Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỦ TRƯƠNG CẢI TIẾN VÀ MỞ RỘNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG

Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ, trong phiên họp ngày 27 tháng 1 năm 1977 đã bàn về vấn đề cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng và đã quyết định như sau:

Cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng là một khâu quan trọng trong cải tiến quản lý kinh tế, nhằm góp phần xóa bỏ từng bước phương thức quản lý bao cấp để chuyển sang thực hiện phương thức quản lý theo chế độ hạch toán kinh tế, nâng cao hiệu quả của sản xuất, kinh doanh, hiệu quả của tiền vốn.

Để thực hiện việc cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng, cần phải chuẩn bị và tạo các tiền đề cần thiết như xác lập quyền tự chủ của xí nghiệp (ban hành điều lệ xí nghiệp), cải tiến chế độ kế hoạch hóa, cải tiến chế độ quản lý tài chính xí nghiệp, chế độ cung ứng vật tư, giá cả, tiền lương, v.v…; thì mới phát huy được đầy đủ tác dụng của tín dụng. Vì vậy phải thực hiện việc cải tiến quản lý tương đối có hệ thống, đồng bộ; nhưng không cầu toàn, chờ đợi, mà phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, rồi bổ sung và nâng cao, mở rộng tín dụng một cách có trọng tâm, trọng điểm, qua từng bước vững chắc.

I. VỀ CHO VAY VỐN LƯU ĐỘNG

1. Căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất kinh doanh của xí nghiệp và các điều kiện cung ứng nguyên, nhiên, vật liệu, điều kiện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của năm 1977. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cùng phối hợp với các ngành chủ quản tiến hành tính toán và xét duyệt tại định mức vốn lưu động của xí nghiệp, trên cơ sở đó mà xác định phần vốn lưu động do ngân sách Nhà nước cấp phát.

Phần vốn cấp phát của ngân sách quy định theo tỷ lệ sau đây (so với định mức vốn lưu động được xét duyệt):

- Khoảng 20% đối với các cửa hàng thương nghiệp bán lẻ, các cửa hàng ăn uống công cộng và phục vụ;

- Khoảng 50% đối với các công ty thương nghiệp bán buôn nội địa và xí nghiệp cung tiêu;

- Khoảng từ 50% đến 70% đối với các xí nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, v.v… tùy theo loại sản phẩm và tùy theo chu kỳ sản xuất.

Cần thực hiện sát điều kiện cụ thể và rút kinh nghiệm để cải tiến công việc này.

2. Hàng năm Nhà nước không tiến hành xét duyệt lại định mức vốn lưu động của xí nghiệp:

a) Đối với những xí nghiệp mới đưa vào sản xuất, ngân sách Nhà nước cấp phát số vốn lưu động cần thiết ban đầu.

b) Đối với những xí nghiệp đã đi vào sản xuất, Nhà nước chỉ xét duyệt lại định mức vốn lưu động (tăng hoặc giảm mức cấp phát vốn của ngân sách) khi nào nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp có thay đổi lớn; giá trị tổng sản lượng hoặc doanh số tăng hoặc giảm khoảng từ 30% đến 50% trở lên, tùy theo trình độ sử dụng công suất thiết bị, tùy theo xí nghiệp nông nghiệp hay công nghiệp, v.v…

3. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, xí nghiệp sẽ vay vốn của Ngân hàng Nhà nước để giải quyết mọi nhu cầu tăng thêm về vốn lưu động vượt quá định mức, (không phân biệt trong kế hoạch hay ngoài kế hoạch), nếu các nguồn vốn bổ sung khác, bao gồm cả việc sử dụng một phần lợi nhuận để lại cho xí nghiệp, vẫn không đủ để bảo đảm mọi hoạt động bình thường của xí nghiệp.

4. Các Tổng công ty, Liên hiệp xí nghiệp, v.v… được giữ lại từ 1% đến 3% của phần vốn lưu động do ngân sách cấp phát cho các xí nghiệp để điều hòa trong nội bộ ngành.

II. VỀ CHO VAY VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN

1. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mở rộng và làm tốt việc cho vay bổ sung thiết bị, áp dụng kỹ thuật mới, chế thử sản phẩm mới, tổ chức sản xuất phụ, v.v… nhằm huy động mọi khả năng tiềm tàng của xí nghiệp, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm thêm mặt hàng mới.

2. Đối với các công trình xây dựng cơ bản mới, Ngân hàng Nhà nước cho vay vốn, nếu đơn vị vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện do Ngân hàng Nhà nước quy định; điều kiện quan trọng nhất là sớm phát huy hiệu quả, bảo đảm thời hạn trả nợ bằng nguồn lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản của xí nghiệp.

III. VỀ CHO VAY TIÊU DÙNG

Tiếp tục thực hiện cho vay tiền làm nhà hoặc mua nhà ở, nhưng người vay phải có điều kiện là thường xuyên gửi tiền tiết kiệm và có một số dư nhất định, xem đây là một biện pháp động viên nhân dân gửi tiền tiết kiệm để góp phần cùng Nhà nước giải quyết vấn đề nhà ở.

Hiện nay, chưa có điều kiện mở rộng cho vay trong các lĩnh vực tiêu dùng khác.

IV. VỀ CHO VAY BẰNG NGUỒN VỐN NGOẠI TỆ

Bằng nguồn vốn ngoại tệ vay của ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước có thể cho các xí nghiệp, liên hiệp xí nghiệp, Tổng công ty vay vốn để nhập khẩu thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ, nguyên vật liệu và phụ tùng; bên vay vốn phải thuyết minh đầy đủ hiệu quả của việc sử dụng vốn vay và bảo đảm trả nợ bằng ngoại tệ (bằng cách tăng xuất khẩu).

Trường hợp vay ngoại tệ, nhưng không hoàn trả bằng ngoại tệ thì phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

V. VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC

1. Về lãi suất, cần xem xét và giải quyết một cách toàn diện lãi suất tiền vay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm, v.v…; Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và trình Chính phủ biểu lãi suất cụ thể.

2. Việc cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể, sẽ bàn vào dịp Chính phủ nghe lại báo cáo về việc thi hành chủ trương giải quyết nợ khê động trong khu vực kinh tế tập thể.

3. Việc cho vay đối với các công ty xây lắp bao thầu sẽ bàn vào dịp Chính phủ bàn về việc cải tiến công tác xây dựng cơ bản.

4. Việc chuyển ngân hàng kiến thiết từ Bộ Tài chính sang Ngân hàng Nhà nước, sẽ bàn vào dịp Chính phủ bàn về điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (và của Bộ Tài chính).

Căn cứ phương hướng, nguyên tắc, nội dung và phạm vi của việc cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng như trên, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cùng các ngành có liên quan bàn bạc cụ thể. Sau đó, liên bộ Tài Chính – Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành dưới hình thức một văn bản tạm thời để công bố thi hành bắt đầu từ quý II-1977; qua một quá trình thực hiện, sẽ rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn chỉnh và trình Chính phủ xem xét lại và ban hành chính thức.

Trong quý I-1977, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cùng Ban nghiên cứu quản lý kinh tế nghiên cứu gấp một số chế độ, thể lệ liên quan trực tiếp đến điều lệ xí nghiệp trình Chính phủ cho ban hành đồng thời khi ban hành điều lệ xí nghiệp.

Ngân sách Nhà nước năm 1977 đã được thông qua trên cơ sở thực hiện chủ trương mở rộng cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn tín dụng Ngân hàng Nhà nước bắt đầu ngay từ ngày 1 tháng 1 năm 1977; nay việc thực hiện chủ trương này lùi lại đến đầu quý II-1977 mới thực hiện. Để bảo đảm thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản theo đúng chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần có biện pháp giải quyết thích hợp trong bước chuyển tiếp, không để việc xây dựng bị chậm trễ hoặc gián đoạn.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Duy Trinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 32-CP năm 1977 về chủ trương cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 32-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/02/1977
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: 28/02/1977
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 26/02/1977
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản