Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 35/2011/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 20 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH TÂY NINH THỜI KỲ 2011–2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 2044/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011–2020;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011–2020;

Căn cứ Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND, ngày 26 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2011–2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1890 /TTr-SKHĐT, ngày 25 tháng 8 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2011-2020 với những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm

a) Phát triển nhân lực vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chiến lược "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài".

b) Phát triển nhân lực Tây Ninh phải có tầm nhìn dài hạn và phải có bước đi thích hợp theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn.

c) Phát triển nhân lực Tây Ninh phải đảm bảo tính hài hòa về cơ cấu và cân đối nhân lực theo ngành, lĩnh vực. Gắn đào tạo, dạy nghề với chương trình phát triển kinh tế xã hội, các ngành kinh tế, vùng dân cư; gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động theo quan hệ cung cầu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

d) Phát triển nhân lực phải đảm bảo phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

đ) Phát triển nhân lực phải tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng đào tạo nghề theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới, phù hợp với thực tế tỉnh Tây Ninh, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt chú trọng nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

2. Mục tiêu

Đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là yêu cầu phát triển các ngành mũi nhọn mà tỉnh Tây Ninh có lợi thế so sánh với các địa phương khác trong vùng và trong cả nước.

Hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao nhằm có sự chuyển giao hợp tác về nhân lực giữa các địa phương để điều tiết cung cầu lao động trên thị trường lao động.

3. Chỉ tiêu chủ yếu

a) Đào tạo, dạy nghề:

- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lên trung học phổ thông và trung cấp nghề đến năm 2015 và những năm tiếp theo đạt từ 90% trở lên;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo, dạy nghề so với tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế – xã hội: Năm 2015 đạt 60% và năm 2020 đạt trên 70%;

- Đào tạo đại học: Năm 2015, đạt mức bình quân tối thiểu 300 sinh viên/1vạn dân; năm 2020, đạt mức bình quân tối thiểu 500 sinh viên/1vạn dân;

- Đào tạo cao đẳng (chuyên nghiệp, nghề): Năm 2015, đạt mức bình quân tối thiểu 400 sinh viên/1vạn dân; năm 2020, đạt mức bình quân tối thiểu 600 sinh viên/1vạn dân;

- Đào tạo trung cấp (chuyên nghiệp, nghề): Năm 2015, đạt mức bình quân 800 học sinh /1vạn dân; năm 2020, đạt mức bình quân 1.200 học sinh /1vạn dân.

b) Nâng cao thể lực nhân lực:

- Tuổi thọ trung bình đến năm 2015 khoảng 74 năm; năm 2020 khoảng 75 năm;

- Chiều cao trung bình của thanh niên đến năm 2015 đạt trên 1,63 mét; năm 2020 đạt trên 1,65 mét;

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: Năm 2015 còn dưới 15%, năm 2020 còn dưới 10%.

II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020

1. Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo

a) Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2015 khoảng 427.000 người (chiếm khoảng 60,0% trong tổng số 711.500 người làm việc trong nền kinh tế) và năm 2020 khoảng gần 560.000 người (chiếm khoảng 70,2 % trong tổng số gần 797.000 người làm việc trong nền kinh tế).

b) Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, số nhân lực đào tạo qua hệ thống dạy nghề năm 2015 khoảng 320.000 người (bằng 45,0%), năm 2020 khoảng 400.000 người (bằng 50%); số nhân lực đào tạo qua hệ thống giáo dục - đào tạo năm 2015 khoảng 107.000 người (bằng 15,0%), năm 2020 khoảng 160.000 người (bằng 20%).

c) Về cơ cấu bậc đào tạo:

- Năm 2015, số nhân lực qua đào tạo ở dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 77.000 người, chiếm khoảng 10,8% tổng số người làm việc trong nền kinh tế, con số tương ứng của bậc sơ cấp nghề khoảng 176.000 người, chiếm khoảng 24,7 %, của bậc trung cấp là khoảng 90.000 người (khoảng 12,6%); bậc cao đẳng: 46.000 người (khoảng 6,5%); bậc đại học và trên đại học khoảng 38.000 người, chiếm 5,4%.

- Năm 2020, số nhân lực đào tạo ở dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 50.000 người, chiếm khoảng 6,2 % tổng số người làm việc trong nền kinh tế, con số tương ứng của bậc sơ cấp nghề khoảng 211.000 người, chiếm khoảng 26,5%, của bậc trung cấp là khoảng gần 151.000 người (khoảng19%); bậc cao đẳng: khoảng 85.000 người (khoảng 10,7%); bậc đại học và trên đại học khoảng 60.600 người (chiếm khoảng 7,6%).

2. Phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực

a) Khu vực công nghiệp và xây dựng

- Nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 134.300 người năm 2010 (chiếm khoảng 22,0% tổng số nhân lực trong nền kinh tế), lên khoảng 227.700 người năm 2015 (khoảng 32%) và khoảng 263.000 người năm 2020 (khoảng 33%).

- Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng từ 50% trong tổng số nhân lực khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2010 lên 61,4% năm 2015 và khoảng 72% năm 2020.

- Trong số nhân lực được đào tạo, dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 15,8% năm 2015 và 7,8% năm 2020; trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 39,6% năm 2015 và 37,4% năm 2020; trình độ trung cấp 22,5% năm 2015 và 31% năm 2020; trình độ cao đẳng là 12,5% năm 2015 và 13,5% năm 2020; trình độ đại học và trên đại học 9,6% năm 2015 và 10,2% năm 2020.

b) Khu vực dịch vụ

- Nhân lực trong khu vực dịch vụ tăng từ 183.000 người năm 2010 (chiếm khoảng 30% tổng nhân lực trong nền kinh tế) lên khoảng 249.000 người năm 2015 (chiếm khoảng 35% tổng nhân lực trong nền kinh tế) và khoảng 319.000 người năm 2020 (khoảng 40% tổng nhân lực trong nền kinh tế).

- Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ 54,2% năm 2010 lên khoảng 59,6% năm 2015 và khoảng 69,2% năm 2020.

- Trong số nhân lực được đào tạo, dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 20% năm 2015 và 8,4% năm 2020; trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 37,7% năm 2015 và khoảng 34% năm 2020; trình độ trung cấp chiếm khoảng 21,4% năm 2015 và khoảng 26% năm 2020; trình độ cao đẳng khoảng 11% năm 2015 và khoảng 19,8% năm 2020; trình độ đại học và trên đại học khoảng 10% năm 2015 và khoảng 12% năm 2020.

c) Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp

- Nhân lực trong khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2010 là 293.000 người (chiếm khoảng 48,0% tổng nhân lực trong nền kinh tế), năm 2015 khoảng 234.800 người (chiếm khoảng 33% tổng nhân lực trong nền kinh tế) và năm 2020 khoảng 214.500 người (chiếm khoảng 27% tổng nhân lực trong nền kinh tế).

- Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong khu vực nông, lâm, thủy sản tăng từ 37% năm 2010 lên khoảng 59% năm 2015 và khoảng 68,8% năm 2020.

- Trong số nhân lực được đào tạo, dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 18,3% năm 2015 và 11% năm 2020; trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 46,5% năm 2015 và khoảng 44% năm 2020; trình độ trung cấp chiếm khoảng 19% năm 2015 và khoảng 24% năm 2020; trình độ cao đẳng khoảng 9% năm 2015 và khoảng 10,8% năm 2020; trình độ đại học và trên đại học khoảng 7,2% năm 2015 và khoảng 10,2% năm 2020.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nhân lực

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo và pháp luật về phát triển nhân lực nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực.

b) Hoàn thiện bộ máy quản lý, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý.

c) Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

2. Xây dựng, hoàn thiện chính sách

a) Chính sách đầu tư và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh phù hợp với từng lĩnh vực với mức ưu đãi cao nhất trong khung pháp lý chung của nhà nước; xây dựng cơ chế thông thoáng, giải quyết thủ tục nhanh chóng với các nhà đầu tư để thu hút các dự án đầu tư.

b) Chính sách tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực: Sử dụng vốn đầu tư ngân sách có hiệu quả trên cơ sở đầu tư đồng bộ, cơ sở vật chất – trang thiết bị - chất lượng giảng viên; tập trung phát triển theo chiều sâu, theo hướng hình thành phát triển các trường nghề mũi nhọn, trường dạy nghề chất lượng cao có thương hiệu của tỉnh; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên từng địa bàn phục vụ cho phát triển nhân lực. Tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao (chế độ học bổng; tu nghiệp nâng cao trình độ và tay nghề, gửi người đi học ở nước ngoài . ..). Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia đầu tư đào tạo nhân lực.

c) Chính sách việc làm, bảo hiểm, bảo trợ xã hội: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề việc làm và phương thức giải quyết việc làm trong nền kinh tế thị trường; khuyến khích người lao động tự tìm việc làm, tự tạo việc làm cho mình và cho người khác; thực hiện tốt các chính sách về đào tạo nghề, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

d) Chính sách huy động nguồn lực trong xã hội cho phát triển nguồn nhân lực: Huy động các nguồn vốn xây dựng cơ bản, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học, vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn FDI, hợp tác quốc tế và huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp, vốn trong dân.

đ) Chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài: Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi để thu hút lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý và kinh doanh giỏi, những chuyên gia, nhân tài, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học về tỉnh công tác; thu hút chuyên gia làm việc bán thời gian; chính sách tiền lương, nhà ở...

e) Chính sách phát triển thị trường lao động và hệ thống công cụ, thông tin thị trường lao động.

3. Mở rộng, tăng cường sự phối hợp và hợp tác

a) Phối hợp và hợp tác với các cơ quan, tổ chức Trung ương: Hợp tác với các cơ quan, tổ chức Trung ương tạo điều kiện về chương trình dạy - học mới, giáo trình, giáo án, nâng cao trình độ giáo viên và nguồn vốn để phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng sản xuất và xã hội.

b) Phối hợp và hợp tác với các tỉnh bạn: Trao đổi và hợp tác với các địa phương lân cận, vùng Đông Nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, liên kết trong công tác đào tạo, tuyển dụng nhân lực, có sự chuyển giao hợp tác về nhân lực giữa các tỉnh để điều tiết cung cầu lao động trên thị trường lao động. Hợp tác trong việc cung ứng lao động có thời hạn cho các địa phương; khi Tây Ninh có nhu cầu sử dụng lao động, các địa phương bạn sẽ điều tiết lại số lao động mà Tây Ninh đã gửi đến làm việc.

c) Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế: Tăng cường hoạt động đào tạo, đưa nhân lực của tỉnh ra nước ngoài đào tạo những nghề tỉnh có nhu cầu; tích cực tham gia các hoạt động về dạy nghề của các tổ chức quốc tế: APEC, ILO, ASEAN, hội thi tay nghề….

d) Tăng cường sự phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành: Hợp tác trong việc tư vấn quản lý; thực hiện các đề tài khoa học, các đề tài ứng dụng; hợp tác trong việc tổ chức nghiên cứu và kỹ năng hoạt động thử nghiệm, triển khai ứng dụng các mô hình quản lý hiện đại, các mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến phù hợp tính chất đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh.

đ) Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong tỉnh:

- Phối hợp dạy nghề với phát triển phổ cập giáo dục phổ thông.

- Thiết lập và tăng cường mối quan hệ chặt chẽ, bền vững giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

- Đào tạo nghề theo dự án, theo địa chỉ và coi trọng việc kết hợp giữa đào tạo với giải quyết việc làm cho học viên.

- Tăng cường sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm.

4. Dự báo nhu cầu và giải pháp huy động vốn

a) Tổng nhu cầu vốn thời kỳ 2011-2020 là 31.834 tỷ đồng. Phân kỳ đầu tư: Giai đoạn 2011-2015: 12.583 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020: 19.251tỷ đồng. Phân theo nguồn vốn: Vốn ngân sách Nhà nước: 22.202 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, vốn tự có của dân và vốn từ các tổ chức từ thiện khác: 9.632 tỷ đồng.

b) Đẩy mạnh giải pháp huy động vốn đầu tư

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.

- Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo.

- Đẩy mạnh chủ trương tạo vốn từ quỹ đất để xây dựng, thành lập các trường, cơ sở giáo dục đào tạo cho các thành phần xã hội.

- Tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn vốn ODA và các nguồn viện trợ khác.

- Huy động nguồn lực khác của các doanh nghiệp, của người học, của các nhà đầu tư.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã: Công bố công khai quy hoạch; căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch; tổ chức tốt hệ thống thông tin nhu cầu nhân lực trên địa bàn, phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để nắm bắt nhu cầu, huy động nguồn lực và đào tạo nhân lực; định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện quy hoạch báo cáo UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Trên cơ sở đánh giá thực hiện quy hoạch, nếu có vấn đề mới phát sinh, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Lưu Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 35/2011/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2011-2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành

  • Số hiệu: 35/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/09/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Trần Lưu Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản