Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2004/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 33/2004/QĐ-TTG NGÀY 09 THÁNG 3 NĂM 2004 PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THANH NIÊN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2004-2005
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2004 - 2005.
Điều 2. Giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện Chương trình phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2004 - 2005 như sau:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Chương trình phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2005; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp và đánh giá tình hình thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức điều tra cơ bản về tình hình thanh niên vào năm 2004; nghiên cứu trình Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích thanh niên tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức sơ kết Chương trình phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2005 và xây dựng chương trình thực hiện giai đoạn 2 (2006 - 2010) của Chiến lược phát triển thanh niên.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, các Bộ, ngành có liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001 - 2005.
- Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chính sách phát triển hệ thống các trường, trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm, các làng nghề truyền thống, tăng cường quản lý nhà nước đối với việc đưa lao động trẻ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
- Chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan phát triển các hình thức nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho thanh niên.
- Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan xem xét các chính sách hiện hành đối với lực lượng trí thức trẻ và y, bác sĩ trẻ tham gia phát triển nông thôn, miền núi, xây dựng chính sách huy động trí thức trẻ và y, bác sĩ trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn khó khăn.
- Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy trong thanh niên. Phối hợp với một số địa phương thí điểm tổ chức cai nghiện tập trung gắn với dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển thanh niên trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lồng ghép với việc thực hiện giai đoạn đến năm 2005 của Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo.
- Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, các Bộ, ngành có liên quan và các đoàn thể, tổ chức xã hội đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường; đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong học tập, thi tuyển; đẩy lùi và thanh toán tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ phê duyệt chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn, Hội trong trường học.
- Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, phối hợp với các đoàn thể nhân dân, tổ chức kinh tế, xã hội phát triển các hình thức giáo dục để xây dựng xã hội học tập.
4. Bộ Bưu chính, Viễn thông:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan triển khai các dự án về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc đào tạo lập trình viên, chuyên gia trẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thí điểm đưa tin học vào các điểm Bưu điện - Văn hoá xã.
- Nghiên cứu xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích các loại hình đào tạo tin học và ứng dụng công nghệ thông tin ngoài nhà trường; chính sách, cơ chế để phổ cập tin học cho thanh, thiếu niên.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương củng cố hệ thống các Trung tâm khuyến nông, tăng cường dạy nghề, phổ biến, chuyển giao công nghệ cho thanh niên nông thôn, hướng dẫn thanh niên nông thôn ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, đời sống.
6. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với ủy ban Thể dục Thể thao, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và các cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao trong thanh niên; quy hoạch xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao cho thanh niên, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá, phòng, chống tệ nạn xã hội.
7. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam cụ thể hoá các chỉ tiêu, giải pháp phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên; tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức và hành vi của thanh niên về phòng, chống HIV/AIDS.
8. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương cụ thể hoá các chỉ tiêu phòng, chống tệ nạn ma tuý trong thanh thiếu niên; xây dựng và thực hiện chương trình liên ngành phòng, chống tội phạm trong thanh thiếu niên; đấu tranh bảo vệ thanh thiếu niên trước mọi âm mưu, hành vi phá hoại, chia rẽ, lôi kéo gây rối của các phần tử xấu.
9. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách cho cán bộ thanh niên, lực lượng thanh niên xung phong, các đội thanh niên tình nguyện, khuyến khích tài năng trẻ và các chính sách có liên quan để phát huy vai trò của thanh niên tham gia, đảm nhận các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn và tham gia các công trình trọng điểm quốc gia.
10. Bộ Tài chính chủ trì, cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương, và trong dự toán kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án lớn của Nhà nước có liên quan để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2004 - 2005.
11. Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
- Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình hành động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên.
- Đẩy mạnh phong trào "Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" với những nội dung và giải pháp cơ bản là: thi đua học tập, tiến quân vào khoa học, công nghệ; thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Tiếp tục xây dựng và phát triển các đội thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường giáo dục nâng cao tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên đến tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng và thực hiện các dự án mới để triển khai Chiến lược phát triển thanh niên.
- Phát triển mô hình đội thanh niên xung kích an ninh, động viên, tổ chức thanh niên phát huy vai trò xung kích trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Duy trì và phát triển các hình thức động viên thanh niên thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
- Thực hiện chương trình giáo dục lý luận chính trị, chương trình giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh cho đoàn viên, thanh niên; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, xây dựng nếp sống văn hoá cho thanh niên.
- Nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, nhất là ở cơ sở; củng cố và mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
- Tham gia nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đối với thanh niên.
12. ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí các mục tiêu về phát triển thanh niên trong kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và đến năm 2005 của địa phương; xây dựng chương trình triển khai Chiến lược phát triển thanh niên ở địa phương; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với tổ chức Đoàn cùng cấp;
13. Các Bộ, ngành và địa phương kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình phát triển thanh niên theo định kỳ hàng năm và đến năm 2005 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
14. Đề nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội tham gia tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2004 - 2005 trong phạm vi hoạt động của mình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT TRIỂN THANH NIÊN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2004-2005
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2004/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)
Chương trình phát triển thanh niên Việt Nam 2004 - 2005 là giai đoạn 1 của Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010 với trọng tâm là tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, tệ nạn xã hội; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, trình độ khoa học công nghệ và phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự đổi mới mạnh công tác thanh niên của Nhà nước và xã hội. Chương trình phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2004 - 2005 được triển khai bằng 5 chương trình cụ thể sau:
- Chương trình Giải quyết việc làm cho thanh niên
- Chương trình nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp của thanh niên.
- Chương trình Phát triển nguồn nhân lực trẻ về khoa học - công nghệ.
- Chương trình Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên.
- Chương trình Bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh niên.
I. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU CƠ BẢN CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH
1. Chương trình 1: Giải quyết việc làm cho thanh niên.
Mục tiêu: Giảm dần số thanh niên thất nghiệp ở khu vực đô thị, nâng tỷ lệ thời gian có việc làm trong năm cho lao động thanh niên nông thôn; phát huy vai trò của lực lượng thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ thanh niên xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong thanh niên, tạo nguồn nhân lực trẻ đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chỉ tiêu:
- Phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm cho 1 - 1,1 triệu thanh niên, trong đó tỷ lệ nữ thanh niên được giải quyết việc làm từ 40 - 45%.
- Tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động trong năm của lao động là thanh niên ở nông thôn đạt 80% vào năm 2005; giảm mỗi năm 0,2% trong tỷ lệ lao động thanh niên thất nghiệp ở khu vực đô thị.
- Đến năm 2005 có 30 - 40% thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự được đào tạo nghề và giải quyết việc làm ổn định.
- Phấn đấu đến hết năm 2005, thu hút thêm 1 - 1,1 triệu lao động trẻ vào khu vực công nghiệp, xây dựng; 0,4 - 0,5 triệu lao động trẻ vào khu vực dịch vụ; đưa ít nhất 12 vạn lao động trẻ đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
2. Chương trình 2: Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp của thanh niên.
Mục tiêu: Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, hình thành nề nếp học tập thường xuyên cho thanh niên; phát triển đội ngũ trí thức trẻ và lao động trẻ lành nghề.
Chỉ tiêu:
ư- Năm 2005, thanh niên trong độ tuổi Trung học phổ thông đi học đạt 45%, giảm thiểu chênh lệch tỷ lệ nam, nữ học sinh Trung học phổ thông; thanh niên trong độ tuổi 18 - 23 học cao đẳng, đại học đạt 13 - 15%; số lượng sinh viên đạt 140 trên 10.000 dân.
- Phấn đấu hết năm 2005 đạt 50% thanh niên, học sinh khu vực đô thị, 30% thanh niên, học sinh khu vực nông thôn sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông được phổ cập tin học phổ thông và sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ ở mức giao tiếp thông thường. 60 - 70% thanh niên, học sinh Trung học phổ thông được giáo dục hướng nghiệp.
- Đến hết năm 2005 đạt tỷ lệ 25% lao động thanh niên qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề 18 - 20%.
- Phấn đấu quy mô đào tạo thạc sĩ đạt 25.000 người, nghiên cứu sinh đạt 10.000 người vào năm 2005.
3. Chương trình 3: Phát triển nguồn nhân lực trẻ về khoa học - công nghệ.
Mục tiêu: Nâng cao trình độ khoa học - công nghệ cho thanh niên, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học; từng bước phổ cập tin học trong thanh niên, phát triển nhân lực khoa học - công nghệ trẻ cho nông nghiệp và nông thôn, xây dựng đội ngũ lập trình viên trẻ cấp quốc gia và quốc tế về công nghệ thông tin.
Chỉ tiêu:
- Phấn đấu đến hết năm 2005, 50% thanh niên nông thôn khu vực đồng bằng, 30% thanh niên nông thôn vùng sâu, vùng xa được tuyên truyền, phổ biến ứng dụng khoa học - kỹ thuật (tập trung vào công nghệ sinh học) trong sản xuất, đời sống.
- Mỗi năm 30 - 40% số cán bộ trẻ đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin.
- Từ 2004 đến hết 2005, phấn đấu đào tạo 20.000 lập trình viên trẻ.
4. Chương trình 4: Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên.
Mục tiêu: Từng bước đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên, giảm số lượng tuyệt đối và tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội.
Chỉ tiêu:
- 100% thanh niên học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của pháp luật về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Giảm thiểu tỷ lệ thanh niên trong tổng số tội phạm, tệ nạn xã hội.
- 100% thanh niên có hiểu biết cần thiết về HIV/AIDS; 80% thanh niên khu vực đô thị, 70% thanh niên khu vực nông thôn có thái độ và hành vi tích cực đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.
- Đến năm 2005 phấn đấu 80% xã, phường vùng đồng bằng, 40% xã, phường vùng sâu, vùng xa có các loại hình câu lạc bộ thanh niên, thanh niên tình nguyện thường xuyên hoạt động phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
- Đến 2005, tổ chức cai nghiện cho ít nhất 80% số thanh niên nghiện ma tuý hiện có hồ sơ kiểm soát. Giảm tỷ lệ tái nghiện, giảm thiểu số mắc nghiện mới. Cơ bản xoá bỏ tệ nạn ma túy trong trường học.
5. Chương trình 5: Bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh niên.
Mục tiêu: Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, ý chí tự lực, tự cường; ý thức trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ý thức chấp hành pháp luật; nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, xây dựng lối sống lành mạnh.
Chỉ tiêu.
- Đến hết năm 2005, tổ chức cho 100% đoàn viên học tập 6 bài lý luận chính trị cơ bản và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Thu hút 100% đoàn viên, hội viên và ít nhất 50% thanh niên tham gia các hoạt động xây dựng cuộc sống văn hóa tại cộng đồng.
- Phấn đấu đến hết năm 2005 đạt 80% phường, xã vùng đồng bằng, 40% phường, xã vùng xa, vùng sâu có điểm hoạt động thanh thiếu niên.
- Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá trong thanh niên; phấn đấu tỷ lệ thanh niên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện thân thể đạt 35 - 40%.
II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Lồng ghép các chỉ tiêu phát triển thanh niên trong việc triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ kế hoạch năm của các Bộ, ngành, địa phương.
- Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm giai đoạn 2001 - 2005; cụ thể hoá chỉ tiêu giải quyết việc làm cho thanh niên trong chương trình của các Bộ, ngành, địa phương.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010 và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu giáo dục - đào tạo giai đoạn đến năm 2005.
- Đẩy mạnh tiến độ thực hiện Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và Kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam đến năm 2005, đặc biệt chú ý vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trẻ về công nghệ thông tin và phổ cập tin học phổ thông cho thanh niên.
- Triển khai mạnh mẽ các chương trình quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2001 - 2005, Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001 - 2005, Chương trình hành động phòng chống ma túy giai đoạn 2001 - 2005. Xây dựng và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đối với đối tượng thanh niên của các chương trình này. Thí điểm ở một số địa phương dự án về mô hình cai nghiện ma túy tập trung dài hạn kết hợp dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên.
- Các địa phương xây dựng chương trình triển khai Chiến lược phát triển thanh niên ở địa phương mình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở mỗi địa phương.
2. Xây dựng và ban hành các chính sách đối với thanh niên.
- Sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách đối với thanh niên xung phong, đối với cán bộ Đoàn, Hội, Đội trong trường học, đối với tài năng trẻ, đối với lực lượng thanh niên tình nguyện.
- Xây dựng chính sách chuẩn hoá phụ cấp cho cán bộ Đoàn chuyên trách, bán chuyên trách từ cấp xã, huyện, tỉnh và đoàn khối các cơ quan Trung ương, đoàn ở các trường học.
- Bổ sung các chính sách thu hút thanh niên vào các ngành nghề mũi nhọn, các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phát triển kinh tế - xã hội; động viên thanh niên đi đầu tiến quân vào khoa học - công nghệ.
- Xây dựng chính sách, cơ chế phối hợp giữa ngành văn hoá thông tin với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để phát huy hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị văn hoá đầu tư cho các cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.
- Xây dựng trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Thanh niên.
3. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, xây dựng nếp sống văn hoá, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho thanh niên.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên trong và ngoài nhà trường về nhận thức chính trị, tình hình nhiệm vụ của đất nước, truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc, nâng cao tinh thần xung kích và tính tích cực xã hội của thanh niên.
- Tiếp tục xây dựng, phát triển tủ sách pháp luật ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh niên.
- Phát triển phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ ở cơ sở thu hút đông đảo thanh niên tham gia, quan tâm đến các đối tượng thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các vùng đặc biệt khó khăn.
- Đầu tư củng cố các thiết chế văn hoá ở cơ sở; xây dựng cơ chế phát huy, sử dụng các thiết chế văn hoá ở địa phương, cơ sở cho hoạt động thanh thiếu niên. Đầu tư xây dựng các điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt lành mạnh, sân bãi thể dục thể thao cho thanh niên.
- Củng cố và mở rộng các điểm Bưu điện - Văn hoá xã, phát triển mạng lưới thư viện xã. Thí điểm đầu tư trang bị máy tính, đưa công nghệ thông tin vào các điểm Bưu điện - Văn hoá xã.
- Ngăn chặn những hủ tục lạc hậu, mê tín; thu hồi, truy quét các ấn phẩm văn hoá phản động, đồi truỵ, kích động bạo lực ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thanh niên.
- Ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi tuyên truyền lừa bịp, kích động, lôi kéo thanh niên làm trái pháp luật, gây mất ổn định chính trị, an ninh xã hội.
4. Đẩy mạnh phong trào thanh niên "Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", phát huy tính xung kích, tinh thần tình nguyện của thanh niên đi đầu xây dựng xã hội học tập, tiến quân vào khoa học công nghệ, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, xung kích bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hoá, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
- Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh động viên, tổ chức thanh niên tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường đầu tư cho công tác thanh niên, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập trong tất cả các đối tượng thanh niên để thanh, thiếu niên đi đầu trong xã hội học tập.
- Phát triển phong trào thanh niên tình nguyện, nhân rộng các mô hình, đội hình thanh niên tình nguyện.
- Nhân rộng mô hình trung tâm tư vấn thanh niên để tăng cường công tác thông tin, tư vấn, tuyên truyền, giáo dục xây dựng nhận thức đúng đắn cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm; hỗ trợ thanh niên chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; tư vấn cho thanh niên về luật pháp và các vấn đề trong cuộc sống.
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lực lượng thanh niên tiếp tục thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội: Dự án tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh, xây dựng tuyến đường từ đường Hồ Chí Minh về quê Bác; dự án xây dựng điểm tái định cư tại thuỷ điện Sơn La; dự án trí thức trẻ, y, bác sĩ trẻ tình nguyện; dự án xây dựng đảo thanh niên Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, các làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh, các chương trình, dự án ở các địa phương.
- Trong các chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí đầu tư cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng, thực hiện các dự án để triển khai Chiến lược phát triển thanh niên:
+ Dự án nâng cấp hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên.
+ Dự án mở rộng dạy nghề tại chỗ gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.
+ Dự án phổ biến kiến thức về công nghệ thông tin cho thanh, thiếu niên - hình thức ngoài nhà trường.
+ Dự án vườn ươm doanh nghiệp trẻ.
+ Dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh niên cấp cơ sở.
+ Dự án nhân rộng mô hình khu kinh tế thanh niên, làng Thanh niên.
5. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh xã hội hoá công tác thanh niên.
- Đổi mới công tác quản lý nhà nước về công tác thanh niên; tăng cường trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên.
- Tăng cường công tác đối ngoại nhà nước trong lĩnh vực thanh niên, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế, tranh thủ các nguồn lực và sự hỗ trợ quốc tế cho công tác thanh niên.
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đối với thanh niên để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên. Tăng cường công tác nghiên cứu, thông tin về tình hình thanh niên và công tác thanh niên.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể nhân dân, tổ chức kinh tế, xã hội và gia đình trong việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng sáng tạo, vai trò xung kích của thanh niên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- 1Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2Thông Tư liên tịch 124/2001/TTLT-UBATGTQG-TƯĐ về Cuộc vận động Thanh thiếu niên tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 70/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 06/2005/CT-TTg về phát huy vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2Thông Tư liên tịch 124/2001/TTLT-UBATGTQG-TƯĐ về Cuộc vận động Thanh thiếu niên tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ban hành
- 3Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 4Quyết định 70/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 06/2005/CT-TTg về phát huy vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 33/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2004 - 2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 33/2004/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/03/2004
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra