Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2011/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC VIỄN THÔNG TRỰC THUỘC BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng:

1. Cục Viễn thông là cơ quan trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước và tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thông trên phạm vi cả nước.

2. Cục Viễn thông có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Cục Viễn thông thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chủ trì xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc để Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch về viễn thông, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, quy hoạch kho số viễn thông theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch về viễn thông, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, quy hoạch kho số viễn thông sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt.

3. Tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về viễn thông, quy hoạch tần số, tài nguyên Internet, chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

4. Trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh đối với cơ sở hạ tầng viễn thông; các biện pháp huy động phương tiện, thiết bị, mạng và dịch vụ viễn thông phục vụ các trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia, thiên tai địch họa theo quy định của pháp luật.

5. Chủ trì thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ, thu hồi Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển; Chủ trì thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ, thu hồi hoặc xét cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ, thu hồi các giấy phép viễn thông sau đây:

a) Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng;

b) Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông;

c) Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông;

d) Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng.

6. Quản lý kho số viễn thông. Phân bổ, cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi mã, số viễn thông theo quy hoạch và quy định quản lý kho số viễn thông.

7. Cấp giấy phép nhập khẩu, Giấy phép tạm nhập tái xuất thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện, quản lý việc đăng ký sản xuất thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện; cấp và thu hồi giấy chứng nhận hợp quy và quản lý, kiểm tra, giám sát việc công bố hợp quy, sử dụng dấu hợp quy đối với sản phẩm chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông; quản lý, kiểm tra, giám sát việc công bố hợp quy đối với hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, kết nối mạng viễn thông, dịch vụ viễn thông; tổ chức thực hiện việc kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.

8. Tổ chức xây dựng, quản lý hệ thống đo kiểm chuyên ngành viễn thông phục vụ công tác quản lý viễn thông.

9. Chủ trì, phối hợp theo dõi, giám sát, chỉ đạo triển khai giấy phép viễn thông; thực hiện quản lý, giám sát việc triển khai giá cước, khuyến mại, kết nối, chất lượng mạng, dịch vụ viễn thông; chia sẻ và sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông; sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật liên ngành; kiểm soát và tổ chức thực hiện quy định về cạnh tranh, giải quyết tranh chấp trong hoạt động thiết lập mạng viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông; quản lý, điều tiết thị trường dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật.

10. Thực hiện thống kê về hoạt động nghiệp vụ viễn thông và thị trường dịch vụ viễn thông; tổng hợp số liệu, phân tích và dự báo về thị trường dịch vụ viễn thông; tổ chức và quản lý việc cung cấp các dịch vụ công chuyên ngành viễn thông theo quy định của pháp luật.

11. Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức, quản lý, khai thác các mạng viễn thông chuyên dùng, việc thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng, công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

12. Thường trực các Ban chỉ huy, Ban chỉ đạo của Bộ liên quan đến hoạt động viễn thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giao.

13. Hợp tác quốc tế về kỹ thuật, nghiệp vụ viễn thông, Internet theo sự phân cấp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

14. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác đào tạo và cấp chứng chỉ về viễn thông; bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động viễn thông.

15. Thực hiện thanh tra chuyên ngành về viễn thông; kiểm tra việc thực hiện pháp luật về viễn thông; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động viễn thông theo quy định của pháp luật.

16. Thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí về viễn thông theo quy định của pháp luật.

17. Thực hiện cơ chế tài chính như đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động có tính đến các yếu tố về đầu tư, chi thường xuyên, lao động, tiền lương.

18. Quản lý tổ chức, công chức, viên chức, tài sản của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

19. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Văn phòng.

2. Phòng Kế hoạch - Đầu tư.

3. Phòng Tài chính - Kế toán.

4. Phòng Tổ chức - Cán bộ.

5. Phòng Cơ chế chính sách và quy hoạch.

6. Phòng Cấp phép và Thị trường.

7. Phòng Tài nguyên và Thông tin thống kê.

8. Phòng Giá cước và Khuyến mại.

9. Phòng Chất lượng.

10. Phòng Cơ sở hạ tầng và Kết nối.

11. Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật.

12. Trung tâm Đo lường.

13. Trung tâm Hỗ trợ phát triển Mạng và Dịch vụ.

14. Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 1.

15. Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 2.

16. Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 3.

Các đơn vị từ khoản 1 đến khoản 10 là các tổ chức giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị từ khoản 11 đến khoản 16 là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục.

Điều 4. Lãnh đạo Cục Viễn thông

1. Cục Viễn thông có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng.

2. Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.

3. Cục trưởng Cục Viễn thông là người đứng đầu Cục Viễn thông, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục. Các Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

4. Cục trưởng Cục Viễn thông quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng và các phòng thuộc Cục.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2011.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện cơ chế tài chính của Cục Viễn thông quy định tại khoản 17 Điều 2 Quyết định này.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Viễn thông-Bộ TTTT;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TCCV (7b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 35/2011/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Viễn thông trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 35/2011/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/06/2011
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 399 đến số 400
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 15/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản