Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3216/QĐ.UBND.VX

Nghệ An, ngày 16 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 22 tháng 02 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII;

Xét đề nghị của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 1336/SVHTTDL-NVDL ngày 02/8/2011 về việc xin phê duyệt "Chương trình phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015",

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành "Chương trình phát triển du lịch Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2015", như sau:

I. Mục tiêu Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục phấn đấu đưa du lịch Nghệ An thực sự là một ngành kinh tế quan trọng với bước phát triển mạnh và bền vững; đến năm 2015, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ, là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước có cơ sở vật chất, kỹ thuật tương xứng là vùng trọng điểm du lịch cả nước, với các sản phẩm du lịch độc đáo, là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước.

Tăng nhanh tỷ trọng GDP du lịch trong cơ cấu kinh tế, tạo ra sự liên kết và thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Phấn đấu năm 2015 đạt 3,5 - 4 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch tăng bình quân 20 - 22%/năm.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tạo dấu ấn sâu sắc về hình ảnh Nghệ An nói chung và thương hiệu du lịch Nghệ An nói riêng trong nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế trên cơ sở đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch và tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch.

- Xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc thù và có lợi thế cạnh tranh cao trên cơ sở phát triển mạnh các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, đưa du lịch Vinh - Cửa Lò - Nam Đàn trở thành cụm du lịch gắn với tua du lịch quốc gia, quốc tế. Mở rộng, phát triển các điểm du lịch Bãi lữ, Đảo ngư, Pù Mát,... đồng thời tạo thêm một số điểm du lịch mới, hấp dẫn như: Đền Cuông - Cửa Hiền, Đền Cờn gắn với biển Quỳnh Lưu, Mũi Rồng (Nghi Lộc), Lâm viên Núi Quyết (Vinh), các điểm du lịch ven sông Lam; xây dựng thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò thành trung tâm lưu trú và trung chuyển khách du lịch.

- Tiếp tục thúc đẩy du lịch tăng trưởng nhanh, bền vững trong giai đoạn 2011 - 2015. Phấn đấu đến năm 2015 đón được 4,3 triệu lượt khách, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,9%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 200.000 lượt, tăng bình quân 14,9%/năm (cả nước là 8,2%/năm); khách nội địa: 4.100.000 lượt, tăng bình quân 9,2%/năm (cả nước là 7,2%/năm). Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 2.300 tỷ đồng, tăng bình quân 20,4%/năm, trong đó doanh thu khách quốc tế: 28 triệu USD, tăng bình quân 23,4%/năm, doanh thu khách nội địa: 1.800.000 tỷ đồng, tăng bình quân 19,7%/năm.

- Tạo bước chuyển biến rõ nét về việc sản xuất hàng hoá lưu niệm phục vụ khách, góp phần tăng nguồn thu cho du lịch.

II. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015

1. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch

Tập trung triển khai thực hiện Chương trình Xúc tiến du lịch đến năm 2015 và Đề án Xây dựng Thương hiệu du lịch Nghệ An đã được phê duyệt với nội dung trọng tâm là:

1.1. Nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, tạo môi trường du lịch lành mạnh, văn minh, an toàn, thân thiện

- Tổ chức tốt các lớp tập huấn về nghiệp vụ và văn hoá giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh du lịch cho đội ngũ cán bộ làm du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch chính (Vinh, Nam Đàn, Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu…và dần hướng tới các tỉnh miền Tây Nghệ An);

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về du lịch Nghệ An trong các đoàn thể và tầng lớp nhân dân về du lịch Nghệ An để giáo dục ý thức trách nhiệm đối với việc bảo tồn các di sản thiên nhiên, văn hoá, môi trường,…

1.2. Tuyên truyền quảng bá trong nước và ngoài nước

- Tổ chức và tham gia các hội chợ, hội thảo và các sự kiện du lịch trong nước, ngoài nước. Hàng năm sẽ tổ chức 1 - 2 liên hoan, hội chợ lớn mang tầm khu vực trên địa bàn và 1 hội nghị xúc tiến ở các thị trường trọng điểm du lịch Nghệ An ở nước ngoài.

- Nâng cao chất lượng các sản phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch: Tiếp tục xây dựng và xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch Nghệ An (tập gấp, bản tin…); lắp đặt mới một số cụm biển quảng cáo tấm lớn với hình thức hiện đại tại các trục giao thông chính, sân bay Vinh, các cửa khẩu; củng cố hệ thống biển chỉ dẫn cho khách du lịch tại các điểm tham quan du lịch hiện có và một số điểm du lịch mới (ưu tiên các vùng du lịch trọng điểm hiện có của tỉnh: thành phố Vinh, Nam Đàn, Cửa Lò, Con Cuông, Quỳ Châu - Quế Phong); xây dựng phim du lịch Nghệ An, các phim chuyên đề về du lịch bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc…; tăng cường quảng bá du lịch thông qua hệ thống thông tin điện tử: internet (nâng cấp website du lịch Nghệ An), truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

- Tập trung xây dựng thương hiệu du lịch Nghệ An cũng như thương hiệu doanh nghiệp du lịch Nghệ An nhằm tạo dựng hình ảnh hấp dẫn, tin cậy đối với bạn bè và du khách. Tổ chức cuộc thi chọn biểu tượng đặc trưng của Nghệ An phục vụ hoạt động xúc tiến du lịch, xây dựng sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch; xây dựng hệ thống tiêu chí bình chọn và chứng nhận các doanh nghiệp du lịch tiêu biểu hàng năm. Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch trong việc liên kết quảng bá hình ảnh du lịch Nghệ An và sản phẩm du lịch Nghệ An.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch để quảng bá hình ảnh du lịch Nghệ An ra thị trường quốc tế, khu vực. Hợp tác phát triển về du lịch với các địa phương trong nước và ngoài nước: Xây dựng sản phẩm du lịch liên tỉnh, tổ chức sự kiện (Liên hoan ẩm thực, hội thảo, hội chợ, chương trình tua du lịch liên tỉnh) nhằm nâng cao vị thế và gắn Nghệ An vào chuỗi các sản phẩm du lịch liên vùng để thu hút khách; phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia tại các tỉnh trong vùng (Thừa Thiên Huế năm 2012, Thanh Hóa năm 2015) để quảng bá cho du lịch Nghệ An.

1.3. Nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển mở rộng thị trường khách du lịch trong nước, quốc tế, cụ thể

- Trong những năm tới thị trường nội địa vẫn có ý nghĩa quyết định đối với du lịch Nghệ An. Bên cạnh việc tiếp tục quảng bá mở rộng thị trường các tỉnh phía Bắc mà trọng tâm là Hà Nội, cần thúc đẩy khai thác thị trường miền Nam và các tỉnh miền Trung Tây Nguyên đi theo đường Hồ Chí Minh và đường hàng không về thăm quê hương Bác Hồ.

- Về thị trường quốc tế: Tiếp tục khai thác thị trường khách Thái Lan, Lào và các nước Malaixia, Singapore theo tuyến đường bộ, liên kết tổ chức các tua du lịch caravan theo tuyến du lịch này. Phối hợp với các tỉnh phía Bắc đẩy mạnh xúc tiến thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Nghệ An, nhất là từ các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam; từng bước tiếp cận thị trường khách Nhật Bản, Hàn Quốc. Phối hợp tổ chức cho các hãng lữ hành (farmtrip), các đoàn phóng viên báo chí (presstour) trong nước và nước ngoài khảo sát tuyến, điểm du lịch Nghệ An nhân dịp các ngày lễ lớn của tỉnh, của cả nước.

- Có cơ chế khuyến khích phát triển các trung tâm lữ hành quốc tế cũng như nội địa, mở các văn phòng đại diện, chi nhánh lữ hành tại các trung tâm du lịch lớn của cả nước và một số nước trong khu vực.

1.4. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về lĩnh vực du lịch

- Dữ liệu về tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn;

- Dữ liệu về cơ sở lưu trú, hoạt động lữ hành, các dịch vụ khác, số liệu thống kê kết quả hoạt động du lịch;

- Dữ liệu về pháp luật, cơ chế chính sách, các dự án đầu tư về du lịch;

- Dữ liệu về các tua, tuyến du lịch trọng điểm của địa phương;

- Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin cho khách du lịch qua trang web du lịch Nghệ An và tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, sân bay Vinh, nhà ga và các trọng điểm du lịch.

1.5. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển du lịch

- Nâng cao chất lượng lập quy hoạch các khu, điểm du lịch; tổ chức triển khai lập các dự án về du lịch để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, trong đó tập trung cho dự án phát triển đảo Ngư thành đảo du lịch và các dự án ở thành phố Vinh, dọc bờ biển các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và miền Tây Nghệ An. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch ở trong và ngoài nước do tỉnh và Tổng cục Du lịch tổ chức, gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, đầu tư; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, nhất là đối với hoạt động lữ hành và một số sản phẩm du lịch đặc thù: du lịch cộng đồng.

2. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Nghệ An

2.1. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các khu điểm du lịch hiện có, đầu tư xây dựng một số khu, điểm du lịch mới với các sản phẩm du lịch đa dạng, có sức hấp dẫn cao để thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài, trong đó

- Trọng tâm là khai thác có hiệu quả quần thể Khu di tích Kim Liên gắn với hệ thống các di tích trên địa bàn Nam Đàn từng bước xây dựng Khu di tích Kim Liên trở thành khu du lịch quốc gia, là điểm nhấn đặc biệt cho thương hiệu du lịch Nghệ An và tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng Khu lưu niệm Cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong gắn với Khu tưởng niệm liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh, khu di tích Truông Bồn, khu lưu niệm Cụ Phan Bội Châu, chùa Đại Tuệ, các dự án trùng tu đền Cờn, đền Quả Sơn,...

- Phát triển bền vững sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển trên cơ sở xây dựng Cửa Lò thành đô thị du lịch có môi trường trong sạch, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn đồng thời tích cực đầu tư một số khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển: đảo Ngư, bán đảo Lan Châu, Nghi Thiết, đền Cuông - Cửa Hiền, Đông Hồi, khu du lịch nước khoáng nóng Giang Sơn; kết hợp du lịch nghỉ dưỡng với du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái làng quê, du lịch hội nghị, hội thảo nhằm kéo dài thời gian hoạt động kinh doanh trong năm của du lịch biển; từng bước triển khai quy hoạch phát triển du lịch khu vực lân cận như hồ Khe Gỗ (Nghi Lộc), hồ Vực Mấu (Quỳnh Lưu), hồ Xuân Dương (Diễn Châu), dự án khu du lịch sinh thái và bảo tồn động vật quý hiếm ở Nghi Kiều (Nghi Lộc), Khu tổ hợp Thương mại và Du lịch đảo Ngư.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch thành phố Vinh và vùng phụ cận: Khu lâm viên Núi Quyết - Bến Thủy, Khu du lịch sinh thái ven sông Lam gắn với trùng tu tôn tạo xứng tầm các di tích lịch sử Thành cổ Vinh, đền Hồng Sơn, đền Hoàng Mười, chùa Cần Linh, phục dựng Văn Miếu Vinh, chùa Diệc gắn với khai thác các công trình hiện có như: Quảng Trường Hồ Chí Minh, đền thờ Vua Quang Trung, hệ thống các bảo tàng, Trung tâm Điện ảnh, Thư viện tỉnh,…; từng bước hình thành tuyến du lịch ven sông Vinh.

- Tích cực xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu du lịch thác Xao Va, khu du lịch thác Kèm gắn với các tua du lịch đi bộ, leo núi trong Vườn quốc gia, du lịch trên sông Giăng, du lịch tìm hiểu văn hóa cộng đồng làng bản dân tộc Con Cuông, Quỳ Châu.

2.2. Khai thác giá trị văn hóa phi vật thể để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn

- Trước mắt tập trung xây dựng các chương trình du lịch gắn với lễ hội truyền thống trong năm của tỉnh như Lễ hội Làng Sen, Lễ hội Vua Mai, Lễ hội đền Cờn, Lễ hội Du lịch Biển Cửa Lò, Lễ hội Hang Bua,…để thu hút khách. Từng bước nghiên cứu nâng cấp Lễ hội du lịch Cửa Lò trở thành Festival du lịch biển Cửa Lò.

- Xây dựng mô hình các đội văn nghệ quần chúng trên cơ sở các câu lạc bộ dân ca, dân vũ tại các địa phương để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, trước mắt là tại một số địa bàn trọng điểm: Nam Đàn, Diễn Châu, vùng văn hóa dân tộc Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong.

- Tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề truyền thống để sản xuất hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch và xây dựng các điểm tham quan du lịch gắn với chương trình phát triển làng nghề của tỉnh, nhất là địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An.

2.3. Khai thác các tuyến du lịch hiện có và từng bước triển khai các tuyến du lịch mới, gắn du lịch văn hóa tâm linh với các lễ hội truyền thống, trong đó:

- Tập trung khai thác phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh để phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng biển, sinh thái…; kết hợp các loại hình du lịch để tạo ra các tua du lịch đa dạng, hấp dẫn; khai thác phát triển loại hình du lịch hội nghị, hội thảo, gắn với tua du lịch tham quan các công trình văn hoá, di tích lịch sử, mô hình phát triển kinh tế, điểm mua sắm, ẩm thực, khu vui chơi giải trí, các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao… để kéo dài ngày khách và tăng nguồn thu cho du lịch.

- Ưu tiên phát triển các tuyến du lịch đường bộ liên tỉnh, liên vùng, trong đó các tuyến du lịch từ Vinh tới thủ đô Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Lào, Thái Lan nhằm làm cầu nối giữa du lịch tỉnh Nghệ An với các vùng du lịch khác trong cả nước và các nước trong khu vực. Từng bước khai thông tuyến du lịch đường hàng không để tổ chức nối tuyến du lịch liên tỉnh, thành phố với du lịch quốc tế đến các nước bạn Lào, Trung Quốc, Hồng Kông...

- Tiếp tục phối hợp với các tỉnh triển khai các chương trình liên kết du lịch như: Hành trình các kinh đô Việt cổ, Hành trình theo chân Bác,...

2.4. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, phát triển bền vững

- Nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách theo đúng chuẩn mực và hệ thống tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.

- Tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy hiểm, cứu hộ cứu nạn tại các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch.

- Quy hoạch và tổ chức quản lý chặt chẽ các cơ sở dịch vụ bán hàng hóa, xe lai, chụp ảnh tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn.

- Xây dựng và củng cố hệ thống nhà vệ sinh công cộng đảm bảo tiêu chuẩn quy định tại các điểm tham quan du lịch, trạm dừng chân, điểm bán xăng dầu trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

- Xây dựng đề án bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với môi trường và biến đổi khí hậu tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Từng bước xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường tại 2 huyện Con Cuông, Quỳ Châu.

3. Xây dựng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trước mắt và lâu dài

- Tập trung cho bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh, nhất là đội ngũ giám đốc các khách sạn nhỏ và vừa, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ buồng, bàn, lễ tân… Khuyến khích liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp để phát triển hình thức đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng.

- Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong tỉnh, đặc biệt là về kỹ năng thực hành, đạt chuẩn chung của tiêu chuẩn quốc gia (VTOS) và thông lệ quốc tế đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề du lịch trên địa bàn.

- Đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh.

- Chỉ đạo triển khai áp dụng các Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch vừa được Nhà nước ban hành gắn với việc tổ chức và quản lý chặt chẽ hoạt động thi tay nghề hàng năm, tôn vinh các cá nhân có trình độ tay nghề giỏi.

4. Đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch

- Tích cực đầu tư cho hạ tầng du lịch tạo môi trường thu hút đầu tư phát triển các khu điểm du lịch. Trong giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến nguồn vốn ngân sách đầu tư hạ tầng du lịch là 1.480 tỷ đồng (bao gồm 14 dự án, trong đó có 04 dự án chuyển tiếp và 10 dự án mới), trong đó ngân sách địa phương 940 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 540 tỷ đồng (có biểu kèm theo), trong đó trọng tâm là đầu tư hạ tầng cho một số khu du lịch trọng điểm như: Đảo Ngư, Công viên bãi tắm và các đường trục thị xã Cửa Lò, đường ven biển Quỳnh, hạ tầng du lịch Vườn quốc gia Pù Mát, Nghi Thiết, đường ven sông Lam,...

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng ven biển, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, hệ thống khách sạn và công trình dịch vụ phục vụ khách du lịch, phương tiện vận chuyển khách,... phấn đấu thu hút được 4.500 - 5.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển sản phẩm du lịch. Đến năm 2015 Nghệ An có 2.370 phòng nghỉ cao cấp và 25.146 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, phát triển các lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch. Ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực thực sự.

5. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch

- Kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.

- Tổ chức chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt gắn với Đề án phát triển du lịch biển đảo đến năm 2020 đảm bảo khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh và phát triển du lịch bền vững, theo đúng định hướng đề ra.

- Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy hoạch và các dự án đầu tư về du lịch đảm bảo cho việc tuân thủ các quy trình, thủ tục từ xây dựng quy hoạch cụ thể đến lập dự án đầu tư, tránh tình trạng tự ý thay đổi mục đích, danh mục, thiết kế làm phá vỡ quy hoạch chung và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cảnh quan của tài nguyên du lịch như chia lô, xé lẻ đất, bê tông hóa,..., đặc biệt là đối với các khu du lịch ven biển, khu du lịch sinh thái miền Tây Nghệ An. Kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở dịch vụ manh mún, tạm bợ.

- Xây dựng cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ chế chính sách đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề.

- Tiếp tục mở rộng quan hệ liên kết hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế.

- Rà soát củng cố tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức quản lý Nhà nước về du lịch từ tỉnh đến các huyện, thành, thị đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.

- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành thông qua vai trò hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực du lịch về quy trình xử lý công việc trong lĩnh vực du lịch, nhất là về thủ tục đầu tư.

- Củng cố và phát huy vai trò của các hiệp hội nghề du lịch trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp: xây dựng mô hình doanh nghiệp tiêu biểu, đào tạo đội ngũ doanh nhân du lịch, hợp tác liên kết trong và ngoài tỉnh,…

III. Phân công thực hiện

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tham mưu trình UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch cụ thể từng năm.

- Theo dõi đôn đốc các Sở, ngành, địa phương thực hiện Chương trình thuộc ngành, địa phương mình, định kỳ 6 tháng một lần báo cáo UBND tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư về du lịch.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ: triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020, Đề án phát triển du lịch biển đảo đến năm 2020, Chương trình xúc tiến du lịch đến năm 2015 và Đề án Xây dựng Thương hiệu du lịch Nghệ An; các dự án đa dạng hóa chất lượng sản phẩm du lịch, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển lữ hành, cơ chế chính sách khuyến khích các sản phẩm du lịch đặc thù...

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì phối hợp với các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài chính xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch giai đoạn 2011 - 2015.

- Tham mưu phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định nguồn vốn đầu tư hàng năm cho các dự án theo chương trình được phê duyệt.

3. Sở Tài chính

- Bố trí nguồn vốn hàng năm thực hiện nội dung chương trình đã được phê duyệt.

- Thẩm định, thanh quyết toán các công trình, dự án có vốn đầu tư từ nguồn ngân sách.

4. Sở Giao thông vận tải

Chủ trì xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững.

6. Đài PTTH, Báo Nghệ An

Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch Nghệ An trên các phương tiện thông tin đại chúng.

7. Sở Y tế

Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động du lịch.

8. UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh

- Chủ trì triển khai các chương trình phát triển du lịch trên địa bàn;

- Phối hợp với các ngành chức năng lập quy hoạch cụ thể các khu, điểm du lịch trên địa bàn;

- Quản lý tài nguyên du lịch trên địa bàn;

- Chủ trì triển khai thực hiện công tác đảm bảo trật tự trị an, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn.

9. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng

Phối hợp chặt chẽ giữ gìn an ninh chính trị quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch đảm bảo thuận lợi cho khách du lịch khi đến với Nghệ An.

IV. Kinh phí thực hiện Chương trình

1. Ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh

Ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh tập trung ưu tiên hỗ trợ cho đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, bảo vệ tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm mới và các hoạt động quản lý nhà nước về du lịch.

2. Đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và huy động nguồn vốn hợp pháp khác

- Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch, sản xuất các sản phẩm du lịch, xây dựng và quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình, đầu tư khai thác mở rộng thị trường, đào tạo lao động,…

- Đóng góp của các doanh nghiệp và nhà tài trợ khác cho xây dựng và phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện du lịch,…

Tổng hợp nguồn kinh phí và dự toán chi tiết: (Có các phụ lục kèm theo)

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các huyện, thành, thị tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa và các huyện trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đường