Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 343/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2015 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài bao gồm 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tuyến hành lang đi qua dọc trên quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Thành phố Hồ Chí Minh và quốc lộ 22 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Mộc Bài (Tây Ninh).
1. Phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (gắn với hành lang Xuyên Á Nam Ninh - Singapore) nhằm tạo ra những cơ hội thuận lợi trong việc hợp tác, giao thương kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Lấy hiệu quả, lợi ích quốc gia làm tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt.
2. Phát triển hành lang kinh tế phải bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, vùng lãnh thổ, tạo ra sự kết nối giữa các trung tâm đô thị, khu du lịch quốc gia, cảng hàng không, cảng biển trên tuyến hành lang với các địa phương, vùng lãnh thổ trong cả nước.
3. Phát triển hành lang theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích về kinh tế và môi trường; đảm bảo sự an toàn của những chủ thể tham gia trên tuyến hành lang; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
1. Mục tiêu chung
Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài cùng với các hành lang, vành đai kinh tế và các cực tăng trưởng đã xác định (hai hành lang, một vành đai Bắc Bộ và hành lang Đông - Tây, các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm) tạo thành khung cơ bản trong tổ chức lãnh thổ quốc gia, trong đó đặc biệt quan trọng là hình thành khung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cả nước.
Phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên toàn tuyến hành lang, đặc biệt là các đô thị lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương khác trong cả nước.
2. Các mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế - xã hội
- Đến năm 2020, toàn tuyến có quy mô kinh tế khoảng 200 - 220 tỷ USD (chiếm tới khoảng 70% tổng GDP quốc gia) và chiếm khoảng 80% dân số đô thị tăng thêm trong cả nước ở thời kỳ từ nay đến năm 2020.
- Phấn đấu chiếm khoảng 46% khối lượng vận tải biển và khoảng 70% khối lượng hàng hóa vận chuyển Bắc - Nam vào năm 2020. Thu hút khoảng 9,0 - 9,5 triệu khách quốc tế và 40 - 41 triệu khách nội địa với doanh thu đạt 15-16 tỷ USD.
- Giá trị thương mại trên toàn tuyến hành lang kinh tế chiếm khoảng 40% thương mại bán lẻ và khoảng 85% tổng giá trị thương mại Bắc - Nam (1/3 tổng giá trị thương mại quốc gia).
b) Về bảo vệ môi trường
Bảo đảm trên 95% chất thải rắn ở đô thị và trên 95% chất thải y tế được xử lý; trên 85% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
c) Về quốc phòng - an ninh
Bảo đảm vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân - an ninh nhân dân trên mọi mặt trận, xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng trên đất liền bảo đảm cho việc triển khai các hoạt động quân sự trên đất liền, trên không và trên biển khi cần thiết.
IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC CƠ BẢN
1. Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
a) Giao thông đường bộ
Bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến hành lang, kết nối với các tuyến hành lang hiện có trong khuôn khổ hợp tác hai hành lang, một vành đai với Trung Quốc. Gắn kết và bảo đảm sự phát triển của các khu vực nằm ngoài hành lang như Côn Đảo, Phú Quốc hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
- Tiếp tục triển khai nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 1A đạt tiêu chuẩn 4 làn xe cơ giới và xây dựng tuyến tránh các đô thị.
- Tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thành cơ bản đường cao tốc Bắc - Nam theo quy hoạch, bảo đảm sự kết nối các thành phố lớn, trung tâm các tỉnh và trung tâm tăng trưởng bao gồm các khu công nghiệp lớn, cảng cửa ngõ và các cảng hàng không.
- Hoàn thành và thông tuyến đường bộ ven biển Việt Nam với quy mô chủ yếu là 2 làn xe, cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III, IV; tại khu vực khu đô thị, khu du lịch có quy mô phù hợp với quy hoạch xây dựng.
- Duy trì tiêu chuẩn đường cấp I đối với quốc lộ 22, nghiên cứu xây dựng mới tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
b) Cảng hàng không:
Tổ chức lại hệ thống cảng hàng không với ba cụm cảng hàng không chính là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung đầu tư xây dựng 2 cảng hàng không quốc tế tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế tại Long Thành khi được chấp thuận về chủ trương và cảng hàng không quốc tế thứ hai tại vùng Thủ đô Hà Nội khi nhu cầu vận tải tăng cao.
c) Giao thông đường sắt:
Ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển quốc tế, các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp; tiếp tục hoàn thành tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
d) Hệ thống cảng biển
- Phát triển hệ thống cảng biển trên tuyến hành lang nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời phải tăng cường năng lực hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển với các nước trong khu vực.
- Phát triển theo hướng chuyển đổi đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung đầu tư vào 02 cảng hiện đại không thuộc tuyến hành lang nhưng có vai trò quan trọng đối với hành lang là cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
2. Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển
a) Các khu công nghiệp
- Phát triển công nghiệp toàn tuyến giai đoạn đến 2020 với tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp và xây dựng bình quân ít nhất đạt mức 10 - 10,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 10 - 12% giai đoạn 2016 - 2020.
- Phát triển các khu công nghiệp tạo động lực thúc đẩy kinh tế của các địa phương liên quan đến hành lang phát triển, hội nhập vào khu vực và thế giới; phấn đấu đến năm 2020 đóng góp của công nghiệp và xây dựng vào GDP khoảng 43 - 45%.
b) Các khu kinh tế ven biển
- Tập trung đầu tư vào một số khu kinh tế ven biển trên tuyến hành lang: Cụm khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) - Dung Quất (Quảng Ngãi); khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
- Hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng của các khu kinh tế nhằm đảm bảo kết nối thông suốt với hệ thống hạ tầng trên toàn tuyến hành lang.
3. Phát triển thương mại, du lịch
- Tập trung phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ sản xuất và nâng cao chất lượng sống của người dân. Đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm dịch vụ đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế nhất là đầu tư nước ngoài để phát triển các dịch vụ chất lượng cao.
- Tăng cường đầu tư, nâng cấp và phát triển hạ tầng thương mại nhằm thúc đẩy giao lưu hàng hóa với các nước trong khu vực. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, chống hàng giả, hàng lậu đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; hoàn thiện hệ thống thương mại điện tử và hệ thống thông tin giao dịch thương mại để hội nhập quốc tế hiệu quả.
- Xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các đô thị du lịch, một số khu du lịch quốc gia trọng điểm dọc trên tuyến hành lang kinh tế để tăng cường khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển của khách du lịch.
- Phát triển mạng lưới đô thị trên cơ sở xác định rõ chức năng và cơ chế phối hợp giữa các đô thị nhằm phát huy lợi thế, khắc phục thách thức trong phát triển, tạo sức lan tỏa. Phát triển các đô thị gắn với các khu kinh tế ven biển, cửa khẩu tạo cửa ngõ hội nhập kinh tế quốc tế.
- Phát triển các đô thị hạt nhân như thành phố Lạng Sơn, Thủ đô Hà Nội, thành phố Vinh, thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng, thành phố Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh và Cửa khẩu Mộc Bài (nâng cấp thành phố Lạng Sơn từ đô thị loại III hiện nay lên đô thị loại II; xây dựng cửa khẩu Mộc Bài thành đô thị loại IV).
4. Cứu hộ, cứu nạn trên tuyến hành lang
Đầu tư xây dựng các trung tâm cứu hộ, cứu nạn trên tuyến hành lang; tập trung xây dựng các công trình phòng bão lũ, xử lý các sự cố về hàng không, phòng chống cháy nổ trong các khu đô thị, công nghiệp lớn, các sự cố trên biển.
5. Đảm bảo quốc phòng, an ninh
Xây dựng hệ thống các công trình phòng thủ bảo đảm vai trò bảo vệ biên giới, hải đảo. Củng cố và kết hợp chặt chẽ nền quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân trên tuyến hành lang, đặc biệt chú ý ở các khu vực biên giới. Tăng cường hợp tác quốc tế chặt chẽ trong việc xây dựng và thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, quốc phòng, phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội trên tuyến hành lang.
V. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển:
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng phát triển dịch vụ thương mại và du lịch, hạ tầng tại các khu kinh tế.
- Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
- Tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài.
2. Huy động và sử dụng vốn đầu tư
a) Huy động vốn đầu tư:
- Xây dựng các chính sách khuyến khích thích hợp nhằm thu hút mọi nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ lưu thông hàng hóa, du lịch và dịch vụ trên tuyến hành lang.
- Mở rộng hình thức đầu tư kết hợp với xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để quá trình dịch chuyển vốn, kể cả vốn ngắn hạn và dài hạn vào đầu tư một cách thuận lợi.
- Xây dựng cơ chế đầu tư phù hợp tùy theo từng hạng mục công trình, đặc biệt đối với những công trình hạ tầng thương mại như trung tâm thương mại, kho ngoại quan, các cụm thương mại, siêu thị, chợ, hạ tầng khu du lịch quốc gia theo phương thức nhà nước hỗ trợ một phần, phần còn lại huy động bằng các hình thức thích hợp.
- Vận động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng; huy động các khoản vay tín dụng từ nguồn vốn của ngân hàng quốc tế dành cho tái thiết và phát triển (IBRD).
b) Phân bổ và sử dụng vốn đầu tư
- Các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội thuộc tuyến hành lang theo nguyên tắc bảo đảm yêu cầu đồng bộ và hiện đại (hệ thống trục giao thông đường sắt và đường bộ; đường kết nối tuyến trục với các vùng dân cư và vùng sản xuất hàng hóa; các công trình cấp nước, xử lý chất thải nguy hại; các công trình cảnh báo thiên tai; hệ thống cảng hàng không, cảng biển; hệ thống cơ sở y tế phục vụ khách du lịch trên toàn tuyến đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời).
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp nhằm huy động các nguồn lực để xây dựng các dự án phát triển sản xuất kinh doanh và các công trình hạ tầng xã hội khác trên địa bàn.
3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:
- Đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển nhân lực. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách phát triển nhân lực.
- Đổi mới công tác quản lý nhà nước về phát triển nhân lực theo cơ chế thị trường, hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các chủ thể tham gia trong quá trình phát triển nguồn nhân lực.
- Đổi mới công tác đào tạo và dạy nghề theo nhu cầu của các chủ thể sử dụng lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu về hội nhập quốc tế.
4. Giải pháp về khoa học và công nghệ:
- Chú trọng đào tạo nguồn lực cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản trị kinh doanh, đội ngũ luật sư giỏi thông thạo luật pháp quốc tế và ngoại ngữ; bồi dưỡng nhân tài, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đồng bộ, cân đối đào tạo cán bộ khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, quản lý kinh tế.
- Ban hành chính sách thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ và các chính sách đối với khu vực ứng dụng công nghệ.
5. Mở rộng hợp tác quốc tế
- Đẩy mạnh việc hợp tác xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn mỗi quốc gia (Nam Ninh - Hữu Nghị Quan và từ Hữu Nghị Quan - Hà Nội) nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trên toàn tuyến hành lang. Mở rộng hợp tác thương mại qua cửa khẩu, cung cấp các dịch vụ cho hoạt động thương mại và đầu tư phát triển kinh tế trên tuyến hành lang trên nguyên tắc bình đẳng, đảm bảo lợi ích của các bên.
- Phát triển thương mại, du lịch: Phối hợp với các quốc gia trong khu vực đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hải quan; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các quốc gia liên quan đến hành lang xuyên Á. Hợp tác hình thành các tuyến du lịch giữa các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông và ASEAN thông qua hành lang. Phối hợp, xúc tiến đầu tư khai thác các tiềm năng du lịch, ưu tiên hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao trên tuyến hành lang gắn với tiềm năng du lịch trên toàn tuyến xuyên Á.
- Hợp tác vận tải: Phối hợp với các nước tham gia hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc gắn tuyến hành lang với mạng đường bộ cao tốc khu vực, phát triển và gắn kết mạng đường sắt liên quốc gia. Khai thác dịch vụ vận tải liên quốc gia trên toàn tuyến hành lang, gắn với các hành lang kinh tế khác thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Tổ chức vận tải đa phương thức nhằm khai thác lợi thế về cảng biển của Việt Nam và tiềm năng phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực.
- Xuất nhập cảnh: Hoàn thiện thủ tục và đầu tư trang thiết bị xuất, nhập cảnh giữa các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng theo hướng thuận tiện, an toàn và đảm bảo an ninh của các quốc gia.
6. Quản lý điều hành và vận hành thông tin tuyến hành lang.
- Xây dựng Chương trình phối hợp hành động chung giữa các Bộ, ngành, địa phương của các nước tham gia hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore. Thành lập các nhóm công tác chuyên ngành trong các lĩnh vực: Giao thông vận tải, điện năng, thương mại, du lịch, môi trường để đôn đốc, triển khai thực hiện quy hoạch.
- Vận hành thông suốt và có sự hợp tác chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin về du lịch, đầu tư, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, thương mại... đến những thông tin về thiên tai, bão lũ để phòng tránh và hợp tác xử lý các vấn đề phát sinh.
Điều 2. Tổ chức, giám sát thực hiện Quy hoạch
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Tổ chức công bố Quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư; theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án theo Quy hoạch được phê duyệt.
2. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm:
- Nghiên cứu, xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhằm thực hiện các mục tiêu Quy hoạch đề ra.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc triển khai và giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tuyến hành lang.
3. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên tuyến hành lang xây dựng kế hoạch và triển khai huy động nguồn lực để đầu tư các dự án trên địa bàn theo phân cấp; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan trong việc quảng bá, xúc tiến đầu tư nhằm huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng tuyến hành lang.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên tuyến hành lang và các địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ TRÊN TUYẾN HÀNH LANG KINH TẾ LẠNG SƠN - HÀ NỘI - HỒ CHÍ MINH - MỘC BÀI ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | TÊN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN |
A | KẾT CẤU HẠ TẦNG |
I | ĐƯỜNG BỘ |
1 | Nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A |
| Đoạn hai đầu thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. |
| Đoạn La Sơn - Lăng Cô và hai hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng. |
| Đoạn hầm Đèo Cả. |
| Đoạn Phan Rang - Cam Ranh (km 1499 - km 1551 + 182). |
| Đoạn Phan Thiết - Đồng Nai. |
2 | Đường cao tốc Bắc Nam, các đoạn: |
| Ninh Bình - Thanh Hóa. |
| Thanh Hóa - Hà Tĩnh. |
| La Sơn - Đà Nẵng. |
| Đà Nẵng - Quảng Ngãi. |
| Nha Trang - Phan Thiết. |
3 | Đường bộ ven biển: Nối thông các đoạn trên địa bàn các địa phương. |
4 | Đường Hồ Chí Minh: Nối thông toàn tuyến. |
5 | Nâng cấp quốc lộ 14, đoạn từ Kon Tum - Bình Phước. |
II | ĐƯỜNG SẮT |
| Đường sắt Bắc - Nam đạt tiêu chuẩn đường sắt cấp I quốc gia. |
III | CẢNG HÀNG KHÔNG |
| Cảng hàng không quốc tế Nội Bài T2. |
| Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1). |
| Nâng cấp cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. |
IV | CẢNG BIỂN |
| Cảng Lạch Huyện. |
| Cảng Cái Mép - Thị Vải. |
B | DU LỊCH |
| Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương. |
| Khu du lịch Sơn Trà. |
| Khu du lịch Bắc Cam Ranh. |
- 1Quyết định 98/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng -Quảng Ninh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 7052/QĐ-BCT năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 3Quyết định 7052a/QĐ-BCT năm 2010 về phê duyệt Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, có xét đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 4Quyết định 2968/QĐ-UBND năm 2015 Ban hành Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu Cà phê Sơn La giai đoạn 2015 - 2010
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 98/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng -Quảng Ninh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 7052/QĐ-BCT năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 6Quyết định 7052a/QĐ-BCT năm 2010 về phê duyệt Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, có xét đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 7Quyết định 2968/QĐ-UBND năm 2015 Ban hành Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu Cà phê Sơn La giai đoạn 2015 - 2010
Quyết định 343/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Tham gia hành lang Xuyên Á Nam Ninh - Singapore) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 343/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/03/2015
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 397 đến số 398
- Ngày hiệu lực: 13/03/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra