Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2016/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 86/2015/NĐ-CP NGÀY 02 THÁNG 10 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ THU, QUẢN LÝ HỌC PHÍ ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN VÀ CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ, HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP TỪ NĂM HỌC 2016-2017 ĐẾN NĂM HỌC 2020-2021 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giáo dục Đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021;

Căn cứ Nghị quyết số 102/2016/NQ-HĐND ngày 05 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố về quy định cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020­-2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 2488/GDĐT-KHTC ngày 27 tháng 7 năm 2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành quy định về cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ, như sau:

1. Về nguyên tắc:

- Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập: Mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

- Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập: Học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí đào tạo. Học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được xác định trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện theo lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước.

- Các cơ sở giáo dục công lập thực hiện chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng để bù đắp chi phí đào tạo. Cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí.

- Các cơ sở giáo dục phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

2. Về mức thu học phí

a) Mức học phí được chia thành hai nhóm đối tượng tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

+ Nhóm 1: Học sinh học tại trường ở các quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân.

+ Nhóm 2: Học sinh học tại trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.

MỨC THU NĂM HỌC 2016 - 2017

Đơn vị tính: đồng/học sinh/tháng

Cấp học

Năm học 2016 - 2017

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhà trẻ

200.000

140.000

Mẫu giáo

160.000

100.000

Tiểu học

Không thu

Trung học cơ sở

100.000

85.000

Bổ túc trung học cơ sở

100.000

85.000

Trung học phổ thông

120.000

100.000

Bổ túc trung học phổ thông

120.000

100.000

- Đối với học sinh Hệ chuyên trong các trường trung học phổ thông chuyên và trường trung học phổ thông có lớp chuyên: không thu học phí.

- Từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2020 - 2021: giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với các Sở ngành có liên quan căn cứ chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo làm cơ sở để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2017-2018 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

b) Đối với khoản thu trường tiên tiến theo xu thế hội nhập và các khoản thu khác

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn quy định nội dung thu và sử dụng mức thu của các trường tiên tiến theo Quyết định số 3968/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố, các khoản thu khác (tổ chức dạy học 2 buổi /ngày, tổ chức các lớp học ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, môn tự chọn, học nghề, tổ chức phục vụ bán trú, vệ sinh các lớp bán trú...) và các khoản thu hộ chi hộ của ngành giáo dục và đào tạo trước khi vào năm học mới trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, đồng thời thực hiện quy chế công khai, minh bạch.

c) Đối với mức học phí đối với cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố

- Cho phép Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ mức trần học phí từng năm học được quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 5 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ để xác định mức thu học phí cụ thể cho các đối tượng, nhóm ngành nghề đào tạo tương ứng theo từng năm học.

Vào thời điểm chuẩn bị đầu năm học mới, Hiệu trưởng các đơn vị nêu trên có trách nhiệm báo cáo mức thu học phí của đơn vị về cơ quan chủ quản theo phân cấp để theo dõi, quản lý theo chức năng; thực hiện công bố, công khai minh bạch học phí cho từng năm học và dự kiến cả khóa học trước khi tuyển sinh.

3. Quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập

Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành thành phố hướng dẫn chi tiết thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 ngày 3 năm 2016 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

4. Về quản lý và sử dụng nguồn thu

a) Thu học phí:

Học phí được thu định kỳ hàng tháng; nếu học sinh, sinh viên tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, dạy nghề thường xuyên và các khóa đào tạo ngắn hạn, học phí được thu theo số tháng thực học. Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 09 tháng/năm. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học phí được thu 10 tháng/năm. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy và học tập theo tín chỉ, cơ sở có thể quy đổi để thu học phí theo tín chỉ, nhưng tổng số thu không được vượt quá mức học phí quy định cho cả khóa học nếu thu theo năm học.

Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thu, cấp biên lai thu học phí theo quy định của Bộ Tài chính cho người học và nộp học phí vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản đăng ký hoạt động để quản lý.

b) Sử dụng học phí:

Các cơ sở giáo dục công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ sở giáo dục ngoài công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

c) Quản lý và chế độ báo cáo học phí:

- Các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: được nộp toàn bộ số thu học phí vào ngân hàng thương mại để quản lý, sử dụng. Toàn bộ tiền lãi gửi ngân hàng thương mại được sử dụng để lập quỹ học bổng và hỗ trợ sinh viên;

- Các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: nộp toàn bộ số thu học phí của các ngành nghề được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo vào Kho bạc Nhà nước để quản lý và sử dụng; nộp toàn bộ tiền thu học phí của các ngành, nghề không được ngân sách nhà nước hỗ trợ vào ngân hàng thương mại để quản lý, sử dụng. Toàn bộ tiền lãi gửi ngân hàng thương mại được sử dụng để lập các quỹ hỗ trợ sinh viên.

Các cơ sở giáo dục thuộc mọi loại hình có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê quỹ học phí theo các quy định của pháp luật, thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp.

Thu chi học phí của cơ sở giáo dục công lập phải tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQVN thành phố;
- Kho bạc Nhà nước thành phố;
- Sở Giáo dục và Đào tạo (3b);
- Trường ĐH Sài Gòn; Trường ĐH Y khoa PNT;
- Sở GTVT; Sở VH&TT; Sở Xây dựng;
- Sở TT&TT, Sở NN&PTNT;
- VPUB: các PVP; Các Phòng CV; TTCB;
- Lưu: VT, (VX-VN) XP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Phong

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 34/2016/QĐ-UBND thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 34/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/09/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thành Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 125 đến số 126
  • Ngày hiệu lực: 23/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản