Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3542/QĐ-UBND | Thanh Hoá, ngày 26 tháng 11 năm 2011 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH THANH HOÁ GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020;
Căn cứ Kết luận số 10 – KL-TU ngày 05/9/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Quy hoạch phát triển nhân lực và Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011 – 2020 ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 2202/TTr-SKHĐT-VX ngày 12/10/2011 ( kèm theo hồ sơ Quy hoạch) về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011 - 2020’’; kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định ( Kèm theo Biên bản hội nghị của Hội đồng thẩm định) Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011-2020, với những nội dung sau:
1. Quan điểm và mục tiêu phát triển nhân lực
1.1. Quan điểm
- Phát triển nhân lực là yếu tố quyết định trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020.
- Phát triển nhân lực toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, vừa chú trọng phát triển nhân tài và đội ngũ chuyên gia, vừa đảm bảo hài hoà về cơ cấu và cân đối nhân lực theo trình độ đào tạo và ngành, lĩnh vực, vùng miền theo định hướng phát triển KT - XH của tỉnh.
- Phát triển nhân lực phải đảm bảo tính thời đại, dài hạn; tiếp cận trình độ các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực.
- Phát triển nhân lực trên cơ sở nhu cầu của xã hội và thị trường lao động, nhất là nhu cầu lao động trong các ngành kinh tế trọng điểm.
- Phát triển nhân lực là sự nghiệp, trách nhiệm của toàn xã hội, khuyến khích và thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhân lực.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nhân lực.
1.2. Mục tiêu
a. Mục tiêu tổng quát: phát triển nhân lực đảm bảo đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn cao và cơ cấu hợp lý, đưa nhân lực trở thành lợi thế quan trọng nhất trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế cạnh tranh, phấn đấu đến năm 2015 nhân lực của tỉnh đạt trình độ khá và đến năm 2020 đạt trình độ tiên tiến của cả nước.
b. Mục tiêu cụ thể
* Đến năm 2015:
- Đáp ứng từ 2.160 - 2.165 nghìn lao động phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó qua đào tạo nghề là 43,4%.
- Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông, lâm, thuỷ sản từ 55% xuống 40%, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ từ 45% năm 2010 lên 60% vào năm 2015.
- Phát triển nhân lực có trình độ cao, phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và 100% công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định; 50% giảng viên ĐH và trên 35% giảng viên CĐ có trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó có trên 20% giảng viên ĐH và ít nhất 10% giảng viên CĐ có trình độ tiến sỹ.
- Tiếp tục mở rộng hợp lý quy mô đào tạo ĐH, CĐ; phấn đấu đạt 300 sinh viên ĐH, CĐ/10.000 dân, trong đó có 45% theo học các trường trên địa bàn tỉnh. Đổi mới công tác đào tạo nhân lực theo hướng tiên tiến, hiện đại, gắn lý thuyết với thực hành, nghiên cứu, ứng dụng, nâng cao chất lượng, đảm bảo học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng thích ứng với thị trường lao động.
* Đến năm 2020:
- Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế; đến năm 2020 số lao động trong nền kinh tế khoảng 2.260 - 2.265 nghìn người.
- Đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ. Nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 70%, trong đó qua đào tạo nghề là 55%.
- Cơ cấu lao động trong nền kinh tế: tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, thuỷ sản giảm còn 30,4%; trong công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng lên 69,6%.
- Phát triển nhân lực chất lượng cao chiếm 10 - 12% lao động được đào tạo, gồm: đội ngũ công chức, lao động KHCN, chuyên gia đầu ngành, đội ngũ doanh nhân giỏi có bản lĩnh, thông thạo kinh doanh trong nước và quốc tế.
- Trên 80% giảng viên ĐH, 60% giảng viên CĐ có trình độ thạc sỹ trở lên; trong đó trên 30% giảng viên ĐH, 20% giảng viên CĐ có trình độ tiến sỹ.
- Phấn đấu đạt 400 sinh viên ĐH, CĐ/10.000 dân, trong đó 50% theo học ở các trường trên địa bàn tỉnh. Tạo được bước đột phá về chất lượng đào tạo, đạt trình độ tiên tiến trong nước; trên 90% sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc.
2. Định hướng phát triển nhân lực đến năm 2020
2.1. Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo
Tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế với cơ cấu hợp lý. Đến năm 2015, tổng lao động qua đào tạo đạt khoảng 1.189 nghìn người, chiếm 55%; năm 2020 khoảng 1.582 nghìn người, chiếm 70% lao động làm việc trong nền kinh tế. Trong tổng số lao động qua đào tạo, số lao động đào tạo qua hệ thống giáo dục - đào tạo năm 2015 khoảng 251 nghìn người (chiếm 21% số lao động qua đào tạo), năm 2020 khoảng 339 nghìn người (chiếm 21,4%); số lao động đào tạo qua hệ thống dạy nghề năm 2015 khoảng 938,3 nghìn người (chiếm 79%), năm 2020 khoảng 1.243 nghìn người (chiếm 78,6%).
Về cơ cấu bậc đào tạo: Năm 2015 số lao động qua đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 730 nghìn người, chiếm 61,4% tổng số lao động qua đào tạo, trung cấp khoảng 219,5 nghìn người (chiếm 18,5%); cao đẳng khoảng 131,5 nghìn người (chiếm 11,0%); đại học khoảng 102,3 nghìn người (chiếm 8,6%); trên đại khoảng trên 5,6 nghìn người (khoảng 0,5%). Năm 2020, số lao động qua đào tạo trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 811,7 nghìn người, chiếm 51,3% tổng số lao động qua đào tạo, trung cấp khoảng 358,2 nghìn người (chiếm 22,6%); cao đẳng khoảng 246,6 nghìn người (chiếm 15,6%); đại học khoảng 155,9 nghìn người (chiếm 9,9%) và trên đại học khoảng 9,6 nghìn người (chiếm 0,6%).
2.2. Phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực
a) Phát triển nhân lực trong ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Dự kiến tốc độ tăng trưởng khu vực I giai đoạn 2011 - 2015 là 3,5%; giai đoạn 2016 - 2020 là 4,3%; những năm tới, ruộng đất canh tác có xu hướng bị thu hẹp; việc đưa máy móc, áp dụng KHCN vào sản xuất được đẩy mạnh. Xu thế chuyển dịch lao động từ khu vực này sang các khu vực khác tiếp tục diễn ra. Tỷ lệ lao động khu vực I so với tổng lao động làm việc trong nền kinh tế năm 2015 khoảng 40%, năm 2020 giảm xuống 30,4%.
Đến năm 2015, dự kiến lao động khu vực I là 864,8 nghìn người, trong đó lao động nông nghiệp là 802,5 nghìn người, lâm nghiệp là 10,4 nghìn người, thuỷ sản là 51,9 nghìn người; đến năm 2020 là 687 nghìn người; trong đó, lao động nông nghiệp 604,4 nghìn người, lâm nghiệp 13,7 nghìn người, thuỷ sản 68,7 nghìn người.
Dự kiến, số lao động qua đào tạo khu vực I đạt 39,2% năm 2015 và 54,1% năm 2020, tương ứng với 338,9 nghìn người, năm 2015 và 371,8 nghìn người năm 2020. Trong số lao động được đào tạo, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 78,9% năm 2015 và 72,3% năm 2020; tương ứng trung cấp chiếm khoảng 14,5% và 18,3%; cao đẳng khoảng 4,6% và 6,8%; đại học trở lên khoảng 2% và 2,6%.
Trong ngành thuỷ sản, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 68% năm 2015 và khoảng 80% năm 2020, trong đó: lao động đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 75% lao động qua đào tạo của ngành thuỷ sản vào năm 2015 và 68% năm 2020; tương ứng trung cấp chiếm khoảng 16% và 21%; cao đẳng khoảng 5,8% và 8,3%; đại học trở lên khoảng 2% và 3,2%.
Trong giai đoạn 2011 - 2020 có khoảng 40 - 45% lao động đã qua đào tạo của khu vực I được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc.
b) Phát triển nhân lực trong ngành công nghiệp - xây dựng
Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP khu vực II (công nghiệp - xây dựng) giai đoạn 2011 - 2015 là 22,3%, giai đoạn 2016 - 2020 là 20,6%. Tỷ lệ lao động nhóm ngành công nghiệp - xây dựng trong tổng lao động của nền kinh tế năm 2015 là 32% và năm 2020 là 39,5%.
Dự kiến, lao động khu vực II đến năm 2015 là 691,8 nghìn người, trong đó: lao động công nghiệp khai thác mỏ 42,9 nghìn người, công nghiệp chế biến 379,1 nghìn người, công nghiệp phân phối điện nước 13,8 nghìn người, xây dựng 256 nghìn người. Đến năm 2020, lao động khu vực II là 892,7 nghìn người, trong đó: Khai thác mỏ 55,4 nghìn người, công nghiệp chế biến 489,2 nghìn người, công nghiệp phân phối điện nước 17,8 nghìn người, xây dựng 330,3 nghìn người.
Dự kiến, số lao động qua đào tạo khu vực II sẽ đạt 54,5% vào năm 2015 và 66,5% năm 2020, tương ứng với 374,6 nghìn người (công nghiệp khai thác mỏ 21 nghìn người, công nghiệp chế biến 214,7 nghìn người, công nghiệp phân phối điện nước 6,7 nghìn người, xây dựng 132 nghìn người) năm 2015 và 593,2 nghìn người (công nghiệp khai thác mỏ 28,6 nghìn người, công nghiệp chế biến 345,9 nghìn người, công nghiệp phân phối điện nước 7,6 nghìn người, xây dựng 211,1 nghìn người) năm 2020. Trong số lao động qua đào tạo, trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 61,7% năm 2015 và 50% năm 2020; tương ứng trung cấp chiếm 23% và 30,2%; cao đẳng khoảng 11,8% và 15,6%; đại học trở lên khoảng 3,6% và 4,3%.
Tỷ lệ lao động khu vực II cần đào tạo bồi dưỡng lại khoảng từ 30 - 35% tổng số lao động đã qua đào tạo của ngành.
c) Phát triển nhân lực trong ngành dịch vụ
Tốc độ tăng trưởng dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 là 16,8%, giai đoạn 2016 - 2020 là 20,1%. Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng ổn định. Tỷ lệ lao động ngành dịch vụ năm 2015 là 28% và năm 2020 tăng lên 30,1%.
Số lao động ngành dịch vụ năm 2015 khoảng 605,4 nghìn người, năm 2020 khoảng 680,3 nghìn người. Số lao động qua đào tạo năm 2015 khoảng 475,6 nghìn người (chiếm 78,6% lao động toàn ngành), năm 2020 khoảng 617 nghìn người (chiếm 90,7%). Trong số lao động qua đào tạo, trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 48,6% năm 2015 và 45,3% năm 2020; trung cấp khoảng 17,8% và 17,9%; cao đẳng khoảng 15,1% và 20,9%; đại học trở lên khoảng 18,5% và 21,2%.
Tỷ lệ lao động của ngành cần đào tạo, bồi dưỡng lại khoảng từ 30 - 35% tổng số lao động đã qua đào tạo.
2.3. Phát triển nhân lực trong các lĩnh vực đặc thù và các vùng của tỉnh
- Phát triển nhân lực lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo
Lao động trong ngành khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo là những ngành đặc biệt quan trọng, có vai trò to lớn trong phát triển nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lao động qua đào tạo ngành khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo năm 2015 là 81,7 nghìn người, chiếm 99,9% số lao động toàn ngành; năm 2020 là 87,7 nghìn người, chiếm 99,9%; trên đại học là 2,5 nghìn người năm 2015 và 4,2 nghìn người năm 2020; chiếm 45% và 43% số người có trình độ trên đại học toàn tỉnh.
- Phát triển nhân lực là đội ngũ doanh nhân
Dự báo đến năm 2015 Thanh Hoá có khoảng 16.000 doanh nghiệp, năm 2020 có trên 20.000 doanh nghiệp. Phát triển nhân lực là đội ngũ doanh nhân có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế; dự kiến số doanh nhân khoảng 32 nghìn người vào năm 2015 và trên 50 nghìn người vào năm 2020; số doanh nhân có trình độ đại học trở lên khoảng trên 18 nghìn người năm 2015 và 42 nghìn người năm 2020.
- Phát triển nhân lực đi làm việc ở nước ngoài
Giai đoạn 2011 - 2015 có khoảng 60 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, bình quân mỗi năm có 12 nghìn người; giai đoạn 2016 - 2020 có khoảng trên 40 nghìn người, bình quân mỗi năm có 8 nghìn người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 100%, trong đó đào tạo nghề là 90%.
- Phát triển nhân lực trong KKT, các KCN và khu công nghệ cao
Thanh Hoá có KKT Nghi Sơn với diện tích 18.611 ha, 4 KCN tập trung là Lễ Môn, Tây Bắc ga, Bỉm Sơn, Lam Sơn; dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm 5 KCN mới và 1 khu công nghệ cao được thành lập.
Dự kiến trong giai đoạn tới, nhu cầu lao động có tay nghề cao cho KKT, các KCN và khu công nghệ cao của tỉnh là khá lớn; đến năm 2015 lao động qua đào tạo trên 150 nghìn người, năm 2020 trên 294 nghìn người. Giai đoạn 2011 - 2015: đào tạo CĐN trên 18 nghìn người, TCN 22,5 nghìn người; đào tạo CĐ, ĐH và trên ĐH trên 4,5 nghìn người; giai đoạn 2016 - 2020: đào tạo CĐN trên 35 nghìn người, TCN trên 44 nghìn người, đào tạo CĐ, ĐH và trên ĐH trên 9 nghìn người.
- Phát triển nhân lực ngành du lịch
Lao động trực tiếp làm việc trong ngành du lịch đến 2015 là 26,5 nghìn người và 50,5 nghìn người năm 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 74,2% năm 2015 và 84,5% năm 2020. Trong số lao động qua đào tạo, SCN và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 37% năm 2015 và 32% năm 2020; tương ứng TC và CĐ chiếm khoảng 40% và 42%; ĐH trở lên khoảng 23% và 26%.
- Phát triển nhân lực lĩnh vực y tế
Nhu cầu cán bộ y tế đến năm 2015 khoảng 11,2 nghìn người và khoảng 11,7 nghìn người năm 2020. Số cán bộ y tế cần bổ sung đến năm 2015 là 3,9 nghìn người và năm 2020 là 4,4 nghìn người, trong đó số bác sỹ cần bổ sung năm 2015 là 780 bác sỹ và 296 dược sỹ đại học; năm 2020 là 1.218 bác sỹ và 488 dược sỹ đại học để đạt mục tiêu 7 bác sỹ/1 vạn dân, 1 dược sỹ đại học/vạn dân vào năm 2015 và 8 bác sỹ/1 vạn dân và 1,5 dược sỹ đại học/vạn dân vào năm 2020.
- Phát triển nhân lực vùng miền núi
Đến năm 2015, tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế của vùng khoảng 645 nghìn người, năm 2020 khoảng 662 nghìn người. Cơ cấu lao động trong các ngành nông, lâm, thuỷ sản - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ đến năm 2015 là 65% - 15% - 20%; năm 2020 là 55% - 20% - 25%.
Lao động qua đào tạo năm 2015 khoảng 226 nghìn người, chiếm 35%; năm 2020 khoảng 298 nghìn người, chiếm 45% tổng số lao động làm việc của vùng. Trong số lao động qua đào tạo, đào tạo qua hệ dạy nghề năm 2015 khoảng 171,3 nghìn người, chiếm 75,7%, năm 2020 khoảng 232,8 nghìn người, chiếm 78%; đào tạo qua hệ giáo dục, đào tạo năm 2015 khoảng 54,8 nghìn người, chiếm 24,3%, năm 2020 khoảng 65,4 nghìn người, chiếm 22% tổng số lao động qua đào tạo.
- Phát triển nhân lực vùng ven biển
Đến năm 2015, tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế của vùng khoảng 657,2 nghìn người, năm 2020 khoảng 698 nghìn người. Cơ cấu lao động trong các ngành nông, lâm, thuỷ sản - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ đến năm 2015 là 45% - 28,3% - 26,7%; năm 2020 là 30% - 39,8% - 30,2%.
Lao động qua đào tạo năm 2015 khoảng 361 nghìn người, chiếm 55%; năm 2020 khoảng 488 nghìn người, chiếm 70% tổng số lao động làm việc của vùng. Trong tổng số lao động qua đào tạo, đào tạo qua hệ dạy nghề năm 2015 khoảng 293,6 nghìn người, chiếm 81%, năm 2020 khoảng 392,4 nghìn người, chiếm 80%; đào tạo qua hệ giáo dục, đào tạo năm 2015 khoảng 67,9 nghìn người, chiếm 19%; năm 2020 khoảng 96,2 nghìn người, chiếm 20% tổng số lao động qua đào tạo.
3. Giải pháp phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020
3.1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển nhân lực
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phát triển nhân lực, làm cho mọi người nhận thức rõ nhân lực là nền tảng, là yếu tố quyết định nhất trong phát triển kinh tế - xã hội và thấy được vai trò, trách nhiệm đào tạo, sử dụng nhân lực là nhiệm vụ của toàn xã hội, để từ đó biến thách thức về nhân lực hiện tại (số lượng đông, tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp…) thành lợi thế trong tương lai (chủ yếu qua đào tạo).
3.2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển nhân lực
- Hoàn thiện bộ máy, đổi mới phương pháp và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về phát triển nhân lực
Phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của UBND các cấp, các sở, ban, ngành trong việc theo dõi, dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực. Rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý phát triển nhân lực của các ngành, các đơn vị; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo đủ cán bộ và phân bố hợp lý cho các vùng.
Từng bước áp dụng các mô hình và phương pháp quản trị nhân sự hiện đại; mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực; kế hoạch thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nhân lực; đổi mới phương pháp đánh giá năng lực công tác và chế độ khen thưởng, kỷ luật.
- Hình thành Trung tâm phát triển nhân lực của tỉnh có chức năng, nhiệm vụ thu thập, nghiên cứu, xây dựng hệ thống thông tin, dự báo nhu cầu nhân lực; xây dựng kế hoạch đào tạo và sử dụng lao động; tổ chức thị trường lao động...
- Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nhân lực
Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, sự tham gia của các nhà khoa học, của doanh nghiệp và người lao động trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực của địa phương, đơn vị; thực hiện tốt cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước, cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động từ khâu xây dựng kế hoạch đến đào tạo và sử dụng lao động.
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhân lực
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đã ban hành, đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách mới, tạo thuận lợi cho công tác phát triển nhân lực như: chính sách hỗ trợ học phí đối với học sinh, người học nghề, nhất là khu vực miền núi, vùng bãi ngang; hỗ trợ tư nhân mở trường đào tạo chuyên nghiệp, đào tạo nghề; hỗ trợ giáo viên giỏi; chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài...
3.3. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
- Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh, phù hợp với nhu cầu đào tạo và phát triển nhân lực
Phát triển mạng lưới các trường ĐH, CĐ, TCCN và các cơ sở dạy nghề theo hướng mở rộng quy mô, đa dạng ngành nghề, cấp độ và loại hình đào tạo; chuyển đổi ngành nghề đào tạo linh hoạt, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội.
Xây dựng Trường ĐH Hồng Đức thành trung tâm đào tạo đạt trình độ tiên tiến, theo hướng đa cấp, đa ngành với nhiều trường thành viên; tập trung đầu tư xây dựng Trường ĐH Văn hoá - Thể thao và Du lịch; thành lập phân viện Đại học Y Hà Nội và tiến tới thành lập Trường ĐH Y Dược Thanh Hóa trước năm 2020; thành lập Trường ĐH Kinh tế - Công nghệ Nghi Sơn và một số trường ĐH khác; nâng cấp một số trường TCCN lên cao đẳng như: Trường TC Xây dựng; Trường TC Thương mại Trung ương 5; Trường TC Nông lâm.
Hoàn thành đầu tư xây dựng các trung tâm dạy nghề ở 7 huyện nghèo và Trường CĐ nghề Nghi Sơn, Trung tâm đào tạo lao động đi xuất khẩu ở Trung Đông trước năm 2013; nâng cấp Trường TCN miền núi lên cao đẳng; thành lập mới các trường: Trường CĐ Du lịch dịch vụ Sầm Sơn; Trường cao đẳng nghề Licogi; trường TCN ở các huyện miền núi... để đào tạo và cung cấp nhân lực cho phát triển các ngành và xuất khẩu lao động.
- Bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhân lực
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên các cơ sở đào tạo và dạy nghề, đảm bảo số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo. Ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi; tranh thủ các chương trình đào tạo tiến sỹ của Trung ương... để bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của tỉnh.
Có chính sách thu hút giáo viên giỏi trong cả nước về công tác tại tỉnh; huy động các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nghệ nhân, thợ bậc cao trong các doanh nghiệp tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề.
- Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo gắn với chuẩn đầu ra mà người học cần đạt được; lựa chọn ngành mũi nhọn để ưu tiên đào tạo
Các cơ sở giáo dục - đào tạo và dạy nghề cần chủ động đổi mới nội dung, chương trình theo hướng chuẩn hoá, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; đổi mới phương pháp đào tạo nhằm phát huy tính chủ động của người học.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hình thành hệ thống thư viện điện tử kết nối các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo trên địa bàn.
Ưu tiên đào tạo lao động chất lượng cao cho KKT, các KCN và các ngành như: lọc hóa dầu, sản xuất VLXD, điện, cơ khí chế tạo, chế biến nông sản, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tài chính, ngân hàng... Tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo các ngành, nghề còn thiếu với các trường có chất lượng cao.
3.4. Giải pháp huy động các nguồn lực
a) Huy động vốn đầu tư
- Để đạt được các mục tiêu Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, nhu cầu vốn cần khoảng 26.797 tỷ đồng, trong đó:
+ Giai đoạn 2011 - 2015: 10.570 tỷ đồng; ngân sách Trung ương là 2.255 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 2.862 tỷ đồng; huy động khác là 5.453 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2016 - 2020: 16.227 tỷ đồng; ngân sách Trung ương là 5.622 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 3.936 tỷ đồng; huy động khác là 6.669 tỷ đồng.
- Giải pháp huy động vốn thực hiện quy hoạch:
+ Tăng tỷ lệ đầu tư hàng năm từ ngân sách tỉnh cho đào tạo nhân lực.
+ Tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho giáo dục, đào tạo.
+ Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá lĩnh vực giáo dục, đào tạo; huy động sự đóng góp của người sử dụng lao động và người được đào tạo; áp dụng mô hình đào tạo theo cơ chế chia sẻ kinh phí đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.
+ Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao theo nhu cầu xã hội của các cơ sở đào tạo.
b) Giải pháp huy động chuyên gia, nhà quản lý
Xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ khoa học công nghệ trình độ cao ở trong và ngoài nước để hợp tác, thu hút các nhà khoa học tham gia giảng dạy, chuyển giao công nghệ, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để thu hút nhân lực có trình độ cao về công tác tại KKT, các KCN và khu công nghệ cao.
c) Giải pháp về đất đai để phát triển giáo dục, đào tạo
Ưu tiên quỹ đất có vị trí thuận lợi, đảm bảo diện tích đất cho các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề; thực hiện giao đất sạch cho các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo; khuyến khích và có hình thức vinh danh đối với các cá nhân tự nguyện hiến đất, tặng đất để xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo.
3.5. Giải pháp về việc làm, thị trường lao động, điều kiện làm việc
a) Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm ổn định việc làm và tạo thêm việc làm mới cho người lao động
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách mới thực sự thông thoáng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Tăng cường thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, ưu tiên đầu tư hạ tầng KKT Nghi Sơn, các KCN, cụm công nghiệp, các dự án đầu tư hạ tầng.
b) Chính sách phát triển thị trường lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động
Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động và dịch vụ về đào tạo, tìm kiếm, giới thiệu việc làm, tạo cầu nối liên kết giữa cung và cầu lao động, giữa người lao động, cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động. Phát triển thị trường lao động thông qua hoạt động sàn giao dịch; gắn hệ thống thông tin thị trường lao động với thông tin KT - XH của tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia.
3.6. Nâng cao thể lực, trình độ nhân lực
Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, thể thao... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về lao động... để người lao động theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, đồng thời nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
3.7. Mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác trong phát triển nhân lực
Mở rộng và tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức Trung ương để tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhân lực.
Tận dụng lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để mở rộng quan hệ giao lưu, trao đổi, hợp tác với với các tỉnh bạn về đào tạo, tuyển dụng, chuyển giao, hợp tác về nhân lực... để điều tiết cung cầu lao động trên thị trường.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài để đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm phát triển nhân lực của tỉnh.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Tổng hợp, xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực 5 năm, hàng năm của tỉnh; đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch. Định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch với UBND tỉnh.
Tham mưu đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo có sử dụng nguồn vốn ngân sách trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Hoàn thiện và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo đến 2020; rà soát, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện tốt Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ và dạy nghề đến 2020; xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở đào tạo trực thuộc triển khai thực hiện tốt quy hoạch.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các ngành rà soát, hoàn chỉnh và chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ và dạy nghề đến 2020; xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch 5 năm, hàng năm về đào tạo nghề, phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh; xây dựng hệ thống và cung ứng thông tin về thị trường lao động; tổ chức tốt sàn giao dịch việc làm của tỉnh.
- Sở Nội vụ: Rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo hàng năm, 5 năm nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ đối với những cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, những người có trình độ cao ở ngoài tỉnh về làm việc tại tỉnh; xây dựng đề án thu hút chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước về công tác tại tỉnh.
- Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo nhân lực; sử dụng tiềm lực con người trong nghiên cứu khoa học - công nghệ và ứng dụng trong sản xuất và đời sống.
- Ban quản lý KKT Nghi Sơn: Xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm về phát triển nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển KKT Nghi Sơn, các KCN và khu công nghệ cao; xây dựng các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc trong KKT, các KCN và khu công nghệ cao.
- Ban Dân tộc: Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nguồn nhân lực vùng miền núi.
- Sở Y tế: Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ, đặc biệt là tuyến cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khám chữa bệnh; làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ, góp phần nâng cao thể lực cho người lao động; thực hiện tốt công tác dân số - KHH gia đình.
- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng dự toán và đảm bảo kinh phí trong công tác phát triển nhân lực. Phối hợp với các ngành kiểm tra, giám sát sử dụng kinh phí, đảm bảo đúng mục đích và có hiệu quả.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố rà soát, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ưu tiên quỹ đất cho phát triển các cơ sở đào tạo, dạy nghề.
- Các cơ sở đào tạo: Căn cứ quy hoạch tổng thể để xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm, chủ động triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.
- Uỷ ban MTTQ và các thành viên của Uỷ ban MTTQ các cấp; các tổ chức, đơn vị có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia thực hiện quy hoạch này.
- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ quy hoạch được duyệt, phối hợp chặt chẽ với các ngành và đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch và các chương trình, dự án phát triển nhân lực thuộc lĩnh vực, địa phương mình quản lý, lồng ghép các nội dung của quy hoạch này với các quy hoạch có liên quan để thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở; thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Thông tư 03/2008/TT-BKH hướng dẫn Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định 281/2007/QĐ-BKH ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 5Quyết định 114/2009/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1216/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 126/2011/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 8Quyết định 986/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2020
Quyết định 3542/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011 - 2020
- Số hiệu: 3542/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/11/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Vương Văn Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra