Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 3413/1999/QĐ-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 6 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP ĐỘI BẢO VỆ TẠI CÁC KHU CHẾ XUẤT VÀ KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;
- Căn cứ Nghị định số 223/HĐBT ngày 19/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về công tác và tổ chức bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp nhà nước;
- Theo đề nghị của Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố (tờ trình số 222/TT-BQL-KCN-HCM ngày 05/3/1999) và Công an thành phố (công văn số 56/BC-CATP(PV11) ngày 06/3/1999);
- Để bảo vệ an ninh, trật tự tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất trên địa bàn thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 . Thành lập Đội bảo vệ các Khu công nghiệp, Khu chế xuất trên địa bàn thành phố, sau đây gọi tắt là “Đội bảo vệ KCN”.

Đội bảo vệ KCN tại từng khu là đơn vị trực thuộc Công ty Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp hay Khu chế xuất đó.

Điều 2 . Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của Đội bảo vệ KCN thành phố”.

Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố và Giám đốc Công an thành phố có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế này kịp thời trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, bổ sung, sửa đổi.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4 . Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Trưởng ban Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp - Khu chế xuất, Giám đốc các Sở, Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có liên quan và các doanh nghiệp trong Khu chế xuất - Khu công nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4
- Văn phòng Chính phủ
- Bộ Công an
- BQL các KCN Việt Nam
- TTTU, TT HĐND/TP, TTUB
- VPUB : CPVP
- Trưởng CA quận - huyện, phường - xã có KCN
- Tổ CN, NC, VX, TM, TH
- Lưu

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh

 

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI BẢO VỆ TẠI CÁC KHU CHẾ XUẤT VÀ KHU CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm quyết định số 3413/1999/QĐ-UB-KT, ngày 12 tháng 6 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố).

Phần I

CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1.

Đội Bảo vệ tại các Khu chế xuất và Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố (sau đây gọi tắt là Đội Bảo vệ KCN) là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn trật tự giao thông, đồng thời là lực lượng thường trực phòng cháy chữa cháy trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất (sau đây gọi tắt là KCN).

Đội Bảo vệ KCN có trách nhiệm phối hợp với Bảo vệ của các xí nghiệp KCN trong việc bảo vệ tài sản, trang thiết bị trong KCN.

Điều 2.

Đội bảo vệ KCN là đơn vị trực thuộc Công ty Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu hạ tầng công nghiệp hay Khu chế xuất đó (sau đây gọi tắt là Công ty Chủ đầu tư KCN).

Đội bảo vệ KCN chịu sự quản lý nhà nước của Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố (sau đây gọi tắt là Ban quản lý) và chịu sự quản lý trực tiếp của Ban Giám đốc Công ty Chủ đầu tư KCN.

Phần II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA ĐỘI BẢO VỆ KCN

Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Đội bảo vệ KCN.

3.1/ Chức năng : Phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, kết hợp với Công an địa phương xử lý kịp thời đúng pháp luật những hành vi vi phạm an ninh, trật tự an toàn, bảo vệ tài sản trong KCN.

3.2/ Nhiệm vụ và quyền hạn :

- Thường xuyên tuần tra, canh gác nhằm giữ gìn trật tự an toàn trong KCN. Trong khi tuần tra, Đội bảo vệ KCN được quyền yêu cầu đối tượng có hành vi vi phạm xuất trình giấy tờ để kiểm tra; lập biên bản về những hành vi vi phạm để chuyển Công an địa phương để xử lý, đồng thời báo cáo ngay cho Giám đốc Công ty chủ đầu tư KCN biết sự việc đã xảy ra.

- Phát hiện và tích cực đấu tranh ngăn chặn các hành vi phạm pháp gây thiệt hại về an ninh trật tự trong khu, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do tội phạm gây ra; thu hồi tang vật chứng và bắt giữ tội phạm quả tang giao ngay cho Công an địa phương xử lý.

- Trong tình huống cấp bách đe dọa an toàn đến tính mạng con người, tài sản của doanh nghiệp, cán bộ phụ trách Đội bảo vệ KCN được sử dụng những trang bị, khí tài, công cụ hỗ trợ để ngăn chặn kịp thời những hậu quả xấu có thể xảy ra và báo cáo ngay với Giám đốc Công ty Chủ đầu tư KCN và Công an địa phương.

- Tích cực tham gia công tác phòng chống cháy nổ; giữ gìn trật tự giao thông trong địa bàn của khu; khắc phục hậu quả các vụ tai nạn, cứu giúp những người bị nạn; tham gia bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn, cháy nổ và hiện trường vụ án trong khi chờ Công an địa phương đến giải quyết.

- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ từng xí nghiệp trong công tác bảo vệ toàn KCN. Tổ chức họp định kỳ với Bảo vệ xí nghiệp để phổ biến các vấn đề liên quan và bàn biện pháp phối hợp thực hiện.

- Tham mưu cho Ban quản lý, Giám đốc Công ty Chủ đầu tư KCN, Công an quận - huyện nơi có KCN nắm tình hình an ninh trật tự, xây dựng phương án, nội qui bảo vệ toàn KCN.

- Làm báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình an ninh, trật tự an toàn của KCN gởi Ban quản lý, Giám đốc Công ty đầu tư KCN và Công an địa phương.

3.3/ Những điều nghiêm cấm :

- Lợi dụng việc tuần tra canh gác và khi làm nhiệm vụ khác để thực hiện các hành vi phạm pháp hoặc gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp KCN.

- Dùng vũ lực đánh người

- Giữ người và tang vật phạm pháp tại trụ sở Đội bảo vệ KCN hay ở nơi khác mà không giao cho Công an địa phương để xử lý khi có điều kiện.

- Uống rượu bia hoặc có mùi rượu bia khi làm nhiệm vụ.

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Đội trưởng, Đội phó Đội bảo vệ KCN :

- Tham mưu cho Ban quản lý KCN, Công ty Chủ đầu tư KCN, Công an địa phương kế hoạch, chương trình, phương án bảo vệ KCN; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm an ninh, trật tự an toàn trong KCN.

- Chịu trách nhiệm trước Ban quản lý, Ban Tổng Giám đốc Công ty Chủ đầu tư KCN về hoạt động của Đội Bảo vệ KCN.

- Phân công, điều động nhân viên bảo vệ; giáo dục, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành nhiệm vụ của nhân viên Đội Bảo vệ KCN trực tiếp canh gác, tuần tra trong KCN.

- Làm báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình an ninh, trật tự an toàn trong KCN.

- Được quyền dự các buổi họp giao ban của Ban quản lý với Công ty Chủ đầu tư KCN.

Phần III

TỔ CHỨC, TIÊU CHUẨN, CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ

Điều 5. Tổ chức, biên chế của Đội bảo vệ KCN.

Đội bảo vệ KCN do 1 Đội trưởng phụ trách và có 1 đến 2 Đội phó giúp việc.

Đội trưởng và Đội phó Đội bảo vệ KCN do Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc Công ty Chủ đầu tư KCN.

Biên chế của Đội Bảo vệ KCN tùy theo qui mô và yêu cầu bảo vệ tại từng KCN do Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc Công ty Chủ đầu tư KCN xem xét quyết định.

Đội bảo vệ KCN được biên chế thành từng tổ và gồm từ 3 đến 4 tổ, mỗi tổ có 1 Tổ trưởng.

Đội bảo vệ KCN được Công an thành phố xem xét cấp Giấy chứng nhận, có bảng tên chức danh và đồng phục riêng. Hình thức của bảng tên chức danh, mũ đội và đồng phục do Ban quản lý trao đổi với Công an thành phố thống nhất quy định; khi không còn công tác, Ban quản lý phải thu hồi bảng tên chức danh và mũ đội.

Đội bảo vệ được Công an thành phố hướng dẫn việc mua sắm các trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định và huấn luyện.

Kinh phí hoạt động của Đội bảo vệ KCN do Công ty Chủ đầu tư KCN đài thọ.

Điều 6. Về tiêu chuẩn tuyển chọn đội trưởng, đội phó và nhân viên Đội bảo vệ KCN :

6.1/ Tiêu chuẩn nhân viên Đội bảo vệ KCN :

- Có lý lịch rõ ràng; không bị án tù từ cải tạo không giam giữ trở lên; không thuộc đối tượng gây rối trật tự xã hội ở địa phương hoặc đối tượng nghi vấn của Công an chưa được xác minh.

- Có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh;

- Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;

- Có trình độ văn hóa từ trung cấp trở lên;

Cán bộ, nhân viên Đội bảo vệ KCN phải thường xuyên học tập trao dồi kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

6.2/ Việc tuyển chọn đội trưởng, đội phó và nhân viên Đội bảo vệ KCN :

- Công ty Chủ đầu tư KCN sơ tuyển.

- Công an địa phương thẩm định và xác nhận tiêu chuẩn lý lịch.

Điều 7. Về chế độ đãi ngộ :

7.1/ Tiền lương và các khoản phụ cấp khác của cán bộ, nhân viên Đội bảo vệ KCN do Công ty Chủ đầu tư KCN ấn định theo tương quan chung về tiền lương của Công ty và do Công ty đài thọ.

7.2/ Cán bộ, nhân viên Đội bảo vệ KCN có thành tích xuất sắc, ngoài khen thưởng của Công ty Chủ đầu tư KCN, còn được đề nghị Ngành Công an hoặc Nhà nước xét khen thưởng.

7.3/ Cán bộ, nhân viên Đội bảo vệ KCN khi làm nhiệm vụ, nếu bị thương do phần tử xấu, bọn tội phạm tấn công được xét xác nhận hưởng chính sách và được hưởng những quyền lợi mà Bộ luật Lao động đã quy định.

7.4/ Cán bộ, nhân viên Đội bảo vệ KCN không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh theo mức độ vi phạm.

Phần IV

HOẠT ĐỘNG, TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN VÀ HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ

Điều 8. Hoạt động của Đội bảo vệ :

Đội Bảo vệ KCN hoạt động 24/24 giờ hàng ngày - kể cả chủ nhật và ngày lễ và hoạt động theo ca, mỗi tổ đảm bảo thực hiện tất cả nhiệm vụ bảo vệ trong ca đó (an ninh, trật tự an toàn xã hội, trật tự giao thông, phòng chống cháy nổ).

Trong khi làm nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên Đội Bảo vệ KCN phải mặc đồng phục, đeo bảng tên trên túi áo trái; tác phong nghiêm trang, tư thế chỉnh tề.

Khi có vụ việc xảy ra liên quan đến an ninh, trật tự trị an, tai nạn giao thông, cháy nổ, hình sự, Đội Bảo vệ KCN phải kịp thời báo cho Công an địa phương, Ban quản lý, Công ty Chủ đầu tư KCN để phối hợp giải quyết theo đúng quy định của Pháp luật, Nội qui, Điều lệ KCN.

Đối với các vụ việc xảy ra trong xí nghiệp KCN, trừ các trường hợp thật khẩn cấp ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của doanh nghiệp cần có hành động kịp thời, Đội Bảo vệ KCN chỉ can thiệp khi có yêu cầu của Giám đốc xí nghiệp hoặc người có thẩm quyền thay thế Giám đốc.

Sau mỗi ca làm việc Tổ trưởng phải ghi biên bản hoặc Sổ nhật ký về diễn biến tình hình trong ca đó.

Thực hiện báo cáo định kỳ (cuối tháng, cuối quý, cuối năm) hay đột xuất gởi Giám đốc Công ty chủ đầu tư KCN, Ban quản lý và Công an địa phương.

Điều 9. Trang bị công cụ, phương tiện khác :

Công ty Chủ đầu tư KCN trang bị cho Đội Bảo vệ KCN : giày, mũ đội, quần áo đồng phục, gậy, đèn pin...

Công an thành phố hướng dẫn việc mua sắm công cụ hỗ trợ, trang bị cho Đội Bảo vệ KCN.

Ngoài ra, tùy theo tình hình cụ thể, Công an thành phố có thể xem xét cho sử dụng một số loại vũ khí quân dụng thông thường (nếu xét thấy cần thiết).

Điều 10. Huấn luyện nghiệp vụ

Cán bộ, nhân viên Đội Bảo vệ KCN được tập huấn nghiệp vụ theo chương trình quy định của Công an thành phố.

Phần V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN ĐỐI VỚI ĐỘI BẢO VỆ KCN

Điều 11. Trách nhiệm của Công ty Chủ đầu tư KCN :

- Giáo dục, kiểm tra, quản lý hành chính và điều hành trực tiếp mọi hoạt động của Đội bảo vệ KCN; chỉ đạo giải quyết kịp thời các sự việc xảy ra tại KCN.

- Phối hợp với Ban quản lý, Công an địa phương xây dựng Nội qui bảo vệ KCN của mình.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho Đội bảo vệ KCN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Điều 12. Trách nhiệm của Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố :

- Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện những quy định của Quy chế này và Nội qui bảo vệ của từng KCN để có chỉ đạo kịp thời, hiệu quả trong công tác bảo vệ các KCN thành phố.

- Phối hợp với Công ty Chủ đầu tư KCN, Công an địa phương xây dựng các phương án, nội qui, qui chế bảo vệ của từng KCN.

- Xem xét và ra quyết định bổ nhiệm Đội trưởng, Đội phó của Đội bảo vệ KCN.

- Đề xuất với Công an thành phố các loại công cụ, vũ khí cần trang bị cho Đội bảo vệ KCN.

- Kịp thời báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố, Công an thành phố những vấn đề phát sinh trong công tác bảo vệ KCN.

- Thông báo cho Đội bảo vệ KCN biết những chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước có liên quan đến công tác bảo vệ KCN.

- Khi cần thiết, cử đại diện cùng Công an địa phương, Đội bảo vệ KCN giải quyết những vụ việc xảy ra trong KCN.

Điều 13. Trách nhiệm của Công an thành phố.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các Đội Bảo vệ KCN.

- Hướng dẫn việc mua sắm, sử dụng các loại phương tiện, công cụ hỗ trợ, vũ khí cho Đội bảo vệ KCN, kiểm tra việc sử dụng và ra lệnh thu hồi khi cần thiết.

- Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý chỉ đạo kịp thời cho Công an địa phương trong công tác bảo vệ các KCN thành phố.

- Xem xét và có ý kiến vào báo cáo sơ kết, tổng kết công tác bảo vệ an ninh trật tự trong các KCN thành phố; chỉ đạo nội dung, chương trình huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, pháp luật và các kiến thức cần thiết khác cho cán bộ, nhân viên Đội bảo vệ KCN.

Điều 14. Trách nhiệm của Công an địa phương nơi có KCN :

- Giúp cho Ban quản lý, Giám đốc Công ty chủ đầu tư KCN trong việc đề ra Nội quy bảo vệ KCN, các chương trình kế hoạch cụ thể trong công tác bảo vệ KCN.

- Hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể một số hoạt động nghiệp vụ của Đội bảo vệ KCN.

- Cùng Đội bảo vệ KCN giải quyết theo đúng quy định của pháp luật các vụ việc liên quan đến an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội, trật tự giao thông, phòng chống cháy nổ trong KCN. Trong quá trình giải quyết công việc tại KCN, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an địa phương phải tôn trọng các quy định của Nội quy KCN, không cản trở hay gây phiền hà cho hoạt động của doanh nghiệp KCN. Khi cần tiếp xúc làm việc với doanh nghiệp KCN cần thông báo trước cho Giám đốc Công ty đầu tư KCN, trừ trường hợp khẩn cấp có lệnh của cấp trưởng phòng Công an thành phố, trưởng Công an quận - huyện trở lên.

- Đảm bảo an ninh trật tự vòng ngoài KCN - đặc biệt chú ý đến việc tuần tra xung quanh vòng ngoài tường rào Khu chế xuất, KCN nhằm ngăn chặn các hành vi cố ý vượt rào để buôn lậu và hoạt động phi pháp khác.

- Phối hợp với Ban quản lý hướng dẫn Đội bảo vệ KCN làm báo cáo định kỳ (hoặc đột xuất) gởi Ban quản lý và Công ty địa phương./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3413/1999/QĐ-UB-KT năm 1999 thành lập Đội bảo vệ tại các Khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3413/1999/QĐ-UB-KT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/06/1999
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Viết Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/06/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 03/06/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản