BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3480/1997/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 1997 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ XÉT TUYỂN HỌC SINH VÀO TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRUNG HỌC, TRUNG HỌC CHUYÊN BAN"
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30-3-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản "Quy chế tạm thời về xét tuyển học sinh và trường Phổ thông trung học, Trung học chuyên ban".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Ông Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
Điều 3: Các Ông (Bà) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Vụ trưởng các Vụ có liên quan và các Ông (Bà) Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Minh Hiển (Đã ký) |
QUY CHẾ TẠM THỜI
VỀ XÉT TUYỂN HỌC SINH VÀO TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRUNG HỌC, TRUNG HỌC CHUYÊN BAN
(Ban hành theo Quyết định số: 3480/1997/QĐ-BGD&ĐT, ngày 01-11-1997của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương 1:
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1: Tuyển sinh vào trường Phổ thông trung học (PTTH), Trung học chuyên ban (THCB) nhằm chọn những học sinh có đủ phẩm chất và năng lực tiếp nhận một nội dung và chương trình của cấp học cao hơn, sau trung học cơ sở.
Điều 2: * Việc xét tuyển dựa trên các căn cứ:
1. Kết quả của các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia hoặc cấp tỉnh, Thành phố.
2. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THCS.
3. Chế độ ưu tiên đối với học sinh thuộc diện chính sách xã hội.
* Trong xét tuyển phải thật sự nghiêm túc, trung thực, công bằng.
Điều 3: Điểm xét tuyển được tính trên cơ sở:
1. Tổng điểm tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THCS (tính cả các điểm khuyến khích được cộng thêm); trong đó có tính hệ số cho các môn Văn - Tiếng Việt, Toán.
2. Điểm ưu tiên cho học sinh thuộc diện chính sách xã hôi.
Điều 4: Trách nhiệm của các cơ quan trong việc xét tuyển:
1. Trường PTTH, THCB, dưới sự chỉ đạo và giám sát của Sở GD-ĐT, chịu trách nhiệm chính trong việc xét tuyển học sinh vào trường mình.
2. Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Bộ GD&ĐT và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về toàn bộ công tác xét tuyển học sinh vào trường PTTH, THCB.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở GD-ĐT thực hiện nghiêm chỉnh quy chế tạm thời về xét tuyển học sinh vào trường PTTH, THCB do Bộ GD&ĐT ban hành, chỉ đạo các UBND huyện và các ngành hữu quan ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp và tạo điều kiện cần thiết để Sở GD-ĐT làm tròn nhiệm vụ.
Chương 2:
ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN. HỒ SƠ TUYỂN SINH
Điều 5: Những học sinh có hồ sơ hợp lệ và có đủ hai điều kiện sau đây được phép tham gia dự xét tuyển vào lớp 10 PTTH, THCB (công lập, bán công, dân lập, tư thục):
1. Có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS).
2. Đúng độ tuổi: Từ 15 đến 17 tuổi (tính từ năm sinh đến năm tổ chức xét tuyển).
Học sinh gái, học sinh là người Việt Nam học ở nước ngoài mới chuyển về nước được gia hạn thêm 1 tuổi. Học sinh là người dân tộc thiểu số, họ sinh người Kinh đang sinh sống và học tập tại vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo được gia hạn thêm 2 tuổi. Học sinh có nhiều tiêu chuẩn gia hạn tuổi chỉ được hưởng theo mức tuổi gia hạn cao nhất.
Điều 6: Hồ sơ dự tuyển bao gồm:
1. Phiếu dự tuyển vào lớp 10 PTTH hoặc THCB (theo mẫu thống nhất do Sở GD-ĐT quy định).
2. Học bạ cấp THCS (bản chính).
3. Bằng tốt nghiệp THCS (bằng chính). Học sinh mới thi tốt nghiệp chưa được cấp bằng tốt nghiệp có thể nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời do Trưởng phòng GD-ĐT Quận, huyện cấp và nộp bằng chính khi được Sở GD-ĐT cấp phát bằng.
4. Giấy khai sinh (bản sao hợp lệ - có xác nhận của công chứng nhà nước hoặc UND xã, phường).
5. Giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng tiêu chuẩn con liệt sĩ, thương binh (nếu có).
6. Giấy khen hoặc các giấy chứng nhận hợp lệ về được giải trong các cuộc thi học sinh giỏi bộ môn, thể dục - thể thao, văn nghệ, ... (nếu có).
Điều 7: Học sinh tốt nghiệp THCS diện đặc cách, học sinh tốt nghiệp THCS những năm trước (học sinh cũ), còn tuổi dự tuyển và có hồ sơ hợp lệ, được phép tham gia dự tuyển.
Chương 3:
TỔ CHỨC XÉT TUYỂN
Điều 8: Điểm môn thi có tính hệ số quy định như sau:
1. Tuyển vào PTTH: Cả môn Văn - Tiếng Việt và Toán tính hệ số 2.
2. Tuyển vào THCB: Tuỳ theo từng ban, hệ số môn thi quy định cụ thể là:
+ Ban Khoa học tự nhiên: Môn Toán có hệ số 3.
+ Ban Khoa học tự nhiên - Kỹ thuật: Môn Toán có hệ số 2
+ Ban Khoa học xã hội: Môn Văn - Tiếng Việt có hệ số 3.
Điều 9: Điểm cộng thêm khi xét tuyển học sinh diện chính sách xã hội là:
+ Cộng thêm 3 điểm: Có cha (hoặc mẹ) là liệt sĩ; là thương binh, bệnh binh nặng (có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên).
+ Cộng thêm 2 điểm: Có cha (hoặc mẹ) là người dân tộc thiểu số, là thương binh, bệnh binh các hạng còn lại.
+ Cộng thêm 1 điểm: Có cha (hoặc mẹ) được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động; anh hùng lực lượng vũ trang hoặc được tặng thưởng huân chương các loại.
Học sinh có nhiều tiêu chuẩn được cộng điểm, chỉ được hưởng theo tiêu chuẩn có số điểm cao nhất.
Ngoài các tiêu chuẩn nêu trên, không được tự ý quy định thêm các diện ưu tiên hoặc các điểm cộng thêm khác.
Điểm xét tuyển là tổng điểm tốt nghiệp THCS (có tính hệ số như quy định tại Điều 8) và điểm ưu tiên diện chính sách cộng thêm (nếu có).
Điều 10: Đối với học sinh không được tuyển vào lớp 10 những năm học trước, muốn dự tuyển phải đăng ký với Sở GD-ĐT 2 tháng trước ngày thi tốt nghiệp THCS và chỉ phải dự thi lại 2 môn Văn - Tiếng Việt và Toán của kỳ thi tốt nghiệp THCS. Nếu điểm bình quân hai môn này cùng với điểm chính sách xã hội được cộng thêm (nếu có) bằng điểm chuẩn bình quân vào trường thì học sinh này sẽ được trúng tuyển.
(Điểm bình quân vào trường bằng điểm xét tuyển thấp nhất chia cho số môn thi. Việc tính điểm bình quân vào trường chỉ thực hiện khi có xét tuyển học sinh cũ).
Điều 11: Mỗi trường PTTH hoặc THCB lập một Hội đồng xét tuyển sinh vào lớp 10 gồm hiệu trưởng làm chủ tịch, các phó hiệu trưởng làm phó chủ tịch, một số tố trưởng bộ môn và thư ký Hội đồng giáo dục nhà trường làm uỷ viên.
Điều 12: Hội đồng xét tuyển căn cứ vào hồ sơ dự tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh và các căn cứ nêu trên tiến hành xét tuyển:
1. Được xét tuyển trước những học sinh thuộc các đối tượng sau:
- Học sinh tốt nghiệp THCS loại giỏi.
- Học sinh được giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bộ môn lớp 9.
- Học sinh tốt nghiệp THCS loại khá và có thêm một trong các tiêu chuẩn:
+ Được giải trong các kỳ thi thể dục thể thao, văn nghệ, ... do các Sở chuyên môn phối hợp với Sở GD-ĐT trở lên tổ chức trong năm học sinh học lớp 9;
+ Thuộc diện ưu tiên tuyển chọn quy định tại Điều 9.
2. Những trường hợp còn lại tính theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp.
3. Việc xét tuyển vào THCB, ngoài các quy định nêu trên cần chú ý:
- Cần kết hợp xét nguyên vọng cá nhân học sinh với năng lực học tập thể hiện qua điểm trung bình cả năm các môn chính của từng ban.
- Khi cần thiết, có thể điều chỉnh học sinh từ ban KHTN sang ban KHTN-KT hay ngược lại.
4. Hội đồng tuyển sinh trường PTTH hoặc THCB tập hợp danh sách học sinh được trúng tuyển và hồ sơ kèm theo trình Sở GD-ĐT duyệt.
5. Căn cứ vào đề nghị của Hội đồng tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh của trường, Sở GD-ĐT xem xét và duyệt danh sách học sinh được tuyển vào các trường; cấp giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 trường PTTH, THCB cho từng học sinh. Chỉ duyệt một lần toàn bộ chỉ tiêu đã phân bổ và niêm yết công khai danh sách học sinh được tuyển để mọi người biết và phát hiện các trường hợp sai sót (nếu có).
Điều 13:
1. Xử lý nghiêm khắc giáo viên và những người có liên quan đến việc làm giả hồ sơ, học bạ hoặc các loại giấy chứng nhận. Trường hợp nghiêm trọng cần chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý theo luật đinh. Mức độ và các hình thức xử lý kỷ luật áp dụng như trong kỳ thi tốt nghiệp.
2. Nếu phát hiện do làm giả hoặc khai sai hồ sơ để được tuyển, học sinh sẽ nhận hình thức kỷ luật đuổi học, thu hồi chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14: Quy chế có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho các địa phương tiến hành xét tuyển học sinh vào lớp 10 PTTH, THCB từ năm học 1998-1999. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh, báo cáo kịp thời để Bộ xem xét giải quyết (Vụ THPT). Ông Vụ trưởng Vụ THPT chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, tổ chức rút kinh nghiệm, bổ sung, chỉnh lý để sau một thời gian thực hiện trình Bộ ban hành chính thức.
Điều 15: Các Ông (Bà) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Vụ trưởng các Vụ có liên quan và các Ông (Bà) Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.
- 1Quyết định 31/1999/QĐ-BGD&ĐT bãi bỏ 174 văn bản quy phạm pháp luật của Ngành Giáo dục - Đào tạo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Quyết định 27/1998/QĐ-BGD&ĐT bổ sung "Quy chế tạm thời về xét tuyển học sinh vào trường Phổ thông Trung học, Trung học chuyên ban " theo Quyết định 3480/1997/QĐ-BGD&ĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Quyết định 08/1999/QĐ-BGD&ĐT về Quy chế tuyển sinh vào trường trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Quyết định 3480/1997/QĐ-BGDĐT năm 1997 về Quy chế tạm thời về xét tuyển học sinh vào trường phổ thông trung học, trung học chuyên ban do Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo ban hành
- Số hiệu: 3480/1997/QĐ-BGDĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 01/11/1997
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn Minh Hiển
- Ngày công báo: 31/12/1997
- Số công báo: Số 24
- Ngày hiệu lực: 16/11/1997
- Ngày hết hiệu lực: 14/03/1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực