;

c) Cung cấp thông tin, số liệu quan trắc không khí cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở, Ban, Ngành, địa phương, đơn vị có nhu cầu, đồng thời công khai hóa các thông tin, số liệu phục vụ nâng cao dân trí, giáo dục, truyền thông, trừ các thông tin, số liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước và Thành phố;

d) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và địa phương để thanh tra, kiểm tra và định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện các nội dung của Quy hoạch này;

e) Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện và kiến nghị giải quyết những vấn đề mới phát sinh vượt thẩm quyền.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính:

Căn cứ vào các nội dung của Quy hoạch đã được phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành có liên quan và UBND các Quận, Huyện, Thị xã cân đối, bố trí vốn trình UBND Thành phố phê duyệt để thực hiện Quy hoạch theo đúng kế hoạch, tiến độ.

3. Các Sở, Ban, Ngành khác có liên quan.

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thống nhất và hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, quy trình, quy phạm và kỹ thuật quan trắc, phương thức trao đổi thông tin, số liệu quan trắc không khí áp dụng cho các trạm, điểm quan trắc do các Sở, ngành quản lý;

b) Tổ chức việc quan trắc các tác động đối với môi trường không khí từ hoạt động của ngành, lĩnh vực do Sở, Ngành quản lý;

c) Gửi thông tin, số liệu quan trắc không khí do các Sở, Ban, Ngành quản lý về Sở Tài nguyên và Môi trường.

4. Ủy ban nhân dân Quận, Huyện, Thị xã trực thuộc:

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, vận hành và quản lý các điểm quan trắc không khí nằm trên địa giới hành chính do UBND Quận, Huyện, Thị xã quản lý;

b) Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trong trường hợp có sự cố bất thường hoặc điểm quan trắc nằm trong quy hoạch phải di dời để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xử lý.

Điều 2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung của Quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, Thị xã, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND Thành phố (để b/c);
- Chủ tịch UBND Thành phố (để b/c);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (để b/c);
- Các Đ/c PCT UBND Thành phố;
- CVP, PVP, các Phòng CV;
- Lưu: VT, TNMT (5b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Khanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 355/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí cố định trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 355/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/01/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Vũ Hồng Khanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản