Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TỔNG CỤC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 346/QĐ-PCTT

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM CHÍNH SÁCH VÀ KỸ THUẬT PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 26/2017/QĐ-TTg ngày 03/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Phòng, chống thiên tai trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 2903/QĐ-BNN-TCCB ngày 04/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phân cấp cho Tổng cục trưởng, Cục trưởng ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục, Cục;

Căn cứ ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều chỉnh tổ chức và nhiệm vụ của Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai và Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai tại Văn bản số 4315/BNN-TCCB ngày 26/6/2020;

Xét đề nghị của Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng, chống thiên tai;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Tổng cục.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai (dưới đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Phòng, chống thiên tai. Trung tâm có chức năng hỗ trợ quản lý nhà nước và thực hiện các hoạt động dịch vụ, dịch vụ sự nghiệp công về phòng, chống thiên tai, đê điều.

2. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, kinh phí hoạt động được bố trí từ ngân sách Nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Trụ sở chính của Trung tâm đặt tại Thành phố Hà Nội và 02 Văn phòng đại diện đặt tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng và thực hiện chiến lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và hàng năm theo phân công của Tổng cục trưởng.

2. Thực hiện các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý, điều hành của Tổng cục theo phân công của Tổng cục trưởng:

a) Xây dựng, quản lý, khai thác thông tin, dữ liệu và thống kê phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

b) Thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ thuộc đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”: Hướng dẫn, thực hiện đánh giá rủi ro thiên tai, đề xuất các mô hình hiệu quả, giải pháp về quản lý rủi ro thiên tai và các hoạt động khác có liên quan;

c) Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai; phương án, kịch bản diễn tập ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai; phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; phương án ứng phó khẩn cấp trong trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế, xảy ra sự cố vỡ đê, đập hoặc các sự cố khẩn cấp khác; quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa; bản đồ đê điều, bản đồ ngập lụt và các loại bản đồ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

d) Thực hiện quan trắc, thu thập thông tin, dữ liệu, giám sát, điều tra cơ bản, đánh giá hiện trạng trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

đ) Kiểm định xây dựng; giám định, đánh giá chất lượng an toàn công trình phòng chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

e) Thực hiện đề tài khoa học; thử nghiệm các mô hình, vật liệu mới, chuyển giao công nghệ mới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

g) Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám, công nghệ mô phỏng trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

h) Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống thiên tai, đê điều, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

i) Hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

3. Về nghiên cứu chính sách và khoa học trong phòng, chống thiên tai:

a) Nghiên cứu xây dựng, đánh giá, thẩm tra, phản biện chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

b) Phân tích, đánh giá tác động của chính sách trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

c) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai;

d) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

đ) Nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình, vật liệu mới, chuyển giao công nghệ mới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

e) Nghiên cứu, đề xuất giải pháp công trình trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

g) Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các trang thiết bị quan trắc thu thập dữ liệu, giám sát, cảnh báo, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;

h) Hợp tác, tư vấn về chính sách và khoa học trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

4. Về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng chống thiên tai:

a) Xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng phòng chống thiên tai; phổ biến kiến thức, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng;

b) Phân tích, đánh giá năng lực, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, truyền thông trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

c) Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng chống thiên tai, đê điều;

d) Xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức các sự kiện, hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng trong xã hội về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

đ) Sản xuất tư liệu, tài liệu, ấn phẩm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, truyền thông về phòng chống thiên tai.

5. Về thông tin, dữ liệu và thống kê trong lĩnh vực phòng chống thiên tai:

a) Nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật trong xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai, đê điều và biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

b) Điều tra, khảo sát, thu thập, quản lý, khai thác thông tin, dữ liệu phòng chống thiên tai, đê điều và biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

c) Thẩm tra dự án, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán các chương trình, đề án, dự án về công nghệ thông tin trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều;

d) Lập dự án, hồ sơ thiết kế, dự toán và triển khai xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm trong phòng, chống thiên tai, đê điều;

đ) Đào tạo, tập huấn quản lý, sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm và các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai;

e) Cung cấp dịch vụ quan trắc, giám sát, cảnh báo thiên tai, quản lý dữ liệu phòng chống thiên tai.

6. Về ứng dụng công nghệ viễn thám và mô phỏng thiên tai:

a) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám, mô hình mô phỏng các loại hình thiên tai, phòng chiếu phim thực tế ảo trong công tác phòng chống thiên tai, đê điều và biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

b) Ứng dụng công nghệ viễn thám trong xây dựng bản đồ; điều tra, đánh giá hiện trạng; giám sát, đánh giá biến động và dự báo xu thế đường bờ;

c) Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu viễn thám, sản phẩm viễn thám trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều và biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

d) Tư vấn xây dựng, quản lý, vận hành; tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mô phỏng các loại hình thiên tai phục vụ nâng cao năng lực cho các tổ chức, lực lượng phòng chống thiên tai và nhận thức cho cộng đồng.

7. Về tư vấn đầu tư xây dựng:

a) Lập dự án đầu tư, thiết kế xây dựng công trình: Đê, kè, cống, công trình bảo vệ bờ sông, chỉnh trị sông, thoát lũ; công trình bảo vệ vùng cửa sông, bờ biển, hải đảo; công trình phân lũ, điều tiết lũ; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân; công trình cảnh báo thiên tai; các công trình phòng, chống thiên tai, đê điều và công trình, hạ tầng kỹ thuật liên quan đến đê điều, phòng, chống thiên tai (cầu, cảng, đường giao thông,...);

b) Thẩm tra, phản biện các đề tài khoa học kỹ thuật, dự án, hồ sơ thiết kế, dự toán xây dựng trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

c) Quy hoạch phòng chống thiên tai, lũ lụt, đê điều, sạt lở ven sông, ven biển, công trình phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

d) Quản lý dự án, đấu thầu, giám sát xây dựng trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

đ) Đánh giá tác động môi trường các dự án phòng, chống thiên tai, đê điều, hạ tầng kỹ thuật và các lĩnh vực có liên quan;

e) Khảo sát, điều tra thu thập số liệu địa hình, địa chất, thủy văn, hải văn, đo đạc bản đồ phục vụ phòng chống thiên tai, đê điều, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tư vấn đầu tư xây dựng, quy hoạch.

8. Về thí nghiệm vật liệu và kiểm định xây dựng:

a) Thí nghiệm vật liệu xây dựng; vật liệu phục vụ việc chế tạo công cụ, dụng cụ, trang thiết bị phòng chống thiên tai;

b) Thí nghiệm địa kỹ thuật; chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy hàng hóa, vật liệu xây dựng;

c) Kiểm định, giám định, đánh giá chất lượng, an toàn công trình và nguyên nhân sự cố công trình theo quy định của Nhà nước đối với các công trình phòng, chống thiên tai và các lĩnh vực có liên quan khác;

d) Thử nghiệm, kiểm định sản phẩm của các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng chống thiên tai;

đ) Giám định tư pháp phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo trưng cầu, chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

9. Hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Hà Nội, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam) theo phân công của Tổng cục trưởng.

10. Thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Tổng cục.

11. Quản lý tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao; thực hiện chế độ kế toán, tài chính theo quy định của pháp luật.

12. Quản lý tổ chức bộ máy, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Tổng cục. Thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý của Trung tâm theo quy định.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng cục trưởng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Trung tâm có Giám đốc và các Phó Giám đốc do Tổng cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo phân cấp của Bộ và quy định của pháp luật.

a) Giám đốc Trung tâm điều hành hoạt động của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm. Giám đốc Trung tâm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng và các văn phòng đại diện trực thuộc Trung tâm sau khi có văn bản chấp thuận của Tổng cục trưởng;

b) Phó Giám đốc giúp Giám đốc theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo phân công của Giám đốc; chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

2. Các tổ chức trực thuộc:

a) Phòng Kỹ thuật phòng chống thiên tai và đê điều;

b) Phòng Thông tin và dữ liệu;

c) Phòng Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ;

d) Phòng Nghiên cứu chính sách và khoa học;

đ) Phòng Công nghệ viễn thám và mô phỏng thiên tai;

e) Phòng Thí nghiệm vật liệu và kiểm định xây dựng;

g) Phòng Kế hoạch, Tổng hợp;

h) Văn phòng đại diện khu vực miền Trung và Tây Nguyên;

i) Văn phòng đại diện khu vực miền Nam.

Các tổ chức quy định tại điểm h, điểm i khoản này là tổ chức hạch toán phụ thuộc có con dấu, tài khoản riêng để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Các phòng có trưởng phòng, phó trưởng phòng, các văn phòng đại diện có trưởng văn phòng đại diện và phó trưởng văn phòng đại diện do Giám đốc Trung tâm bổ nhiệm, miễn nhiệm theo phân cấp quản lý của Tổng cục và quy định của pháp luật.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ban hành và thay thế Quyết định số 19/QĐ-PCTT ngày 18/8/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Tổng cục, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Sở NN & PTNT các tỉnh, thành phố;
- LĐTC và các đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, VPTC(TCCB.120b).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Trần Quang Hoài

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 346/QĐ-PCTT năm 2020 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai ban hành

  • Số hiệu: 346/QĐ-PCTT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/07/2020
  • Nơi ban hành: Tổng cục Phòng chống thiên tai
  • Người ký: Trần Quang Hoài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản