Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2003/QĐ-BNN | Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2003 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN CÔNG NHẬN GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định 73-CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và CLSP, Cục trưởng Cục Phát triển Lâm nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định: “Tiêu chuẩn công nhận giống cây lâm nghiệp”.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
04TCN- 64- 2003
TIÊU CHUẨN CÔNG NHẬN GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP
(Ban hành theo quyết định số: 35/2003/QĐ-BNN, ngày 9 tháng 1 năm 2003)
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về quản lý và kỹ thuật cho các loại giống cây lâm nghiệp, bao gồm cây mẹ lấy giống, rừng giống, vườn giống và giống mới chọn tạo được dùng để lấy hạt, lấy hom và lấy các thực liệu sinh dưỡng khác.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giống cây lâm nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Thuật ngữ, định nghĩa và điều kiện sử dụng
2.1. Giống cây lâm nghiệp (còn gọi là Giống cây rừng) là một bộ phận của giống cây trồng bao gồm các thực liệu để nghiên cứu, chọn tạo, nhân và sử dụng trong sản xuất lâm nghiệp. Giống cây lâm nghiệp được chia thành Giống tạm thời, Giống tiến bộ kỹ thuật và Giống quốc gia.
- Giống tạm thời là các loại cây mẹ lấy giống, rừng giống và vườn giống chưa qua khảo nghiệm. Giống tạm thời chỉ được dùng ở vùng sinh thái có giống đó.
- Giống tiến bộ kỹ thuật là các loại giống đã qua Khảo nghiệm cơ bản, chưa qua Khảo nghiệm mở rộng, sau khi qua Khảo nghiệm mở rộng trên một hoặc một số điều kiện sinh thái đại diện mới được công nhận là Giống quốc gia.
- Giống quốc gia là giống đã qua Khảo nghiệm cơ bản và Khảo nghiệm mở rộng, và đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) công nhận. Giống quốc gia được khảo nghiệm ở vùng sinh thái nào thì sử dụng ở vùng sinh thái đó hoặc ở nơi có điều kiện sinh thái tương tự, khi trồng ở vùng khác phải qua khảo nghiệm.
2.2. Giống cây lâm nghiệp mới chọn tạo (gọi tắt là Giống mới chọn tạo) là giống mới được chọn lọc (Giống chọn lọc) hoặc lai tạo (Giống lai), Giống đa bội, Giống biến nạp gen v.v. Giống mới chọn tạo phải qua khảo nghiệm và đựợc Bộ NN&PTNT công nhận là Giống tiến bộ kỹ thuật hoặc Giống quốc gia mới đựợc sử dụng.
- Giống chọn lọc là giống được chọn từ rừng tự nhiên, hoặc từ rừng trồng, từ rừng giống hay vườn giống.
- Giống lai là giống được tạo ra bằng sự thụ phấn của các cây bố mẹ có kiểu gen khác nhau.
- Giống đa bội là giống có số thể nhiễm sắc ở tế bào sôma nhiều hơn giống nhị bội (2n) bình thường.
- Giống biến nạp gen là giống được tạo ra bằng cách thay đổi hoặc đưa thêm một hoặc một số gen. Giống biến nạp gen chỉ được đưa vào sử dụng khi được Bộ NN&PTNT cho phép.
Giống mới chọn tạo phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Có tính khác biệt về một hoặc một số đặc tính chủ yếu như hình thái, hoặc năng suất, hoặc khả năng chống chịu với sâu bệnh và/hoặc với các điều kiện bất lợi.
- Có tính đồng nhất về kiểu hình.
- Có tính ổn định trong sinh sản (hữu tính hoặc sinh dưỡng).
- Chưa có trong danh mục Giống quốc gia và danh mục Giống được bảo hộ.
2.3. Giống cây lâm nghiệp được bảo hộ (gọi tắt là Giống được bảo hộ) là giống cây lâm nghiệp đã được cấp Văn bằng bảo hộ (theo Nghị định số 13/2001/NĐ-CP).
2.4. Giống cây lâm nghiệp địa phương (gọi tắt là Giống địa phương) là giống được lấy từ rừng tự nhiên hoặc có nguồn gốc từ rừng tự nhiên tại địa phương nơi lấy giống. Giống địa phương là một bộ phận của Giống bản địa (giống được lấy từ rừng tự nhiên hoặc các loại rừng có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trong nước).
2.5. Giống cây lâm nghiệp nhập nội (gọi tắt là Giống nhập nội) là giống được nhập vào nơi mới trong hay ngoài khu phân bố tự nhiên của nó mà từ trước chưa có (khi được nhập từ nhiều nơi để khảo nghiệm thì Giống nhập nội gồm các xuất xứ khác khau).
Giống nhập nội phải qua khảo nghiệm và được Bộ NN&PTNT công nhận mới được đưa vào sử dụng.
2.6. Nòi địa phương là Giống nhập nội đã được thuần hoá, đã thích nghi với điều kiện sinh thái tại chỗ và có hạt hữu thụ, muốn đựợc đưa vào sử dụng phải qua khảo nghiệm và được Bộ NN&PTNT công nhận.
2.7. Cây mẹ lấy giống (gọi tắt là Cây giống) là những cây tốt nhất để lấy giống được chọn từ rừng tự nhiên, hoặc từ rừng trồng, hoặc từ rừng giống hay vườn giống. Cây giống dùng làm thực liệu nhân giống sinh dưỡng được gọi là Cây đầu dòng.
2.8. Rừng giống chuyển hoá là rừng giống được xây dựng bằng cách chuyển hoá từ rừng tự nhiên hoặc rừng trồng được tuyển chọn.
2.9. Rừng giống trồng là rừng giống được trồng bằng cây hạt lấy từ Cây giống của giống địa phương hoặc từ Giống nhập nội tốt nhất (xuất xứ có triển vọng nhất).
2.10. Vườn giống là khu trồng các dòng vô tính (Vườn giống vô tính) hoặc các cây hạt (Vườn giống cây hạt) để lấy giống. Cây trồng trong vườn giống phải được lấy giống từ các Cây giống (đã hoặc chưa qua khảo nghiệm hậu thế), được bố trí sao cho giảm thiểu hiện tượng tự thụ phấn giữa các cây trong cùng một dòng hoặc cùng một gia đình.
2.11. Vườn giống lấy hom (hoặc lấy thực liệu sinh dưỡng khác) là khu trồng cây hom, hoặc cây mô, hoặc cây hạt được lấy từ cây giống đã qua khảo nghiệm hậu thế, được sử dụng ở giai đoạn tuổi non để cung cấp hom hoặc thực liệu sinh dưỡng khác cho trồng rừng. Thời gian lấy giống không quá thời gian quy định cho từng loài.
2.12. Khảo nghiệm xuất xứ (khi kết hợp với khảo nghiệm loài được gọi là Khảo nghiệm loài/xuất xứ) là khảo nghiệm so sánh các xuất xứ của một hay nhiều loài được lấy từ các vùng sinh thái khác nhau trong một hoặc nhiều nước. Khảo nghiệm xuất xứ được xây dựng tại một số vùng sinh thái nhằm tìm được xuất xứ có triển vọng nhất cho mỗi vùng.
2.13. Khảo nghiệm hậu thế là khảo nghiệm so sánh cây hạt đời sau của các cây giống đã được chọn lọc và đánh giá nhằm chọn được cây giống có khả năng di truyền các đặc tính mong muốn cho đời sau.
2.14. Khảo nghiệm dòng vô tính là khảo nghiệm so sánh các dòng vô tính được nhân giống bằng thực liệu sinh dưỡng lấy từ cây đầu dòng nhằm chọn được dòng vô tính có triển vọng nhất.
2.1. Cây giống
+ Cây giống cho cây lấy gỗ được chọn ở rừng trồng đồng tuổi, có sinh trưởng từ trung bình trở lên và ở giai đoạn thành thục công nghệ hoặc gần thành thục công nghệ.
- Có độ vượt so với trị số bình quân của đám rừng có cây giống ít nhất 1,2 Sx về đường kính và chiều cao, hoặc 25% về đường kính và 10% về chiều cao.
- Đạt các chỉ tiêu chất lượng về phẩm chất thân cây (đoạn thân dưới cành dài, thân thẳng và tròn đều, cành nhỏ, góc phân cành lớn, tán lá tròn đều v.v.)
- Không bị sâu bệnh hại.
Cây giống chọn ở rừng tự nhiên khác tuổi không nhất thiết có độ vượt về sinh trưởng, nhưng phải đạt các chỉ tiêu chất lượng như cây giống ở rừng trồng.
+ Cây giống cho cây lấy các sản phẩm ngoài gỗ phải có năng suất các sản phẩm cuối cùng (theo mục tiêu kinh tế) vượt 15% so với năng suất trung bình của đám rừng có cây giống, sinh trưởng từ mức trung bình trở lên và không bị sâu bệnh.
2.2. Rừng giống
- Rừng giống chuyển hoá từ rừng tự nhiên phải là những lâm phần tốt nhất được chọn từ rừng tự nhiên, có diện tích ít nhất 3 ha, loài được chọn phải có ít nhất 50 cây sinh trưởng tốt và không bị sâu bệnh.
- Rừng giống chuyển hoá từ rừng trồng phải là những khu rừng trồng (ở giai đoạn 5 - 7 tuổi cho cây mọc nhanh, ở giai đoạn 10 -15 tuổi cho cây mọc chậm) có sinh trưởng tốt và đồng đều, có diện tích ít nhất 3 ha và 30 cây/ha đạt tiêu chuẩn cây giống, trong đó ít nhất 20% số cây đã có hạt hữu thụ.
- Rừng giống trồng phải được trồng trên lập địa thích hợp nhất, cách xa các nguồn phấn cùng loài trên 150 m, có diện tích ít nhất 2 ha, có ít nhất 50 cây/ha đạt tiêu chuẩn chất lượng của cây giống, trong đó có 20% số cây đã cho hạt hữu thụ.
2.3. Vườn giống
Vườn giống (gồm Vườn giống cây hạt và Vườn giống vô tính) phải có diện tích tối thiểu 1 ha, được trồng ở lập địa tốt nhất và cách ly với nguồn phấn cùng loài 150 m trở lên. Cây (hoặc nhóm cây) trong cùng một gia đình hoặc một dòng vô tính không được trồng cạnh nhau. Khi công nhận phải chưa bị sâu bệnh.
- Vườn giống cây hạt phải có ít nhất 30 gia đình, được trồng ít nhất 8 lần lặp, mỗi lần không quá 4 cây, sau khi tỉa thưa chỉ được để lại 1 cây trong mỗi gia đình. Khi công nhận phải có 25% gia đình đã cho hạt hữu thụ.
- Vườn giống vô tính phải có ít nhất 15 dòng vô tính, mỗi lần lặp chỉ trồng một cây. Khi công nhận phải có 40% số dòng vô tính đã cho hạt hữu thụ.
2.4. Vườn giống lấy hom (hoặc lấy thực liệu sinh dưỡng khác)
Vườn giống lấy hom (hoặc lấy thực liệu sinh dưỡng khác) phải được trồng trên lập địa tốt nhất, có diện tích ít nhất 1000 m2.
TIÊU CHUẨN GIỐNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT VÀ GIỐNG QUỐC GIA
Tất cả giống cây lâm nghiệp muốn được công nhận là Giống tiến bộ kỹ thuật phải qua khảo nghiệm cơ bản và muốn công nhận giống Quốc Gia phải qua khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm mở rộng hoặc và phải đạt các tiêu chuẩn dưới đây tuỳ theo từng loại giống:
3.1. Giống cây lâm nghiệp mới (gồm cả giống chọn lọc, giống lai, giống đa bội , giống biến nạp gen, giống bản địa, giống nhập nội, nòi địa phương v.v.)
Giống cây lâm nghiệp mới ngoài tiêu chuẩn về tính khác biệt (có tính trạng mới), tính đồng nhất (về kiểu hình) và tính ổn định trong sinh sản (hữu tính hoặc sinh dưỡng) ít nhất phải có một trong các đặc tính sau đây:
- Năng suất vượt giống đối chứng đang được dùng phổ biến trong sản xuất ít nhất 10% về thể tích thân cây hoặc 7% lượng sản phẩm ngoài gỗ.
- Khi có cùng năng suất thì chất lượng sản phẩm (gỗ hoặc ngoài gỗ) phải vượt giống đối chứng đang được dùng phổ biến trong sản xuất hơn 15% theo chỉ tiêu được tính.
- Có khả năng cao hơn về tính chống chịu sâu bệnh hoặc chống chịu điều kiện bất lợi (tỷ lệ và mức độ bị hại thấp hơn giống đối chứng ít nhất 50%).
- Có các đặc trưng hình thái độc đáo phù hợp với các mục đích kinh tế - xã hội.
3.2. Cây giống
- Cây giống cho cây lấy gỗ phải cho hậu thế (đời sau) có thể tích thân cây vượt giống đối chứng ít nhất 15% cho cây mọc nhanh, 10% cho cây mọc chậm; hoặc có dòng vô tính với thể tích thân cây vượt giống đối chứng 20% cho cây mọc nhanh, 15% cho cây mọc chậm.
- Cây giống cho cây lấy sản phẩm ngoài gỗ phải cho hậu thế (đời sau) có năng suất sản phẩm cuối cùng vượt giống đối chứng 7%, cho dòng vô tính có năng suất sản phẩm cuối cùng vượt giống đối chứng 10%.
3.3. Rừng giống
- Rừng giống chuyển hoá phải cho hậu thế có thể tích thân cây vượt giống đối chứng 5%, hoặc sản phẩm cuối cùng vượt giống đối chứng 3%.
- Rừng giống trồng phải cho hậu thế có thể tích thân cây vượt giống đối chứng ít nhất 7% và có chất lượng thân cây bằng hoặc hơn giống đối chứng, hoặc phải cho hậu thế có năng suất sản phẩm cuối cùng vượt giống đối chứng ít nhất 5%.
3.4. Vườn giống
- Vườn giống phải cho hậu thế có chất lượng sản phẩm bằng hoặc hơn giống đối chứng, đồng thời có thể tích thân cây vượt giống đối chứng ít nhất 15%, hoặc có năng suất sản phẩm ngoài gỗ vượt giống đối chứng 10%.
- Vườn giống thế hệ sau phải cho hậu thế có chất lượng sản phẩm bằng hoặc hơn giống đối chứng, đồng thời có thể tích thân cây vượt hậu thế của vườn giống thế hệ trước ít nhất 7%, hoặc có năng suất sản phẩm ngoài gỗ vượt vườn giống thế hệ trước ít nhất 3%.
3.5. Vườn giống lấy hom (hoặc lấy thực liệu sinh dưỡng khác)
- Vườn giống lấy hom cho cây lấy gỗ phải cung cấp được giống có thể tích thân cây vượt giống đối chứng 10% đối với cây mọc nhanh và 7% đối với cây mọc chậm.
- Vườn giống lấy hom cho cây lấy sản phẩm ngoài gỗ phải cung cấp được giống có sản phẩm cuối cùng vượt 10% so với giống đối chứng.
Giống cây lâm nghiệp chưa qua khảo ngiệm chỉ đựợc sử dụng tạm thời, sau khi qua khảo nghiệm và đạt các tiêu chuẩn được nêu trong Chương 3 mới được công nhận là Giống tiến bộ kỹ thuật hoặc Giống quốc gia.
4.1. Khảo nghiệm giống
Khảo nghiệm giống đươc chia thành khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm mở rộng.
Tất cả các khảo nghiệm giống phải có giống cây cùng mục tiêu đã có làm đối chứng.
+ Khảo nghiệm cơ bản
- Khảo nghiệm giống mới chọn tạo ít nhất phải ở hai lập đia, mỗi lập địa ít nhất phải lặp lại 3 lần, mỗi lần 10 cây.
- Khảo nghiệm xuất xứ hay Khảo nghiệm giống nhập nội ít nhất phải ở hai lập địa, mỗi lập địa ít nhất 3 lần lặp, mỗi lần lặp ít nhất 25 cây.
- Khảo nghiệm hậu thế ít nhất phải có 8 lần lặp với tổng số ít nhất 30 cây cho mỗi gia đình.
- Khảo nghiệm dòng vô tính ít nhất phải có 4 lần lặp với tổng số 24 cây cho mỗi dòng. - Khảo nghiệm tính chống chịu (chống chịu sâu bệnh hoặc điều kiện bất lợi) phải tiến hành ở nơi có sâu bệnh nặng hoặc có điều kiện bật lợi điển hình, ít nhất phải 4 lần lặp, mỗi lần lặp 25 cây.
+ Khảo nghiệm mở rộng
Ngoài Khảo nghiệm cơ bản các loại giống muốn được công nhận là Giống quốc gia còn cần qua Khảo nghiệm mở rộng. Khảo nghiệm mở rộng được tiến hành ở giai đoạn cuối hoặc ngay sau khảo nghiệm cơ bản và trên cùng điều kiện lập địa như khảo nghiệm cơ bản hoặc trên một số lập địa đai diện. Diện tích Khảo nghiệm mở rộng ít nhất là 0,2 ha cho mỗi giống.
4.2. Trồng sản xuất thử
Giống cây rừng đã được Bộ NN&PTNT công nhận là Giống quốc gia khi đưa trồng ở nơi khác phải qua Trồng sản xuất thử ở những lập địa có điều kiện sinh thái đại diện cho vùng trồng rừng. Diện tích trồng sản xuất thử ở mỗi lập địa ít nhất là 2 ha và phải có giống đối chứng. Giống được trồng sản xuất thử ở khu vực nào thì đánh giá và trồng cho khu vực ấy, chỉ mở rộng cho các khu vực có điều kiện sinh thái tương tự.
4.3. Đánh giá giống cây lâm nghiệp
- Giống tạm thời được đánh giá sau khi cây giống được chọn, rừng giống và vườn giống được xây dựng và đạt các tiêu chuẩn nêu trong Chương 2.
- Giống tiến bộ kỹ thuật và Giống quốc gia được đánh giá sau khi các khảo nghiệm giống được xây dựng một số năm tuỳ theo tốc độ sinh trưởng của giống hoặc theo yêu cầu sản phẩm cuối cùng như các tiêu chuẩn được nêu ở Chương 3.
4.4. Thời gian đánh giá khảo nghiệm giống
Thời gian đánh giá khảo nghiệm giống được quy định như sau:
+ Khảo nghiệm cơ bản
- Cây lấy gỗ sinh trưởng nhanh: 3 năm.
- Cây lấy gỗ sinh trưởng chậm: 6 năm.
- Cây lấy các sản phẩm ngoài gỗ: sau khi hậu thế hoặc dòng vô tính có thu hoạch tương đối ổn định (tuỳ theo từng loài cây).
- Cây có tính chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi : 3 năm.
+ Khảo nghiệm mở rộng và Trồng sản xuất thử
- Cây lấy gỗ sinh trưởng nhanh: 2 năm.
- Cây lấy gỗ sinh trưởng chậm: 4 năm.
- Cây lấy các sản phẩm ngoài gỗ: sau khi hậu thế hoặc dòng vô tính có thu hoạch (tuỳ theo từng loài cây).
- Cây có tính chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi : 2 năm.
5.1. Giống tạm thời và Trồng sản xuất thử do chủ nguồn giống hoặc chủ rừng (cá nhân hoặc tổ chức) tự đánh giá, tự công nhận và tự chịu trách nhiệm.
5.2. Giống tiến bộ kỹ thuật và Giống quốc gia do Bộ NN&PTNT công nhận. Chủ nguồn giống có văn bản trình Bộ NN&PTNT kèm theo báo cáo đánh giá giống đã được chọn lọc và đã qua khảo nghiệm. Bộ NN&PTNT tổ chức Hội đồng Khoa học thẩm định. Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng Sản phẩm làm các thủ tục cần thiết để Bộ trưỏng quyết định công nhận giống.
5.3. Giống đã được công nhận là Giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật nếu có khiếu nại không đạt yêu cầu, hoặc sau một thời gian bị thoái hoá thì Bộ NN&PTNT tổ chức thẩm định lại và nếu không đạt yêu cầu thì loại bỏ khỏi danh mục giống được công nhận.
6.1. Cá nhân hoặc tổ chức có giống được công nhận phải sử dụng giống theo các quy định hiện hành của nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về giống do mình sản xuất.
6.2. Những nội dung được quy định trong các văn bản trước đây trái với tiêu chuẩn này đều bị huỷ bỏ.
6.3. Trong quá trình thực , nếu có vướng mắc báo cáo về Bộ để sửa đổi , bổ sung cho phù hợp.
- 1Quyết định 74/2005/QĐ-BNN về Quy chế xây dựng, ban hành, phổ biến và kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn ngành do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 225/1999/QĐ-TTg phê duyệt chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp thời kỳ 2000 - 2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư liên tịch 101/2001/TTLT-BTC-BNNPTNT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp do Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Quyết định 74/2005/QĐ-BNN về Quy chế xây dựng, ban hành, phổ biến và kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn ngành do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 225/1999/QĐ-TTg phê duyệt chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp thời kỳ 2000 - 2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 73-CP năm 1995 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 4Nghị định 13/2001/NĐ-CP về bảo hộ giống cây trồng mới
- 5Thông tư liên tịch 101/2001/TTLT-BTC-BNNPTNT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp do Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Quyết định 35/2003/QĐ-BNN ban hành tiêu chuẩn công nhận giống cây lâm nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 35/2003/QĐ-BNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/01/2003
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Văn Đẳng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 17
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra