Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3514/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI “NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” NĂM 2016

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2016 trong ngành Công Thương.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng; các Viện, Trung tâm, Báo, Tạp chí; các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty; các Trường thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2 (để thực hiện);
- Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3514/QĐ-BCT ngày 25 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Sau 3 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 09 tháng 11) đã được các bộ, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, triển khai nghiêm túc, tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần xây dựng lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Để triển khai thực hiện Ngày Pháp luật năm 2016 có chất lượng, thiết thực, hiệu quả, Bộ Công Thương hướng dẫn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý đất nước và kiến tạo sự phát triển xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người trong xã hội; Hưởng ứng Ngày Pháp luật bằng hành động, việc làm cụ thể, thường xuyên nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện và bền vững trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành Hiến pháp, pháp luật, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Yêu cầu

Bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm; huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội; bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trọng tâm là công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.

II. CHỦ ĐỀ VÀ KHẨU HIỆU

1. Chủ đề

Nâng cao năng lực xây dựng, thực thi pháp luật; giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

2. Khẩu hiệu

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, hoạt động và tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật; tham khảo một số khẩu hiệu do Bộ Tư pháp cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp từ ngày 01 tháng 9 năm 2016 hoặc một số khẩu hiệu sau:

- “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

- “Tuân theo Hiến pháp, pháp luật là nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

- “Chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật là nét đẹp văn hóa, là việc làm thiết thực của mỗi người dân để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

- “Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật”.

- “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương gương mẫu chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật”.

III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, THỜI GIAN TỔ CHỨC

1. Nội dung

Gắn với quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2016-2020) và các luật, pháp lệnh mới ban hành; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào chế độ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật, trọng tâm là:

- Quán triệt, phổ biến sâu rộng nội dung chính sách trong các văn bản pháp luật, các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; các quy định mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế, chú trọng các quy định liên quan trực tiếp đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sản xuất; các chính sách, nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; các quy định pháp luật, các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến quyền con người, quyền công dân hoặc có liên quan đến người dân và doanh nghiệp mà Việt Nam là thành viên;

- Tổ chức thi hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật gắn với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, khai thông, huy động mọi nguồn lực xã hội;

- Giáo dục ý thức và lợi ích của việc tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật; xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật gắn với xây dựng ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý trong cán bộ, nhân dân.

- Tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật;

- Đề xuất, kiến nghị các ý kiến sửa đổi pháp luật liên quan đến ngành Công Thương và các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi pháp luật của Ngành.

2. Hình thức

Tiếp tục triển khai các hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật có hiệu quả như: Qua mạng internet, ứng dụng công nghệ thông tin; thi tìm hiểu pháp luật; sử dụng mạng lưới loa truyền thanh cơ sở; thiết lập chuyên trang, chuyên mục phát thanh, truyền hình để bình luận, đối thoại chính sách, pháp luật gắn với vấn đề dư luận xã hội quan tâm; tổ chức các tọa đàm, hội thảo về xây dựng, thực thi pháp luật; áp phích, pa-nô, băng rôn tại cơ quan, đơn vị, trường học; hoạt động giáo dục ngoại khóa ngoài giờ lên lớp; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; lồng ghép qua sinh hoạt văn hóa, văn nghệ về phòng, chống tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật có sự tham gia rộng rãi của nhân dân. Tùy điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, có thể sử dụng các hình thức khác như:

- Tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật hoặc lồng ghép hưởng ứng thông qua các hoạt động chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tiễn; chú trọng xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả; vinh danh, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích, gương người tốt, việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành vào bảo vệ pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến các luật liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, trọng tâm là Bộ luật dân sự, bắt đầu từ 01/10/2016 đến 30/11/2016.

3. Thời gian

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần được tổ chức trong cả năm bảo đảm tính thường xuyên, liên tục và tập trung trong 02 tháng, bắt đầu từ ngày 01 tháng 10 đến hết ngày 30 tháng 11 năm 2016; cao điểm trong tuần lễ từ ngày 07 tháng 11 đến ngày 12 tháng 11 năm 2016.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ tùy theo đặc điểm từng đơn vị, lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp để triển khai Ngày Pháp luật đảm bảo hiệu quả.

2. Các Cục, Tổng cục; các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty; các Trường trên cơ sở kế hoạch của Bộ, xây dựng Kế hoạch của đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện.

3. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, các Báo, Tạp chí tăng thời lượng, số lượng các chuyên trang, chuyên mục, các tin, bài, ảnh, các thông điệp... về Ngày Pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Vụ Pháp chế có trách nhiệm:

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật trong ngành Công Thương; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, chú trọng các văn bản thuộc các lĩnh vực đang được xã hội quan tâm như Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Bộ luật lao động; các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

- Chủ trì, phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty tổ chức tọa đàm (hoặc bằng các hình thức phù hợp khác) nhằm trao đổi kinh nghiệm về công tác pháp chế giữa các doanh nghiệp ngành Công Thương.

- Đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, thực thi pháp luật.

5. Vụ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện những nhiệm vụ trong Kế hoạch.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Các đơn vị báo cáo kết quả triển khai Ngày Pháp luật năm 2016 bằng văn bản, gửi về Bộ Công Thương (qua Vụ Pháp chế) trước ngày 30 tháng 11 năm 2016.

2. Vụ Pháp chế có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Ngày Pháp luật của Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 02 tháng 12 năm 2016./.