Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3370/2011/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 13 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ AN TOÀN ĐẬP CỦA CÔNG TRÌNH THUỶ ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập;

Căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi;

Căn cứ Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập của công trình thuỷ điện;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Văn bản số 894/SCT-CV ngày 20/6/ 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện quản lý an toàn đập của công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, các chủ đập thuỷ điện và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ T­ư pháp;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thư­ờng trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư­ pháp;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Các chủ đập công trình thuỷ điện;
- Lư­u: VT, CN.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 

QUY ĐỊNH

VỀ THỰC HIỆN QUẢN LÝ AN TOÀN ĐẬP CỦA CÔNG TRÌNH THUỶ ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3370/2011/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2011 của UBND tỉnh Thanh Hoá)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này quy định trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, các chủ đập và các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn đập của công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá theo Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07/10/2010 của Bộ Công Thương về quản lý an toàn đập công trình thuỷ điện.

Nội dung cụ thể của công tác an toàn đập, thực hiện theo Thông tư số 34/ 2010/TT-BCT ngày 07/10/2010 của Bộ Công Thương và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Đập của công trình thuỷ điện là công trình làm nhiệm vụ ngăn nước và các công trình có liên quan, tạo hồ chứa nước hoặc tạo đầu nước nhằm thực hiện mục đích chính là tạo áp lực nước để phục vụ phát điện.

2. Danh mục đập, hồ chứa và thông số chính của công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá bao gồm các công trình thuỷ điện đã được khởi công xây dựng hoặc đã hoàn thành xây dựng, do Sở Công Thương lập hàng năm vào thời điểm ngày 01 tháng 01 và bổ sung theo thực tế phát sinh, gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền liên quan, các chủ đập để thực hiện quản lý an toàn đập theo quy định này.

Danh mục đập, hồ của công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tính đến ngày 31/3/2011 thực hiện theo Phụ lục số 01 gửi kèm theo quy định này.

3. Chủ đập của công trình thuỷ điện (Chủ đập thuỷ điện hoặc Chủ đập) là tổ chức, cá nhân làm chủ đầu tư công trình thuỷ điện theo hình thức dự án điện độc lập, là chủ sở hữu đập để khai thác lợi ích của hồ chứa nước hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đập để quản lý, vận hành khai thác hồ chứa nước.

4. Mùa mưa lũ tại Thanh Hoá tính từ ngày 01tháng 4 đến ngày 30 tháng 11 hàng năm.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG QUẢN LÝ AN TOÀN ĐẬP

Điều 3. Chứng nhận chất lượng xây dựng đập và nghiệm thu đập

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân huyện nơi có đập và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về sự phù hợp về chất lượng xây dựng, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và nghiệm thu hoàn thành công trình đập theo các quy định hiện hành liên quan trước khi chủ đập đăng ký an toàn đập và đưa đập vào khai thác, sử dụng.

Điều 4. Đăng ký an toàn đập và báo cáo hiện trạng an toàn đập

1. Đăng ký an toàn đập

Chủ đập thực hiện việc đăng ký an toàn đập tại Sở Công Thương trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành công trình đập, đồng thời gửi tờ khai đăng ký an toàn đập cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mẫu tờ khai đăng ký an toàn đập thực hiện theo Phụ lục số 02 kèm theo Quy định này.

Sở Công Thương có trách nhiệm xem xét đối với đập của hồ chứa có dung tích trữ nhỏ hơn 10.000.000m3, hoặc phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan xem xét đối với các đập của hồ chứa có dung tích trữ bằng hoặc lớn hơn 10.000.000m3 để ban hành văn bản xác nhận đăng ký an toàn đập của chủ đập và thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước, Uỷ ban nhân dân huyện liên quan và chủ đập biết.

Chủ đập chỉ được vận hành khai thác đập và hồ chứa sau khi có văn bản xác nhận đăng ký an toàn đập của Sở Công Thương.

2. Chế độ báo cáo hiện trạng an toàn đập

Hàng năm, chủ đập thực hiện việc báo cáo hiện trạng an toàn đập và gửi về Sở Công Thương trước mùa mưa lũ (trước ngày 01 tháng 4) kèm theo bản dự báo mưa lũ trong năm. Mẫu báo cáo được quy định tại Phụ lục số 03 kèm theo Quy định này.

Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân huyện và các đơn vị có liên quan kiểm tra báo cáo hiện trạng an toàn đập của chủ đập.

Điều 5. Quan trắc đập và các yếu tố thuỷ văn

Chủ đập có trách nhiệm tổ chức thực hiện quan trắc, ghi chép và lưu trữ các thông số quan trắc được lắp đặt tại công trình đập và thu thập các thông tin về khí tượng, thuỷ văn liên quan theo quy định hiện hành; cập nhật thông tin dự báo dòng chảy đến công trình.

Trong thời gian xuất hiện lũ, căn cứ vào mực nước hồ (thấp hơn ngưỡng tràn, bằng hoặc cao hơn ngưỡng tràn, cách mực nước gia cường 1,0m) chủ đập phải tăng cường quan trắc mực nước thượng lưu, hạ lưu đập, đảm bảo số lần quan trắc theo quy định hiện hành.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Thanh Hoá giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện quan trắc các yếu tố thuỷ văn của chủ đập.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện quan trắc đập của chủ đập.

Điều 6. Kiểm định an toàn đập

Chủ đập có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm định an toàn đập theo quy định hiện hành, lập và gửi hồ sơ, báo cáo kết quả kiểm định về Sở Công Thương và Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) theo phân cấp. Mẫu báo cáo tại Phụ lục số 04 kèm theo Quy định này.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan khác (nếu cần) đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kiểm định an toàn đập của chủ đập; thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án của chủ đập về chỉnh trị lòng hồ, lòng sông hạ du đập, khai thác, làm vệ sinh, nạo vét hoặc tận thu khoáng sản, đất đá bùn cát trong chỉ giới phạm vi hồ chứa, bảo vệ hồ chứa và đập thuỷ điện.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân huyện kiểm tra việc thực hiện Phương án chỉnh trị lòng hồ, lòng sông hạ du đập, khai thác, nạo vét hoặc tận thu khoáng sản, đất đá bùn cát trong chỉ giới phạm vi hồ chứa, bảo vệ hồ chứa và đập thuỷ điện.

Điều 7. Bảo đảm an toàn đập và vùng hạ du đập

1. Quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện

Chủ đập thuỷ điện lập Quy trình vận hành hồ chứa, gửi Sở Công Thương để chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xem xét, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thuộc thẩm quyền.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các đơn vị khác có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng quy trình vận hành liên hồ trên hệ thống sông Mã, không thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan kiểm tra việc thực hiện Quy trình vận hành hồ chứa, vận hành và vận hành thử các hạng mục của công trình đầu mối để bảo đảm an toàn.

2. Công tác bảo vệ đập

Chủ đập thuỷ điện lập Phương án bảo vệ đập, gửi Sở Công Thương để chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện nơi có đập và các đơn vị liên quan xem xét, trình UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện Phương án bảo vệ đập của chủ đập.

3. Phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn đập và hạ du trong mùa lũ

Hàng năm, chậm nhất đến ngày 01 tháng 3 (01 tháng trước mùa mưa lũ), chủ đập thuỷ điện lập Phương án phòng chống lụt bão, vận hành và bảo đảm an toàn đập, hạ du đập trong mùa mưa bão, gửi Sở Công Thương để chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện nơi có đập và các đơn vị liên quan thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ Công Thương phê duyệt theo thẩm quyền để triển khai thực hiện.

Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện phòng chống lụt bão, an toàn đập và hạ du của chủ đập.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, các chủ đập thuỷ điện và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý an toàn đập của công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nội dung Quy định này.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn đập hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Quy định này theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

3. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện và các đơn vị liên quan, tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý an toàn đập thuỷ điện trên địa bàn tỉnh, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền theo yêu cầu./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3370/2011/QĐ-UBND về Quy định thực hiện quản lý an toàn đập của công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 3370/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/10/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Trịnh Văn Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản