Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3411/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29/11/2006;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22/11/2013;

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03/6/2008;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Quyết định số 2737/QĐ-UBND ngày 05/6/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tại Tờ trình số 147/TTr-SNN ngày 14/6/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ban Chỉ đạo TW về PCTT;
- UBQG Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN;
- Bí thư Thành ủy Hà Nội;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- BCH PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã;
- Văn phòng: Thành ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND TP;
- Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP;
- VPUB: CVP, các PCVP; các phòng CV;
- Lưu: VT, KT (Túy 2b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3411/QĐ-UBND ngày 04/7/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ huy Thành phố) được thành lập theo các Nghị định của Chính phủ: Số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chương 2

TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ

Điều 2. Cơ cấu tổ chức Ban Chỉ huy Thành phố

1. Thành phần và số lượng thành viên Ban Chỉ huy Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định tại Quyết định số 2737/QĐ-UBND ngày 05/6/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội.

2. Các thành viên Ban Chỉ huy Thành phố làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bộ máy nhân sự của đơn vị để giúp việc.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ huy Thành phố

1. Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4. Kịp thời thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai, sự cố; chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

5. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn Văn phòng Ban Chỉ huy Thành phố

1. Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ huy Thành phố ban hành các văn bản: Quyết định, chỉ thị, công điện chỉ đạo về công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; ban hành lệnh báo động, rút báo động lũ trên các tuyến sông.

2. Thực hiện nhiệm vụ trực ban theo quy định; thường xuyên theo dõi, tổng hợp, thông tin, báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai, tổng hợp thiệt hại, nhu cầu cứu trợ, khắc phục hậu quả do sự cố, thiên tai gây ra.

3. Theo dõi, cập nhật thông tin tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, thiên tai, sự cố; dự báo, cảnh báo đến các đơn vị, địa phương để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó.

4. Chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu, báo cáo phục vụ các hội nghị, các cuộc họp định kỳ và đột xuất của Ban Chỉ huy Thành phố.

5. Đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ huy Thành phố.

Chương 3

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN THÀNH PHỐ

Điều 5. Nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ huy Thành phố

1. Chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố.

2. Quyết định điều động, trưng dụng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm của các sở, ngành, địa phương; báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và cứu trợ trong các trường hợp khẩn cấp.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn Phó Trưởng Ban Chỉ huy Thành phố là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

1. Giúp Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc lĩnh vực được phân công tại Quyết định số 2737/QĐ-UBND ngày 05/6/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố thực hiện các phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc lĩnh vực được phân công.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Trưởng ban phân công.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn Phó Trưởng Ban Chỉ huy Thành phố là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chỉ đạo, điều hành hoạt động của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Thành phố; thực hiện nhiệm vụ thường trực công tác phòng, chống thiên tai; cháy rừng.

2. Thay mặt Ban Chỉ huy Thành phố ký ban hành các văn bản: Công điện; Lệnh báo động, Lệnh rút báo động lũ trên các tuyến sông; Giấy mời họp, Báo cáo của Ban Chỉ huy Thành phố.

3. Đôn đốc Ban Chỉ huy các sở, ngành, Ban Chỉ huy các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó các tình huống sự cố, thiên tai.

4. Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng ứng phó các sự cố thiên tai và cháy rừng.

5. Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức ứng phó các sự cố đê điều, công trình thủy lợi, cháy rừng và khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất.

6. Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ huy Thành phố.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Trưởng ban phân công.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng Ban Chỉ huy Thành phố là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

1. Thực hiện nhiệm vụ thường trực công tác ứng cứu, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ huy đơn vị thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ Trưởng ban phân công.

2. Tổ chức xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án và tham mưu văn bản chỉ đạo; kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án thuộc lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật.

3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng ứng cứu, ứng phó với các sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4. Quyết định điều động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện nhiệm vụ ứng cứu, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

5. Tham mưu, đề xuất Trưởng ban điều động lực lượng, phương tiện của các sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Quốc phòng hỗ trợ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và cứu trợ trong các trường hợp khẩn cấp.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Trưởng ban phân công.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Thành phố

1. Thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc lĩnh vực được phân công tại Quyết định số 2737/QĐ-UBND ngày 05/6/2018 của UBND Thành phố.

2. Xây dựng, tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố thực hiện các phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc lĩnh vực được phân công.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Trưởng ban phân công.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ban Chỉ huy Thành phố là lãnh đạo Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố

1. Chủ động xây dựng chương trình công tác, thực hiện các nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công (theo Quyết định phân công của Trưởng Ban Chỉ huy Thành phố).

2. Bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, thông tin báo cáo Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Thành phố về tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các quận, huyện, thị xã được phân công phụ trách.

3. Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND quận, huyện, thị xã xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp về sự cố, thiên tai theo quy định.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Trưởng ban phân công.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ban Chỉ huy Thành phố là Thủ trưởng các đơn vị quân đội: Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, tham mưu Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng quyết định điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chương 4

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 12. Chế độ làm việc

1. Ban Chỉ huy Thành phố

- Hàng năm, vào đầu tháng 4, Ban Chỉ huy Thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm trước; triển khai nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm.

- Căn cứ dự báo, cảnh báo, cấp độ rủi ro, diễn biến sự cố, thiên tai, Trưởng Ban Chỉ huy Thành phố quyết định triệu tập họp để chỉ huy ứng phó.

2. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Thành phố

Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai, sự cố, tình hình triển khai công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương, đơn vị; tổng hợp báo cáo Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định.

3. Các Thành viên Ban Chỉ huy Thành phố

Chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch công tác; kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo lĩnh vực được phân công; thông tin, báo cáo Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Thành phố theo quy định.

Điều 13. Mối quan hệ công tác của Ban Chỉ huy Thành phố

1. Ban Chỉ huy Thành phố chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

2. Ban Chỉ huy Thành phố chịu sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời và đề xuất, tham mưu những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với Ủy ban nhân dân Thành phố.

3. Ban Chỉ huy Thành phố chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố và các quận, huyện, thị xã.

Điều 14. Chế độ thông tin, báo cáo: Thực hiện theo Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo, họp chỉ đạo, triển khai ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố.

Điều 15. Kinh phí hoạt động

- Ban Chỉ huy Thành phố được cấp kinh phí từ nguồn ngân sách Thành phố (thông qua Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội) để đảm bảo các hoạt động thường xuyên.

- Hàng năm Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ huy Thành phố đúng chế độ, chính sách hiện hành và trình duyệt theo quy định.

Chương 5

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

2. Các thành viên Ban Chỉ huy Thành phố, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Thành phố, Văn phòng Ban Chỉ huy Thành phố chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

3. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Văn phòng Ban Chỉ huy Thành phố tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp cần sửa đổi, báo cáo cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Thành phố trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

Điều 17. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị Thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã căn cứ quy chế này để xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, địa phương./.