Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3424/2000/QĐ-UB

Huế, ngày 19 tháng 12 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/06/1994;

- Căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 09/6/2000;

- Căn cứ Quyết định số 162/HĐBT ngày 18/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình;

- Căn cứ Nghị quyết số 3e/2000/NQ-HĐND4 được thông qua tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khoá IV ngày 27/7/2000 về việc đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình trong giai đoạn mới (2001 – 2010);

- Theo đề nghị của Chủ nhiệm UBDS – KHHGĐ tỉnh và Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Qui định về một số chính sách dân số- kế hoạch hoá gia đình để thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.

Điều 2: Quyết định này thay cho Quyết định 317/QĐ-UB ngày 20/5/1991 của UBND tỉnh và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001.

Điều 3 : Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ nhiệm Uỷ ban dân số- Kế hoạch hoá gia đình tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ,Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế-xã hội, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- VP Chính phủ
- UBQGDS-KHHGĐ
- TVTU
- CT, PCT HĐND, UBND tỉnh
- UBMTTQVN tỉnh
- Các đại biểu HĐND tỉnh
- Lãnh đạo VP và các CV
- Lưu VT

TM/UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Mễ

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3424/2000/QĐ-UB ngày 19 tháng 12 năm 2000 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chiến lược dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) đến năm 2000 đã được tỉnh ta triển khai có hiệu quả, gắn với sự phát triển kinh tế- xã hội trong cả nhận thức và hành động, đạt được những kết quả quan trọng: giảm tỉ lệ tăng tự nhiên dân số, giảm tỉ suất sinh và tăng số người chấp nhận KHHGĐ. Qui mô gia đình ít con được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, bước đầu trở thành chuẩn mực xã hội, được đa số các cặp vợ chồng tự nguyện chấp nhận và thực hiện.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc, chưa đảm bảo tính đồng đều giữa các địa phương, đơn vị, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn ở mức cao.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã có Nghị quyết số 3e/2000/NQ-HĐND4 ngày 27/7/2000 về việc đẩy mạnh công tác DS - KHHGĐ trong giai đoạn mới (2001- 2010). Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định về một số chính sách DS- KHHGĐ trong giai đoạn mới để các cấp, các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân thực hiện đồng bộ, thống nhất nhằm đạt mục tiêu: “Thực hiện gia đình ít con khoẻ mạnh, tiến tới ổn định qui mô dân số mức hợp lý để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá của tỉnh và đất nước'' .

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Trách nhiệm thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

1.Thực hiện chính sách DS-KHHGĐ là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi công dân. Tổ chức chỉ đạo, quản lý và điều hành việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ là nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

2.Tất cả các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nghĩa vụ thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Cán bộ-công nhân viên chức (CBCNVC) các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức kinh tế- xã hội và lực lượng vũ trang đăng ký cam kết tại cơ quan, đơn vị công tác, nhân dân đăng ký tại thôn, bản, tổ dân phố nơi cư trú.

Điều 2: Đối tượng thực hiện chính sách DS-KHHGĐ: Tất cả CBCNVC trong cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và nhân dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện nghiêm túc những nội dung của bản quy định này.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3: Về số con của mỗi cặp vợ chồng :

1. Mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh tối đa là hai con.

2. Những cặp vợ chồng tái hôn nếu cả vợ và chồng đều có con riêng, hoặc một người đã có con riêng, muốn sinh con chung thì chỉ được sinh một con.

3.Các trường hợp sinh lần thứ nhất là sinh đôi, sinh ba... thì không được sinh nữa; các trường hợp đã có một con nhưng lần thứ hai sinh đôi, sinh ba... đều không coi là quá quy định.

4. Người đã có hai con, nhưng một hoặc hai con bị dị tật, bị tai nạn không có khả năng hồi phục (được trung tâm y tế, bệnh viện huyện thành phố hoặc bệnh viện Trưng ương Huế xác nhận) thì được sinh thêm một con. Những cặp vợ chồng mắc bệnh nguy hiểm mang tính di truyền (được trung tâm y tế, bệnh viện huyện thành phố hoặc bệnh viện Trung ương Huế xác nhận), nhiễm chất độc màu da cam, nhiễm HIV/AIDS không nên sinh con, nếu có nhu cầu sinh con phải qua ngành y tế khám bệnh để có sự chỉ dẫn.

5. Những người sinh con ngoài giá thú chỉ được sinh một con.

Điều 4: Tuổi sinh đẻ và khoảng cách sinh đẻ:

1.Đối với các cặp vợ chồng ở thành phố, thị xã, thị trấn, khu kinh tế tập trung, các cặp vợ chồng là CBCNVC và lực lượng vũ trang tuổi sinh lần đầu của nữ nên từ 22 tuổi trở lên; ở các vùng khác tuổi sinh lần đầu của nữ là từ 19 tuổi trở lên.

2. Phụ nữ sinh con thứ hai sau con thứ nhất nên từ 3 năm trở lên, trường hợp sinh con lần thứ nhất sau 30 tuổi thì khoảng cách đó có thể là 2 năm trở lên.

Điều 5: Chính sách khuyến khích đối với cá nhân, đơn vị thực hiện chính sách DS-KHHGĐ

1. Người đăng ký và chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT ) hiện đại được tạo điều kiện thuận lợi để lựa chọn thực hiện một BPTT phù hợp và được hưởng chế độ do nhà nước qui định. Sau khi thực hiện BPTT hiện đại, được cơ sở y tế nhà nước gần nhất theo dõi sức khoẻ . Trường hợp thực hiện đình sản, đặt dụng cụ tử cung (DCTC), tiêm thuốc tránh thai, cấy thuốc tránh thai nếu bị tai biến, tác dụng phụ phải điều trị hoặc có thai muốn nạo, hút thai thì được miễn phí dịch vụ theo quy định.

a. Người tự nguyện chấp nhận đình sản nam, đình sản nữ khi thực hiện được miễn phí, được cấp thuốc và hỗ trợ một phần kinh phí để bù đắp công lao động trong những ngày nghỉ việc theo quy định của nhà nước, được địa phương miễn lao động nghĩa vụ công ích trong một năm kể từ ngày thực hiện; nếu là CBCNVC thì thời gian được nghỉ việc theo quy định của Y tế và được hưởng 100% lương. Ngoài ra sau khi thực hiện, người đình sản được hỗ trợ thêm 20.000 đồng/ca đối với các xã thuộc các huyện đồng bằng; 30.000đồng/ca đối với các xã miền núi, vùng cao. Các xã, phường thuộc thành phố Huế là 10.000 đồng/ca.

b. Người đặt hoặc thay DCTC khi thực hiện được miễn phí dịch vụ, được cấp DCTC và thuốc theo quy định, được địa phương giảm một nửa số công lao động nghĩa vụ công ích trong 1 năm kể từ ngày thực hiện; nếu là CBCNVC thì thời gian được nghỉ việc theo quy định của y tế và được hưởng 100% lương.

c. Những người thực hiện đình sản, đặt DCTC, tiêm và cấy thuốc tránh thai (có phiếu thực hiện KHHGĐ) bị vỡ kế hoạch đến nạo, hút điều hoà kinh nguyệt tại cơ sở y tế nhà nước trong tỉnh được miễn phí dịch vụ, được cấp thuốc theo quy định, được địa phương miễn lao động nghĩa vụ công ích trong một năm kể từ ngày thực hiện; nếu là CBCNVC thì thời gian được nghỉ việc theo quy định của y tế và được hưởng 100% lương.

2. Người trực tiếp làm kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ và người tham gia tổ chức, vận động đối tượng thực hiện KHHGĐ được hưởng chế độ khuyến khích, bồi dưỡng theo qui định hiện hành của nhà nước. Ngoài ra tăng thêm mức phụ cấp cho cộng tác viên dân số mỗi tháng 20.000 đồng; Hỗ trợ thêm cho kíp phẫu thuật đình sản nữ 15.000đồng/ca, đình sản nam 10.000đồng/ca;

3. Về khen thưởng:

a. Những địa phương, đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc về công tác DS-KHHGĐ được UBND tỉnh khen thưởng. Sau 5 năm cụm dân cư ( thôn, bản, tổ dân phố) có thành tích xuất sắc ( không có người sinh con thứ 3 trở lên) được UBND tỉnh thưởng một công trình phúc lợi có giá trị từ 50 triệu đến 100 triệu đồng; xã, phường, thị trấn có thành tích xuất sắc ( 5 năm không có người sinh con thứ 3 trở lên) sẽ được thưởng một công trình phúc lợi có giá trị 500 triệu đồng.

b. Ngoài ra hàng năm các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị xét khen thưởng cho những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, vận động và thực hiện công tác dân số -KHHGĐ thuộc phạm vi quản lý.

c. UBND các cấp, các cơ quan của Đảng , Nhà nước, lực lượng vũ trang, các đoàn thể nhân dân, các cơ sở kinh tế-xã hội khi xét kết quả thực hiện hoàn thành kế hoạch thì kết quả thực hiện chính sách DS-KHHGĐ phải là một tiêu chuẩn để đánh giá xếp loại thi đua.

Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần ưu tiên cho những cặp vợ chồng thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ như vay vốn để phát triển kinh tế.

Điều 6: Xử lý vi phạm chính sách DS - KHHGĐ.

Những cặp vợ chồng vi phạm chính sách DS-KHHGĐ được giáo dục, nhắc nhở tại cụm dân cư; CBCNVC vi phạm bị đưa ra kiểm điểm trách nhiệm tại cơ quan, đơn vị . Xét mức độ, tính chất của cặp vợ chồng vi phạm để có các hình thức xử lý thoả đáng:

1.Đối với CBCNVC các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các đoàn thể nhân dân, các cơ sở kinh tế -xã hội ( kể cả các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh ) và cán bộ phường, xã, thị trấn, đại biểu dân cử nếu vi phạm chính sách DS - KHHGĐ thì cần phải xử lý:

a. Trường hợp sinh con thứ 3 thì bị cảnh cáo, kéo dài thời gian nâng lương thêm một năm, tự túc chi phí trong thời gian nghỉ sinh, không được hưởng các khoản thưởng trong năm vi phạm, không cử đi học, không đề bạt chức vụ cao hơn trong thời hạn ít nhất 3 năm kể từ khi có quyết đmh thi hành kỷ luật. Đối với những người đang trong thời gian tập sự hoặc hợp đồng thì không tuyển dụng hoặc huỷ bỏ hợp đồng. Nếu là cán bộ lãnh đạo thì bị xét bãi miễn nhiệm, cách chức, không cử đi đào tạo cán bộ lãnh đạo và quản lý, không ứng cử, đề cử và không xét đề bạt chức vụ tương đương trong thời hạn ít nhất 5 năm kể từ khi có quyết định thi hành kỷ luật.

b. Trường hợp sinh con thứ 4 trở lên sẽ giải quyết theo các hình thức sau: đưa vào diện giảm biên chế, cho nghỉ chế độ hoặc hủy bỏ hợp đồng lao động.

c. Trường hợp vi phạm nếu cả hai vợ chồng đều và CBCNVC thì xử lý cả hai. Nếu người chồng ở cơ quan, đơn vị, địa phương khác thì cơ quan, đơn vị hoặc địa phương bên vợ thông báo cho cơ quan, đơn vị, địa phương bên chồng biết để kết hợp xử lý nghiêm túc người chồng.

2. Đối với nhân dân các xã, phường và thị trấn cần tự nguyện thực hiện tốt các qui ước, hương ước của làng, xã và qui chế dân chủ ở cơ sở, sau khi sinh con thứ 2 trở lên thì vợ hoặc chồng phải thực hiện BPTT hiện đại; nếu vi phạm chính sách DS -KHHGĐ thì căn cứ mức độ và tính chất vi phạm để có các hình thức xử lý:

a.Tăng mức đóng góp vào qũy phúc lợi xã hội của xã, phường, thị trấn... theo qui ước, hương ước làng, xã đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức đóng góp cụ thể do nhân dân bàn bạc thống nhất quy định và công bố công khai cùng với việc phổ biến qui ước, hương ước .

b. Không được ưu tiên trong việc vay vốn ưu đãi, không được miễn giảm các khoản đóng góp về lao động công ích, đóng góp xây dựng các công trình công cộng.

c. Không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử.

d. Phải thực hiện các hình thức chế tài mà đương sự đã tự nguyện cam kết theo qui ước, hương ước làng, xã và qui chế dân chủ ở cơ sở.

3. Nếu người vi phạm chính sách DS-KHHGĐ là đảng viên, đoàn viên, hội viên ngoài hình thức xử lý như trên thì tuỳ mức độ đề nghị Cấp uỷ Đảng, Ban chấp hành Đoàn, Hội xem xét có hình thức kỷ luật theo quy định Đảng, Đoàn, Hội.

4. Những người cản trở việc thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình thì tùy theo mức độ có hình thức xử lý thỏa đáng.

Điều 7: Biện pháp đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ :

1.Các cấp lãnh đạo cần quan tâm chỉ đạo sâu sát cụ thể , phải thật sự coi công tác DS-KHHGĐ là bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị.

2. Kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác DS -KHHGĐ ở các cấp, có đủ cán bộ chuyên trách có năng lực và tinh thần trách nhiệm để giúp các cấp và các ngành theo dõi, chỉ đạo thực hiện chương trình có hiệu quả. Ở tỉnh, huyện-thành phố Huế bố trí đủ cán bộ chuyên trách theo quy định của Trung ương và của tỉnh. Các phường , xã, thị trấn bố trí một cán bộ chuyên trách và một số cộng tác viên theo quy định để tham mưu, quản lý, theo dõi công tác DS-KHHGĐ cho UBND xã, phường, thị trấn.

3.Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sâu rộng đến tận mọi công dân bằng nhiều hình thức hấp dẫn, đa dạng, dễ hiểu nhằng tiếp tục nâng cao nhận thức và phát huy tính tự nguyện của cán bộ , đảng viên và nhân dân thực hiện mục tiêu chương trình DS - KHHGĐ, sức khoẻ sinh sản và dân số- phát triển vì lợi ích của mỗi người , mỗi gia đình và toàn xã hội.

UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cùng cấp tổ chức tuyền truyền, vận động CBCNVC, lực lượng vũ trang, nhân dân tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên, thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ của địa phương nhằm xã hội hoá công tác DS-KHHGĐ.

4. Đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời các phương tiện, dụng cụ, thuốc men và cán bộ chuyên môn kỹ thuật thực hiện tết dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hoá gia đình và sức khoẻ sinh sản. Hướng đẫn và cung cấp các biện pháp tránh thai đảm bảo thuận tiện, an toàn và hiệu quả.

Nghiêm cấm những tổ chức và cá nhân hành nghề làm kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ mà không được phép của Sở Y tế. Những cán bộ do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc những cá nhân hành nghề trái phép gây tác hại đến sức khoẻ nhân dân thì tuỳ theo mức độ mà có hình thức xử lý thích đáng, kể cả việc truy tố trước pháp luật.

5. Hàng năm UBND các cấp trình HĐND cùng cấp duyệt một khoản ngân sách để chi cho các hoạt động DS-KHHGĐ ngoài ngân sách của cấp trên hỗ trợ. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần quan tâm hỗ trợ kinh phí chi cho hoạt động DS- KHHGĐ của cơ quan, đơn vị. Khuyến khích động viên nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để thực hiện công tác DS - KHHGĐ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện những qui định trên trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình.

Các cơ quan, đơn vị ( kể cả cơ quan Trung ương và tỉnh) đóng trên địa bàn huyện, thành phố nào thì chịu sự quản lý và có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện chính sách DS-KHHGĐ cho UBND huyện, thành phố nơi đó.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (kể cả người đứng đầu các tổ chức khác) nếu không xử lý hoặc xử lý không nghiêm người vi phạm chính sách DS- KHHGĐ thì cũng phải chịu một hình thức kỷ luật.

Điều 9: Uỷ ban DS-KHHGĐ tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, báo cáo cho UBND tỉnh biết kết quả thực hiện Quyết định này.

Điều 10: Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, điều chỉnh./.