Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3271/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 30 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH “TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2014 - 2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020”;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 48/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 61/TTr-SLĐTBXH ngày 13 tháng 12 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch “Trợ giúp người khuyết tật tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2020”.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành chức năng, hội, đoàn thể, các tổ chức, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt nội dung của Kế hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Thông tin - Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

KẾ HOẠCH

TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(ban hành kèm theo Quyết định số 3271/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Căn cứ Quyết định số 1019/2012/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 48/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020;

Để trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, có cuộc sống ngày càng tốt hơn, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình xây dựng Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 của tỉnh với những nội dung cụ thể sau:

PHẦN THỨ NHẤT: TÌNH HÌNH VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỈNH QUẢNG BÌNH

I. Thực trạng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh:

Quảng Bình hiện có trên 45.000 người khuyết tật, trong đó số lượng người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là 28.000 người; số lượng người tâm thần mãn tính có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội là 4.280 người. Trong những năm qua, số lượng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và các rủi ro như: Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh…

Hai dạng tật chiếm tỷ lệ cao nhất ở tỉnh ta là khuyết tật về hệ vận động và khuyết tật liên quan đến hệ thần kinh, trí tuệ, trong đó khuyết tật hệ vận động: Chiếm 36% và khuyết tật hệ thần kinh, trí tuệ: Chiếm gần 30% tổng số người khuyết tật, còn lại là các dạng tật khác.

Số lượng người khuyết tật chiếm khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh, trong đó gần 90% sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng… còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã miền núi rẻo cao, các xã bãi ngang cồn bãi. Do vậy họ gặp không ít khó khăn trong việc đi lại, giao tiếp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trình độ học vấn của người khuyết tật tỉnh ta nhìn chung còn thấp, phần lớn học xong bậc tiểu học. Đa số người khuyết tật Quảng Bình không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân, chỉ có khoảng 10% tự tạo được thu nhập. Người khuyết tật chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quy định của Chính phủ.

Người khuyết tật nói chung đều có nguyện vọng, mong muốn được bảo vệ, chăm sóc, được khám chữa bệnh, được phẩu thuật chỉnh hình, được trang cấp hoặc được hỗ trợ các dụng cụ chỉnh hình, xe lăn, xe lắc… phục vụ đi lại, sinh hoạt hằng ngày; mong muốn được đối xử bình đẳng, được hòa nhập thực sự vào cộng đồng, được góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Thực tế hiện nay đã có rất nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập do nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn huy động còn hạn chế nên người khuyết tật, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa chưa được quan tâm đúng mức.

II. Một số kết quả trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh:

1. Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và các tổ chức đoàn thể có liên quan triển khai tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến đến các cơ sở, vận động sự quan tâm hỗ trợ cho người khuyết tật, cổ vũ động viên tinh thần phấn đấu vươn lên của người khuyết tật. Đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tích cực tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành vi ứng xử của toàn xã hội đối với người khuyết tật, động viên sự chung tay góp sức của toàn xã hội cùng với Nhà nước trợ giúp, tạo cơ hội cho người khuyết tật vượt lên số phận, được sống, lao động, học tập… bình đẳng như những người bình thường khác.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan và các tổ chức trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhân kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, ngày Người khuyết tật Quốc tế 3/12, như hội nghị biểu dương, tổ chức cuộc thi…

Trong thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, tổ chức mạng lưới hỗ trợ nạn nhân bom mìn (nay là Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật AEPD) tổ chức thành công Hội thi “Triển lãm tranh, ảnh về người khuyết tật”. Tổ chức 3 hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu vào năm 2008, 2010 và năm 2012. Trên 70 người khuyết tật và 40 trẻ mồ côi tiêu biểu, vượt qua tật nguyền, số phận éo le để khẳng định bản thân, sống có ích cho gia đình, xã hội, trở thành những tấm gương sáng cho nhiều người noi theo, đạt thành tích cao trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể dục thể thao… đã được biểu dương tại hội nghị. Qua đó tạo sự đồng cảm, chia sẻ, quan tâm của cộng đồng đối với người khuyết tật; giúp cộng đồng cảm nhận được nghị lực sống, tinh thần lạc quan của những người khuyết tật, góp phần động viên những người khuyết tật có cái nhìn tin tưởng, tươi sáng vào cuộc sống, hội thi đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hưởng ứng.

Những hoạt động nêu trên bước đầu đã làm thay đổi quan niệm, nhận thức của xã hội về khuyết tật, các hình thức, phương pháp trợ giúp người khuyết tật. Hầu hết người khuyết tật đã được Nhà nước và toàn xã hội tạo điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng của mình, tạo lập cuộc sống và đóng góp cho quê hương, đất nước.

2. Thực hiện chính sách an sinh xã hội

Các ngành, các địa phương đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách liên quan đối với người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật nặng. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 40.000 người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, với kinh phí trên 300 tỷ đồng. Các đối tượng khuyết tật nặng đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được khám chữa bệnh miễn phí với các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao hơn.

Nhân các ngày lễ, tết, ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, ngày Quốc tế người tàn tật 3/12... Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp thăm và tặng quà cho các đối tượng khuyết tật trên địa bàn tỉnh với 15.300 lượt đối tượng, xây mới và nâng cấp hàng trăm ngôi nhà cho người khuyết tật, cấp hỗ trợ gạo cứu đói cho các gia đình người khuyết tật gặp khó khăn trong cuộc sống; huy động, kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ người khuyết tật vượt qua khó khăn khi thiên tai, bão lũ.

3. Các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật

a) Về phục hồi chức năng, hỗ trợ xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật

Trong những năm qua, ngành y tế đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe để phát hiện, can thiệp sớm và phục hồi chức năng (PHCN) cho người khuyết tật bằng việc tổ chức nhiều đợt truyền thông trên Đài Phát thanh Truyền hình của tỉnh, Báo Quảng Bình và Bản tin sức khỏe của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe với nội dung và chủ đề phòng ngừa khuyết tật, PHCN cho người khuyết tật. Ngoài ra còn phối hợp, lồng ghép với các chiến dịch truyền thông các chương trình y tế để nâng cao nhận thức cho nhân dân trong công tác phòng ngừa khuyết tật tại cộng đồng. Hiện tại Quảng Bình chưa có bệnh viện chuyên khoa PHCN, không có bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, chỉ có Bệnh viện Y học cổ truyền là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh được thành lập năm 2004, với chỉ tiêu hiện có 70 giường bệnh, chưa thành lập đủ các khoa phòng chức năng và công tác PHCN được lồng ghép trong khoa, hiện tại bệnh viện đang được tiếp tục đầu tư để từng bước đi vào hoạt động với quy mô 100 - 120 giường bệnh. Tại 7 huyện thành phố, đã có 7/7 bệnh viện đa khoa huyện có bộ phận PHCN được lồng ghép trong khoa y học cổ truyền. Từ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đến các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và các trạm y tế đã có rất nhiều cố gắng, dựa vào ngân sách của tỉnh và nguồn tự trang trải tại đơn vị để đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục hồi chức năng, như: Máy kéo dãn cột sống, máy phục hồi chức năng chi trên, máy xoa bóp toàn thân đa chức năng, máy chiếu tia hồng ngoại, xe đạp tự luyện, máy tập chạy… Tuy nhiên, lực lượng cán bộ PHCN tại Quảng Bình còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn đang là vấn đề hết sức khó khăn.

Việc huy động nguồn lực, từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cho người khuyết tật luôn được quan tâm. Hàng trăm người khuyết tật nghèo được phẩu thuật chỉnh hình, trợ giúp phục hồi chức năng, được cung cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí; hàng ngàn người khuyết tật hệ vận động được cấp xe lăn, xe lắc, chân tay giả miễn phí, hàng trăm ca phẫu thuật mắt mang lại ánh sáng cho người mù, hàng ngàn suất học bổng đã được tặng các cháu khuyết tật nghèo vươn lên học giỏi.

Năm 2006 Quảng Bình đã hoàn thành mục tiêu chương trình xóa mù lòa, đem lại ánh sáng cho 5.236 người mù do đục thủy tinh thể, giúp những người khuyết tật vươn lên hòa nhập với cộng đồng và hàng năm tiếp tục mổ cho những đối tượng bị đục thủy tinh thể còn sót lại và phát sinh mới.

b) Về dạy chữ, dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm

Hiện trên toàn tỉnh có 3 trung tâm nuôi dạy và giáo dục trẻ khuyết tật, gồm Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch, Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy và Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Hới; 2 Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật ở xã Hiền Ninh và thành phố Đồng Hới.

Trong thời gian qua, các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, kết hợp dạy chữ với thực hiện chương trình phục hồi chức năng cho các cháu khuyết tật; kết hợp giữa học văn hóa với học nghề; có 575 người khuyết tật đã được đào tạo nghề, với một số nghề chính như: Làm hương, làm nón, thêu, may… từ các nguồn kinh phí. Qua thực hiện các chương trình, dự án dạy nghề đã đem lại lợi ích thiết thực cho người khuyết tật, họ có nghề để lập nghiệp tự nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, với số lượng người khuyết tật đông, kinh phí dành cho dạy nghề còn hạn hẹp, Ủy ban nhân dân tỉnh phải huy động mọi nguồn lực và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để chăm lo phát triển cho người khuyết tật đi liền với phục hồi chức năng, làm cho người khuyết tật có nghề tìm kiếm được việc làm thích hợp với từng dạng tật. Bản thân người khuyết tật cũng đã vượt qua số phận, cố gắng vươn lên chiến thắng bệnh tật, tìm việc làm phù hợp với sức khỏe của mình.

Từ năm 2006 - 2013, toàn tỉnh có 817 người khuyết tật được tư vấn giới thiệu việc làm.

c) Về hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao

Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người khuyết tật luôn được quan tâm. Các chương trình văn nghệ, vui chơi thể thao được triển khai sâu rộng, đặc biệt là phong trào thể thao ở các trường chuyên biệt trên địa bàn tỉnh và ở các cấp hội cơ sở. Trong những năm qua, đoàn thể thao người khuyết tật Quảng Bình đã tham gia thi đấu trong nước và khu vực đạt được nhiều thành tích cao, cụ thể: Năm 2007 xếp thứ 5 toàn quốc; năm 2008, 2009 xếp thứ nhất toàn quốc. Có thể nói trong lĩnh vực thể thao dành cho người khuyết tật, đoàn thể thao tỉnh ta được xem là lĩnh vực thế mạnh, đó chính là nguồn động viên to lớn giúp người khuyết tật có nghị lực để vươn lên hòa nhập cộng đồng.

PHẦN THỨ HAI: KẾ HOẠCH TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

I. Mục tiêu chung

Hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu của bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội.

II. Mục tiêu cụ thể

1. Giai đoạn 2014 - 2015:

- 100% người khuyết tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

- Hằng năm 70% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 65% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 650 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp;

- 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục dưới mọi hình thức.

- Có 350 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp.

- 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động có nhu cầu được vay vốn ưu đãi;

- Ít nhất 30% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

- Ít nhất 30% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.

- 20% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

- 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và luyện tập thể dục, thể thao.

- Có 90% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

- 60% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 40% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 30% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.

2. Giai đoạn 2016 - 2020:

- 100% người khuyết tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

- Hằng năm 90% số người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 85% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật, khoảng 1.500 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp;

- 75% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.

- Có 700 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp.

- 90% người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động có nhu cầu được vay vốn ưu đãi;

- 60% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

- Ít nhất 80% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.

- 30% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

- 30% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và luyện tập thể dục, thể thao.

- 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

- 95% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực về quản lý, chăm sóc; hỗ trợ, tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá trong công tác trợ giúp người khuyết tật; 60% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 50% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng:

- Người khuyết tật không phân biệt nguồn gốc gây ra khuyết tật, ưu tiên người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ.

- Hộ gia đình có người khuyết tật, ưu tiên hộ (có NKT) nghèo và cận nghèo.

2. Phạm vi: Triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2014 đến năm 2020.

IV. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về người khuyết tật; quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trách nhiệm của cộng đồng trong việc trợ giúp cho người khuyết tật; các biện pháp phòng ngừa khuyết tật, các dịch vụ đối với người khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật.

- Truyền thông nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành về thái độ, cách cư xử, làm việc với người khuyết tật, các phương pháp trợ giúp người khuyết tật và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật thông qua các buổi giao lưu, tập huấn…

- Biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc trợ giúp NKT và những NKT vượt khó học tập, lao động, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vượt lên số phận làm kinh tế giỏi.

2. Thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật thông qua các chương trình an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách của Nhà nước đối với NKT là đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và huy động sự đóng góp của cộng đồng, tạo điều kiện cho NKT cải thiện, ổn định cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Triển khai các chương trình hỗ trợ NKT thông qua chương trình giảm nghèo, chương trình giải quyết việc làm và lồng ghép các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ và trợ cấp đột xuất kịp thời cho NKT có hoàn cảnh khó khăn;

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp bảo trợ xã hội đối với NKT.

3. Phát hiện, chuẩn đoán, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp và phục hồi chức năng cho người khuyết tật:

- Thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm các dấu hiệu, triệu chứng có nguy cơ dẫn đến khuyết tật để áp dụng các biện pháp can thiệp, ngăn chặn kịp thời hoặc chữa trị khi cần thiết;

- Tổ chức thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế;

- Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tự chăm sóc trong sinh hoạt hàng ngày như: Kỹ năng vận động, giao tiếp..., chú ý những nhu cầu đặc biệt như: Khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ cho người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật;

- Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ để thực hiện phẩu thuật chỉnh hình và cung cấp các dụng cụ trợ giúp như: Phương tiện giả, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật;

- Tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ khuyết tật.

4. Trợ giúp NKT tiếp cận giáo dục:

- Tổ chức các hình thức giáo dục hòa nhập trong các trường phổ thông, các trường chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, trẻ em bị khuyết tật khác, tạo môi trường thuận lợi cho các em hòa nhập, tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật có năng khiếu tham gia các trường đào tạo bồi dưỡng năng khiếu;

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức kỹ năng cho cán bộ, giáo viên nhân viên tại các cơ sở giáo dục; cụ thể hóa các chương trình SGK, thiết bị giáo dục NKT, xây dựng các bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên và các điều kiện để thực hiện công tác giáo dục NKT;

- Phổ biến hệ thống ký hiệu ngôn ngữ phổ thông;

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục cho trẻ khuyết tật;

- Thành lập phòng dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh;

- Tổ chức kiểm tra, giám sát toàn diện chuyên đề về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.

5. Trợ giúp NKT học nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế:

- Xây dựng mức chi phí đào tạo cho từng nghề trong danh mục nghề đào tạo phù hợp với chương trình đào tạo, thời gian đào tạo; đặc thù của người khuyết tật và điều kiện thực tế của địa phương với mức tối đa 6.000.000 đ/người/khóa học;

- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn việc làm cho người khuyết tật;

- Tư vấn học nghề, việc làm theo khả năng của người khuyết tật;

- Tổ chức dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật. Kinh phí dạy nghề cho người khuyết tật được bố trí trong chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm và dạy nghề với mức hỗ trợ tối thiểu;

- Đánh giá và tài liệu hóa kết quả thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế người khuyết tật và triển khai nhân rộng ra các địa bàn khác;

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở dạy nghề cho NKT và tạo điều kiện thuận lợi cho NKT có nhu cầu được học nghề phù hợp;

- Thực hiện các chính sách ưu đãi hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp dạy nghề, các cơ sở sản xuất dành riêng cho NKT để đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT;

6. Trợ giúp NKT tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng:

- Xây dựng một số mô hình thí điểm về tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng để phổ biến nhân rộng;

- Đào tạo, tập huấn kỹ năng thiết kế các công trình tiếp cận với NKT cho các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và các đối tượng hành nghề hoạt động trong lĩnh vực xây dựng;

- Kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng trong thiết kế mới hoặc cải tạo các công trình công cộng theo quy định của Luật NKT;

7. Trợ giúp NKT tiếp cận và tham gia giao thông:

- Xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các xe vận tải hành khách công cộng để người khuyết tật tham gia giao thông;

- Tập huấn cho lái xe phục vụ hành khách là người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông;

- Hỗ trợ chế tạo, sản xuất thử nghiệm thiết bị, công cụ và phương tiện giao thông để người khuyết tật tham gia giao thông thuận tiện;

- Bố trí thiết bị công cụ để người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng, đồng thời nhân viên phục vụ trên xe cần hỗ trợ người khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện;

- Thực hiện miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng;

- Kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về giao thông phù hợp để người khuyết tật có thể tiếp cận, sử dụng, cụ thể: Xây dựng gờ giảm xóc tại các ngã tư để người khiếm thị có thể nhận biết xây dựng các điểm nghỉ, điểm chờ; công trình vệ sinh phù hợp cho người khuyết tật tại các bến xe bến tàu.

8. Trợ giúp NKT tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông:

- Duy trì, phát triển, nâng cấp các cổng/trang tin điện tử hỗ trợ người khuyết tật, khuyến khích tích hợp trên trang thông tin điện tử các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật;

- Xây dựng nội dung đào tạo, hướng nghiệp theo các hình thức đào tạo mới cho người khuyết tật dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông.

9. Trợ giúp pháp lý:

- Truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các hoạt động thích hợp: In ấn, phát hành các loại tờ gấp pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật; đặt biển thông tin quy định về hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, tại Ủy ban nhân dân các xã, Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật; thực hiện tư vấn pháp luật trên chuyên mục “Pháp luật và đời sống” và trên Trang Thông tin điện tử của tỉnh;

- Xây dựng các chương trình, giáo trình, tài liệu và tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý và các thành viên Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật;

- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật: Tư vấn pháp luật; tham gia bào chữa, đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật; trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí; sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

10. Hỗ trợ NKT trong hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao:

- Hoàn thiện và phát triển các môn thể thao cho người khuyết tật tập luyện và thi đấu, chú ý phát triển thể thao phong trào và các môn thể thao Olympic. Tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia các giải thể thao trong và ngoài nước.

- Định kỳ 5 năm một lần, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hội thi về văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

11. Tăng cường năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá:

- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp người khuyết tật;

- Tập huấn cho gia đình người khuyết tật về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật; tập huấn các kỹ năng sống cho người khuyết tật;

- Nghiên cứu kinh nghiệm trợ giúp người khuyết tật của các tỉnh, thành phố và các nước;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật toàn tỉnh Quảng Bình;

- Kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện kế hoạch và các chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật:

- Áp dụng cơ chế huy động nhiều nguồn lực xã hội, trong đó ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ yếu;

- Từng bước điều chỉnh định mức phân bổ ngân sách Nhà nước chi cho đảm bảo xã hội theo hướng tăng dần;

- Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả kế hoạch trợ giúp người khuyết tật.

2. Đề cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc trợ giúp người khuyết tật:

- Cấp tỉnh: Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch, huy động, phân bổ nguồn lực, giám sát, đánh giá trong quá trình thực hiện;

- Cấp huyện: Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, lập kế hoạch trợ giúp người khuyết tật của địa phương; huy động bổ sung nguồn lực và chủ động phân bổ cho cấp xã; hướng dẫn và giám sát thực hiện của cấp xã, điều tra, thống kê và báo cáo với tỉnh người khuyết tật của địa phương;

- Cấp xã: Xác định người khuyết tật, huy động nguồn lực tại chỗ, tổ chức thực hiện các chính sách trên địa bàn, tự giám sát đánh giá.

3. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp cho người khuyết tật.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí thực hiện kế hoạch, bao gồm:

+ Ngân sách Nhà nước được bố trí dự toán chi hàng năm của các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của kế hoạch theo phân cấp của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

+ Đóng góp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao của Kế hoạch này lập dự toán ngân sách hàng năm để triển khai các hoạt động của kế hoạch và quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

VII. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Là cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, quản lý, kiểm tra các hoạt động và định kỳ tổng hợp kết quả của các ngành, hội, đoàn thể, địa phương về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Triển khai các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm và hướng dẫn thực hiện các chích sách liên quan đến công tác bảo trợ xã hội cho người khuyết tật;

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực trợ giúp người khuyết tật của các ngành, hội, đoàn thể, địa phương, đội ngũ nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên tại cộng đồng;

- Phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về người khuyết tật và các vấn đề khuyết tật cho cộng đồng;

- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật và giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các chương trình, dự án về trợ giúp người khuyết tật.

3. Sở Tài chính: Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước; chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật; bố trí kinh phí mua sắm dụng cụ hỗ trợ, cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ phục hồi chức năng cho các cơ sở y tế liên quan đến người khuyết tật.

4. Sở Y tế:

- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế các huyện, thành phố phát hiện, can thiệp sớm và phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng;

- Đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế nâng cao năng lực phục hồi chức năng, phát hiện và can thiệp sớm;

- Chăm sóc sức khỏe và cung cấp dụng cụ hỗ trợ cho người khuyết tật;

- Đầu tư nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ phục hồi chức năng cho các cơ sở y tế liên quan đến người khuyết tật.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, hội đoàn thể và địa phương vận động và tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học còn sức khỏe được đến trường;

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện chính sách miễn giảm học phí, các khoản đóng góp xây dựng trường cho học sinh khuyết tật;

- Vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học bổng, sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đến trường;

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt giáo dục hòa nhập; đầu tư, cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và phục hồi chức năng tại các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu giáo dục hòa nhập và chuyên biệt cho trẻ khuyết tật;

- Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hỗ trợ giáo dục;

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên và biên soạn tài liệu chuyên môn giảng dạy trẻ khuyết tật và giáo dục phòng ngừa khuyết tật.

6. Sở Xây dựng: Hướng dẫn việc xây dựng các công trình công cộng, nhất là các công trình bệnh viện, trạm xá, trường học, trường dạy nghề, thư viện, nhà văn hóa, thể thao, công viên vv... tuân thủ quy chuẩn thiết kế bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra phải đưa nội dung này vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra và nghiêm khắc xử lý vi phạm.

7. Sở Giao thông vận tải:

- Chỉ đạo các đơn vị tham gia vận tải công cộng có công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông;

- Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn, quy định kỹ thuật và kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với việc tiếp cận của người khuyết tật.

8. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật về tiếp cận thông tin đối với người khuyết tật;

- Hướng dẫn các cơ quan báo, đài của địa phương và của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật, các biện pháp phòng ngừa khuyết tật, phòng chống bạo lực, phân biệt đối xử đối với người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội phù hợp và hòa nhập với cộng đồng;

- Đào tạo, hướng dẫn cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng các dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin.

9. Sở Tư pháp:

Tham mưu cho Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về người khuyết tật và cộng đồng; tổ chức các hình thức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người khuyết tật.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho người khuyết tật;

- Chỉ đạo các trung tâm văn hóa thông tin, thể dục thể thao các huyện, thành phố tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia luyện tập;

- Tạo điều kiện và tổ chức cho người khuyết tật tham gia các giải đấu thể thao, hội thi, hội diễn đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

11. Sở Ngoại vụ: Chủ trì, phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể, địa phương huy động các tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

12. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình:

- Tuyên truyền về Luật Người khuyết tật, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật đến nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về các hoạt động chăm sóc người khuyết tật;

- Tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ, khẳng định và phát huy vai trò của người khuyết tật.

- Tuyên truyền về những gương người khuyết tật biết vượt lên số phận, vươn lên trong cuộc sống; những cá nhân, đơn vị, tổ chức có các hoạt động ý nghĩa, thiết thực hỗ trợ người khuyết tật.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách người khuyết tật theo địa chỉ, dạng tật, nhu cầu, nguyện vọng… để quản lý và theo dõi;

- Xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện kế hoạch và hỗ trợ hoạt động của chương trình phục hồi chức năng cho người khuyết tật và tạo việc làm cho người khuyết tật ở cộng đồng;

- Hướng dẫn chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, học nghề, tạo việc làm, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đối với người khuyết tật;

- Vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn hỗ trợ dạy nghề, tạo điều kiện tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc quản lý, giám sát chi trả trợ cấp thường xuyên đối với người khuyết tật tại cộng đồng;

- Bố trí ngân sách và tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch của địa phương;

14. Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD)

Phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành, đoàn thể liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trên nhiều lĩnh vực: Tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo nghề cho người khuyết tật; hỗ trợ sinh kế; phục hồi chức năng; giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật; thúc đẩy hòa nhập xã hội của người khuyết tật.

15. Đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Người mù tỉnh và Hội Bệnh nhân nghèo tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

VIII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Căn cứ Kế hoạch này yêu cầu các sở, ban ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo nhiệm vụ được phân công, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và định kỳ 6 tháng (vào ngày 15 tháng 6), hàng năm (vào ngày 15 tháng 12) báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Hàng năm tùy theo tình hình, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về thực hiện Kế hoạch trợ giúp NKT.

Trên đây là Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2020, yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3271/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch Trợ giúp người khuyết tật tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2020

  • Số hiệu: 3271/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản