Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN  
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3247/QĐ-BNN-VP

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC KỶ NIỆM CÁC NGÀY TRUYỀN THỐNG, NGÀY LỄ HÀNG NĂM

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP , ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi Điều 3 của Nghị định số 01/2008/NĐ-CP , ngày 03 tháng 01 năm 2008;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tổ chức kỷ niệm các ngày truyền thống, ngày lễ tại Bộ và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, TT

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC KỶ NIỆM CÁC NGÀY TRUYỀN THỐNG, NGÀY LỄ HÀNG NĂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3247/QĐ-BNN-VP ngày 10 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định một số nguyên tắc, mục đích và phân công các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kỷ niệm các ngày truyền thống; ngày thành lập (sau đây gọi chung là ngày truyền thống) các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; phân công tổ chức thực hiện kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong các đơn vị thuộc Bộ.

Điều 2. Giải thích một số từ ngữ nêu trong Quy định

Năm chẵn, năm tròn, năm lẻ là tên gọi đối với năm kỷ niệm (lần thứ) của các sự kiện ngày truyền thống, ngày thành lập, ngày lễ và được quy định như sau:

- “Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”;

- “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”.

- “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng còn lại thuộc hàng đơn vị.

Điều 3. Danh mục các ngày truyền thống ngành, lĩnh vực; ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức kỷ niệm tại các Bộ, các đơn vị thuộc Bộ

1. Ngày thành lập Bộ Canh nông (14/11/1945)

2. Các ngày truyền thống ngành

- Ngày truyền thống ngành Thủy sản (01/4/1959)

- Ngày truyền thống ngành Thủy lợi (28/8/1945)

- Ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp (28/11/1959)

3. Các ngày truyền thống một số lĩnh vực chuyên ngành

- Ngày truyền thống lực lượng Kiểm lâm (21/5/1973)

- Ngày phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (22/5/1946)

- Ngày truyền thống ngành Thú y (11/7/1950)

4. Ngày truyền thống gắn với tổ chức, cơ quan khác

- Ngày thành lập các tổ chức chính trị - xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam …);

- Ngày truyền thống; ngày thành lập của một số Bộ, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể khác (Ví dụ: Ngày truyền thống Văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước 28/8; Ngày truyền thống ngành Tổ chức Nhà nước 28/8; Ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam …).

5. Một số ngày lễ lớn của đất nước

- Ngày Quốc khánh (02/9/1945)

- Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch)

- Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930)

- Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890)

- Ngày chiến thắng (30/4/1975)

- Ngày Quốc tế Lao động 1/5

- Tết Nguyên đán …

Điều 4. Nguyên tắc, mục đích, ý nghĩa

- Bộ (Lãnh đạo Bộ hoặc Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ được chỉ định) thống nhất chủ trương, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kỷ niệm các ngày truyền thống, ngày thành lập, ngày lễ theo danh mục nêu tại Điều 3.

- Tổ chức lễ kỷ niệm với tinh thần trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện thực tế của Bộ, của các đơn vị liên quan.

- Giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, yêu ngành nghề và góp phần động viên, khơi dậy niềm tự hào với truyền thống ngành nghề, truyền thống dân tộc Việt Nam trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Bộ Canh nông

1. Bộ trưởng quyết định chủ trương và chỉ đạo phân công tổ chức thực hiện.

2. Văn phòng Bộ là đơn vị đầu mối trình và tổ chức thực hiện theo phương án được duyệt.

3. Một số quy định khung về tổ chức kỷ niệm

a) Đối với năm chẵn, năm tròn:

- Hình thức: Tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm;

- Chủ trì: Bộ trưởng hoặc Lãnh đạo Bộ được Bộ trưởng phân công;

- Thành phần: Mời toàn thể hoặc đại biểu là cán bộ, công chức đang công tác tại các đơn vị thuộc Bộ và một số đại biểu đại diện các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ, công chức thuộc Bộ đã nghỉ hưu; đại biểu mời khác;

- Thời gian: Tổ chức đúng ngày hoặc trước ngày trong phạm vi 1 tuần lễ có ngày kỷ niệm;

- Địa điểm: Tại trụ sở cơ quan Bộ hoặc địa điểm khác phù hợp do Bộ trưởng quyết định;

- Chương trình, nội dung và các hoạt động: Diễn văn của Lãnh đạo Bộ; Phát động thi đua; Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của Bộ, ngành và đại chúng.

Ngoài ra, có thể tổ chức lồng ghép hội nghị, hội thảo, hội thao, hội diễn toàn ngành hoặc tại Bộ.

b) Đối với năm lẻ:

Không tổ chức mít tinh và các hoạt động khác, chỉ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của Bộ, ngành và đại chúng, trừ trường hợp có yêu cầu đặc biệt do Bộ trưởng quyết định.

Điều 6. Tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống ngành

1. Lãnh đạo Bộ phụ trách ngành, lĩnh vực quyết định chủ trương và chỉ đạo phân công thực hiện.

2. Các Tổng cục; Cục chuyên ngành là đầu mối, phối hợp với Văn phòng Bộ trình và tổ chức thực hiện theo phương án được duyệt.

3. Một số quy định khung về tổ chức kỷ niệm

a) Đối với năm chẵn, năm tròn:

- Hình thức: Tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm;

- Chủ trì: Lãnh đạo Bộ;

- Thành phần: Mời toàn thể hoặc đại biểu là cán bộ, công chức đang công tác tại các đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực và một số đại biểu đại diện các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ, công chức đã nghỉ hưu; đại biểu mời khác;

- Thời gian: Tổ chức đúng ngày hoặc trước ngày trong phạm vi 1 tuần lễ có ngày kỷ niệm;

- Địa điểm: Tại trụ sở cơ quan Bộ hoặc địa điểm khác phù hợp do Lãnh đạo Bộ quyết định;

- Chương trình, nội dung và các hoạt động: Diễn văn của Lãnh đạo Bộ; Phát động thi đua; Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của Bộ, ngành và đại chúng.

Ngoài ra, có thể tổ chức lồng ghép hội nghị, hội thảo, hội thao, hội diễn toàn ngành hoặc tại Bộ.

b) Đối với năm lẻ:

Không tổ chức mít tinh, chỉ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của Bộ, ngành và đại chúng; ủy quyền cho các Tổng Cục, Cục tùy theo tình hình thực tế để tổ chức một số hoạt động phù hợp.

Điều 7. Tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống lĩnh vực chuyên ngành

Thực hiện tương tự như các quy định nêu tại Điều 6 nhưng áp dụng với đối tượng và phạm vi trong lĩnh vực chuyên ngành.

Điều 8. Tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống gắn với tổ chức, cơ quan khác

1. Tổ chức kỷ niệm theo chủ trương và hướng dẫn của cơ quan ngành dọc cấp trên.

2. Đơn vị, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ chính liên quan trực tiếp là đầu mối tổ chức hoạt động kỷ niệm tại Bộ.

3. Một số quy định khung về tổ chức kỷ niệm

a) Đối với năm chẵn, năm tròn:

- Hình thức: Tổ chức gặp mặt thân mật;

- Chủ trì: Thủ trưởng đơn vị, tổ chức đầu mối thuộc Bộ;

- Thành phần: Mời đại diện Lãnh đạo Bộ; toàn thể hoặc đại biểu cán bộ, công chức đang công tác tại các đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực;

- Thời gian: Tổ chức đúng ngày hoặc trước ngày trong phạm vi 1 tuần lễ có ngày kỷ niệm;

- Địa điểm: Tại trụ sở cơ quan, đơn vị hoặc địa điểm khác phù hợp do Thủ trưởng đơn vị quyết định;

- Chương trình, nội dung và các hoạt động: Gặp mặt thân mặt, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp; Tuyên truyền trên một số phương tiện thông tin liên quan chủ yếu của Bộ, ngành.

Ngoài ra, có thể tổ chức lồng ghép hội nghị, hội thảo trong phạm vi hẹp thuộc chuyên ngành, lĩnh vực.

b) Đối với năm lẻ:

Không tổ chức các hoạt động như đối với năm chẵn, năm tròn. Tùy điều kiện cụ thể của đơn vị, tổ chức có thể tổ chức gặp mặt nội bộ đơn giản, gọn nhẹ.

Điều 9. Việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước

Theo chủ trương và hướng dẫn chung của Đảng và Nhà nước.

- Văn phòng Bộ là cơ quan đầu mối trình và tổ chức thực hiện các hoạt động chính tại Bộ theo phương án được Lãnh đạo Bộ duyệt.

- Các đơn vị chủ động tổ chức các hoạt động có liên quan trong phạm vi nội bộ đơn vị mình.

Điều 10. Kinh phí

- Kinh phí tổ chức các ngày truyền thống, ngày kỷ niệm được sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn khác (nếu có);

- Các đơn vị chủ trì lập kế hoạch và dự toán kinh phí hàng năm cho công tác này;

- Vụ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, tổng hợp và bố trí kinh phí phù hợp.

Điều 11. Tổ chức ngày truyền thống tại các đơn vị ở địa phương

- Do các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ và chỉ đạo của chính quyền địa phương.

- Các đơn vị chủ trì, đầu mối thuộc Bộ có trách nhiệm tham mưu nội dung hướng dẫn thực hiện tại địa phương vào phương án trình Lãnh đạo Bộ xem xét phê duyệt.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo Lãnh đạo Bộ để xem xét điều chỉnh kịp thời.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3247/QĐ-BNN-VP năm 2009 ban hành Quy định tổ chức kỷ niệm các ngày truyền thống, ngày lễ hàng năm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3247/QĐ-BNN-VP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/11/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/11/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản