Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2008/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 28 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC THU, CHI KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐẠI DIỆN CHA MẸ HỌC SINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 11/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, về việc ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2006/NQ-HĐND ngày 25/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông, về việc thông qua Đề án “Phát triển xã hội hóa hoạt động giáo dục tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2006 - 2010”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1212/SGD- KHTC ngày 23 tháng 10 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định mức thu, chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh" (có Quy định kèm theo);

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thế Nhữ

 

QUY ĐỊNH

MỨC THU, CHI KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐẠI DIỆN CHA MẸ HỌC SINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2008/QĐ-UBND, ngày 28/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông)

I. Nguồn thu và mức thu:

Thu từ đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh theo lớp học và theo Nghị quyết cuộc họp đầu năm học của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp; Ngoài ra còn có nguồn thu từ các nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp; Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Tùy theo tình hình thực tế ở mỗi địa phương, ở mỗi trường, định mức thu theo khu vực như sau:

1. Khu vực khó khăn mức thu từ 60.000 đồng - 100.000 đồng/năm/học sinh.

2. Khu vực nông thôn thuận lợi mức thu từ 100.000 đồng - 200.000 đồng/năm/học sinh.

3. Khu vực thị xã, thị trấn mức thu từ 200.000 đồng - 400.000 đồng/năm/học sinh. Căn cứ khung thu trên, Ban đại diện cha mẹ học sinh xác định cụ thể mức thu cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, báo cáo chính quyền địa phương trước khi thu. Trong điều kiện thực tế có những cá nhân, tập thể có nguyện vọng đóng góp mức cao hơn, được Hội nghị cha mẹ học sinh nhất trí thì Ban đại diện cha mẹ học sinh thu theo Nghị quyết.

Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp được giữ lại số kinh phí theo tỉ lệ tổng kinh phí thu được từ đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh và các nguồn tài trợ hợp pháp khác theo nghị quyết của Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường hàng năm.

II. Nội dung chi:

1. Nội dung chi của kinh phí Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp:

- Chi cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường.

- Chi hỗ trợ cho các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của lớp, của trường; biểu dương những học sinh có thành tích cao trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; các công tác giáo dục đạo đức học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi của lớp, trường; chi các hoạt động giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh bỏ học trở lại tiếp tục học tập; chi hỗ trợ giúp đỡ học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, tàn tật.

- Chi hỗ trợ phục vụ cho học sinh như: Tiền nước uống cho học sinh, tiền điện thắp sáng, tiền vệ sinh…

- Chi hỗ trợ mua sắm và xây dựng các công trình vệ sinh phục vụ học sinh, các công trình để giáo dục truyền thống nhà trường, các công trình để cải thiện điều kiện học tập; các hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm nâng cao về chất lượng giáo dục học sinh.

Việc thu chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; báo cáo công khai tình hình thu, chi và quyết toán kinh phí tại các cuộc họp cha mẹ học sinh của lớp.

2. Mức chi: Hàng năm, Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường thống nhất với hiệu trưởng; Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp thống nhất với giáo viên chủ nhiệm về dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được đóng góp, tài trợ, hiện vật được biếu tặng và chỉ sử dụng kinh phí hoạt động sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp thống nhất ý kiến.

III. Công tác quản lý tài chính:

1. Bộ phận giúp việc quản lý tài chính cho Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của lớp là các kế toán, thủ quỹ của nhà trường. Hệ thống sổ sách kế toán được lập theo quy định quản lý tài chính hiện hành.

2. Điều hành thu, chi:

- Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường là người điều hành khoản kinh phí do Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường quản lý.

- Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp là người điều hành khoản kinh phí do Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp quản lý.

3. Việc mua sắm, đầu tư xây dựng, sửa chữa phải thực hiện theo quy định hiện hành.

4. Quyết toán tài chính: Công tác quyết toán tài chính hàng năm được tiến hành trước thời điểm tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh của năm tiếp theo là 15 ngày và được thông báo công khai trong hội nghị toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, lớp.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính chịu trách nhiệm tổ chức triển khai cho tất cả các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm đôn đốc các cơ sở giáo dục tại địa phương triển khai thực hiện.