Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3466/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 26 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYÊT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI MUA BÁN SẢN PHẨM THUỐC LÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ngày 18/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá;

Căn cứ Quyết định số 9726/QĐ-BCT ngày 19/12/2013 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1226/TTr-SCT ngày 08/9/2017 về việc thẩm định Quy hoạch mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Theo Báo cáo thẩm định số 483/BC-SKHĐT ngày 15/9/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giải trình của Sở Công Thương tại văn bản số 1289/SCT-QLTM ngày 21/9/2017 về việc quy hoạch mua bán sản phẩm thuốc lá,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm quy hoạch

Mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được quy hoạch theo hướng ngày càng hệ thống, đồng bộ, chuyên nghiệp, phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh, góp phần hạn chế kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá; kiểm soát được các sản phẩm thuốc lá bán ra thị trường, hạn chế buôn bán các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá kém chất lượng.

Mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được quy hoạch trên cơ sở sắp xếp, phân bố lại mạng lưới thương nhân bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá; lựa chọn, tập trung đầu mối, không phát triển dàn trải; tập trung nâng cao năng lực cung ứng và đảm bảo tuân thủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của nhà nước; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng, sắp xếp lại mạng lưới thương nhân bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá đồng bộ, hợp lý để kiểm soát, hạn chế kinh doanh tự phát, kinh doanh không giấy phép nhằm đảm bảo chất lượng; giá cả sản phẩm thuốc lá bán ra thị trường; qua đó góp phần tích cực vào việc phòng, chống tác hại thuốc lá; bảo vệ quyền lợi của mọi thành phần tham gia mua bán sản phẩm thuốc lá, nhất là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2020:

+ 80% cơ sở kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn phải có giấy phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá.

+ Số thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá được cấp tối đa là 29; số thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá được cấp tối đa là 4.969; kiềm chế được mức tiêu thụ thuốc lá trung bình xuống còn 66 bao/người/năm.

- Đến năm 2025:

+ 100% cơ sở kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn phải có giấy phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên cơ sở sắp xếp lại số lượng thương nhân tham gia bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trong giai đoạn trước để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý đặt ra trong thời kỳ.

+ 100% số lượng và chất lượng của sản phẩm thuốc lá bán ra thị trường được kiểm soát đảm bảo không có sản phẩm thuốc lá giả, nhập lậu và kém chất lượng.

3. Định hướng mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá

Đến năm 2020, cần tiếp tục cấp giấy phép mới cho thương nhân bán buôn, bán lẻ đảm bảo đủ điều kiện theo quy định hiện hành, đặc biệt đối với các thương nhân đang kinh doanh sản phẩm thuốc lá chưa đăng ký nhưng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Xem xét hiệu quả hoạt động của các thương nhân bán buôn, bán lẻ và sự phát triển tương thích giữa thương nhân bán buôn với thương nhân bán lẻ để điều chỉnh theo hướng giảm dần đầu mối nhưng tập trung về số lượng và chất lượng hàng hóa cung ứng cho giai đoạn sau.

Giai đoạn sau 2020, cần rà soát lại số thương nhân bán buôn, bán lẻ đã được cấp phép để điều chỉnh cho phù hợp với thời kỳ này trên nguyên tắc xem xét, điều chỉnh hoặc có thể thay thế thương nhân bán buôn, bán lẻ vi phạm các quy định kinh doanh; sắp xếp lại số thương nhân bán buôn, bán lẻ hợp lý theo năng lực thực tế của thương nhân và độ tín nhiệm của nhà cung cấp, nhu cầu của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Tiếp đến, cơ cấu lại mạng lưới thương nhân bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá theo hướng không phát triển dàn trải và kiểm soát được thị trường.

4. Nội dung của quy hoạch

a) Chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với quy hoạch mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá

* Đối với thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá;

- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;

- Có hệ thống bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh nơi thương nhân đặt trụ sở chính (tối thiểu phải từ 02 thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá trở lên);

- Là đơn vị trực thuộc hệ thống kinh doanh của nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của doanh nghiệp phân phối sản phẩm thuốc lá; có hợp đồng và văn bản giới thiệu của nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của doanh nghiệp phân phối sản phẩm thuốc lá;

- Có kho hàng (hoặc hệ thống kho hàng) thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê kho hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu tổng diện tích phải từ 50 m2 trở lên) đáp ứng yêu cầu bảo quản chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian lưu kho;

- Có phương tiện vận tải thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu phải có 01 xe có tải trọng từ 500kg trở lên); đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian vận chuyển;

- Có năng lực tài chính bảo đảm cho toàn bộ hệ thống phân phối của doanh nghiệp hoạt động bình thường (có Giấy xác nhận của ngân hàng, tối thiểu 01 tỷ Việt Nam đồng trở lên);

- Có bản cam kết của doanh nghiệp về bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

* Đối với thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá

- Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá.

- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; địa điểm kinh doanh không được gần các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ các trường cao đẳng, đại học); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

- Diện tích điểm kinh doanh tối thiểu phải từ 3m2 trở lên đối với điểm chuyên kinh doanh thuốc lá; đối với điểm kinh doanh tổng hợp phải có diện tích tối thiểu dành riêng cho thuốc lá từ 0,5m2 trở lên.

- Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá.

- Phù hợp với quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam công bố.

b) Nội dung của quy hoạch

- Số thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá tối đa trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2020 là 29.

- Số thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá tối đa trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2020 là 4.969.

(Chi tiết theo Phụ lục kèm theo).

5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá của cơ quan quản lý nhà nước

- Đẩy mạnh hoạt động thông tin và truyền thông: Thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng; ban hành các quy định, tài liệu giảng dạy về phòng chống tác hại của thuốc lá; triển khai giảng dạy và tổ chức các cuộc vận động phòng chống tác hại của thuốc lá trong hệ thống các trường học; tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, lồng ghép với các hoạt động giáo dục sức khỏe tại địa phương, đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên và thông qua các hoạt động giáo dục trong trường học.

- Quản lý chặt chẽ quảng cáo, khuyến mại và các hình thức tài trợ: cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, kể cả việc sử dụng tên, nhãn hiệu và biểu tượng của các sản phẩm thuốc lá với các sản phẩm và các dịch vụ không liên quan đến thuốc lá; nghiêm cấm tổ chức các hoạt động tiếp thị, kể cả việc sử dụng hệ thống tiếp viên để chào hàng, in nhãn, mác quảng cáo trên các phương tiện vận chuyển; cấm các tổ chức nhận tài trợ của các thương nhân bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao có gắn với việc quảng cáo thuốc lá.

- Quản lý chặt chẽ chế độ báo cáo định kỳ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước: Định kỳ sáu (6) tháng thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh về Sở Công Thương; thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh về Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

b) Đẩy mạnh công tác phối hợp của các cơ quan liên quan

- Với các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá đã được cấp phép, Sở Công Thương, Phòng Kinh tế/ Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố cùng với cơ quan quản lý thị trường và các ban ngành liên quan phối hợp rà soát và kiểm tra thường xuyên để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng thuốc lá. Với các điểm kinh doanh được cấp phép mà kinh doanh thuốc lá nhập lậu, ngoài chấp hành xử phạt hành chính, tùy vào mức độ cụ thể có thể sẽ bị đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định.

- Tăng cường kiểm tra, nhất là ở các khu du lịch có cửa hàng, nhà hàng khách sạn để kiểm soát việc bán thuốc lá nhập lậu, thuốc lá kém chất lượng.

c) Phát triển loại hình kinh doanh sản phẩm thuốc lá theo phương thức mới

- Thương nhân bán lẻ chủ động bám sát thị trường, tìm hiểu xu hướng kinh doanh mặt hàng thuốc lá, kết hợp kinh doanh sản phẩm thuốc lá với một số mặt hàng kinh doanh có điều kiện khác như: rượu bia, xổ số, báo chí... nhằm tăng hiệu quả hoạt động đầu tư.

- Khuyến khích cấp phép đối với những thương nhân bán buôn, bán lẻ có điểm kinh doanh sản phẩm thuốc lá không nằm trong diện tích nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện khác theo quy định.

d) Đối với các thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá

- Chỉ mua sản phẩm thuốc lá có nguồn gốc hợp pháp; tổ chức lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuốc lá trên thị trường theo giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp; phải niêm yết bản sao hợp lệ giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá.

- Có nghĩa vụ tham gia phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng, chống buôn lậu sản phẩm thuốc lá, kinh doanh thuốc lá giả; phòng, chống tác hại của thuốc lá; báo cáo định kỳ tình hình kinh doanh theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

- Tuân thủ đúng pháp luật về bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

đ) Đối với người tiêu dùng sản phẩm thuốc lá

- Phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật quy định về phương thức mua, tiêu thụ, độ tuổi, địa điểm, sản phẩm thuốc lá sử dụng,...

- Không sử dụng thuốc lá tại nơi làm việc, trong nhà, hội họp, tại khu vực cấm hút thuốc lá nơi công cộng; từng bước hạn chế sử dụng thuốc lá.

- Nâng cao nhận thức, ý thức về tác hại của thuốc lá đối với bản thân, cộng đồng trên các phương diện như sức khoẻ, kinh tế, môi trường; tích cực tham gia tuyên truyền, phát động phong trào không sử dụng thuốc lá khi tuổi chưa thành niên; phụ nữ, nhất là phụ nữ đang mang thai, đang nuôi con nhỏ, người già, người thu nhập thấp; không hút thuốc lá nhập lậu.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố công bố quy hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn phòng chuyên môn cấp huyện thực hiện quyết định này.

- Xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch; tham mưu triển khai các giải pháp kiểm soát chặt mạng lưới kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh.

- Thẩm định các điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt và các quy định hiện hành của pháp luật.

- Chủ trì tham mưu kế hoạch lộ trình phải đầu tư nâng cấp, di dời, giải tỏa các kho, các điểm kinh doanh sản phẩm thuốc lá không phù hợp với quy hoạch, không đủ điều kiện về địa điểm kinh doanh, không được cấp phép, làm mất trật tự cảnh quan, vi phạm an toàn giao thông, xây dựng trái phép.

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, định kỳ hàng năm báo cáo cấp thẩm quyền; tham mưu điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Hướng dẫn thẩm định các thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân bán buôn, bán lẻ cho các đơn vị kinh doanh sản phẩm thuốc lá theo quy hoạch được phê duyệt và các quy định của pháp luật. Theo dõi, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, chủ trì thẩm định điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết.

3. Sở Tài chính:

Tham mưu bố trí nguồn kinh phí cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các nhiệm vụ trong quy hoạch này.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng và việc tuân thủ các quy định của pháp luật đối với việc kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Sở Y tế:

Tăng cường năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế và cán bộ công tác xã hội để kịp thời phát hiện, thực hiện có hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tác hại của thuốc lá; khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn cai nghiện thuốc lá, nâng cao hiệu quả phòng, chống tác hại thuốc lá.

6. Cục Thuế tỉnh:

Hướng dẫn các cơ sở bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá thực hiện chế độ quản lý thuế, tài chính doanh nghiệp khi có yêu cầu; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế, tài chính của các cơ sở bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về quảng cáo liên quan đến lĩnh vực thuốc lá; phối hợp với các đơn vị chức năng trong kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về cấm bán thuốc lá tại những khu vực công cộng theo quy định của pháp luật.

- Quản lý chặt chẽ việc cấp phép hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, lễ hội và tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm các hoạt động này không có quảng cáo, tiếp thị và tài trợ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Lồng ghép hoạt động giáo dục về tác hại của thuốc lá phù hợp với các cấp học, bậc học, chú trọng tuyên truyền, thông tin cho học sinh về tuổi được phép mua, được phép sử dụng thuốc lá; kỹ năng từ chối sử dụng thuốc lá; tác hại của sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và cộng đồng; kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về cấm bán sản phẩm thuốc lá trong trường học.

9. Công an tỉnh:

Phối hợp với các đơn vị chức năng trong thực thi các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức diễn tập và phổ biến công tác PCCC tại các khu vực có hoạt động kinh doanh, lưu giữ sản phẩm thuốc lá.

10. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức xã hội tỉnh:

Huy động sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong phát động, đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá; nâng cao vai trò giám sát của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng.

11. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trên địa bàn quản lý, định kỳ hàng năm báo cáo cấp thẩm quyền tình hình thực hiện quy hoạch trên địa bàn.

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc lá, phối hợp các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra xử lý theo quy định.

- Chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng/Phòng Kinh tế tổ chức tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định, cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá (theo thẩm quyền); xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước của thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn.

- Hàng năm tiến hành rà soát các văn bản qui phạm pháp luật về kinh doanh thuốc lá không phù hợp báo cáo Sở Công Thương trình các cấp có thẩm quyền.

12. Các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh sản phẩm thuốc lá:

- Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá và quy hoạch này.

- Thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Chấp hành các yêu cầu hướng dẫn của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm thuốc lá.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Công Thương (b/cáo);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (b/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu QH tỉnh (b/cáo);
- UBMTTQVN tỉnh (p/hợp);
- Các Hội, Đoàn thể tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, KTN, KTTH, KGVX, TH, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Khánh Toàn

 

PHỤ LỤC

SỐ THƯƠNG NHÂN BÁN BUÔN, BÁN LẺ SẢN PHẨM THUỐC LÁ TỐI ĐA ĐƯỢC CẤP PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN/THỊ XÃ/THÀNH PHỐ TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3466/QĐ-UBND ngày 26/9/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam)

STT

Tên huyện/Thị xã/Thành phố

Số lượng thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá tối đa

Số lượng thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá tối đa

1

Thành phố Tam Kỳ

29

414

2

Thành phố Hội An

200

3

Thị xã Điện Bàn

703

4

Huyện Tây Giang

69

5

Huyện Đông Giang

90

6

Huyện Đại Lộc

510

7

Huyện Duy Xuyên

423

8

Huyện Quế Sơn

287

9

Huyện Nam Giang

88

10

Huyện Phước Sơn

89

11

Huyện Hiệp Đức

137

12

Huyện Thăng Bình

612

13

Huyện Tiên Phước

242

14

Huyện Bắc Trà My

137

15

Huyện Nam Trà My

99

16

Huyện Núi Thành

481

17

Huyện Phú Ninh

272

18

Huyện Nông Sơn

116

 

Tổng

29

4.969

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3466/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025

  • Số hiệu: 3466/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/09/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Huỳnh Khánh Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản