Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3340/QĐ-UBND

An Giang, ngày 06 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ, NHẬN DIỆN VÀ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC THỊT HEO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1948/TTr-SCT ngày 30 tháng 10 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án Xây dựng mô hình Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn tỉnh An Giang (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Dự án này, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Tư pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- TT.TU, TT HĐND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- UBND tỉnh: Chủ tịch và các PCT;
- Như Điều 4;
- Lưu: VT, KTN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

DỰ ÁN

XÂY DỰNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ, NHẬN DIỆN VÀ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC THỊT HEO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3340/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2017)

I. THÔNG TIN CHUNG

- Tên Dự án: Xây dựng Mô hình Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Cơ quan quản lý Dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.

- Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương tỉnh An Giang.

- Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Thông tin- Truyền Thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các đơn vị, cá nhân có liên quan khác.

- Chủ thể trong Dự án:

Doanh nghiệp, Hợp tác xã, các trang trại, cơ sở giết mổ, các hộ chăn nuôi, các tổ chức thu mua, vận chuyển, kinh doanh heo,…các thương nhân, tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng an toàn, cửa hàng thực phẩm tươi sống,…

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG DỰ ÁN

Hiện nay người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc độc hại bị cấm hoặc hạn chế sử dụng trong quá trình chăn nuôi, sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực kiểm soát và đề ra các giải pháp khắc phục nhưng kết quả đạt được còn hạn chế.

Cũng giống như các sản phẩm thịt khác, thịt heo được tiêu thụ hàng ngày và đặc thù trong điều kiện sản xuất, kinh doanh nên việc phát hiện vi phạm, truy xuất nguồn gốc, quy trách nhiệm cũng rất khó thực hiện.

Do đó, Dự án xây dựng mô hình Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn An Giang là vô cùng quan trọng và cấp thiết hiện nay, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người dân tỉnh An Giang trong việc tiếp cận và tiêu thụ thịt heo an toàn.

III. MỤC TIÊU DỰ ÁN

- Thiết lập mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên cơ sở ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin;

- Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển đến kinh doanh trên địa bàn tỉnh;

- Đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; Đáp ứng nhu cầu của người dân về thịt heo sạch để tiêu thụ hàng ngày;

- Góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp, người chăn nuôi, kinh doanh thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGap, thịt heo an toàn;

- Giảm thiểu các thủ tục hành chính, kiểm dịch thú y, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý.

IV. PHẠM VI DỰ ÁN

Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ cổng trang trại đến người tiêu dùng (Quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thịt heo từ khi heo được xuất khỏi trang trại qua giai đoạn giết mổ, vận chuyển, kinh doanh tại các siêu thị, cửa hàng, điểm kinh doanh an toàn và tiêu thụ của người tiêu dùng).

V. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN THAM GIA

1. Đối tượng

- Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chăn nuôi, cung cấp heo và thịt heo an toàn.

- Cá nhân, tổ chức thu mua, vận chuyển, kinh doanh heo… (thương lái).

- Ban Quản lý, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm.

- Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ triển khai dự án (máy móc, trang thiết bị, công nghệ, dịch vụ, logistics,…).

2. Điều kiện tham gia

- Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, kinh doanh thịt heo tươi sống đăng ký tham gia Dự án trên cơ sở tự nguyện và phải được sự chấp thuận của Ban Quản lý Dự án.

- Đối tượng tham gia là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải có năng lực chuyên môn, có chức năng sản xuất, kinh doanh đúng ngành nghề, lĩnh vực theo yêu cầu của Dự án; phải được đăng ký thành lập và có chức năng kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

- Đối tượng tham gia có trách nhiệm đăng ký tham gia với Sở Công Thương, kê khai năng lực chăn nuôi, sản xuất, khả năng cung ứng, phân phối… và cam kết cung ứng đúng, đủ số lượng, đúng chủng loại hàng hóa đã đăng ký, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm.

- Ưu tiên xét chọn những đối tượng có năng lực, kinh nghiệm, có thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực hoạt động, tích cực đăng ký tham gia và chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Dự án.

- Ưu tiên các đối tượng thực hiện chăn nuôi, phân phối thịt heo đạt chứng nhận VietGap.

VI. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ THAM GIA DỰ ÁN

1. Quyền lợi

- Được Nhà nước hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn sử dụng giải pháp quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc heo và thịt heo.

- Được chứng nhận và cho phép treo băng rôn, bảng hiệu quảng bá là đối tượng tham gia Dự án tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; Được hỗ trợ công bố thông tin quảng bá, địa chỉ kinh doanh trên báo, đài, trên trang web của tỉnh, các sở - ngành, … để người tiêu dùng biết, nhận diện và lựa chọn, mua sắm.

- Được quảng bá thương hiệu, sản phẩm và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên báo, đài và ưu tiên giới thiệu tham dự các chương trình phóng sự, tọa đàm… của cơ quan thông tin truyền thông về hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

- Được các sở - ngành ưu tiên giới thiệu, kết nối cung cấp sản phẩm vào các hệ thống phân phối, các bếp ăn tập thể trong bệnh viện, trường học, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Được tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư…

- Được đề xuất các cấp Trung ương và tỉnh xem xét khen thưởng, vinh danh.

2. Nghĩa vụ

- Thực hiện đăng ký tham gia và tuân thủ đúng, đầy đủ các cam kết, quy định, của Dự án.

- Sản xuất - kinh doanh và cung ứng hàng hóa đủ số lượng đăng ký; đảm bảo hàng hóa kinh doanh đạt chất lượng, an toàn thực phẩm.

- Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của Sở Công Thương và các cơ quan quản lý về kết quả, nội dung thực hiện Dự án.

- Doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân tham gia nếu vi phạm các quy định, vi phạm cam kết khi đăng ký tham gia và thực hiện Dự án, tùy theo mức độ sai phạm có thể bị loại không được tiếp tục tham gia Dự án hoặc công bố tên, nội dung sai phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng và xử lý theo các quy định hiện hành của pháp luật.

VII. NỘI DUNG DỰ ÁN

1. Thực trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thịt heo

Theo Thống kê, năm 2016, tổng lượng heo hơi xuất chuồng tại địa phương An Giang là 18.918 tấn. Ngoài ra, hàng năm lượng heo nhập vào An Giang là rất lớn, tính đến tháng 8 năm 2017, số lượng heo nhập vào khoảng 300.000 con.

Bên cạnh các sản phẩm thịt heo đạt chất lượng, vẫn còn không ít thịt heo không an toàn, kém chất lượng như sử dụng thuốc, hóa chất cấm, thức ăn tăng trọng… trong chăn nuôi đã để lại dư lượng quá mức cho phép; tình trạng bơm nước, tiêm chích các loại thuốc an thần trước khi giết mổ; Người kinh doanh ướp muối diêm, hàn the để tạo màu, ngăn vi khuẩn phát triển,… gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nửa, quá trình giết mổ không đảm bảo vệ sinh, việc vận chuyển, bày bán thịt heo không đúng quy định làm tăng khả năng lây nhiễm khuẩn.

Thực tế hiện nay, việc lấy mẫu kiểm tra tồn dư chất cấm trên thịt tươi chỉ dừng lại ở việc kiểm tra định lượng, giám sát. Việc tạm giữ và xử lý còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra thịt heo sau khi được giết mổ, pha lốc, bán cho người tiêu dùng, rất khó để nhận biết và đánh giá được chất lượng thịt heo. Hơn thế nữa, khi phát hiện thịt heo nguy hại thì quá trình truy xuất lại nguồn gốc thịt heo từ cơ sở, trang trại hay cơ sở giết mổ nào để tiến hành kiểm tra, xử lý và uy trách nhiệm là vô cùng khó khăn và gần như không thể thực hiện.

2. Giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với ngành hàng thịt heo a. Lựa chọn giải pháp

Quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại là một giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với ngành hàng thịt heo. Quy trình trên sử dụng công nghệ QR code, vòng seal bảo vệ, điện toán đám mây, tem điện tử và hệ thống phần mềm quản lý… để nhận diện và quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thịt heo tươi sống (chưa có nhãn mác, đóng gói bao bì).

b. Mô tả quy trình

- Tên quy trình: Quy trình kiểm soát, nhận diện và truy xuất nguồn gốc heo và sản phẩm thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin.

- Công nghệ ứng dụng: TE-FOOD, TE-APP, TE-CARD.

- Mô tả quy trình: TE-FOOD sử dụng các công nghệ thông dụng, dễ hiểu, dễ thao tác và vận dụng các máy móc, hạ tầng sẵn có của các chủ thể tham gia, cụ thể là các công nghệ: QR code, Vòng nhận diện, Điện toán đám mây, Tem điện tử, tất cả được kết hợp, điều hành bằng hệ thống công nghệ quản lý giao dịch, nhận dạng ưu việt của Châu Âu- TE- Card (đã hoạt động tại Châu Âu trên 10 năm và được ứng dụng tại Việt Nam từ năm 2015).

- Phương thức thực hiện:

+ Sử dụng 02 vòng nhận diện (VND) để niêm phong và nhận diện con heo bằng cách buộc 02 VND có khắc mã số QR code bằng tia laser vào 02 chân sau con heo tại trang trại. Khi mã số trên vòng nhận diện được trang trại kích hoạt, các thông tin về trang trại nuôi heo sẽ được chuyển về hệ thống trung tâm và chủ trang trại chịu trách nhiệm các thông tin đó. Vòng nhận diện trên có giá trị kích hoạt trong vòng 24 đến 48 giờ, không có khả năng sử dụng lại trong trường hợp tháo ra lắp lại.

+ Việc kích hoạt thực hiện bằng ứng dụng TE-APP, sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh (Smartphone) hay công cụ chuyên dụng để thực hiện. Tất cả các thông tin, dữ liệu được lưu trữ trên điện toán đám mây và đảm bảo việc truy cập nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi.

+ Theo đó, Quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện xuyên suốt theo đường đi của heo (heo xuất chuồng, vận chuyển đến cơ sở giết mổ). Sau khi giết mổ, heo được xẻ thành 02 mảnh, trên mỗi mảnh có 01 vòng nhận diện. Kiểm dịch viên sẽ “đóng dấu điện tử” lên VND để xác định nơi giết mổ, thời gian giết mổ, nhân viên kiểm dịch và chứng nhận thịt đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

+ Các mảnh heo có 01 vòng nhận diện được đưa về siêu thị, cửa hàng,…; trước khi vào siêu thị, cửa hàng, bộ phận quản lý kiểm tra nếu thịt có vòng nhận diện hoặc chứng minh được nguồn gốc mới cho vào (việc chứng minh phải đảm bảo đúng quy định). Bộ phận kiểm tra đọc các vòng nhận diện để nhập hàng và nhận biết thông tin về mảnh heo thông qua công cụ như máy tính bảng hoặc điện thoại smartphone đã tải ứng dụng phần mềm TE-APP.

+ Trường hợp sau khi pha lốc, thương nhân đọc các vòng nhận diện để nhập hàng nhận biết các thông tin về mảnh heo và khai báo về bản thân, sau đó kích hoạt một VND để truyền thông tin, sau đó cho vào thùng vận chuyển chuyên dụng thịt heo muốn bán. Thương nhân dùng VND này để niêm phong thùng, vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Thùng chuyên dụng được thiết kế thống nhất, có in logo hoặc thương hiệu đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm, có nắp kín.

+ Khi bán, các đơn vị kinh doanh dùng tem giấy điện tử dán lên túi hoặc bao bì sản phẩm. Người tiêu dùng truy xuất các thông tin về thịt heo như: trang trại, địa điểm, thời gian giết mổ, thông tin siêu thị, cửa hàng… từ tem giấy có in mã QR code bằng máy tính bảng, điện thoại smartphone có tải ứng dụng TE-APP miễn phí từ trên Internet, máy kiểm tra chuyên dụng hoặc tra cứu mã số bằng trang web WWW.TE-FOOD.COM.

+ Hệ thống quản lý TE-FOOD có thể lưu trữ tất cả các thông tin trên từ 05-10 năm; tự động gửi các báo cáo qua email được tổng hợp khác nhau theo yêu cầu; có khả năng phân tích, sàng lọc và lên “danh sách đen” hoặc khoanh vùng những khu vực, đối tượng, hiện tượng nghi ngờ vi phạm để các nhà quản lý và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý; Qua đó, hệ thống cũng hỗ trợ người tiêu dùng thông qua bản đồ các điểm bán thịt heo đã được kiểm soát theo quy trình để biết và thuận tiện lựa chọn mua sắm.

3. Các hạng mục triển khai và dự toán kinh phí

TT

Nội dung

Kinh phí (đồng)

I

Năm 2017

39.500.000

1

Mời các Sở, ngành liên quan và doanh nghiệp đã đăng ký tham gia họp triển khai nội dung dự án được UBND tỉnh phê duyệt và thông qua các kế hoạch phối hợp, nội dung công việc để chuẩn bị tiến hành Dự án

600.000

2

Khảo sát thực tế các doanh nghiệp thiết lập quy trình truy xuất

19.600.000

3

Tổ chức phát động dự án

15.800.000

4

Thiết kế logo Dự án truy xuất

1.500.000

5

Chi phí xây dựng dự án và kinh phí được duyệt

2.000.000

II

Năm 2018

693.900.000

1

Chi phí chỉnh sửa phần mềm

30.000.000

2

Đầu tư phần cứng cho các doanh nghiệp tham gia

91.000.000

3

Chi phí vận hành mô hình

259.200.000

4

Sim và chi phí 3G cho 7 máy đọc chuyên dụng

2.100.000

5

Chi phí họp Ban chỉ đạo và các doanh nghiệp tham gia

4.200.000

6

Xây dựng phim tuyên truyền về truy xuất để người dân hiểu và quan tâm ủng hộ

50.000.000

7

Tập huấn

39.400.000

8

Tuyên truyền

67.000.000

9

Chi phí quản lý

138.000.000

10

Xây dựng Quy chế Quản lý, nhận diện và truy xuất thịt heo

13.000.000

 

Tổng cộng

733.400.000

Tổng cộng: 733.400.000 đồng (Bằng chữ: Bảy trăm ba mươi ba triệu bốn trăm ngàn đồng),

Nguồn kinh phí: từ nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước.

4. Phương án về các cơ sở, doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình

Trên cơ sở quy mô và điều kiện ban đầu, dự kiến các đơn vị tham gia như sau:

* Đối với các trang trại chăn nuôi: Trại chăn nuôi Vĩnh Khánh- Công ty CP XNK nông sản thực phẩm An Giang;Trại chăn nuôi- Công ty TNHH giống- Chăn nuôi Việt Thắng; Trại heo An Sơn; Trại heo Thành Công và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam,…

* Các cơ sở giết mổ tập trung: Xí nghiệp chế biến lâm súc sản- Công ty CP XNK nông sản thực phẩm An Giang; Cơ sở giết mổ Thuận Ý, Cơ sở giết mổ huyện Thoại Sơn,…

* Các đơn vị kinh doanh thịt heo: Siêu thị MM Mega Market Long Xuyên; Siêu thị Tứ Sơn; Siêu thị Vinmart- Chi nhánh An Giang; Hệ thống cửa hàng nông sản an toàn của Công Ty TNHH MTV TMDV Phan Nam,…

5. Tiến độ thực hiện

- Tháng 10/2017: Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Dự án.

- Tháng 11/2017: Tiến hành thành lập Ban Quản lý Dự án và vận động, tuyên truyền các cơ sở, doanh nghiệp tham gia và tổ chức phát động dự án.

- Tháng 11-12/2017: Khảo sát thực tế các đơn vị tham gia và thiết lập quy trình và vận hành thử nghiệm mô hình.

- Bắt đầu tháng 01/2018: Tiến hành vận hành chính thức mô hình. Thời gian thực hiện thí điểm mô hình 12 tháng.

6. Kết quả Dự án

- Số liệu thống kê, báo cáo kết quả triển khai Dự án.

- Thiết lập mô hình Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế để quản lý và vận hành.

7. Đánh giá hiệu quả và tác động của Dự án

* Hiệu quả về mặt xã hội

Giúp người dân có thể tự kiểm tra, truy xuất được nguồn gốc thịt heo.

Đáp ứng yêu cầu của người dân về an toàn sức khỏe và góp phần bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Hỗ trợ người nông dân hình thành các mô hình bền vững trong chăn nuôi heo, từng bước xây dựng thương hiệu heo sạch, đảm bảo chất lượng.

Tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác, kết nối cung cầu thị trường thịt heo với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong mô hình truy xuất.

* Hiệu quả về mặt quản lý

Mô hình giúp các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm thịt heo một cách chặt chẽ.

* Hiệu quả về mặt kinh tế

Dự án được thực hiện trên cơ sở hợp tác chia sẻ bản quyền phần mềm công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo mà thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng (Với kinh phí TP.HCM đã đầu tư xây dựng trên 1,6 tỷ đồng), đồng thời hỗ trợ cho phép dùng chung máy chủ truy xuất nên Dự án tiết kiệm rất lớn về chi phí ban đầu cho nghiên cứu xây dựng giải pháp công nghệ.

Mô hình chỉ tập trung các nội dung chi phí về ứng dụng vận hành, tuyên truyền và quản lý truy xuất…

Dự án sẽ có tác động rất lớn đến khả năng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh, ngoài thương hiệu sản phẩm an toàn cho người dân An Giang, ngành hàng thịt heo của địa phương có thể tiếp cận với thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, một thị trường đang đòi hỏi và nhu cầu rất lớn về thịt heo phải có tham gia truy xuất khi nhập hàng vào Thành phố.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý dự án.

- Xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục thú y,… để triển khai vận hành mô hình Dự án.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan để cung cấp các dịch vụ, thiết bị, giải pháp kỹ thuật; Phối hợp với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ chia sẻ bản quyền phần mềm công nghệ và máy chủ vận hành.

- Công bố và cung cấp danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân, địa điểm chăn nuôi, kinh doanh và phân phối thịt heo tham gia dự án cho các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành, các tổ chức chính trị, đoàn thể để cập nhật trên trang web và tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự ủng hộ của xã hội và phối hợp tích cực trong công tác triển khai dự án.

- Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện, tổng hợp và đề xuất các giải pháp kịp thời xử lý ngay các vướng mắc trong quá trình triển khai và hoàn thiện dự án.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai Dự án.

- Chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn và các cơ quan liên tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng các cá nhân, cơ quan, đơn vị tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả dự án.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi an toàn theo hướng bền vững và thực hiện kết hợp với quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Cập nhật, cung cấp danh sách và thông tin các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi heo, cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh, giới thiệu những đơn vị sản xuất, kinh doanh có uy tín tham gia Dự án, ưu tiên đơn vị đạt chuẩn VietGap nhằm góp phần quảng bá, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sản xuất sản phẩm VietGap.

- Phối hợp với Sở Công Thương vận hành thành công Quy trình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

- Tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tham gia Dự án.

3. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang

- Phối hợp với Sở Công Thương vận hành thành công Quy trình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, các Sở, Ngành chức năng, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và kinh doanh heo và thịt heo đúng quy định của Luật Thú y và Luật an toàn thực phẩm.

- Trực tiếp thực hiện và giám sát việc thực hiện đeo vòng nhận diện, dán tem điện tử, niêm phong phương tiện vận chuyển heo và thịt heo đối với các đối tượng tham gia Dự án; Xử lý và công bố thông tin các vi phạm và đối tượng vi phạm đúng quy định pháp luật.

- Tăng cường phối hợp vận động các đối tượng chăn nuôi, kinh doanh heo và thịt heo tham gia Dự án.

4. Sở Tài chính

- Hàng năm căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính thẩm định và tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch trong dự toán của Sở Công Thương theo quy định của Luật Ngân Nhà nước sách để thực hiện.

- Phối hợp với Sở Công Thương và các Sở, ngành có liên quan theo dõi giá cả thị trường mặt hàng thịt heo, kiểm tra các hoạt động niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên địa bàn tỉnh An Giang.

5. Sở Tư pháp

Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất và xây dựng hoàn chỉnh Quy chế quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo đài tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá cho người dân về Dự án nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong công tác triển khai.

- Phối hợp Sở Công Thương hoàn thiện các giải pháp hỗ trợ truy xuất thông tin về nguồn gốc sản phẩm thịt heo cho người tiêu dùng.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Sở Công Thương hoàn thiện các giải pháp hỗ trợ truy xuất thông tin về nguồn gốc sản phẩm thịt heo cho người tiêu dùng và nghiên cứu hỗ trợ các hoạt động xây dựng thương hiệu theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan trên cơ sở đề xuất của các đơn vị tham gia và nhu cầu của dự án..

8. Sở Y tế

- Tuyên truyền, phân công các cơ quan trực thuộc theo chức năng tích cực hưởng ứng và phối hợp triển khai dự án.

- Phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai Kế hoạch kết nối, đưa các sản phẩm thịt heo được nhận diện, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc vào các bếp ăn tập thể tại bệnh viện, trường học, và các khu chế xuất, khu công nghiệp.

9. Công an tỉnh

Hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến Dự án và hoạt động chăn nuôi, giết mổ vận chuyển, kinh doanh heo và thịt heo.

10. Chi cục Quản lý Thị trường

Xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh heo và thịt heo như vận chuyển, kinh doanh hoàng không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, không đảm bảo an toàn thực phẩm,…

11. Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành

- Phối hợp Sở Công Thương và các Sở, ngành chức năng tổ chức thực hiện Dự án; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, ủng hộ tham gia Dự án.

- Chủ trì, phối hợp các ngành Công an, Thú y, Quản lý Thị trường,… tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để các địa điểm, lò giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn quản lý.

12. Các Doanh nghiệp, trang trại, cơ sở giết mổ

- Tự giác chấp hành và nghiêm chỉnh thực hiện, đầy đủ các quy định của Dự án.

- Vận động các hộ chăn nuôi, thương lái, thương nhân, tiểu thương hiểu và tích cực đăng ký tham gia Dự án.

- Thực hiện báo cáo thường xuyên, định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Sở Công Thương về kết quả và nội dung triển khai, thực hiện Dự án.

13. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang; Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng tỉnh An Giang

Tuyên truyền, vận động người tiêu dùng và các đơn vị liên quan ủng hộ và hưởng ứng tham gia Dự án.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang

Hỗ trợ tuyên truyền, vận động tất cả các tầng lớp nhân dân và các đơn vị liên quan ủng hộ tham gia Dự án.

15. Đề nghị Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh

Phối hợp với Sở Công Thương An Giang chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác, hỗ trợ về phần mềm công nghệ, máy chủ vận hành truy xuất.

16. Đề nghị Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

- Tư vấn các đơn vị cung cấp trang thiết bị công nghệ.

- Phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn Sở Công Thương An Giang và các đơn vị tham gia vận hành thành công mô hình Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

- Quản lý, lưu giữ thông tin, đảm bảo vận hành thông suốt, an toàn, bảo mật.

- Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Dự án.

IX. ĐỊNH HƯỚNG CÁC HOẠT ĐỘNG TIẾP NỐI SAU KHI KẾT THÚC THỜI GIAN TRIỂN KHAI

- Thực hiện mở rộng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt và trứng gia cầm.

- Nghiên cứu đề xuất và xây dựng chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia truy xuất nguồn gốc thịt heo sau khi kết thúc sự hỗ trợ của Dự án.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về cơ quan thường trực thực hiện Dự án (Sở Công Thương) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3340/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Dự án Xây dựng mô hình Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 3340/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản