Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3466/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 29 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐẦU TƯ PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ ĐƯA RƯỚC CÔNG NHÂN, HỌC SINH, SINH VIÊN VÀ VẬN CHUYỂN KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 8934/TTr-SGTVT ngày 15/10/2014;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình đầu tư phương tiện phục vụ đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên và vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GTVT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch;
- Tổng cục ĐBVN;
- Chánh - Phó Văn phòng;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT, CNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Vĩnh

 

CHƯƠNG TRÌNH

ĐẦU TƯ PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ ĐƯA RƯỚC CÔNG NHÂN, HỌC SINH, SINH VIÊN VÀ VẬN CHUYỂN KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT GIAI ĐOẠN 2015-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3466/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Căn cứ Thông tư số 108/2014/TT-BTC ngày 11/08/2014 của Bộ Tài chính về quy định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xây dựng Chương trình đầu tư phương tiện phục vụ đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên và vận chuyển khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2015 - 2020 với các nội dung như sau:

I. Sự cần thiết xây dựng chương trình

Hiện nay dân số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trên 2,7 triệu người, xếp thứ 05 cả nước. Trong đó lượng công nhân, học sinh, sinh viên chiếm gần 50%. Tỉnh Đồng Nai có 32 cụm Khu công nghiệp với 1.302 nhà máy, hơn 453.000 công nhân (chưa tính nhà máy ngoài Khu công nghiệp); có 542 trường học với hơn 474.000 học sinh, sinh viên. Để đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của công nhân, học sinh, sinh viên thì mỗi ngày phải vận chuyển được 100.000 khách/ngày như vậy phải cần khoảng 2.000 - 3.000 xe đưa rước (hiện nay mới có khoảng hơn 500 xe).

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 đến hết tháng 8 năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2.774 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 1.607 người và bị thương 2.765 người. Tai nạn giao thông chủ yếu trên các tuyến quốc lộ (65%) và chủ yếu do xe gắn máy gây ra (60%).

Việc đi lại của người dân ngày càng trở nên khó khăn, ùn tắc giao thông xảy ra tại nhiều nơi. Do đó, việc đầu tư, phát triển phương tiện giao thông công cộng nhất là xe buýt là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, tạo sự an toàn, thuận tiện và bảo vệ môi trường, cải thiện hình ảnh của vận tải hành khách công cộng.

Tuy nhiên, chất lượng và số lượng của xe buýt, xe đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên ở tỉnh Đồng Nai chưa cao, với một số khiếm khuyết như:

- Số lượng xe chưa đáp ứng nhu cầu.

- Các xe buýt đã hoạt động gần 10 năm, đến thời kỳ xuống cấp về mặt kỹ thuật. Số xe tự đầu tư của khối Hợp tác xã cũng đã cũ kỹ, có chất lượng kém.

- Đa số các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải theo quy định.

- Kiểu dáng và màu sơn xe buýt chưa đồng nhất toàn bộ cả hệ thống xe buýt của thành phố.

Hoạch định một chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích và huy động các thành phần kinh tế tham gia nhất là các Hợp tác xã có điều kiện đầu tư mới và thay thế, phát triển loại phương tiện mới có chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, hiện đại, nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, nhằm góp phần để tạo điều kiện cho các Khu công nghiệp phát triển, đối tượng công nhân, học sinh - sinh viên có điều kiện đi lại, giá cả phải chăng, góp phần vào việc phát triển bền vững, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Chương trình này được xây dựng với mục tiêu phát triển vận chuyển đưa rước đối tượng công nhân, học sinh - sinh viên là những đối tượng thường xuyên đi xe buýt trên các lộ trình cố định (mở rộng tuyến xe buýt theo quy hoạch, tăng cường xe đưa rước tại các khu công nghiệp - đầu tư phương tiện mới) và thay thế xe buýt cũ gần hết niên hạn sử dụng, không đáp ứng tiêu chuẩn ngành hiện đang hoạt động trên địa bàn của tỉnh bằng loại phương tiện mới có chất lượng tốt hơn, mở thêm tuyến xe buýt mới theo quy hoạch và hợp đồng đưa rước thêm công nhân, học sinh - sinh viên trên địa bàn tỉnh.

II. Đánh giá tình hình thực hiện 4 năm (2011 - 2014)

1. Thuận lợi và khó khăn

a) Thuận lợi

Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải đã giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành và UBND các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu chung của ngành.

UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các vùng lân cận giai đoạn 2010-2020 và định hướng phát triển sau năm 2020. Từ đó mạng lưới vận tải hành khách công cộng phát triển trải đều đến địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, hoạt động xe buýt ổn định phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là công nhân, đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng đi lại bằng phương tiện xe buýt.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 về chương trình phát triển dịch vụ vận tải giai đoạn 2006 - 2010 và Quyết định số 3534/QĐ-UBND ngày 26/11/2009 về điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển dịch vụ vận tải tỉnh Đồng Nai giai đoạn năm 2006 - 2010 đã tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp vận tải, Hợp tác xã vận tải và cá nhân (gọi chung là đơn vị vận tải) được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phương tiện phục vụ vận chuyển đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên và vận tải khách công cộng bằng xe buýt.

Kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng, việc đầu tư có trọng tâm trọng điểm, bám sát lộ trình quy hoạch được duyệt và kế hoạch được giao hàng năm, chất lượng các công trình được nâng lên, đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy trình, quy phạm và chính sách pháp luật của nhà nước và nhu cầu lưu thông hàng hóa, hành khách trên địa bàn tỉnh. Cơ sở hạ tầng cho xe buýt hoạt động như bến xe, trạm xe, nhà chờ, biển dừng, vạch sơn được đầu tư tương đối hoàn chỉnh góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tỉnh đã cấp kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng như: nhà chờ, biển dừng và vạch sơn cho xe buýt.

Các sở, ban, ngành và các cơ quan thông tin đại chúng đã phối hợp hỗ trợ trong công tác thông tin, tuyên truyền về các tuyến xe buýt để nhân dân được biết và hưởng ứng đi lại bằng phương tiện xe buýt.

b) Khó khăn

Song song với những thuận lợi, trong những năm qua ngành cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay do ảnh hưởng của việc lạm phát, thất nghiệp tăng cao ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực vận tải và đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Hoạt động kinh doanh vận tải khách, vận tải hàng hóa trong thời gian qua mặc dù giá nhiên liệu, phụ tùng vật tư, săm lốp…..không được ổn định. Nhưng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo không tăng giá cước nhằm bình ổn giá nên các đơn vị vận tải gặp rất nhiều khó khăn.

Đất để xây dựng bến xe, điểm đỗ xe đầu tuyến, cuối tuyến của một số tuyến xe buýt chưa được các địa phương quan tâm hỗ trợ giải quyết kịp thời, các biển dừng, đón, trả khách và các nhà chờ cho xe buýt còn thiếu.

Việc quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng gặp khó khăn do thói quen của người dân và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông chưa cao.

Việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa làm thường xuyên dẫn đến xe buýt giả, tranh giành khách, cạnh tranh không lành mạnh, làm cho hoạt động xe buýt gặp nhiều khó khăn đồng thời làm cho trật tự an toàn giao thông thêm phức tạp.

2. Kết quả thực hiện

Trong 04 năm thực hiện tỉnh đã đạt được những thành quả nhất định trong việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông: Hoàn thành công tác quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải đến 2010 và định hướng đến 2020; Nâng cấp mở rộng 18 Km đường Quốc lộ, Nâng cấp cải tạo 98 Km đường tỉnh; Mở mới, nâng cấp được gần 1.000 Km đường giao thông nông thôn và gần 100 cầu vĩnh cửu trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố … Đồng thời, đang triển khai một số công trình trọng điểm theo quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từng bước xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các trục Quốc lộ, đường tỉnh với đường huyện, đường xã… tạo điều kiện cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên phát triển thuận lợi.

Công tác vận tải, UBND tỉnh đã:

- Quy hoạch bến, bãi đỗ xe, quy hoạch sắp xếp hệ thống cảng, bến thủy nội địa, đề án thu phí qua phà.

- Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi, Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm đạo đức đội ngũ lái xe; tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe; tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải cử cán bộ tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Kết quả đạt được từ việc thực hiện Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 của UBND tỉnh về Chương trình phát triển dịch vụ vận tải giai đoạn 2006-2010 và Văn bản số 410/UBND-CNN ngày 14/01/2011 của UBND tỉnh về đầu tư phương tiện phục vụ đưa rước công nhân, học sinh và vận chuyển hành khách bằng xe buýt giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

a) Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, các đơn vị vận tải, doanh nghiệp quản lý và khai thác bến xe đề ra những giải pháp (miễn vé cho người khuyết tật, người cao tuổi và học sinh, sinh viên đi thi đại học khi đi lại bằng xe buýt) để thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của công nhân, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các vùng lân cận giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng phát triển sau năm 2020 gặp không ít khó khăn do các đơn vị vận tải chưa dám mạnh dạn đầu tư, trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm của các đơn vị vận tải còn hạn chế nên rất ít đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh tham gia dự án.

Từ năm 2011 đến nay duy trì hoạt động của 23 tuyến xe buýt gồm 05 tuyến có trợ giá và 18 tuyến không trợ giá. Tổng số phương tiện khai thác là 419 xe/20.615 chỗ. Hàng ngày có 1.711 chuyến xe hoạt động từ 03 giờ 40 phút đến 20 giờ 50 phút. Trong đó, phương tiện của các đơn vị vận tải Đồng Nai tham gia khai thác là 361 xe/17.837 chỗ, hàng ngày có 1.487 chuyến xe hoạt động.

Nhìn chung các tuyến xe buýt hoạt động hiệu quả, sản lượng khách đi lại trên tuyến tương đối ổn định, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động, doanh nghiệp an tâm hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay đa số các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh (chủ yếu là Hợp tác xã vận tải) đều tham gia hoạt động kinh doanh loại hình vận tải khách bằng xe buýt, có nhiều doanh nghiệp đã khai thác từ 02 đến 03 tuyến xe buýt.

Về trợ giá xe buýt: tổng số tiền trợ giá từ năm 2011 đến tháng 7 năm 2014 là 114 tỷ 452 triệu đồng.

Trong đó:

- Năm 2011: 29 tỷ 523 triệu đồng.

- Năm 2012: 31 tỷ 513 triệu đồng.

- Năm 2013: 33 tỷ 641 triệu đồng.

- 07 tháng đầu năm 2014: 19 tỷ 775 triệu đồng.

b) Vận chuyển đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên

Trên địa bàn tỉnh có 17 đơn vị vận tải tham gia đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên các khu công nghiệp, trường học là 480 xe/20.983 ghế. (cụ thể: HTX Đồng Tiến, Quyết Thắng, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Long Khánh, Xuân Hồng, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ; Công ty Sonadezi, Hoàng Hà, Phương Thu Trang, Triệu Vy, Kim Hiền Vinh, Trần Hồng, Minh Minh Thu; DNTN Yến Lâm). Các đơn vị vận tải đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên chiếm khoảng 10% lượng công nhân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

c) Về đầu tư phương tiện

Thực hiện Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 của UBND tỉnh về Chương trình phát triển dịch vụ vận tải giai đoạn 2006-2010, Văn bản số 410/UBND-CNN ngày 14/01/2011 của UBND tỉnh về đầu tư phương tiện phục vụ đưa rước công nhân, học sinh và vận chuyển hành khách bằng xe buýt giai đoạn 2011-2015, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh hướng dẫn các đơn vị vận tải, cá nhân lập thủ tục vay vốn đầu tư đổi mới phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn quy định với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư nếu đơn vị vận tải, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, các đơn vị vận tải, cá nhân đã chủ động vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư đổi mới phương tiện bảo đảm đúng theo tiêu chuẩn quy định.

Từ năm 2011 - 2014, các đơn vị vận tải, cá nhân đã vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh là 50 tỷ 550 triệu đồng để đầu tư 82 xe/400 xe (đạt 20,5%), tổng số tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các đơn vị vận tải là 02 tỷ 800 triệu đồng.

d) Kết quả thực hiện các công tác khác

- Về cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt: Hiện có 125 nhà chờ và 1.164 biển dừng xe khách được lắp đặt trên 23 tuyến xe buýt, vốn đầu tư 06 tỷ 800 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lái xe dừng đón, trả khách đúng nơi quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân ngày được tốt hơn. Trong đó, vốn đầu tư của nhà nước là 4 tỷ 126 triệu đồng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp là 02 tỷ 676 triệu đồng.

- Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải hỗ trợ các đơn vị vận tải tổ chức các lớp tập huấn đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hành khách đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Số lượng lái xe và nhân viên phục vụ được tập huấn định kỳ hàng năm gần 2.000 lượt.

Với sự hình thành và phát triển của hệ thống mạng lưới xe buýt, đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên… đã tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng đối với các thành phần kinh tế, từ đó đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách hiệu quả và bền vững. Mạng lưới xe buýt từng bước đi vào ổn định, đã tổ chức được các tuyến đi từ trung tâm thành phố Biên Hòa đến các khu công nghiệp, các thị trấn, thị xã, các khu du lịch và các vùng đông dân cư trên địa bàn tỉnh góp phần không nhỏ trong việc giảm ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm trên địa bàn thành phố Biên Hòa, các khu công nghiệp và các vùng phụ cận, giảm một phần tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường góp phần tạo được nét đẹp về văn hóa và văn minh cho các đô thị. Người dân đã bỏ dần được thói quen sử dụng phương tiện xe 2 bánh mà chuyển sang sử dụng phương tiện xe buýt để đi lại. Đây là một trong những yếu tố tác động tích cực và là động lực quan trọng thúc đẩy vận tải khách công cộng duy trì, ổn định và phát triển nhằm kiềm chế và giảm tai nạn giao thông, từng bước lập lại lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

III. Đánh giá tình hình thực hiện

Việc thực hiện Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 của UBND tỉnh về Chương trình phát triển dịch vụ vận tải giai đoạn 2006-2010 và Văn bản số 410/UBND-CNN ngày 14/01/2011 của UBND tỉnh về đầu tư phương tiện phục vụ đưa rước công nhân, học sinh và vận chuyển hành khách bằng xe buýt giai đoạn 2011-2015 cụ thể là:

- Tuyến xe buýt thực hiện: 23 tuyến/23 tuyến đạt 100%.

- Đầu tư phương tiện: Từ năm 2011 đến nay các đơn vị vận tải đã vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh là 50 tỷ 550 triệu đồng để đầu tư 82 xe (82 xe/400 xe) đạt 20,5% kế hoạch, hỗ trợ lãi suất là 02 tỷ 800 triệu đồng. Trong thời gian qua do tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, giá cả vật tư xăng dầu biến động liên tục đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải. Việc mở mới tuyến xe buýt cũng gặp không ít khó khăn do nhu cầu đi lại thấp không đáp ứng các quy định về mở tuyến xe buýt do Bộ GTVT ban hành nên các đơn vị vận tải không mở được tuyến dẫn đến không vay vốn đầu tư phương tiện.

- Công tác trả vốn và lãi vay: Đa số các đơn vị vận tải trả sớm hoặc đúng thời gian quy định, bên cạnh đó quản lý hoạt động của một số ít hợp tác xã vẫn còn lỏng lẻo, các xã viên chưa có ý thức cao trong việc tuân theo quy chế hoạt động, còn tùy tiện sang nhượng phương tiện… làm cho việc trả nợ không đúng thời gian (số tiền hỗ trợ lãi suất của năm 2011-2012 của một số xã viên chưa được ngân sách cấp là 194.688.000 đồng do các xã viên này còn nợ quá hạn).

IV. Nội dung chương trình

1. Mục tiêu

a) Duy trì các tuyến xe buýt hiện hữu, giảm trợ giá đối với các tuyến hoạt động có hiệu quả. Thực hiện tốt quy hoạch xe buýt giai đoạn 2010 - 2020 và sau năm 2020; Phát triển hoàn thiện hệ thống mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ, nghiên cứu kết hợp đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên nâng cao tính hiệu quả đồng thời tiết kiệm chi phí.

b) Phát triển mạng lưới xe đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên phục vụ các khu công nghiệp, trường học trên địa bàn TP. Biên Hòa và các huyện lân cận. Từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

c) Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng bến xe, trạm xe, nhà chờ, biển dừng đỗ; Nâng cao chất lượng phương tiện, đồng bộ về chủng loại, đảm bảo môi sinh, môi trường, giao thông tiếp cận với người khuyết tật để tạo điều kiện cho các đối tượng là thương binh, người khuyết tật sử dụng thuận tiện.

d) Tốc độ tăng trưởng vận chuyển hành khách tăng từ 2 - 4%/năm, tốc độ luân chuyển hành khách tăng từ 2 - 6%/năm,.

đ) Nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

e) Khai thác hiệu quả dữ liệu qua thiết bị giám sát hành trình phục vụ tốt công tác quản lý nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

g) Hỗ trợ các đơn vị vận tải mở tuyến vận tải khách bằng xe buýt, ký được các hợp đồng đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên từ đó đầu tư đổi mới phương tiện.

2. Nội dung hỗ trợ đầu tư

a) Vận tải khách bằng xe buýt và đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên

- Duy trì hoạt động của 23 tuyến xe buýt hiện hữu.

- Mở mới thêm 03 tuyến xe buýt.

- Củng cố và phát triển mạng lưới xe đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

b) Về đầu tư phương tiện

- Dự kiến nhu cầu đầu tư phương trong 6 năm (2015-2020) là 600 xe với tổng số vốn khoảng 540 - 720 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức độ đầu tư thực tế sẽ phụ thuộc vào mức hấp dẫn của chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh.

- Tổng số vốn đầu tư phương tiện của từng năm được vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh là 70% (378 - 504 tỷ đồng), 30% (162 - 216 tỷ đồng) số vốn còn lại các tổ chức, cá nhân tự bỏ ra để đầu tư.

- Thời hạn vay tối đa là 05 năm (60 tháng).

- Mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ là 2,4% lãi suất mà các tổ chức, cá nhân phải trả.

- Đối tượng được vay vốn: Các đơn vị vận tải có trụ sở chính tại Đồng Nai, có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe hợp đồng do Sở GTVT Đồng Nai cấp.

- Mục đích đầu tư phương tiện:

+ Để thay xe, bổ sung xe đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

+ Thay xe, bổ sung xe, mở các tuyến xe buýt theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Phương tiện:

+ Phải đăng ký và được cấp biển số của tỉnh Đồng Nai.

+ Để phục vụ việc đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên và vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

+ Không được chuyển nhượng khi chưa trả xong lãi vay và vốn vay theo quy định (trừ trường hợp có lý do chính đáng và có sự đồng ý bằng văn bản của Quỹ đầu tư), trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

a) Sở Giao thông vận tải

- Căn cứ Quyết định này hàng năm xây dựng Kế hoạch đầu tư phương tiện gửi Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh để tổng hợp, theo dõi và có kế hoạch nguồn vốn cho vay.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này của các cá nhân, đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư, Liên Đoàn lao động tỉnh, Ban Quản lý các KCN, Sở Giáo dục và Đào tạo nắm bắt và tổng hợp các doanh nghiệp, trường học có nhu cầu đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên thông báo cho các đơn vị vận tải biết để liên hệ làm việc.

- Chỉ đạo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tiếp tục đầu tư bổ sung, hoàn thiện hệ thống nhà chờ, biển dừng, vạch sơn xe buýt để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách.

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe tiếp tục đầu tư, nâng cấp các bến xe, trạm xe đầu cuối của các tuyến xe buýt để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

b) Sở Tài chính

Thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kinh phí hỗ trợ đối với các phương tiện được đầu tư để phục vụ đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên và vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

c) Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh

- Xây dựng kế hoạch vốn hàng năm để phục vụ cho việc vay vốn của các cá nhân, doanh nghiệp vận tải.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải làm thủ tục cho các cá nhân, doanh nghiệp vận tải vay vốn và thanh toán kinh phí hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp vận tải.

d) Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp

Phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, các trường học để nắm bắt và tổng hợp những doanh nghiệp, trường học có nhu cầu đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên gửi Sở Giao thông vận tải.

đ) UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa

Phổ biến nội dung Quyết định này đến UBND các địa phương, đơn vị trên địa bàn để tuyên truyền đến cá nhân, các đơn vị vận tải có liên quan biết về chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh đối với việc đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

e) Các đơn vị vận tải

- Tiếp tục thực hiện Dự án Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận giai đoạn 2010-2020 và định hướng phát triển sau năm 2020.

- Tháng 11 hàng năm đăng ký nhu cầu đầu tư phương tiện cho năm kế tiếp gửi về Sở Giao thông vận tải.

- Giám đốc, chủ nhiệm các đơn vị vận tải chịu trách nhiệm quản lý phương tiện, thu và nộp vốn vay của các phương tiện đầu tư đúng thời gian quy định.

g) Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Đồng Nai

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các đơn vị vận tải có liên quan biết về chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh đối với việc đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

h) Các cơ quan thông tin đại chúng

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định này trên các phương tiện thông tin đại chúng để cá nhân và các đơn vị vận tải biết về chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh đối với việc đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phản ánh kịp thời về Sở Giao thông vận tải để nghiên cứu trình UBND tỉnh xem xét giải quyết./.