Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3358/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 17 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2009 - 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 58/2007/QĐ-TTg, ngày 04/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH, ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và đầu tư về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 1464/TTr-SNN ngày 30/9/2009 về phê duyệt dự án “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 – 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm phát triển:

1) Phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng đa dạng, củng cố phát triển các ngành nghề truyền thống, đồng thời phát triển thêm các ngành nghề mới, làng nghề mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm truyền thống có giá trị cao những sản phẩm mới đang có trên thị trường. Phát triển mạnh mẽ những ngành nghề sử dụng được nhiều lao động.

2) Phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường.

3) Phát triển ngành nghề gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông thôn, chuyển lao động thuần nông sang lao động kiêm ngành nghề, lao động chuyên ngành nghề, chuyển từ lao động thủ công sang lao động kỹ thuật có năng suất chất lượng và hiệu quả cao, tạo thêm nhiều việc làm khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế của địa phương, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn.

4) Khôi phục các làng nghề ngành nghề truyền thống, hình thành và phát triển nhanh các làng nghề, ngành nghề mới, xây dựng các làng nghề văn hoá, du lịch, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các làng nghề để làm nòng cốt cho sự phát triển.

5) Trên cơ sở phân tích thị trường trong và ngoài nước, tình hình phát triển của tỉnh trong thời gian qua, phương hướng phát triển ngành nghề tới năm 2020, tập trung vào một số ngành nghề chính như chế biến nông lâm sản (lương thực, thực phẩm, đan lát, mộc, nề, sửa chữa cơ khí nhỏ, và điện tử, vận tải và một số loại hình dịch vụ)

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát:

- Đánh giá thực trạng phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn.

- Phân tích đánh giá tiềm năng xu thế phát triển và các nhân tố tác động tác động đến sự phát triển của ngành nghề nông thôn Thái Nguyên giai đoạn 2009 – 2020.

- Lập quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn Thái Nguyên đến năm 2020 nghiên cứu đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện.

Thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, nâng cao tỉ trọng các ngành phi nông nghiệp, dịch vụ và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn;

2. Mục tiêu cụ thể:

1. Đến năm 2010 mở mới 22 làng nghề, trong đó mở mới 8 làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ tận dụng và phát huy tiềm năng nguồn nguyên liệu gốc tại địa bàn, đầu tư 8 làng nghề trồng nấm để tận dụng nguồn mùn cưa từ chế biến gỗ dùng làm nguyên liệu trồng nấm, thu hút 2.815 hộ làm nghề với 5.836 lao động. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 4.673.600 sản phẩm các loại. Tổng thu nhập của 22 làng nghề dự kiến 83.328 triệu đồng, trong đó thu nhập từ ngành nghề là 32.525 triệu đồng, chiếm 39,0%.

Đầu tư phát triển 121 làng nghề hiện có, trong đó mở thêm ngành nghề đồ gỗ mỹ nghệ ở 20 làng nghề mây tre đan có điều kiện tận dụng và phát huy tiềm năng nguồn nguyên liệu gỗ tại địa bàn, đầu tư 18 làng nghề trồng nấm để tận dụng nguồn mùn cưa từ chế biến gỗ dùng làm nguyên liệu trồng nấm, thu hút 14.086 hộ làm nghề với 34.255 lao động. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 5.237.294.156 sản phẩm các loại. Tổng thu nhập của 121 làng nghề dự kiến 524.750 triệu đồng, trong đó thu nhập từ ngành nghề là 290.920 triệu đồng, chiếm 55,4%.

Đến năm 2010 toàn tỉnh Thái Nguyên có 16.507 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 143 làng nghề. Tổng giá trị sản xuất TTCN tính theo giá thực tế đạt 870.000 triệu đồng.

2. Đến năm 2015 mở mới 22 làng nghề, trong đó mở mới 6 làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ và 6 làng nghề trồng nấm, thu hút 4.249 hộ làm nghề với 9.648 lao động. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 5.823.040 sản phẩm các loại. Tổng thu nhập của 22 làng nghề dự kiến 83.637 triệu đồng, trong đó thu nhập từ ngành nghề là 41.543 triệu đồng, chiếm 49,7%.

Đầu tư phát triển 121 làng nghề hiện có, trong đó mở thêm ngành nghề đồ gỗ mỹ nghệ ở 20 làng nghề mây tre đan có điều kiện và 15 làng nghề trồng nấm, nhằm phát huy tiềm năng về nguồn nguyên liệu tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thu hút 16.924 hộ làm nghề với 41.776 lao động. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 6.280.466.032 sản phẩm các loại. Tổng thu nhập của 121 làng nghề dự kiến 708.000 triệu đồng, trong đó thu nhập từ ngành nghề là 434.000 triệu đồng chiếm 61,3%.

Đến năm 2015 toàn tỉnh Thái Nguyên có 20.377 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 165 làng nghề. Tổng giá trị sản xuất TTCN tính theo giá thực tế đạt 1.536.178 triệu đồng.

3. Đến năm 2020 mở mới 15 làng nghề, trong đó mở mới 6 làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ và 6 làng nghề trồng nấm, thu hút 1.217 hộ làm nghề với 2.625 lao động. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 5.894.100 sản phẩm các loại. Tổng thu nhập của 22 làng nghề dự kiến 55.522 triệu đồng, trong đó thu nhập từ ngành nghề là 17.850 triệu đồng, chiếm 32,1%.

Đầu tư phát triển 121 làng nghề hiện có, trong đó mở thêm ngành nghề đồ gỗ mỹ nghệ ở 20 làng nghề mây tre đan có điều kiện và 12 làng nghề trồng nấm, nhằm phát huy tiềm năng về nguồn nguyên liệu tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thu hút 19.929 hộ làm nghề với 50.201 lao động. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 7.012.132.705 sản phẩm các loại. Tổng thu nhập của 121 làng nghề dự kiến 951.700 triệu đồng, trong đó thu nhập từ ngành nghề là 661.100 triệu đồng chiếm 69,5%.

Đến năm 2020 toàn tỉnh Thái Nguyên có 25.037 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 180 làng nghề. Tổng giá trị sản xuất TTCN tính theo giá thực tế đạt 2.713.330 triệu đồng.

III. Định hướng và khả năng phát triển ngành nghề

- Phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, có chất lượng và hiệu quả, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng đến năm 2010 đạt khoảng 16,5% - 17%/ năm và thời kỳ 2011 – 2020 đạt 12,5 – 13,5%/ năm; Ưu tiên về các nguồn lực; Ưu đãi về chính sách cho một số ngành, sản phẩm chủ lực.

- Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng nhanh nhóm ngành chủ đạo, có lợi thế, có truyền thống; Hình thành các ngành; Sản phẩm công nghiệp mới; Tăng nhanh nhóm ngành sản xuất hàng xuất khẩu; Tăng thỏa đáng các ngành công nghiệp phụ trợ; tăng tỉ trọng công nghiệp tư nhân, đặc biệt là đầu tư ngoài nước trong các ngành công nghiệp chủ lực; Chuyển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và lao động có trình độ không cao về khu vực nông thôn huy động có hiệu quả các nguồn lực nội sinh, thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài.

- Phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, gắn với phát triển hệ thống đô thị; kết hợp các loại quy mô, loại hình sản xuất; Hiện đại hóa và đổi mới thiết bị, công nghệ.

1. Ngành chế biến bảo quản nông lâm thủy sản:

- Ngành chế biến chè:

Lượng các sản phẩm chè sạch ( chè hữu cơ) được tiêu thụ sẽ ngày một tăng đây sẽ là một mặt hàng xuất khẩu.

- Ngành chế biến các sản phẩm từ lúa gạo đậu ngô sắn:

Các sản phẩm được chế biến từ các nguyên liệu lúa, gạo các loại cây lương thực có hạt khác và cây công nghiệp hàng năm (lạc, vừng, đậu tương …) tương đối đa dạng, có thể kể ra đây các sản phẩm như bánh, bún, miến, mứt kẹo, tương, đậu phụ.

- Ngành chế biến và bảo quản rau quả.

Chế biến rau tươi Thái Nguyên là tỉnh có điều kiện để phát triển rau xanh các loại cung cấp cho thị trường thành phố Thái Nguyên, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Ngành chế biến và bảo quản quả tươi:

Thái Nguyên có diện tích và sản lượng nhãn vải khá lớn, những năm gần đây đã hình thành một số làng nghề chuyên chế biến long nhãn vải để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

2- Ngành sản xuất hành thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ:

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tuyến du lịch, ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Thái Nguyên có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai, đặc biệt là hàng dệt may thổ cẩm dân tộc truyền thống, nghề mây tre đan ... những nghề có triển vọng phát triển là hàng mộc mỹ nghệ. Thị trường mặt hàng này chủ yếu phục vụ cho khách du lịch và xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng tại chỗ.

3- Ngành các sản phẩm cơ khí nhỏ:

Mở mới các cơ sở sản xuất và trang bị và cơ giới hóa ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và vận tải; các sản phẩm dao, kéo, nông cụ cầm tay, phụ tùng máy kéo nông nghiệp, dụng cụ xây dựng, đặc biệt là sản xuất trang thiết bị máy móc phục vụ cơ giới hoá ngành nông nghiệp như thiết bị làm đất, thu hoạch, bảo quản.

4- Xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ ngành nghề nông thôn:

Chế biến nguyên liệu gỗ và ngoài gỗ: Khối lượng gỗ xẻ tiếp tục tăng do sự cơ cấu ba loại rừng của tỉnh. Lượng chế biến gỗ và tiêu thụ gỗ rừng trồng sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu sử dụng gỗ trồng trong sản xuất nguyên liệu giấy, ván nhân tạo, ván ghép thanh, ván bóc và nhu cầu gia tăng của sản xuất đồ gia dụng và hành xuất khẩu sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng. Các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ cũng sẽ được tiếp tục được chế biến với số lượng ngày một tăng, đặc biệt là các sản phẩm từ nguyên liệu họ tre (luồng, mai, vầu, bương, hóp) và mây. Tăng chế biến nguyên vật liệu họ tre cũng như số lượng các cơ sở chế biến sản xuất mành, tăm hương, đũa và đan lát. Việc sử dụng các sản phẩm lâm sản chế biến sẽ đi vào chiều sâu, tức là nâng cao giá trị chất lượng và giảm thiểu nguồn tài nguyên.

5. Vốn đầu tư:

Tổng vốn đầu tư cho cả giai đoạn 2010-2020; 875.440,0 triệu đồng

- Đầu tư cho đào tạo nghề; 2.970,0 triệu đồng

- Đầu tư cơ sở hạ tầng các làng nghề; 387.000,0 triệu đồng

- Đầu tư cho phát triển làng nghề hiện có; 417.542,0 triệu đồng

- Đầu tư cho mở mới làng nghề; 67.928 triệu đồng.

IV. Các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư:

1. Đầu tư cho đào tạo nghề:

Hàng năm mở các lớp dạy nghề với lượng vốn đầu tư là 300 triệu đồng cho 9 lớp (mỗi huyện, thành, thị mỗi năm 1 lớp từ năm 2010 đến năm 2020), mỗi lớp bình quân 30 triệu đồng. Tổng vốn đầu cho mở lớp tập huấn đào tạo nghề: 9 lớp/năm x 30 triệu đồng/lớp x 11 năm = 2.970 triệu đồng.

Đối tượng đào tạo nghề là lực lượng lao động ở nông thôn, đã và sẽ làm nghề ở các làng nghề và các cơ sở ngành nghề, mỗi năm đào tạo 270 - 300 lao động. Đặc biệt đào tạo nghề trồng nấm và thợ làm hàng thủ công mỹ nghệ.

2. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghề:

Hàng năm đầu tư cho các làng nghề hiện có và các làng nghề mở mới cơ sở hạ tầng như: nhà xưởng, nhà trưng bày hàng hoá, đường giao thông vào làng nghề, kéo lưới điện phục vụ sản xuất, hỗ trợ trang thiết bị máy móc.

3. Đầu tư mở mới các làng nghề:

(Có phụ biểu kèm theo)

4. Đầu tư chế biến, bảo quản nông, lâm sản.

5. Đầu tư mặt bằng sản xuất:

- Đầu tư mặt bằng sản xuất cho các làng nghề hiện có:

Nhu cầu mặt bằng giai đoạn 2009 – 2010 cần: 2.832.220 m2

Nhu cầu mặt bằng giai đoạn 2011 – 2015 cần: 3.526.800 m2

Nhu cầu mặt bằng giai đoạn 2016 – 2020 cần: 4.664.900 m2

- Đầu tư mặt bằng sản xuất cho các làng nghề mở mới:

Nhu cầu mặt bằng giai đoạn 2009 – 2010 cần: 307.900 m2

Nhu cầu mặt bằng giai đoạn 2011 – 2015 cần: 75.590m2

Nhu cầu mặt bằng giai đoạn 2016 – 2020 cần: 76.400 m2

V. Các giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2020:

1. Giải pháp về chính sách:

Tiếp tục thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, Thông tư số 116/2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 18/12/2006 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ- CP.

Đồng thời, các chính sách khác cần được áp dụng và xây dựng chính sách mới nhằm khuyến khích ngành nghề nông thôn như:

Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường; Về nghiên cứu khoa học;

Về hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công; Về đào tạo nghề;

Về xúc tiến thương mại;

Ưu đãi đầu tư: Được hưởng ưu đãi đầu tư theo luật đầu tư, được vay vốn, được hưởng chính sách đầu tư trong cả nước.

2. Giải pháp về nguồn nguyên liệu:

Tiếp tục tích cực triển khai các chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp nhằm ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ các ngành nghề nông thôn. Cụ thể cần rà soát quy hoạch phát triển các sản phẩm sau:

Phát triển lương thực; Phát triển chè;

Phát triển cây ăn quả; Phát triển lâm nghiệp;

3. Giải pháp về nguồn nhân lực:

Đào tạo nguồn nhân lực giữ vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh. Đào tạo nghề phải tăng nhanh cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả và tạo ra cơ cấu lao động hợp lý cho các giai đoạn phát triển.

Thực hiện chính sách thu hút và sử dụng nhân tài; Mở rộng hợp tác và liên kết với các cơ sở đào tạo; Khuyến khích mọi cá nhân mở các lớp truyền nghề; Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề với những nghề quy hoạch; Miễn phần kinh phí đóng góp và sinh hoạt trong thời gian đào tạo; Tổ chức khen thưởng; Ưu tiên đầu tư để đào tạo đội ngũ chủ cơ sở lao động ngành nghề nông thôn; Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ chủ cơ sở lao động ngành nghề nông thôn; Quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần người sản xuất.

4. Giải pháp về khoa học công nghệ:

Chuyển giao ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ, đưa các dây truyền thiết bị công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nguyên liệu và các sản phẩm ngành nghề nông thôn, tăng cường công tác khuyến nông cho các công đoạn sản xuất và thu hoạch nguyên liệu.

5. Giải pháp về tổ chức sản suất:

Phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh; Gắn chặt nghiên cứu và triển khai sản xuất;

Xây dựng các cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp - làng nghề; Tạo mối liên kết ngành.

6. Giải pháp thị trường xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm:

Duy trì và củng cố thị trường hiện có mở rộng thị trường mới. Nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm để hướng tới thị trường xuất khẩu.

- Các kênh thị trường; Thị trường nội tỉnh; Thị trường ngoại tỉnh; Thị trường xuất khẩu;

- Chất lượng sản phẩm: Nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng tiêu chuẩn cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn của Thái Nguyên căn cứ theo tiêu chuẩn Việt Nam; Đầu tư để hỗ trợ các mặt hàng chất lượng cao sẽ được sẽ được tham gia hội chợ.

- Xây dựng thương hiệu: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các cơ sở làng nghề sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc biệt thương hiệu gắn liền với văn hoá và lịch sử Thái Nguyên như hàng dệt may thổ cẩm, rượu đặc sản, chè,…

- Các hoạt động xúc tiến thương mại khác.

7. Giải pháp về xử lý chất thải, vệ sinh, môi trường:

Tiến hành đánh giá hiện trạng môi trường đối với toàn bộ các cụm tiêu thủ công nghiệp – làng nghề, các cơ sở sản xuất; khuyến khích các cơ sở ngành nghề nông thôn đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, hiện đại hoá các công nghệ truyền thống theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống;

Tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở ngành nghề nông thôn phát triển các sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu tái sinh.

8. Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trong tổng thể chung của tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn:

Về quy hoạch ngành nghề: Ưu tiên xây dựng dự án vùng nguyên liệu; Về quy hoạch đất đai: Đầu tư mặt bằng tại các xóm có làng nghề.

9. Giải pháp nguồn vốn cho sản xuất ở làng nghề:

- Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng từ Nhà nước như quỹ hỗ trợ việc làm, quỹ khuyến công...

- Huy động vốn từ các nguồn; tư nhân, vốn cổ phần...

- Thúc đẩy quá trình hình thành thị trường vốn ở Thái Nguyên. Về hình thức tín dụng;

Về các loại hình dịch vụ và kinh doanh; Về thủ tục cho vay.

10. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là khuyến khích phát triển các điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề:

Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm tiểu thủ công nghiệp.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình công cộng cho các làng nghề, cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Huy động các nguồn lực trong dân xây dựng công trình công cộng của làng nghề theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Xây dựng kết cấu hạ tầng cần theo hệ thống cần quy hoạch.

Hướng triển khai xây dựng phát triển các yếu tố của kết cấu hạ tầng chủ yếu như sau:

Về điện; Về giao thông; Về chợ; Phát triển mạng bưu chính - viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, y tế, giáo dục.

Hỗ trợ tạo mặt bằng sản xuất cho các làng nghề vì các làng nghề đều có nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất.

Điều 2: Giao cho Sở Nông nghiệp và PTTN tỉnh Thái Nguyên ( trực tiếp Chi cục Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các ngành có liên quan công bố, hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nội dung quy hoạch này.

Điều 3: Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hhội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chựu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Viết Thuần

 

PHỤ LỤC:

DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3385/QĐ-UBND , ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

Giai đoạn đến 2010

1

Làng nghề trồng hoa xóm Cậy - Huống Thượng - Đồng Hỷ

2

Làng nghề thêu ren xóm Bãi Bằng Tân Thái - Đại Từ

3

Làng nghề chế biến lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ xóm Bến Chảy - Vạn Phái - Phổ Yên

4

Làng nghề trồng nấm Linh chi xóm Tân Thành 3 Tân Quang Sông Công

5

Làng nghề trồng hoa và rau an toàn tổ soi dâu Phường Quang Vinh TP Thái Nguyên

 

Giai đoạn 2011 - 2015

1.

Làng nghề đan lát xóm Bồng Lai - Thượng Đình Phú Bình (đan dọ tôm)

2.

Làng nghề đan lát xóm Gò Lai - Thượng Đình Phú Bình (đan dọ tôm)

3.

Làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xóm Bằng Cầu Kha Sơn Phú Bình

4.

Làng nghề chế biến nông sản xóm Nam Hương 2 - Thanh Ninh - Phú Bình (nấu rượu)

5.

Làng nghề chế biến nông sản xóm Nam Hương 3 - Thanh Ninh - Phú Bình (nấu rượu)

6.

Làng nghề chế biến nông sản xóm Cây Thị - Đồng Hỷ (nấu rượu)

7.

Làng nghề sản xuất chế biến chè an toàn xã Hùng Sơn - Đại Từ

8.

Làng nghề sản xuất chế biến chè an toàn xã Tiên Hội - Đại Từ

9.

Làng nghề sản xuất chế biến chè an toàn xã Phú Thịnh - Đại Từ

10.

Làng nghề sản xuất chế biến chè an toàn xã Phú Xuyên - Đại Từ

11.

Làng nghề sản xuất chế biến chè an toàn xã Quân Chu - Đại Từ

12.

Làng nghề trồng nấm xã Hùng Sơn - Đại Từ

13.

Làng nghề thêu ren xóm Nông Vụ - Vạn Phái - Phổ Yên

14.

Làng nghề chế biến lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ xóm Thanh Xuyên - Trung Thành - Phổ Yên

15.

Làng nghề mây tre đan, đồ gỗ mỹ nghệ xóm Hắng - xã Hồng Tiến - Phổ Yên

16.

Làng nghề mây tre đan, đồ gỗ mỹ nghệ xóm Ấp Bắc - xã Đồng Tiến - Phổ Yên

17.

Làng nghề thêu ren xóm Yên Ninh - Ba Hàng - Phổ Yên

18.

Làng nghề chế biến lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ xóm Bông Hồng - Bãi Bông - Phổ Yên

19.

Làng nghề chế biến nông sản, đồ gỗ xóm 6 - Bắc Sơn - Phổ Yên

20.

Làng nghề trồng cây dùng làm nguyên liệu đan lát thúng, nong, nia, dần, sàng… thị xã Sông Công

21.

Làng nghề sản xuất gạch xóm Hợp Thành - Cao Ngạn - TP Thái Nguyên

22.

Làng nghề dệt may Mỏ Bạch - Phường Quang Vinh - TP Thái Nguyên

 

Giai đoạn 2015 – 2020

1

Làng nghề đan lát xóm Hoà Bình - xã Thượng Đình – Phú Bình

2

Làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xóm Vũ Trấn - Thượng Đình – Phú Bình

3

Làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xóm Quán - Thanh Ninh - Phú Bình

4

Làng nghề trồng hoa, cây cảnh xóm Táo - Hùng Sơn - Đại Từ

5

Làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng xóm Đầm Mưa - Lục Ba - Đại Từ

6

Làng nghề sản xuất chế biến chè an toàn xã Phú Cường - Đại Từ

7

Làng nghề sản xuất chế biến chè an toàn thị trấn Quân Chu - Đại Từ

8

Làng nghề mây tre đan, đồ gỗ mỹ nghệ xóm Phú Cốc - Tân Phú - Phổ Yên

9

Làng nghề thêu ren xóm Thanh Hoa - Trung Thành - Phổ Yên

10

Làng nghề chế biến lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ xóm Đông Sinh - Hồng Tiến - Phổ Yên

11

Làng nghề chế biến lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ xóm Ga - Đồng Tiến - Phổ Yên

12

Làng nghề chế biến nông sản xóm Phúc Tài - Phúc Thuận - Phổ Yên

13

Làng nghề chế biến nông sản xóm Cầu Giao - Minh Đức - Phổ Yên

14

Làng nghề sản xuất đồ gỗ gia dụng xóm Hợp Thành, Cầu Đá - Cao Ngạn - TP Thái Nguyên

15

Làng nghề cơ khí Inox Mỏ Bạch - Phường Quanh Vinh - TP Thái Nguyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3358/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 - 2020

  • Số hiệu: 3358/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/12/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Đặng Viết Thuần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản