Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
****

Số: 355/1999/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 06 năm 1993 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 61/1998/QĐ - TTg ngày 31 tháng 0
3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Quyết định số 1067/QĐ - TTg ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành Quy chế về xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP




Nguyễn Đình Lộc

 

QUY CHẾ

XÂY DỰNG QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 355/1999/QĐ-TP ngày 22 tháng 11 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn

Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn (gọi chung là tủ sách pháp luật) là nơi lưu giữ và tổ chức sử dụng tài liệu, sách, báo pháp lý để phục vụ công tác của cán bộ chính quyền và đoàn thể; phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân; là biện pháp tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Điều 2. Nhiệm vụ của tủ sách pháp luật

Tủ sách pháp luật có các nhiệm vụ sau đây:

1. Tập hợp, lưu giữ, phổ biến và quản lý tài liệu, sách, báo pháp lý;

2. Là nơi thuận tiện để cán bộ, nhân dân tiếp cận, tìm hiểu pháp luật của Nhà nước, các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng;

3. Giúp cán bộ chính quyền cơ sở vận dụng đúng pháp luật để giải quyết công việc ở địa phương; giúp nhân dân sử dụng đúng đắn pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

4. Cùng với các hình thức sinh hoạt văn hoá khác góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật

Việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

1. Việc xây dựng tủ sách pháp luật được tiến hành từng bước vững chắc, đặt trong tổng thể các hình thức, biện pháp phổ biến giáo dục pháp luật, có sự phối hợp với các điểm sinh hoạt văn hoá ở địa phương và bảo đảm hoạt động ổn định, lâu dài;

2. Địa điểm đặt tủ sách pháp luật phải đảm bảo thuận tiện cho nhân dân trong việc đọc, mượn tài liệu, sách, báo pháp lý;

3. Tủ sách pháp luật được xây dựng thống nhất trên phạm vi cả nước, theo mỗi hình thức phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền; bảo đảm tiết kiệm và được khai thác sử dụng có hiệu quả thiết thực;

4. Tủ sách pháp luật chịu sự quản lý trực tiếp của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và do cơ quan Tư pháp quản lý, hướng dẫn về nghiệp vụ.

Điều 4. Kinh phí xây dựng và duy trì tủ sách pháp luật

Kinh phí xây dựng và duy trì tủ sách pháp luật được lấy từ ngân sách xã, phường, thị trấn theo mức chi đã được hướng dẫn tại Phần II, điểm 2 của Thông tư 05/1999/TTLT-TC-TP ngày 28 tháng 01 năm 1999 của liên Bộ Tư pháp - Tài chính. Định mức cụ thể do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan Tư pháp

1. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp định kỳ hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và chỉ đạo xây dựng tủ sách pháp luật ở địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, tìm các mô hình phù hợp để nhân rộng ở địa phương.

2. Ban Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật cho cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật; tổ chức việc phối hợp khai thác sử dụng, trao đổi giữa tủ sách pháp luật với thư viện công, điểm bưu điện - văn hoá, tủ sách của Bộ đội biên phòng để khai thác có hiệu quả số tài liệu, sách, báo pháp lý hiện có.

Chương 2:

XÂY DỰNG TỦ SÁCH PHÁP LUẬT

Điều 6. Quyết định thành lập Tủ sách pháp luật

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập Tủ sách pháp luật. Trong Quyết định thành lập cần quy định cụ thể về: địa điểm đặt tủ sách pháp luật, người phụ trách, phạm vi và đối tượng phục vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của người phụ trách tủ sách, kinh phí xây dựng tủ sách.

2. ở thôn, bản, tổ dân phố, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể tổ chức Tủ sách pháp luật hoặc điểm sách lưu động để phục vụ cán bộ, nhân dân.

Điều 7. Địa điểm đặt tủ sách pháp luật

Tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở Uỷ ban nhân dân hoặc nơi thuận tiện và bảo đảm các điều kiện thuận lợi để cán bộ, nhân dân sử dụng.

Điều 8. Tài liệu, sách, báo pháp lý của tủ sách pháp luật

1. Tủ sách pháp luật phải có tài liệu, báo pháp lý theo danh mục hướng dẫn thống nhất của Bộ Tư pháp, bao gồm:

a. Văn bản quy phạm pháp luật: Công báo, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành, sách hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan trực tiếp đến nhân dân và chính quyền địa phương;

b. Sách pháp luật phổ thông: sách hỏi - đáp, bình luận, giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, các tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

c. Sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở;

d. Báo pháp luật của trung ương và địa phương.

2. Ngoài các sách, báo pháp luật trên, tuỳ theo điều kiện từng địa phương có thể chọn lọc các loại, sách, tài liệu khác có nội dung pháp luật để phục vụ cán bộ, nhân dân.

Tủ sách pháp luật ở các xã miền núi, dân tộc cần có tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc.

Điều 9. Bổ sung tài liệu, sách, báo pháp lý cho Tủ sách pháp luật

1. Theo hướng dẫn định kỳ của Bộ Tư pháp, Tủ sách pháp luật cần được bổ sung kịp thời các tài liệu, sách, báo pháp lý mới;

2. Để việc mua và cấp tài liệu, sách, báo pháp lý cho Tủ sách pháp luật được thuận lợi, các Phòng Tư pháp làm đầu mối tập hợp số lượng sách pháp lý cần mua, lập báo cáo gửi về Sở Tư pháp (đối với những tài liệu, sách pháp lý do địa phương biên soạn, phát hành) để Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và mua theo đăng ký của các Phòng Tư pháp.

Đối với các tài liệu, sách pháp lý do các nhà xuất bản trung ương và Bộ Tư pháp biên soạn, phát hành từ trước năm 1999, trên cơ sở đăng ký của các Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp sẽ làm việc với các nhà xuất bản để in tái bản hoặc in mới theo số lượng địa phương yêu cầu.

Điều 10. Hỗ trợ xây dựng Tủ sách pháp luật

Ban Tư pháp xây dựng kế hoạch, huy động các tài liệu, sách, báo pháp lý sẵn có trong cán bộ, nhân dân để xây dựng tủ sách pháp luật; khuyến khích các tổ chức, cá nhân ủng hộ tài liệu, sách, báo pháp lý cũng như các điều kiện vật chất khác hỗ trợ cho Tủ sách pháp luật.

Chương 3:

QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT

Điều 11. Cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thị trấn giao cho cán bộ chuyên trách công tác Tư pháp hoặc một cán bộ khác trong Ban Tư pháp phụ trách tủ sách pháp luật

2. Cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật cần có các tiêu chuẩn sau đây:

a. Có trình độ văn hoá nhất định;

b. Có hiểu biết về pháp luật cần thiết;

c. Có lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm.

Điều 12. Nhiệm vụ của cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật

Cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật có các nhiệm vụ sau đây:

1. Cho mượn và hướng dẫn việc sử dụng tài liệu, sách, báo pháp lý;

2. Bảo quản tài liệu, sách, báo pháp lý theo quy định đối với tài sản công;

3. Thường xuyên phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở thực hiện các phương thức khai thác tủ sách pháp luật;

4. Thực hiện các hướng dẫn về nghiệp vụ tủ sách pháp luật của cơ quan tư pháp.

Điều 13. Quyền lợi của cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật

Cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật được hưởng các quyền lợi sau đây:

1. Được hưởng thù lao và các quyền lợi khác theo quy định chung của Nhà nước và quy định của Uỷ ban nhân dân địa phương;

2. Được tập huấn về nghiệp vụ xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật, nghiệp vụ pháp lý;

3. Được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước khi có thành tích xuất sắc trong việc quản lý tủ sách và phổ biến giáo dục pháp luật.

Điều 14. Đăng ký và bảo quản tủ sách pháp luật

Tủ sách pháp luật phải được đăng ký và bảo quản theo quy định của Nhà nước về tài sản công. Người làm mất  hoặc hư hỏng tài liệu, sách, báo pháp lý phải bồi thường theo quy định.

Điều 15. Nội quy tủ sách pháp luật

1. Ban Tư pháp chủ trì phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể soạn thảo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành Nội quy hoạt động của tủ sách pháp luật.

2. Nội dung chủ yếu của Nội quy gồm:

a. Thời gian phục vụ;

b. Hình thức phục vụ;

c. Quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật;

d. Trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và bồi thường thiệt hại của người đọc, người mượn khi làm mất, làm hỏng tài liệu, sách, báo pháp lý.

3. Nội quy tủ sách pháp luật phải được niêm yết tại điểm đặt tủ sách pháp luật.

Điều 16. Thời gian phục vụ

Tủ sách pháp luật mở cửa phục vụ hàng ngày theo thời giờ làm việc của Uỷ ban nhân dân. ở nơi không có điều kiện phục vụ theo thời giờ làm việc của Uỷ ban nhân dân thì quy định rõ ngày, giờ phục vụ để cán bộ, nhân dân dễ dàng đọc, mượn tài liệu, sách, báo pháp lý.

Điều 17. Hình thức phục vụ

1. Tủ sách pháp luật phục vụ bằng hình thức đọc tại chỗ hoặc cho mượn về nhà.

2. Đối với các điểm dân cư xã, Ban Tư pháp có thể tổ chức các tủ sách lưu động hoặc các trạm giao sách để cán bộ, nhân dân thuận tiện khi đọc, mượn tài liệu, sách, báo pháp lý.

Điều 18. Phương thức khai thác Tủ sách pháp luật

Để khai thác tốt tủ sách pháp luật cần thực hiện các phương thức chủ yếu là:

1. Thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân đọc và tìm hiểu các tài liệu, sách, báo pháp lý của tủ sách pháp luật;

2. Kịp thời thông báo nội dung tài liệu, sách báo pháp lý mới trên các bảng tin, trạm tin, loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn để tạo điều kiện thuận tiện cho cán bộ, nhân dân tìm hiểu, đọc, mượn tài liệu, sách, báo pháp lý của tủ sách pháp luật;

3. ở những nơi có điều kiện, cần tổ chức các cuộc nói chuyện, giới thiệu, thi tìm hiểu tài liệu, sách, báo pháp lý để nâng cao hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 355/1999/QĐ-BTP ban hành Quy chế về xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 355/1999/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/11/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Đình Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/12/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản