Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-CT

Hà Nội, ngày 27 tháng 1 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ PHÊ DUYỆT LUẬN CHỨNG KINH TẾ KỸ THUẬT VƯỜN QUỐC GIA BẾN EN .

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Xét tờ trình số 582-NN/UBTH ngày 16-8-1990 của Uỷ ban nhân tỉnh Thanh Hoá và tờ trình số 233-LN/KL ngày 9-2-1991 của Bộ Lâm nghiệp về việc đề nghị phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Vườn Quốc gia Bến En.
Căn cứ đề nghị của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tại văn bản số 22-UB/XD/NL ngày 9-1-1992 về việc phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật này,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Thành lập Vườn Quốc gia Bến En, trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

Điều 2. Phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Vườn Quốc gia Bến En theo những nội dung và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu sau:

1. Tên công trình : Vườn Quốc gia Bến En

- Chủ quản đầu tư : Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

- Chủ đầu tư : Giám đốc Vườn Quốc gia Bến En.

- Thời hạn đầu tư : 1992-2000 (9 năm)

2. Địa điểm và phạm vi quản lý :

Vườn Quốc gia Bến En nằm trên địa bàn huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hoá có diện tích : 16.634 hécta.

Phạm vi ranh giới:

- Phía bắc từ Đập Mẩy theo dông 225 về đồi Chu tới đỉnh 187 gặp suối Đàm, theo suối Đàm đến đường 15A.

- Phía Tây : Tiếp đường 15A theo suối Xuân Đàm đến đầu dông Bao Cù, chạy dọc dông đến đỉnh 64.

- Phía Nam : từ đỉnh 64 theo dông về làng Quảng tới dốc Quảng.

- Phía đông : từ dốc Quảng theo dông sang dốc Cục qua Đỉnh Đầu lớn, theo dông Đông Kinh về đập Mẩy.

Toạ độ địa lý :

Từ 19o31emdash đến 19o43emdash độ vĩ Bắc.

105o25emdash đến 105o38emdash độ Kinh đông.

3. Nhiệm vụ :

- Bảo tồn hệ sinh thái rừng núi đất nhiệt đới ẩm thường xanh và nửa rụng lá (đặc trưng là kiểu rừng lim - săng lẻ) . Phục hồi các loài động, thực vật, quý, hiếm (voi, khỉ vàng, sóc bay, hổ, báo,... lim xanh, chò chỉ, vù hương, đinh hương...). Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phục hồi rừng.

- Thực hiện các dịch vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực nghiệm phục vụ các yêu cầu phát triển sản xuất lâm nghiệp của vùng, thực hiện các chương trình nghiên cứu bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn nguồn gen.

- Tiến hành các chương trình tuyên truyền, giáo dục bảo vệ tự nhiên môi trường và các dịch vụ tham quan, du lịch, học tập.

- Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ổn định dân cư, xây dựng vùng đệm, bảo vệ vườn.

Căn cứ vào những nhiệm vụ này, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh hoá và bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo Giám đốc Vườn cụ thể hoá nhiệm vụ thành chương trình hoạt động cụ thể để thực hiện, trong đó cần chú trọng chương trình bảo vệ Vườn, chương trình nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu khoa học, tham quan học tập, du lịch, nhằm phát huy đầy đủ chức năng nhiệm vụ của Vườn phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn.

4. Phân khu chức năng:

a) Khu bảo vệ nguyên vẹn (bảo vệ nghiêm ngặt) : có chức năng chủ yếu là bảo tồn các hệ sinh thái rừng núi đất điển hình, bảo vệ các khu cư trú và hoạt động sinh sống thường xuyên của động vật rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

- Diện tích : 6497 hécta.

b) Khu phục hồi: có chức năng chủ yếu là bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái và động, thực vật rừng chủ yếu bằng phục hồi tự nhiên và thực hiện các biện pháp thực nghiệm nghiên cứu phục hồi rừng.

- Diện tích : 6010 hécta.

c) Khu hành chính, quản lý: có chức năng chủ yếu là xây dựng các công trình phục vụ nghiên cứu khoa học và tổ chức các hoạt động về quản lý, dịch vụ du lịch, tham quan, học tập, sinh hoạt và kết hợp tổ chức các hoạt động sản xuất phục vụ các chương trình của Vườn.

- Diện tích : 4127 héc ta, trong đó có 2.218 héc ta là hồ nước.

d) Vùng đệm : Có chức năng chủ yếu là làm vành đai bảo vệ Vườn, đồng thời giải quyết các nhu cầu về lâm sản của nhân dân tạo điều kiện tổ chức và ổn định đời sống dân cư trong vùng.

- Diện tích khoảng : 30.000 héc ta (trong đó có 12.500 héc ta trong quy hoạch để bảo vệ đàn voi, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá và bộ Lâm nghiệp cần xem xét cụ thể để đưa vào phạm vi quản lý của Vườn).

5. Đầu tư xây dựng cơ bản, gồm các hạng mục:

a) Phục vụ chương trình bảo vệ vườn:

- Xác định ranh giới và xây dựng hệ thống cọc, cột biển mốc, các biển báo, bảng niêm yết và nội quy bảo vệ Vườn.

- Xây dựng hệ thống trạm bảo vệ : (gồm 7 trạm và các trang bị phục vụ).

- Trồng mới hoặc trồng lại rừng : 500 héc ta (nơi cần thiết) và tổ chức khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên.

- Chuyển số dân nhập cư tự do và 3 đội sản xuất lâm nghiệp ra khỏi vườn.

- Hỗ trợ dân vùng đệm tổ chức lại sản xuất thực hiện định canh định cư cho 3 bản.

b) Phục vụ chương trình nghiên cứu khoa học:

- Xây dựng các điểm định vị, các chòi quan sát rừng.

- Xây dựng 20 héc ta vườn thực vật.

- Xây dựng khu nuôi động vật bán tự nhiên.

- Xây dựng 2 trạm khí tượng.

- Nhà lưu trữ, thư viện, phòng thí nghiệm và nhà làm việc phục vụ nghiên cứu khoa học (200m2).

- Lập hồ sơ cơ bản của Vườn.

c) Phục vụ chương trình tuyên truyền, giáo dục, tham quan, du lịch:

- Trồng cây ăn quả, cây đặc sản, cây phong cảnh trên các đảo (20 héc ta).

- Đường tham quan 3km (đường xe thô sơ, xe máy, xe đạp, ngựa thồ và người đi bộ).

- Trạm đón tiếp khách nhà, nghỉ.

- Tu bổ các điểm tham quan.

- Một số phương tiện vận tải thuỷ cần thiết phục vụ tham quan trên hồ.

- Các trang bị phục vụ chương trình tuyên truyền giáo dục, tham quan, học tập.

d) Các hạng mục công trình phục vụ quản lý:

- Nhà làm việc của ban Quản lý vườn với quy mô, diện tích thích hợp.

- Nhà ở của cán bộ công nhân viên (theo tiêu chuẩn và biên chế được duyệt).

- Hệ thống điện nước, thông tin liên lạc và các trang thiết bị cho công tác phục vụ.

d) Vốn đầu tư:

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư (từ 1992-2000) là : 3.520.000.000 đồng, trong đó đầu tư bằng vốn ngân sách cho chương trình bảo vệ vườn, nghiên cứu khoa học, công tác quản lý vườn, hỗ trợ vùng đệm và di chuyển dân là : 2.800.000.000 đồng, trong đó:

Xây lắp 2.260.000.000 đồng

Thiết bị 250.000.000 đồng.

KTCB khác 290.000.000 đồng.

- Vốn đầu tư cho các chương trình phát triển dịch vụ tham quan du lịch, và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác sẽ huy động từ các nguồn vốn khác hoặc vay tín dụng đầu tư để thực hiện.

6. Phân giao trách nhiệm và tiến độ thực hiện:

- Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá chịu trách nhiệm : chỉ đạo kiểm tra việc thiết kế, thi công, quản lý và xây dựng công trình theo luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt và những quy định hiện hành về quản lý xây dựng cơ bản. Tổ chức ổn định sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng đệm; tuyên truyền giáo dục nhân dân địa phương tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ vườn quốc gia, không ngừng phát triển tài nguyên rừng, chấm dứt nạn khai thác trái phép lâm sản và săn bắt động vật rừng trong vườn.

- Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra về nghiệp vụ khoa học, kỹ thuật trong việc tổ chức, xây dựng vườn đảm bảo các yêu cầu thống nhất trong hệ thống vườn quốc gia cả nước.

Điều 3. Chủ tịch uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng các bộ: Lâm nghiệp, Tài chính, Xây dựng; Chủ nhiệm: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Thống đốc ngân hàng Nhà nước và thủ trưởng các ngành, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã Ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 33-CT năm 1992 thành lập và phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Vườn Quốc gia Bến En do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 33-CT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/01/1992
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 11/02/1992
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản