Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2016/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 01 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện chăn nuôi lợn, trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học;

Căn cứ Thông tư số 33/2011/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện vệ sinh thú y;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 328/TTr-STNMT ngày 25 tháng 10 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành tỉnh,

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức triển khai thực hiện nội dung Quyết định này; đồng thời, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết và thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2016 và bãi bỏ Quyết định số 07/2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Minh Chiến

 

QUY ĐỊNH

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 01 tháng năm 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ môi trường, hoạt động thú y và các hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thú y được khuyến khích trong chăn nuôi

1. Nguyên tắc bảo vệ môi trường và hoạt động thú y:

a) Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

b) Bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải.

c) Thực hiện phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương; phát hiện nhanh, chính xác, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh động vật, nguồn lây dịch bệnh động vật; ngăn chặn kịp thời sự lây nhiễm, lây lan của đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

d) Phòng, chống dịch bệnh động vật trước hết là trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi; cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật kịp thời, hiệu quả.

đ) Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.

e) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

2. Các hoạt động bảo vệ môi trường và hoạt động thú y được khuyến khích trong chăn nuôi:

a) Truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

b) Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; xây dựng cơ sở chăn nuôi tập trung; đăng ký cơ sở, sản xuất thân thiện với môi trường; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

c) Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. d) Giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.

đ) Tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật; xã hội hóa hoạt động thú y, bảo hiểm vật nuôi.

e) Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô zôn.

g) Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường.

h) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thực hành tốt, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong lĩnh vực thú y; ứng dụng công nghệ xử lý, tái tạo chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi

a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm làm lây lan dịch bệnh động vật.

b) Khai báo, lập danh sách, xác nhận không đúng số lượng, khối lượng động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật nhiễm bệnh phải tiêu hủy; khai báo, xác nhận không đúng số lượng, khối lượng vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh động vật với mục đích trục lợi.

c) Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

d) Vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường.

đ) Vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật đã công bố và sản phẩm của chúng ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.

e) Tiêu hủy không đúng quy định hoặc không tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc diện phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

g) Nhập khẩu, quá cảnh động vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép theo quy định của pháp luật.

h) Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong các khu vực dân cư tập trung. i) Thả rông gia súc, gia cầm gây mất vệ sinh môi trường.

k) Xả thải ra môi trường không đúng quy định của pháp luật.

Chương II

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI

Điều 5. Điều kiện của cơ sở chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi gia súc tập trung

1. Vị trí, địa điểm xây dựng chuồng trại:

a) Vị trí xây dựng chuồng trại phải phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu xem xét trên cơ sở tham chiếu các quy định của QCVN 01-14:2010/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

b) Khoảng cách từ trang trại, chuồng trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ gia súc, chợ buôn bán gia súc tối thiểu 01km.

c) Địa điểm xây dựng chuồng trại, trang trại phải có nguồn nước sạch và đủ trữ lượng cho chăn nuôi; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải.

2. Quy định về chuồng trại:

a) Chuồng trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại.

b) Chuồng trại chăn nuôi phải bố trí riêng biệt các khu: Khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu tắm rửa, khử trùng, thay quần áo cho công nhân và khách tham quan; khu cách ly heo bệnh; khu tập kết chất thải.

c) Cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng.

d) Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, có độ dốc từ 3 - 5% đối với chuồng nền.

đ) Đường thoát nước thải từ chuồng trại nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.

e) Chuồng trại phải vệ sinh định kỳ, đảm bảo phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh.

3. Quy định về xử lý chất thải:

a) Các cơ sở chăn nuôi, trang trại chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong quá trình chăn nuôi.

b) Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp như: Chất thải rắn trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành của thú y.

c) Chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng; chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất hoặc bằng phương pháp xử lý phù hợp; nước thải sau quá trình xử lý, thải ra môi trường phải đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi, cụ thể đối với cơ sở chăn nuôi: Có tổng lượng nước thải lớn hơn hoặc bằng 5m3/ngày thì giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải phải đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT; có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 2m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh; có tổng lượng nước thải từ 2m3/ngày đến dưới 5m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất như biogas (hệ thống khí sinh học) hoặc đệm lót sinh học phù hợp tiêu chuẩn quốc gia.

Đối với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi heo theo quy mô trang trại thì ngoài việc áp dụng QCVN 62-MT:2016/BTNMT thì cần áp dụng thêm tiêu chuẩn yêu cầu vệ sinh nước thải chăn nuôi heo tại phụ lục ban hành kèm theo QCVN 01-14:2010/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, cụ thể như chỉ tiêu: Coliform tổng có giới hạn tối đa là 5.000 MPN/100ml, Coli phân 500 MPN/100ml, Salmonella không phát hiện MPN/50ml.

Đối với nước thải chăn nuôi xả vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung phải tuân thủ theo quy định của đơn vị quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung.

d) Định kỳ phát hoang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu nuôi ít nhất 01 lần/tháng.

đ) Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 01 lần/02 tuần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu vực chăn nuôi và các dãy chuồng ít nhất 01 lần/tuần khi không có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên heo 01 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo các hướng dẫn của nhà sản xuất.

e) Đối với gia súc mắc bệnh, xác vật nuôi mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch thì phải thực hiện công bố dịch và tiêu hủy theo quy định của Thông tư số 33/2011/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện vệ sinh thú y - QCVN 01-41:2011/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu xử lý vệ sinh đối với việc tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật.

g) Đảm bảo chất lượng không khí xung quanh và tiếng ồn theo quy định hiện hành.

Điều 6. Bảo vệ môi trường tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung

1. Quy định về vị trí, địa điểm:

a) Vị trí xây dựng cơ sở, trang trại chăn nuôi gia cầm phải phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu xem xét trên cơ sở tham chiếu các quy định của QCVN 01-15:2010/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và điều kiện cụ thể, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Cơ sở, trại chăn nuôi gia cầm phải xây dựng cách biệt, cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở, khu dân cư đông người và đường giao thông liên tỉnh, liên huyện ít nhất 100m.

2. Quy định về chuồng trại, trang trại chăn nuôi:

a) Phải có hàng rào hoặc tường kín bao quanh cách biệt với bên ngoài để bảo đảm hạn chế người và động vật từ bên ngoài xâm nhập vào trại.

b) Trước cổng có hố khử trùng và phương tiện khử trùng, tiêu độc, có biển báo một số điều cấm hoặc hạn chế đối với khách ra vào trại; có thiết bị tẩy uế khử trùng các loại phương tiện vận chuyển, người và vật dụng tại cổng ra vào trại, khu chăn nuôi.

c) Chuồng trại phải bảo đảm thông thoáng, ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ phù hợp với các giai đoạn nuôi dưỡng gia cầm (gia cầm con, hậu bị, sinh sản); có hố khử trùng ở lối ra vào chuồng nuôi, có ngăn cách giữa các khu chăn nuôi (khu nuôi gia cầm con, khu nuôi gia cầm hậu bị, khu nuôi gia cầm sinh sản).

d) Cống thoát nước thải phải có độ dốc thích hợp khoảng 3 - 5%, không bị ứ đọng nước.

đ) Diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với số lượng gia cầm.

e) Đối với nhà ấp trứng thì phải có hàng rào ngăn cách với bên ngoài và các khu vực khác trong trại chăn nuôi; phải bố trí phù hợp thuận lợi bảo đảm nguyên tắc một chiều tránh ô nhiễm chéo trong khu vực, bao gồm nơi nhận, phân loại và sát trùng trứng; kho bảo quản trứng; phòng để máy ấp trứng và soi trứng; phòng để máy nở; phòng chọn trống, mái, đóng hộp gia cầm con và phòng xuất sản phẩm.

3. Quy định về xử lý chất thải:

a) Khu xử lý chất thải đảm bảo các điều kiện sau:

- Phải có đủ diện tích và điều kiện xử lý chất thải rắn, nước thải và gia cầm chết; khu xử lý chất thải ở phía cuối trại, có địa thế thấp của trại chăn nuôi; có nhà ủ phân, nền được làm bằng nguyên vật liệu chắc chắn, được chia thành các ô, phân gia cầm được thu gom chuyển về nhà chứa phân, phân được đánh đống ủ theo phương pháp nhiệt sinh học hoặc phương pháp tiêu độc khử trùng khác trước khi sử dụng vào mục đích khác;

- Rãnh thu gom nước thải chăn nuôi (nếu có): Độ dốc rãnh thu gom nước thải khoảng 3 - 5% có nắp đậy kín hoặc để hở; nước thải được chảy vào hệ thống bể lắng, hồ sinh học bậc 1 và 2 hoặc xử lý bằng công nghệ khác trước khi đổ ra ngoài;

- Bố trí lò thiêu xác hoặc hầm tiêu hủy trong khu xử lý chất thải cách xa tối thiểu 20m đối với giếng nước, nguồn nước mặt và chuồng nuôi;

- Tổng diện tích và cơ cấu diện tích giữa các khu phải phù hợp với công suất thiết kế của cơ sở, tránh tình trạng quá tải dễ gây nhiễm bẩn và khó khăn trong quá trình sản xuất, làm sạch và kiểm tra.

b) Chất thải lỏng thải ra môi trường phải được xử lý, không được thải trực tiếp ra môi trường; nước thải trong quá trình chăn nuôi đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi, cụ thể đối với cơ sở chăn nuôi: Có tổng lượng nước thải lớn hơn hoặc bằng 5m3/ngày thì giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải phải đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT; có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 2m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh; có tổng lượng nước thải từ 2m3/ngày đến dưới 5m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất như biogas (hệ thống khí sinh học) hoặc đệm lót sinh học phù hợp tiêu chuẩn quốc gia.

- Đối với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại thì ngoài áp dụng QCVN 62-MT:2016/BTNMT thì cần áp dụng thêm tiêu chuẩn quy định tại Bảng 4, phụ lục ban hành kèm theo QCVN 01-15:2010/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, cụ thể như chỉ tiêu: Coliform tổng số có giá trị tối đa là 5.000 MPN/100ml, Coli phân 500 MPN/100ml và Salmonella không phát hiện MPN/50ml.

- Đối với nước thải chăn nuôi xả vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung phải tuân thủ theo quy định của đơn vị quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung.

c) Chất thải rắn phải được xử lý các mầm bệnh trước khi sử dụng vào mục đích khác; chất độn chuồng phải được chuyển ra khỏi chuồng ngay sau khi gia cầm được chuyển ra khỏi chuồng, sau đó làm sạch, tẩy uế, khử trùng và để trống chuồng thời gian ít nhất 15 ngày, trước khi nuôi gia cầm mới.

d) Không khí chuồng nuôi phải đạt các chỉ tiêu quy định tại Bảng 2, phụ lục ban hành kèm theo QCVN 01-15:2010/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, cụ thể như sau: Vi khuẩn hiếu khí có giá trị tối đa là 106/m3, NH3 là 10ppm, H2S là 5ppm; không khí tại trại ấp trứng gia cầm phải đạt các tiêu chí quy định tại Bảng 3, phụ lục ban hành kèm theo QCVN 01-15:2010/BNNPTNT, cụ thể như sau: Nồng độ H2S có giá trị tối đa là 0,008mg/m3, nồng độ NH3 là 0,02mg/m3, vi khuẩn hiếu khí là 5,0 x 103 vi khuẩn/m3, độ nhiễm nấm mốc không khí là 5,0 x 103 bào tử/m3.

đ) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ, bảo đảm phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh.

e) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh và theo quy định tại QCVN 01-41:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu xử lý vệ sinh đối với việc tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật.

Điều 7. Bảo vệ môi trường đối với hộ chăn nuôi (chăn nuôi nông hộ)

a) Không chăn nuôi gia súc, gia cầm trong các khu dân cư tập trung.

b) Chuồng nuôi gia súc, gia cầm phải tách biệt với nhà ở; cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở, trục giao thông chính tối thiểu 100m; không được làm chuồng trên sông, kênh, mương, rạch công cộng.

c) Không thả rông để gia súc, gia cầm nuôi gây mất vệ sinh môi trường.

d) Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phải đảm bảo vệ sinh, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

đ) Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân thực hiện các quy định về xử lý chất thải chăn nuôi tại Khoản 3, Điều 5 và Khoản 3, Điều 6 của Quy định này.

Điều 8. Quy định về lập hồ sơ môi trường

1. Đối với dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại từ 1.000m2 trở lên thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết trình cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

2. Đối với các dự án, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại dưới 1.000m2 phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình cơ quan chức năng xác nhận theo thẩm quyền.

3. Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại nhỏ hơn 50m2 không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI

Điều 9. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Điều 10. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi và thực hiện các nhiệm vụ

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm.

2. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy định pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

3. Tổ chức thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi thuộc thẩm quyền quy định; xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của các dự án theo thẩm quyền.

4. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với các hành vi vi phạm.

5. Tiếp nhận, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về môi trường trong hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 11. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm

1. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Thú y và các quy định khác có liên quan đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

2. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững; quy hoạch phát triển chăn nuôi hoặc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch hệ thống lò giết mổ tập trung của tỉnh Bạc Liêu.

3. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan thẩm định các dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch hệ thống lò giết mổ tập trung của tỉnh Bạc Liêu.

4. Nghiên cứu, triển khai ứng dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học bền vững theo điều kiện cụ thể của tỉnh.

5. Tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

6. Phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y, giống vật nuôi và bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật.

7. Hướng dẫn, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn, trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học.

8. Phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về thú y, giống vật nuôi và bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan.

Điều 12. Công an tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Điều 13. Sở Y tế chịu trách nhiệm

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm lây nhiễm qua người cho cộng đồng, xã hội, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, nước sạch và vệ sinh môi trường; tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, nước sạch và vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm qua người trên địa bàn tỉnh; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh chịu trách nhiệm

Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

Điều 15. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu chịu trách nhiệm

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thú y, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn mình quản lý.

2. Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường và quy hoạch, kế hoạch phát triển chăn nuôi.

3. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và các nội dung khác có liên quan.

4. Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo thẩm quyền.

5. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường, về thú y, giống vật nuôi trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan thuộc thẩm quyền.

6. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường trong hoạt động chăn nuôi liên huyện hoặc giữa huyện với thị xã, thành phố theo quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường.

7. Chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, về thú y, giống vật nuôi cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Quy định này.

8. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn mình quản lý thực hiện đúng nội dung của Quy định này và các quy định khác có liên quan.

Điều 16. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm

1. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và giống vật nuôi trên phạm vi địa bàn mình quản lý.

2. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn, khu vực thuộc phạm vi quản lý và các nội dung khác có liên quan; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú y và các nội dung khác có liên quan.

3. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và giống vật nuôi đối với hoạt động chăn nuôi; hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện nghiêm Quy định này.

4. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, về thú y hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, về chăn nuôi cấp trên trực tiếp.

5. Tiếp nhận và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường, thú y và giống vật nuôi trong hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định có liên quan.

Điều 17. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi có trách nhiệm và nghĩa vụ

1. Tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và các quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Quy định này.

2. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi cho nhân viên, người lao động tại cơ sở, đơn vị mình và nhân dân trong khu vực; vận động cộng đồng xã hội tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tái sử dụng chất thải trong chăn nuôi để sản xuất khí đốt sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế sự biến đổi khí hậu.

3. Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung, giải pháp bảo vệ môi trường đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt và kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận.

4. Khi có nhu cầu thay đổi về vị trí, quy mô, công suất hoạt động của cơ sở chăn nuôi hoặc những nội dung khác so với báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận, chủ cơ sở phải có văn bản báo cáo giải trình với cơ quan đã thẩm định, xác nhận trước đó và chỉ được triển khai thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

5. Chấp hành chế độ thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; cung cấp đầy đủ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn thanh tra, kiểm tra khi đến làm việc; chấp hành và thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định của đoàn thanh, kiểm tra.

6. Thực hiện xử lý triệt để ổ dịch bệnh động vật do cơ sở mình phát sinh theo quy định tại Khoản 1, Điều 25 của Luật Thú y.

7. Thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và nhân viên thú y cấp xã.

8. Trả chi phí khắc phục hậu quả vi phạm; bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật do mình gây ra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

9. Chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm Quy định này gây thiệt hại cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện Quy định này; định kỳ hàng năm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thi hành Quy định này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.