THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 332/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2011 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 với các nội dung sau:
1. Mục tiêu chung
Phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có hiệu quả, sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững; trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông, ngư dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển, đảo của Tổ quốc.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2015 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3,60 triệu tấn, trên diện tích 1,10 triệu ha; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 - 4,0 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3,0 triệu lao động.
b) Đến năm 2020 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4,5 triệu tấn, trên diện tích 1,2 triệu ha; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5,0 - 5,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3,5 triệu người.
Trong đó:
- Cá tra đạt sản lượng khoảng 1,5 đến 2 triệu tấn, tăng trưởng trung bình là 4,8%/năm.
- Tôm nước lợ đạt 700.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 5,76%/năm.
- Nhuyễn thể đạt 400.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 16,0%/năm.
- Cá biển đạt 200.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 14,9%/năm.
- Cá rô phi đạt 150.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 7,9%/năm.
- Rong tảo biển đạt 150.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 7,2%/năm.
- Tôm càng xanh đạt 60.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 11,6%/năm.
1. Phát triển sản xuất giống: hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống thủy sản từ Trung ương đến các địa phương. Đến năm 2015: cung cấp 100% giống thủy sản cho nhu cầu nuôi; 70% giống các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tôm càng xanh, rô phi, nhuyễn thể) là giống sạch bệnh. Phấn đấu đến năm 2020: 100% giống các đối tượng nuôi chủ lực là giống chất lượng cao, sạch bệnh.
2. Phát triển nuôi trồng thủy sản: mở rộng diện tích nuôi thâm canh, có năng suất cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường. Nâng cao năng suất, sản lượng các vùng nuôi tôm quảng canh hiện có, trên cơ sở nâng cấp hệ thống thủy lợi, áp dụng rộng rãi công nghệ nuôi tiên tiến. Phấn đấu đến năm 2015, 100% cơ sở nuôi, vùng nuôi các đối tượng chủ lực đạt tiêu chuẩn tiên tiến về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng và áp dụng rộng rãi công nghệ nuôi thủy sản lồng, bè, phù hợp với điều kiện môi trường và kinh tế xã hội ở các vùng ven biển, đảo và hồ chứa.
3. Về sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học và vật tư thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản: phát triển nhanh ngành công nghiệp sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, vật tư thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản, gắn kết với xây dựng các vùng nuôi thủy sản nguyên liệu, đồng thời đảm bảo các sản phẩm có chất lượng cao và giá thành hợp lý.
4. Tổ chức lại sản xuất: tổ chức tốt việc thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản đảm bảo tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nuôi trồng với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến 2012, hoàn thiện quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản toàn quốc, quy hoạch nuôi một số đối tượng nuôi chủ lực và quy hoạch chi tiết ở các địa phương. Xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi đồng bộ, gắn với xây dựng tổ chức, quản lý của các mô hình kinh tế hợp tác, quản lý cộng đồng và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
1. Hoàn thiện quy hoạch và tổ chức thực hiện theo quy hoạch
a) Rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch vùng và một số đối tượng nuôi chủ lực nhằm sử dụng có hiệu quả các loại hình đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó, chú trọng quy hoạch chuyển đổi từ hình thức nuôi quảng canh sang hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh ở vùng bán đảo Cà Mau; nuôi công nghiệp ở các vùng ven biển, vùng đất cát, vùng châu thổ sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch các đối tượng nuôi chủ lực: cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể, rô phi, các loài cá bản địa có giá trị kinh tế, các loài rong biển, vi tảo và quy hoạch các vùng sản xuất giống tập trung.
b) Trên cơ sở quy hoạch phát triển của ngành, các địa phương rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch chi tiết, lập danh mục các dự án ưu tiên về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung; chú trọng đầu tư đảm bảo gắn kết giữa thủy lợi phục vụ nông nghiệp và thủy sản, phòng chống thiên tai, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
c) Thực hiện công bố công khai các quy hoạch nuôi trồng thủy sản, đồng thời kiểm tra thực hiện quy hoạch một cách thường xuyên và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các trường hợp nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, đảm bảo quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch.
2. Về khoa học công nghệ và công tác khuyến ngư
a) Nghiên cứu xây dựng và áp dụng công nghệ cao về nuôi trồng các đối tượng chủ lực, các đối tượng bản địa có giá trị kinh tế; xử lý môi trường, dịch bệnh; công nghệ sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học và các sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng.
b) Lựa chọn để nhập công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm nhằm ứng dụng, chuyển giao nhanh nhất các thành tựu khoa học tiên tiến trong nước và nước ngoài vào sản xuất.
c) Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý nước thải tại các cơ sở, vùng nuôi thủy sản tập trung; xử lý và tái sử dụng nền đáy ao nuôi độc canh lâu ngày bị suy thoái; xử lý nguồn nước cấp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước ao nuôi.
d) Rà soát, chuyển đổi các tiêu chuẩn ngành thành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
đ) Nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi luân canh, xen canh; tổng kết và nhân rộng các mô hình tiên tiến nuôi cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, các loài nguyễn thể và cá biển; ứng dụng công nghệ tiên tiến để trồng các loài rong, tảo ở vùng triều, trên biển, eo vụng và vùng đất cát.
e) Hỗ trợ nghiên cứu và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản mới nhằm giảm thiểu rủi ro và phù hợp với khả năng đầu tư của nông dân
g) Xã hội hóa công tác nghiên cứu phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản, khuyến khích các thành phần kinh tế nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới.
3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước
a) Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, từng bước đưa các cơ sở nuôi, sản xuất giống tuân thủ các quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
b) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng các vật tư trong nuôi trồng thủy sản (giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, chất cải tạo môi trường …), đồng thời đẩy nhanh quá trình xã hội hóa việc kiểm tra chất lượng và khảo nghiệm các vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản.
c) Tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý, kiểm tra giám sát điều kiện vùng nuôi trồng, môi trường dịch bệnh, chất lượng thức ăn, chất bổ sung thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường, hóa chất và thuốc thú y … ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến sử dụng; từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng, giữ vững uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
d) Rà soát và kiện toàn hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh từ Trung ương đến địa phương để phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiểu thiệt hại cho nông, ngư dân và bảo vệ môi trường sinh thái.
đ) Xây dựng hệ thống thống kê và dự báo về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước đang từng bước hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
4. Về tổ chức lại sản xuất
a) Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi. Khuyến khích phát triển hình thức ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người nuôi hoặc với đại diện của nhóm hộ người nuôi, với các tổ chức kinh tế hợp tác của nông, ngư dân. Người nuôi ổn định phát triển sản xuất khi tham gia liên kết với doanh nghiệp đảm bảo thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro với người nuôi, đồng thời cũng yên tâm phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Thí điểm, nhân rộng mô hình người nuôi, người cung ứng vật tư và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cùng góp cổ phần, tạo mối liên kết hữu cơ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
b) Tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình kinh tế hợp tác, các hội, hiệp hội ngành nghề nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và chung tay bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của cộng đồng.
c) Tăng cường công tác vận động, tập hợp cộng đồng nông, ngư dân tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Chi hội nghề cá, Chi hội nuôi thủy sản, Chi hội sản xuất giống … để bảo vệ quyền lợi và giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tăng cường sự giám sát tuân thủ quy định pháp luật của cộng đồng, góp phần hỗ trợ công tác quản lý nhà nước đối với nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
d) Mở rộng áp dụng việc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở nuôi trong vùng quy hoạch, đồng thời nhanh chóng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản, cơ sở và vùng nuôi trồng thủy sản tại các địa phương, nhằm tạo các sản phẩm có thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
5. Về cơ chế chính sách
a) Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, gắn với nguồn vốn của các chương trình, dự án đã và đang triển khai để tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng thời gắn việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, hệ thống điện, giao thông … với nhiệm vụ phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản trên cùng địa bàn các địa phương.
b) Nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông, ngư dân thành lập và tổ chức hoạt động các mô hình kinh tế hợp tác nuôi trồng thủy sản; các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi như: áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (GAP), xử lý nước thải, sử dụng nước ngọt tiết kiệm …; hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến mua trữ thủy sản nguyên liệu, bảo đảm ổn định giá và lợi nhuận cho người nuôi; chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển và ven các đảo xa…
c) Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách đã ban hành về đầu tư, tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất giống, sản xuất thức ăn, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản; hỗ trợ rủi ro trong nuôi trồng thủy sản; kiểm soát môi trường, dịch bệnh; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại …
6. Vốn thực hiện đề án
Vốn thực hiện đề án được huy động từ nhiều nguồn: ngân sách nhà nước hỗ trợ, vốn của các doanh nghiệp, của các hộ gia đình và cá nhân.
Trong đó:
a) Ngân sách trung ương thực hiện:
- Tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư dở dang thuộc Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 1999-2010.
- Đầu tư cho các dự án mới về phát triển hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở vùng ven biển và nội đồng, gồm các hạng mục chính: hệ thống thủy lợi đầu mối cấp I (cống, đê bao, kè, kênh cấp, kênh tiêu nước, trạm bơm), đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, khu xử lý nước thải …
- Hỗ trợ cho các địa phương đầu tư cho các dự án mới đầu tư xây dựng các công trình, cơ sở vật chất kỹ thuật thiết yếu phục vụ nuôi trồng thủy sản cho các vùng nuôi tập trung trên biển, eo vịnh, đầm phá, hải đảo và hồ chứa.
- Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường (trọng tâm là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các vùng sản xuất giống tập trung); xây dựng 3 Trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm và khảo nghiệm ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Bắc, miền Trung; nhập công nghệ và chuyển giao công nghệ mới về sản xuất giống năng suất cao, sạch bệnh, công nghệ nuôi tiên tiến, xử lý và cải tạo môi trường.
b) Ngân sách địa phương cùng với hỗ trợ từ ngân sách trung ương: đầu tư xây dựng các công trình, cơ sở vật chất kỹ thuật thiết yếu phục vụ nuôi trồng thủy sản cho các vùng nuôi tập trung trên biển, eo vịnh, đầm phá, hải đảo và hồ chứa; xây dựng hệ thống thủy lợi đầu mối cấp I (cống, đê bao, kè, kênh cấp, kênh tiêu nước, trạm bơm), đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, khu xử lý nước thải …; tăng cường quản lý điều kiện vùng nuôi, xử lý và cải tạo môi trường; hỗ trợ kinh phí mua giống, làm lồng bè cho các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên vùng biển, đảo xa; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung áp dụng Quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) và các chứng chỉ áp dụng các Quy trình nuôi tiên tiến; kinh phí cho công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủy sản và khuyến ngư (đào tạo, tập huấn ngắn ngày cho cán bộ và nông ngư dân, xây dựng mô hình …).
c) Vốn của các thành phần kinh tế:
- Các doanh nghiệp, chủ trang trại đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cho vùng nuôi, cơ sở sản xuất giống, xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở chế biến theo hướng công nghiệp, hiện đại … theo dự án được phê duyệt; xây dựng, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại ...
- Cá nhân, hộ gia đình: đầu tư xây dựng các ao nuôi; hệ thống cấp, thải nước từ kênh mương cấp, thoát nước cấp II; mua giống, thức ăn, thuốc, hóa chất phòng trừ dịch bệnh và xử lý môi trường ao nuôi.
- Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung chủ động dành kinh phí đầu tư bảo đảm các điều kiện cho việc áp dụng Quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) và các chứng chỉ áp dụng các Quy trình nuôi tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
7. Tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án
a) Tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án đến 2020: khoảng 40.000 tỷ đồng.
Trong đó:
- Ngân sách nhà nước: 10%
- Vốn vay tín dụng đầu tư: 10%
- Vốn vay thương mại: 50%.
- Vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân: 30%.
b) Phân kỳ đầu tư theo giai đoạn:
- Giai đoạn 2011-2015: 25.000 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2016-2020: 15.000 tỷ đồng.
- Nhóm dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
- Nhóm dự án đầu tư phát triển hệ thống giống thủy sản.
- Nhóm dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống, phòng trị dịch bệnh và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
- Nhóm dự án đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một số đối tượng: tôm nước lợ, nhuyễn thể, rong biển và nuôi thủy sản biển, hồ chứa.
- Dự án xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ nuôi trồng thủy sản.
- Dự án thông tin, thống kê phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản.
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm
a) Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương liên quan để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
b) Ban hành, hướng dẫn các quy chế về kiểm tra, quản lý các cơ sở nuôi, sản xuất các sản phẩm đầu vào; rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển, quy hoạch vùng miền, quy hoạch đối tượng nuôi trồng thủy sản trên toàn quốc và các địa phương.
c) Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường kiểm tra, xử lý về chất lượng giống, thức ăn, chất lượng sản phẩm, quản lý môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y thủy sản.
d) Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam có biện pháp cụ thể để quản lý chất lượng, giá cả xuất khẩu.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: cân đối, bố trí đủ nguồn vốn để các địa phương thực hiện các nhiệm vụ; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn cơ chế tài chính để triển khai, thực hiện có hiệu quả; nghiên cứu việc bổ sung danh mục được hưởng cơ chế lãi suất tín dụng đầu tư nhà nước theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ; tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về điều kiện vay và thủ tục giải ngân tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển sản xuất; phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chấn chỉnh lại công tác thị trường xuất khẩu, đổi mới và tăng cường xúc tiến thương mại, xử lý kịp thời các vướng mắc, rào cản thương mại ở các thị trường nhập khẩu để giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới, đồng thời phát triển thị trường nội địa nhằm thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tại địa phương phù hợp với quy hoạch chung của vùng; cân đối ngân sách địa phương, dành phần vốn thích đáng cùng với nguồn vốn của trung ương để thực hiện Đề án; chỉ đạo xây dựng các dự án cụ thể để trình duyệt theo quy định. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, đặc biệt là kiểm tra chất lượng giống, thức ăn, môi trường, chất lượng sản phẩm, điều kiện sản xuất, kinh doanh; sơ kết, tổng kết hàng năm và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp:
a) Nghiên cứu việc thành lập một số Hiệp hội ngành nghề cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nuôi và giúp người nuôi tổ chức lại sản xuất, đồng thời tạo mối liên kết giữa người nuôi với ngân hàng, cơ quan khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, bảo đảm phát triển ổn định, chất lượng và hiệu quả.
b) Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các thành viên phát triển, đi đôi với tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ổn định và mở rộng thị trường; tham gia xây dựng định hướng chiến lược phát triển thị trường; thường xuyên thông tin về thị trường khu vực và trên thế giới cho doanh nghiệp và người nuôi để chủ động trong sản xuất và kinh doanh xuất khẩu.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Nghị định 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 3Nghị định 106/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước
- 4Quyết định 1664/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 332/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 332/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/03/2011
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 129 đến số 130
- Ngày hiệu lực: 03/03/2011
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực