- 1Luật Công chứng 2014
- 2Nghị định 29/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Công chứng
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 5Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 6Nghị quyết 172/NQ-CP năm 2020 về chính sách phát triển nghề công chứng do Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 299/QĐ-BTP năm 2021 Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng do Bộ Tư pháp ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3534/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 16 tháng 11 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2023-2025"
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Luật Công chứng năm 2014;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 11 Luật có liên quan đến Quy hoạch năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;
Căn cứ Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng;
Căn cứ Quyết định số 299/QĐ-BTP ngày 05/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng; Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 10/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;
Căn cứ Kết luận số 866-KL/BCSĐ ngày 10/11/2023 của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 80/TTr-STP ngày 29/8/2023; ý kiến của Sở Tài chính tại Văn bản số 5649/STC-TCHCSN ngày 31/10/2023 và ý kiến đồng ý của các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 2835/VP.UBND ngày 06/9/2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023 - 2025", gồm các nội dung cơ bản sau:
1. Mục tiêu của Đề án
1.1. Mục tiêu chung
Triển khai thống nhất, đồng bộ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, đảm bảo phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận dịch vụ công chứng, đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc cải cách tư pháp của Tỉnh.
1.2. Mục tiêu cụ thể
(1) Công tác quản lý nhà nước về công chứng: việc thành lập Văn phòng công chứng; hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, đăng ký hoạt động; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; thay đổi địa điểm trụ sở phải bảo đảm quy định của pháp luật, phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
(2) 100% công chứng viên đảm bảo đủ điều kiện năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức hành nghề công chứng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
(3) 100% công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Tỉnh được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề công chứng hàng năm.
(4) 100% các tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động trên địa bàn Tỉnh bảo đảm ổn định, bền vững.
(5) Phấn đấu đến năm 2025, phát triển được các tổ chức hành nghề công chứng tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh.
2. Nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
2.1. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về công chứng
- Thường xuyên rà soát các quy định pháp luật; báo cáo, đề xuất, kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan về thể chế, góp ý hoàn thiện quy định pháp luật về công chứng.
- Ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai sau khi Luật Công chứng sửa đổi được ban hành. Tập trung triển khai thực hiện Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành; kịp thời tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công chứng ở địa phương theo quy định, tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác quản lý trong hoạt động công chứng.
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành liên quan đến hoạt động công chứng để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các nội dung không còn phù hợp với quy định pháp luật mới ban hành, tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương và thực tiễn công tác quản lý nhà nước; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định pháp luật về công chứng và quy định pháp luật có liên quan.
2.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ
- Phổ biến sâu rộng quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn Tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật công chứng, về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng, định hướng phát triển nghề công chứng. Tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp. Thường xuyên cập nhật các quy định mới, thông tin mới về hoạt động công chứng trên Cổng thông tin điện tử thành phần của Sở Tư pháp và Trang thông tin điện tử về phổ biến, giáo dục pháp luật của Tỉnh.
- Gắn công tác tuyên truyền, phổ biến với việc theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế.
- Hàng năm chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các quy định pháp luật, nhất là các quy định mới liên quan đến lĩnh vực công chứng cho công chức, viên chức, các công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ, người lao động tại các tổ chức hành nghề công chứng. Quan tâm bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ liên quan đến hoạt động hành nghề của công chứng viên, những vấn đề, nội dung mới, kỹ năng phát hiện tài liệu, giấy tờ giả, đối tượng giả mạo giấy tờ trong công chứng; nâng cao đạo đức hành nghề cho đội ngũ công chứng viên và nhân viên nghiệp vụ...
2.3. Phát triển tổ chức hành nghề công chứng và đội ngũ công chứng viên
- Thực hiện chặt chẽ quy trình thẩm tra hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng; hồ sơ thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng công chứng phải phù hợp với tiêu chí theo quy định của Trung ương và của Tỉnh, bảo đảm tính khả thi, ổn định, bền vững, phân bổ hợp lý gắn với phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Khuyến khích thành lập Văn phòng công chứng ở các địa bàn kinh tế - xã hội còn khó khăn.
- Thường xuyên cập nhật, rà soát thông tin, các nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, thông tin hành nghề của công chứng viên trên địa bàn Tỉnh.
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của 02 Phòng Công chứng, bảo đảm Phòng Công chứng giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt trong cung cấp dịch vụ công chứng.
- Xây dựng đội ngũ công chứng viên chuyên nghiệp, chất lượng cao, trong đó chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước về tập sự hành nghề công chứng; thẩm định chặt chẽ hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên theo đúng quy định.
2.4. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ công chức tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về công chứng.
- Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; đề cao trách nhiệm của cá nhân trong thực thi công vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém để khắc phục, xử lý nghiêm khi có sai phạm. Động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân nỗ lực, sáng tạo, đạt kết quả cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, thực hiện nghiêm túc các thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất khi có phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, báo chí đối với hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên; kịp thời phát hiện vi phạm để chấn chỉnh, xử lý, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và trật tự cho hoạt động công chứng. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về công chứng và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
- Mở rộng hoạt động phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ngành chức năng trong công tác thanh, kiểm tra như: Cục Thuế, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.
- Đảm bảo nhân lực phục vụ công tác quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công chứng và xu thế hội nhập.
2.5. Ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động công chứng
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu công chứng tỉnh Quảng Ninh, bảo đảm kết nối thông suốt giữa Sở Tư pháp với các tổ chức hành nghề công chứng và các sở, ngành, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh; cập nhật kịp thời thông tin về hợp đồng, giao dịch, thông tin ngăn chặn, giải tỏa lên phần mềm nhằm tăng cường chia sẻ dữ liệu phục vụ hoạt động công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.
- Xây dựng Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng đảm bảo hiệu quả, thiết thực; thường xuyên rà soát, phát triển, nâng cấp, bảo trì phần mềm Cơ sở dữ liệu công chứng tỉnh Quảng Ninh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Chú trọng tập huấn việc khai thác sử dụng hệ thống thông tin, làm việc trên môi trường điện tử và thực hiện việc cập nhật, kết nối, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động công chứng, chuẩn bị cho việc thực hiện công chứng trên môi trường điện tử (công chứng số).
- Nghiên cứu, đề xuất biện pháp hỗ trợ, ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ khác đối với những Văn phòng công chứng được thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, huyện đảo.
- Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và tăng cường phối hợp, trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan khi thực hiện công chứng, chứng thực các giao dịch liên quan đến bất động sản.
2.6. Tăng cường trách nhiệm tự quản của Hội Công chứng viên
- Hội Công chứng viên tỉnh tăng cường công tác giám sát hoạt động hành nghề của công chứng viên; kịp thời phát hiện các tiêu cực, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm, ứng xử không đúng Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; có biện pháp xử lý nghiêm đối với những hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề công chứng hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công chứng theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.
- Tổ chức các hội nghị, giao ban, tọa đàm, lớp bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hành nghề của công chứng viên.
- Tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp trong việc triển khai các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động công chứng; tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chúng, chính sách phát triển nghề công chứng, chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng; rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng. Kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 335/QCPH-STP-HCCV ngày 29/3/2023 giữa Sở Tư pháp và Hội Công chứng viên tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn Tỉnh.
2.7. Các điều kiện đảm bảo nguồn lực
- Bảo đảm ổn định về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về công chứng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, kiến thức nghiệp vụ công chứng, kỹ năng quản lý hiệu quả đối với các tổ chức hành nghề công chứng. Bố trí công chức phụ trách công tác quản lý nhà nước về công chứng tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề công chứng, các lớp bồi dưỡng về công nghệ thông tin. Tổ chức hoạt động học tập thực tế tại các địa phương để nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm quản lý nhà nước về công chứng.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý việc tập sự hành nghề công chứng; quản lý chặt chẽ, đúng quy định việc đăng ký hành nghề công chứng trên địa bàn Tỉnh; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để kịp thời nắm bắt và xử lý triệt để các vấn đề phát sinh trong quá trình hành nghề của công chứng viên.
3. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước phân cấp theo quy định và các nguồn đóng góp, hỗ trợ hợp pháp khác (nếu có).
4. Thời gian thực hiện: từ năm 2023 - 2025.
5. Tổ chức thực hiện
5.1. Sở Tư pháp
- Tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung của Đề án; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án. Cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động công chứng trên địa bàn Tỉnh cho các sở, ban, ngành theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Thông tin và Truyền thông, Tài chính và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu công chứng. Xây dựng và tham mưu ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn Tỉnh. Khai thác và ứng dụng có hiệu quả phần mềm Cơ sở dữ liệu công chứng ngay sau khi Cơ sở dữ liệu công chứng Tỉnh được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
- Bám sát các chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Tư pháp về định hướng phát triển nghề công chứng để tham mưu tổ chức thực hiện; theo dõi, đôn đốc các ngành, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện Đề án; kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc do các cơ quan, đơn vị phản ánh trong quá trình thực hiện để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.
- Chủ trì thực hiện sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án trên địa bàn Tỉnh; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định và theo yêu cầu, hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ (nếu thấy cần thiết) đối với các Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của Tỉnh theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.
5.2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp trong việc cung cấp thông tin về việc thu hồi, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và các thông tin liên quan đến bất động sản để các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Tỉnh biết, kịp thời xử lý khi công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản; hỗ trợ các tổ chức hành nghề công chứng trong các hoạt động nghiệp vụ liên quan.
- Chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai Tỉnh và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố kịp thời cung cấp các thông tin ngăn chặn và giải tỏa ngăn chặn về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Sở Tư pháp để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu công chứng.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tích hợp Cơ sở dữ liệu về đất đai với Cơ sở dữ liệu công chứng (sau khi được hoàn thiện) nhằm cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu của tổ chức hành nghề công chứng và tổ chức, cá nhân theo đúng quy định pháp luật, phục vụ kịp thời việc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản.
5.3. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu công chứng.
- Phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.
5.4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh, các cơ quan báo chí hợp tác truyền thông, đặt Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú và hệ thống thông tin cơ sở của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về hoạt động công chứng, pháp luật về công chứng, giá trị pháp lý của văn bản công chứng để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan xây dựng Cơ sở dữ liệu công chứng của tỉnh.
5.5. Sở Văn hóa và Thể thao
Phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra các địa điểm có dấu hiệu giao dịch công chứng ngoài trụ sở trái pháp luật; xử lý nghiêm vi phạm trong việc sử dụng biển hiệu, bảng, hộp đèn, màn hình quảng cáo...
5.6. Công an tỉnh
- Phối hợp với Sở Tư pháp trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về công chứng; thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động công chứng để phạm tội; về dấu hiệu, hành vi vi phạm của công chứng viên đang hành nghề trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp cung cấp quyết định kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra và quyết định hủy bỏ quyết định trên; kịp thời thông tin bằng văn bản về các trường hợp ngăn chặn giao dịch liên quan đến tài sản, giả mạo người, giả mạo giấy tờ để giao dịch liên quan đến tài sản, lừa đảo tài sản đến Sở Tư pháp để cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu công chứng.
- Chỉ đạo các đơn vị phối hợp, hỗ trợ các tổ chức hành nghề công chứng xử lý kịp thời khi phát hiện hành vi sử dụng tài liệu, giấy tờ giả, giả mạo người yêu cầu công chứng và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động công chứng; tạo điều kiện thuận lợi để công chứng viên lấy chữ ký theo yêu cầu của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch trong trường hợp người yêu cầu công chứng đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc đang thi hành án hình sự tại Trại tạm giam, các nhà tạm giữ phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.
- Phối hợp với các Sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh thực hiện liên thông Cơ sở dữ liệu công chứng với các Cơ sở dữ liệu về đất đai, thuế, nhà ở, doanh nghiệp và dân cư.
5.7. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh
- Kịp thời cung cấp thông tin bằng văn bản cho Sở Tư pháp các vụ việc tranh chấp liên quan đến các hợp đồng, giao dịch đã công chứng từ khi thụ lý, giải quyết hồ sơ đến khi kết thúc vụ án liên quan đến công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh.
- Gửi các quyết định đình chỉ vụ án và các Bản án của Tòa án liên quan đến công chứng viên để Sở Tư pháp thực hiện thủ tục hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ hành nghề công chứng và miễn nhiệm công chứng viên theo quy định của Luật Công chứng.
- Phối hợp thực hiện và chỉ đạo Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cung cấp kịp thời các quyết định kê biên tài sản đang tranh chấp, phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp và các quyết định thay đổi, bổ sung, hủy bỏ các quyết định trên cho Sở Tư pháp để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu công chứng.
5.8. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh
Phối hợp thực hiện và chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cập nhật cung cấp các Quyết định có liên quan đến việc kê biên tài sản, chấm dứt kê biên tài sản, Quyết định ngăn chặn, Quyết định giải tỏa ngăn chặn cho Sở Tư pháp để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu công chứng.
5.9. Cục Thi hành án dân sự tỉnh
Thực hiện, chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố cung cấp kịp thời các quyết định phong tỏa tài sản, quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản và quyết định thu hồi, chấm dứt, sửa đổi các quyết định ngăn chặn cho Sở Tư pháp để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu công chứng.
5.10. Cục Thuế tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra các Phòng công chứng và các Văn phòng công chứng trong việc thực hiện chế độ thu, nộp và quản lý phí công chứng, phí chứng thực, thù lao công chứng, chi phí khác; chế độ quản lý sử dụng biên lai, hóa đơn chứng từ, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính theo đúng quy định hiện hành. Kiểm tra các Văn phòng công chứng việc thực hiện chấp hành pháp luật thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và pháp luật thuế, phí liên quan.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế; công khai các thủ tục về thuế tại trụ sở, trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức hành nghề công chứng khi có đề nghị theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp các Sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an tỉnh thực hiện liên thông Cơ sở dữ liệu công chứng với các Cơ sở dữ liệu về đất đai, thuế, nhà ở, dân cư.
5.11. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tỉnh
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng, pháp luật về tín dụng, ngân hàng và pháp luật khác có liên quan nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo cho việc công chứng các hợp đồng giao dịch về tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định pháp luật về công chứng.
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng các quy định pháp luật về tài chính, tín dụng ngân hàng và các Nghị định quy định chi tiết và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu phát hiện những điểm chưa phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật về công chứng có liên quan đến tín dụng, ngân hàng hoặc về tín dụng, ngân hàng có liên quan đến các hợp đồng giao dịch về tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh chủ động kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung, sửa đổi theo quy định.
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện phối hợp và cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng; phối hợp với các tổ chức hành nghề công chứng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hợp đồng giao dịch về tín dụng liên quan đến tài sản đã được giải chấp.
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là việc không sử dụng dịch vụ công chứng tại điểm giao dịch ngoài trụ sở trái pháp luật. Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của tổ chức tín dụng, cán bộ làm công tác tín dụng có sai phạm.
5.12. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án này; chủ động đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp phát triển nghề công chứng.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc thực hiện công chứng theo đề nghị của các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên theo đúng quy định. Khi phát hiện các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về pháp luật về công chứng kịp thời phản ánh và phối hợp với Sở Tư pháp xử lý theo thẩm quyền, đặc biệt là các hành vi vi phạm của công chứng viên, hành vi mở các chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng, vị trí, vai trò của hoạt động công chứng, giá trị pháp lý và hệ quả pháp lý của văn bản công chứng trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này, Kế hoạch 149/KH-UBND ngày 10/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
5.13. Hội Công chứng viên tỉnh
- Chủ động tham mưu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì, nhiệm vụ được giao phối hợp trong Đề án này.
- Thường xuyên phối hợp, thông tin, trao đổi với Sở Tư pháp về tình hình tổ chức và hoạt động công chứng nhằm phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng; duy trì thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 335/QCPH-STP-HCCV ngày 29/3/2023 giữa Sở Tư pháp và Hội công chứng viên tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
- Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động công chứng của Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành có liên quan.
5.14. Các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên
- Các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên trên địa bàn Tỉnh thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên theo quy định pháp luật. Trưởng các tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ các quy định pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát hoạt động nội bộ tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động công chứng của Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành có liên quan.
- Các tổ chức hành nghề công chứng phải thường xuyên nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị làm việc; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng để ngày càng phục vụ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn; đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu; tạo môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện nghiêm nghĩa vụ cập nhật kịp thời thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch do công chứng viên của tổ chức mình thực hiện công chứng lên Cơ sở dữ liệu công chứng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông/bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 1778/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023-2025
- 2Quyết định 1873/QĐ-UBND năm 2023 Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 3Quyết định 2226/QĐ-UBND năm 2023 về Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 4Quyết định 21/QĐ-UBND năm 2024 về Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 5Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2024 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 6Quyết định 919/QĐ-UBND năm 2024 về Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 1Luật Công chứng 2014
- 2Nghị định 29/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Công chứng
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 5Luật Quản lý thuế 2019
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Nghị quyết 172/NQ-CP năm 2020 về chính sách phát triển nghề công chứng do Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 299/QĐ-BTP năm 2021 Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng do Bộ Tư pháp ban hành
- 9Quyết định 1778/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023-2025
- 10Quyết định 1873/QĐ-UBND năm 2023 Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 11Quyết định 2226/QĐ-UBND năm 2023 về Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 12Quyết định 21/QĐ-UBND năm 2024 về Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 13Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2024 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 14Quyết định 919/QĐ-UBND năm 2024 về Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Quyết định 3534/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025"
- Số hiệu: 3534/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/11/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Bùi Văn Khắng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/11/2023
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực