Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3200/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ KIỆN TOÀN NHÂN SỰ, QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG BẢO HỘ LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 10413/TTr-SLĐTBXH ngày 05 tháng 6 năm 2015 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2220/TTr-SNV ngày 24 tháng 6 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay kiện toàn nhân sự Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố Hồ Chí Minh, gồm các thành viên như sau:

1. Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng;

2. Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng;

3. Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Thường trực;

4. Ông Dương Văn Phóng, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố, Ủy viên;

5. Ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế, Ủy viên;

6. Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy viên;

7. Ông Tôn Trí Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Ủy viên;

8. Ông Nguyễn Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Ủy viên;

9. Ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy viên;

10. Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển, Ủy viên;

11. Ông Phạm Huy Thông, Phó Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Ủy viên;

12. Ông Trương Văn Dõng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Triển lãm Thành phố, Ủy viên;

13. Ông Nguyễn Đắc Hiền, Phân Viện Bảo hộ Lao động và Bảo vệ Môi trường miền Nam, Ủy viên;

14. Ông Hoàng Cảnh Dương, Trưởng phòng Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên;

15. Ông Nguyễn Thanh Xuyên, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng, Ủy viên.

* Ban Thường trực Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố Hồ Chí Minh gồm các thành viên;

1. Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng;

2. Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng;

3. Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Thường trực.

Điều 2. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, bãi bỏ các Quyết định số 4888/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về kiện toàn tổ chức Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 3624/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về thay đổi thành viên Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các Sở - ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các ông, bà có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy;
- UBMTTQ Việt Nam TP và các đoàn thể:
- Sở Nội vụ (3b);
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (3b);
- VPUB: CPVP;
- Các phòng CV;
- Lưu: VT, VX.(Th2)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG BẢO HỘ LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3200/QĐ-UBND ngày 30/06/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)

Chương I

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 1. Chức năng

Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố được thành lập gồm đại diện lãnh đạo các Sở Ban ngành Thành phố có liên quan, nhằm giúp Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức triển khai và thực hiện tốt pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Thành phố. Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân Thành phố và có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố:

1. Xây dựng kế hoạch chiến lược lâu dài về công tác bảo hộ lao động, về an toàn lao động, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ và an toàn thi công công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố; tổ chức triển khai thúc đẩy phong trào thi đua bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện làm việc, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ trên địa bàn Thành phố.

2. Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

3. Chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện công tác bảo hộ lao động và an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ trên địa bàn Thành phố.

Điều 2. Nhiệm vụ

1. Phối hợp với các ngành, các cấp, các cơ quan Báo, Đài thường xuyên tổ chức phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, công nhân, nhân dân lao động về chế độ, chính sách Nhà nước về bảo hộ lao động, về tiêu chuẩn, Quy chuẩn và quy phạm kỹ thuật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

2. Xây dựng nội dung chương trình và kế hoạch tổ chức các hoạt động Tuần lễ quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ hàng năm của Thành phố theo chỉ đạo của Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương. Hướng dẫn, chỉ đạo các Sở - ban - ngành Thành phố, Quận - huyện, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn Thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ của Thành phố.

3. Xây dựng nội dung Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; lập kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung theo chỉ tiêu kế hoạch hằng năm.

4. Tổ chức hướng dẫn Hội đồng Bảo hộ lao động của các Sở - ban - ngành Thành phố, Quận - huyện và của các doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt các quy định của Nhà nước và của Ủy ban nhân dân Thành phố về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn.

5. Tổ chức kiểm tra hoạt động của Hội đồng Bảo hộ lao động các Sở - ban - ngành Thành phố, Quận - huyện, doanh nghiệp theo đúng quy định về công tác kiểm tra của Chính phủ.

6. Tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn, kết quả hoạt động công tác bảo hộ lao động của Thành phố, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết những khó khăn vướng mắc, những phát sinh, tồn đọng trong quá trình thực hiện.

7. Thực hiện các tờ tin, tạp chí, ấn phẩm hoặc các hình thức thông tin khác về bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ theo quy định của Nhà nước về văn hóa thông tin hiện hành.

Điều 3. Quyền hạn

1. Được quyền yêu cầu Giám đốc các Sở - ban - ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh có trụ sở chính đóng trên địa bàn báo cáo về công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.

2. Có quyền kiến nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc các ngành chức năng kịp thời khen thưởng những nhân tố tích cực, gương điển hình hoặc đề xuất xử phạt hành chính, truy tố trước pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Huy động các Sở - ban - ngành Thành phố, các Quận - huyện, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia các kế hoạch, chương trình hoạt động về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ của Thành phố được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

4. Thành lập bộ phận quản lý, giám sát chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn lao động và vệ sinh lao động, thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra theo sự phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

Chương II

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CHẾ ĐỘ SINH HOẠT

Điều 4. Tổ chức bộ máy

1. Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ra quyết định công nhận; Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch, có 01 Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng; các thành viên Hội đồng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng mức chi bồi dưỡng kiêm nhiệm theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố sử dụng con dấu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 5. Chế độ sinh hoạt

1. Chế độ sinh hoạt định kỳ:

- Hội đồng tổ chức phiên họp toàn thể thành viên 04 kỳ họp trong năm do Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố chủ trì, đánh giá tình hình thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ và thảo luận các nội dung, chương trình hoạt động của Hội đồng.

- Ban Thường trực Hội đồng họp định kỳ 02 tháng một lần, thời gian họp do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố chủ trì, thảo luận các nội dung chủ yếu sau: Sơ kết công tác quý trước và bàn triển khai các chương trình hoạt động của Hội đồng Bảo hộ lao động trong quý; chuẩn bị nội dung, chương trình công tác và các văn kiện báo cáo cho phiên họp toàn thể của Hội đồng Bảo hộ lao động; đề xuất những vấn đề xin ý kiến giải quyết của Hội đồng.

2. Chế độ sinh hoạt đột xuất:

Khi có yêu cầu đột xuất phát sinh, tùy tính chất quy mô sự việc, Chủ tịch Hội đồng sẽ triệu tập phiên họp Ban Thường trực hay họp toàn thể Hội đồng để thảo luận giải quyết.

3. Chế độ báo cáo:

Định kỳ hằng năm Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố tổ chức sơ kết, tổng kết công tác bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ báo cáo trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét chỉ đạo.

Điều 6. Kế hoạch và kinh phí hoạt động:

Hăng năm Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố lập kế hoạch công tác và chương trình, mục tiêu Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

Kinh phí phục vụ cho hoạt động của Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố hàng năm được ngân sách Thành phố bảo đảm, Sở Tài chính có trách nhiệm duyệt kế hoạch ngân sách cho các Sở - ngành thành viên Hội đồng và ghi ngoài phần khoán chi phí hành chính của từng đơn vị thành viên trên cơ sở kế hoạch được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Căn cứ vào Quy chế này, Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố phân công các thành viên của Hội đồng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành nhằm phát huy vai trò nhiệm vụ của Hội đồng, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo và quản lý tốt công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn Thành phố.

Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3200/QĐ-UBND năm 2015 về kiện toàn nhân sự, Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Bảo hộ lao động Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 3200/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/06/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Hứa Ngọc Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/06/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản