Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do -Hạnh phúc
-------

Số: 32/2008/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH HƯỚNG DẪN TẠM THỜI PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU CHỈNH GIÁ VÀ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG DO BIẾN ĐỘNG GIÁ NGUYÊN LIỆU, NHIÊN LIỆU VÀ VẬT LIỆU XÂY DỰNG THUỘC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC DO BỘ Y TẾ QUẢN LÝ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 03/2008/NĐ-CP ngày 07/01/2008 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng và các văn bản có liên quan;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “Hướng dẫn tạm thời phương pháp điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Y tế quản lý”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và các cơ quan, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (Phòng Công báo);
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản QPPL);
- Bộ XD (2b); Bộ KH&ĐT(3b); Bộ TC(2b);
- Các đơn vị trực thuộc (78b);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Y tế;
- Lưu: VT, PC, KH-TC, TB-CT(5b).

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Chí Liêm

 

HƯỚNG DẪN TẠM THỜI

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU CHỈNH GIÁ VÀ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG DO BIẾN ĐỘNG GIÁ NGUYÊN LIỆU, NHIÊN LIỆU VÀ VẬT LIỆU XÂY DỰNG THUỘC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC DO BỘ Y TẾ QUẢN LÝ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2008/QĐ-BYT ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Để đảm bảo ổn định và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư và nhà thầu đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Y tế quản lý, Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời phương pháp điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

a) Văn bản này hướng dẫn tạm thời việc điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, tổng mức đầu tư và hợp đồng xây dựng của chủ đầu tư và nhà thầu đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước do Bộ Y tế quản lý.

b) Việc điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được áp dụng đối với các gói thầu đã và đang triển khai thực hiện theo hình thức: “Giá hợp đồng trọn gói, hình thức giá hợp đồng theo đơn giá cố định” sang hình thức: “Giá hợp đồng theo giá điều chỉnh do giá vật liệu xây dựng biến động ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu”.

2. Nguyên tắc điều chỉnh

a) Điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được tính cho khối lượng thi công xây lắp từ năm 2007 chịu ảnh hưởng của biến động giá vật liệu xây dựng làm tăng (giảm) chi phí xây dựng công trình ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu.

b) Các loại vật liệu xây dựng được điều chỉnh (tăng, giảm) giá bao gồm (13 loại) vật liệu sau: Xăng, dầu, sắt thép các loại (bao gồm cả cáp thép, ống thép các loại), nhựa đường, xi măng, cát, đá, sỏi, gạch các loại, dây điện, cáp điện các loại, gỗ các loại (bao gồm cả cốp pha gỗ, cửa gỗ các loại), kính các loại. Riêng các cấu kiện dạng bán thành phẩm được tạo bởi các loại vật liệu xây dựng được điều chỉnh thì cũng được điều chỉnh theo quy định. Trường hợp cần điều chỉnh các loại vật liệu xây dựng khác do biến động giá thì chủ đầu tư xác định và báo cáo Bộ Y tế xem xét, quyết định.

c) Về thời điểm để tính chênh lệch vật liệu

Thời điểm để tính chênh lệch vật liệu là thời điểm nghiệm thu khối lượng hoàn thành theo giai đoạn, có thể theo tháng, quý hoặc giai đoạn quy định trong hợp đồng.

Giá vật liệu tại thời điểm tính chênh lệch để điều chỉnh là giá vật liệu tại thời điểm nghiệm thu khối lượng hoàn thành do Liên Sở Tài chính- Sở Xây dựng địa phương thông báo, công bố. Trường hợp có loại vật liệu không có trong thông báo, công bố của Liên Sở Tài chính- Sở Xây dựng địa phương thì Chủ đầu tư được phép lấy theo hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính phù hợp với mặt bằng giá thị trường nơi xây dựng công trình.

Giá trị chênh lệch giá vật liệu là chênh lệch giá vật liệu tại thời điểm điều chỉnh so với giá vật liệu xây dựng trong hợp đồng, dự toán gói thầu được duyệt hoặc giá vật liệu tại thời điểm 28 ngày trước ngày mở thầu (trường hợp đấu thầu) đối với hợp đồng được ký kết từ năm 2007, hoặc giá vật liệu tại thời điểm tháng 12/2006 hoặc quý IV năm 2006 nếu không có giá tại thời điểm tháng 12/2006 đối với hợp đồng được ký kết trước năm 2007. Trường hợp giá vật liệu xây dựng trong hợp đồng, dự toán gói thầu được duyệt thấp hơn giá vật liệu xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo hoặc công bố tại thời điểm tương ứng thì lấy giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo hoặc công bố.

Chứng từ, hoá đơn hợp lệ là chứng từ, hoá đơn theo quy định của Bộ Tài chính. Nhà thầu chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hoá đơn, chủ đầu tư kiểm tra, áp dụng. Trường hợp không xác định được giá vật liệu trên cơ sở hoá đơn do nhà thầu cung cấp (nhiều mức giá, mua từ trước, tại nhiều thời điểm) thì chủ đầu tư xem xét, quyết định áp dụng mức giá phù hợp với giá thị trường nơi xây dựng công trình tại thời điểm nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực thì có thể thuê tư vấn thẩm tra để xem xét, quyết định.

Đối với nhiên liệu (xăng, dầu...): Khi thực hiện bù trừ chi phí nhiên liệu, chủ đầu tư và nhà thầu xác định khối lượng hoặc tỷ trọng nhiên liệu trên cơ sở giá ca máy trong hợp đồng, định mức hao phí nhiên liệu tại các Thông tư của Bộ Xây dựng Hướng dẫn phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng công trình (Thông tư số 06/2005/TT-BXD ngày 15/4/2005, Thông tư số 03/2006/TT-BXD ngày 22/5/2006, Thông tư số 07/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007...). Trường hợp đối với các máy và thiết bị chưa quy định thì vận dụng mức tiêu hao nhiên liệu của các máy có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tương tự.

d) Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu và được tính cho khối lượng thi công xây lắp từ năm 2007 chịu ảnh hưởng của biến động giá vật liệu xây dựng và được lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung. Các chi phí tính theo tỷ lệ % của dự toán, như: chi phí thiết kế, chi phí thẩm định dự án… không tính bổ sung vào dự toán chi phí xây dựng điều chỉnh nêu trên (Công văn số 72/BXD-KTXD ngày 03/6/2008 của Bộ Xây dựng).

 đ) Việc điều chỉnh giá hợp đồng đối với các gói thầu đã thực hiện đấu thầu có giảm giá thì khi lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung của những khối lượng thi công chịu ảnh hưởng của biến động giá vật liệu xây dựng, các bên căn cứ vào nội dung hợp đồng đã được ký kết để thực hiện (nội dung hợp đồng có điều khoản giảm giá thì giá hợp đồng sau khi có dự toán chi phí xây dựng bổ sung nêu trên cũng tính giảm giá).

e) Điều chỉnh hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định sang hình thức giá hợp đồng theo giá điều chỉnh, cần xác định rõ các nội dung điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh và chỉ được tính từ thời điểm có biến động giá do chủ đầu tư và nhà thầu xác định phù hợp với tiến độ thực hiện.

3. Phương pháp điều chỉnh giá vật liệu xây dựng

a) Điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định cho từng hợp đồng thi công xây dựng công trình, từng gói thầu và cho cả dự án. Phần chi phí bổ sung do điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định bằng dự toán chi phí xây dựng bổ sung và là căn cứ để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu, điều chỉnh dự toán công trình và điều chỉnh tổng mức đầu tư.

b) Dự toán chi phí xây dựng bổ sung có thể xác định bằng cách tính bù trừ chi phí vật liệu trực tiếp hoặc hệ số điều chỉnh chi phí vật liệu. Hệ số điều chỉnh chi phí vật liệu do chủ đầu tư tổ chức tính toán hoặc áp dụng chỉ số giá do Bộ Xây dựng công bố hoặc chỉ số giá của Tổng cục Thống kê. Dự toán chi phí xây dựng bổ sung được xác định theo hướng dẫn tại phụ lục được ban hành kèm theo Thông tư 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng đính kèm văn bản này.

c) Xác định dự toán chi phí xây dựng bổ sung theo phương pháp hệ số điều chỉnh chi phí vật liệu.

Dự toán chi phí xây dựng bổ sung tính theo phương pháp hệ số điều chỉnh chi phí vật liệu được xác định trên cơ sở giá trị chi phí vật liệu trực tiếp, tỷ trọng chi phí vật liệu của các loại vật liệu được điều chỉnh và hệ số tăng giá vật liệu (K).

Giá trị chi phí vật liệu trực tiếp, tỷ trọng chi phí vật liệu được điều chỉnh xác định trên cơ sở giá hợp đồng; Trường hợp giá hợp đồng là giá tổng hợp (lump sum) thì xác định tỷ trọng chi phí vật liệu trên cơ sở cơ cấu chi phí dự toán, định mức dự toán do Nhà nước ban hành hoặc công bố, giá và cơ cấu giá xây dựng của địa phương, cơ cấu giá và định mức của các công trình tương tự.

Hệ số tăng giá vật liệu được xác định theo công thức sau:

K =

Ki – K0

K0

Trong đó:

- K là hệ số tăng giá vật liệu tại thời điểm điều chỉnh

- Ki là chỉ số giá vật liệu tại thời điểm điều chỉnh

- K0 là chỉ số giá vật liệu tại thời điểm tháng 12/2006 hoặc quý IV năm 2006 nếu không có chỉ số giá tại thời điểm tháng 12/2006 đối với hợp đồng ký trước năm 2007, hoặc chỉ số giá vật liệu tại thời điểm 28 ngày trước ngày mở thầu (trường hợp đấu thầu), thời điểm phê duyệt dự toán gói thầu (trường hợp chỉ định thầu) đối với hợp đồng ký từ năm 2007.

Chỉ số giá được áp dụng là chỉ số giá của Bộ Xây dựng công bố hoặc chỉ số giá của Tổng cục Thống kê hoặc chỉ số giá do chủ đầu tư tổ chức xác định theo hướng dẫn phương pháp xác định chỉ số giá của Bộ Xây dựng tại văn bản số 1599/BXD-VP ngày 25/7/2007.

d) Dự toán chi phí xây dựng bổ sung lập một lần trên cơ sở những khối lượng xây lắp chịu ảnh hưởng tăng (giảm) giá vật liệu xây dựng từ năm 2007, khối lượng đó thực hiện đến thời điểm điều chỉnh và khối lượng còn lại chưa thực hiện của hợp đồng. Sau khi điều chỉnh tiếp tục có biến động giá vật liệu xây dựng làm vượt dự toán đã bổ sung thì chủ đầu tư vẫn được thực hiện điều chỉnh tiếp. Trường hợp sau khi điều chỉnh giá làm vượt tổng mức đầu tư của dự án thì chủ đầu tư trình Bộ Y tế phê duyệt lại dự án.

4. Điều chỉnh dự toán xây dựng công trình sau khi đã lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung

a) Đối với các gói thầu đã chỉ định thầu và tự thực hiện dự án, đã có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng chưa ký hợp đồng xây dựng hoặc hợp đồng đang thực hiện (theo giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định) thì chủ đầu tư xác định dự toán chi phí xây dựng bổ sung theo hướng dẫn tại mục 3 nêu trên để làm căn cứ điều chỉnh dự toán xây dựng công trình.

b) Đối với các gói thầu, hạng mục công trình, công trình chưa lựa chọn nhà thầu thì chủ đầu tư tiến hành điều chỉnh dự toán theo các quy định hiện hành.

c) Dự toán xây dựng công trình điều chỉnh được xác định bằng cách cộng dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt với các dự toán chi phí xây dựng bổ sung.

5. Điều chỉnh giá gói thầu sau khi đã lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung

Chủ đầu tư điều chỉnh giá gói thầu bằng cách cộng giá trúng thầu đã được phê duyệt với dự toán chi phí xây dựng bổ sung được xác định tại mục 3 nêu trên. Trường hợp giá gói thầu sau khi điều chỉnh không vượt giá gói thầu đã được phê duyệt thì chủ đầu tư quyết định phê duyệt. Trường hợp giá gói thầu sau khi điều chỉnh vượt giá gói thầu đã được phê duyệt nhưng không vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư quyết định phê duyệt và gửi kết quả để báo cáo người quyết định đầu tư. Trường hợp giá gói thầu sau khi điều chỉnh làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư trình Bộ Y tế phê duyệt lại dự án.

6. Điều chỉnh hợp đồng sau khi đã lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung

a) Đối với những hợp đồng đã ký kết, thì căn cứ vào dự toán chi phí xây dựng bổ sung và nội dung hợp đồng đã ký kết, chủ đầu tư và nhà thầu ký bổ sung giá hợp đồng làm cơ sở thanh toán hợp đồng.

b) Đối với những gói thầu đã có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng chưa ký hợp đồng, chủ đầu tư căn cứ vào dự toán chi phí xây dựng bổ sung, kết quả trúng thầu và nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu để đàm phán và ký kết hợp đồng.

c) Đối với trường hợp điều chỉnh hình thức giá hợp đồng từ hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định sang hình thức giá hợp đồng theo giá điều chỉnh thì chủ đầu tư báo cáo Bộ Y tế về nội dung điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh cho phép trước khi thực hiện. Nội dung hình thức giá hợp đồng theo giá điều chỉnh thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

7. Tổ chức thực hiện

a) Chủ đầu tư (Thủ trưởng các đơn vị có dự án đầu tư) xem xét quyết định việc điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, hợp đồng xây dựng đảm bảo dự án có hiệu quả, trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ban QLDA hoặc tổ chức, cá nhân Tư vấn được thuê thẩm tra.

b) Chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu tiền bù chênh lệch giá theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD theo mức tạm ứng của hợp đồng đối với khối lượng chưa thực hiện và tạm thanh toán 80%-90% chênh lệch giá của khối lượng đã thực hiện trong khi chờ làm các thủ tục điều chỉnh để tránh thiệt hại cho nhà thầu và không ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, dự án.

Nếu việc tạm ứng vốn khi ký kết hợp đồng thực hiện theo quy định thì được điều chỉnh giá khi có biến động giá vật liệu xây dựng.

Trường hợp khi tạm ứng hai bên xác định số tiền tạm ứng để mua nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng hoặc tạm ứng đặc cách để mua nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng trước khi có biến động giá thì không điều chỉnh giá cho khối lượng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng đã mua tương ứng với số tiền đã tạm ứng.

Để đảm bảo vốn, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời giảm thiệt hại cho nhà thầu thì chủ đầu tư được phép tạm duyệt dự toán bổ sung để làm cơ sở tạm ứng, tạm thanh toán cho nhà thầu trong khi chờ làm các thủ tục điều chỉnh. Trường hợp sau khi tạm duyệt dự toán bổ sung mà không vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư cho tạm ứng, tạm thanh toán trên cơ sở dự toán bổ sung tạm duyệt; Trường hợp vượt tổng mức đầu tư thì phải xin phép Bộ Y tế trước khi tạm ứng, tạm thanh toán.

Hồ sơ tạm ứng, tạm thanh toán bao gồm: Giấy đề nghị tạm ứng (tạm thanh toán), hợp đồng điều chỉnh (phụ lục hợp đồng) và dự toán chi phí xây dựng bổ sung.

c) Đối với các gói thầu của các dự án sử dụng vốn ODA (trừ vốn đối ứng), việc điều chỉnh giá thực hiện theo quy định trong hợp đồng. Trường hợp cần thiết, Bộ Y tế xem xét quyết định sau khi thỏa thuận với nhà tài trợ, đồng thời các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với nhà tài trợ để bổ sung vốn do biến động giá.

d) Trường hợp sau khi điều chỉnh giá vật liệu xây dựng làm thay đổi nhóm của dự án, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án như quy định đối với dự án trước khi điều chỉnh (không phải làm lại các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án).

đ) Đối với các hợp đồng xây dựng đã được thanh toán xong trong năm 2007 (đã thanh toán hết giá hợp đồng bao gồm cả giá trị của hợp đồng đã được ký kết và phần bổ sung nếu có trong năm 2007), trừ các khoản bảo hành theo quy định thì không được điều chỉnh giá vật liệu xây dựng.

e) Đối với những công trình, gói thầu thực hiện theo qui  định tại Nghị định của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006), hình thức hợp đồng theo giá điều chỉnh, nếu việc chậm tiến độ thực hiện hợp đồng không do lỗi của nhà thầu, thì những khối lượng thực hiện từ năm 2007 được điều chỉnh theo hướng dẫn tại văn bản này.

g) Đối với các dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006) được thực hiện chuyển tiếp theo quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

h) Các chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện nghiêm túc việc điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, tổng mức đầu tư, hợp đồng theo hướng dẫn tại văn bản này; không làm ảnh hưởng tiến độ thi công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình.

8. Quy trình, trách nhiệm thực hiện

a) Chủ đầu tư (Thủ trưởng các đơn vị có dự án đầu tư) có trách nhiệm:

- Chỉ đạo Ban QLDA trực thuộc hoặc (Tư vấn QLDA) phối hợp chặt chẽ với các Nhà thầu có liên quan (Nhà thầu tư vấn giám sát, Nhà thầu xây lắp...) tổ chức nghiệm thu, xác định khối lượng được nghiệm thu theo từng thời điểm thi công, xác định giá từng loại vật liệu được điều chỉnh làm căn cứ để lập dự toán bổ sung do điều chỉnh giá.

- Tổ chức thẩm tra hoặc thuê cơ quan Tư vấn thẩm tra dự toán bổ sung. Chi phí thuê Tư vấn thẩm tra dự toán bổ sung được trích từ chi phí quản lý của dự án.

- Căn cứ dự toán bổ sung do điều chỉnh giá vật liệu được thẩm tra, Chủ đầu tư tổ chức thẩm định/phê duyệt lại dự toán công trình, phê duyệt lại giá gói thầu, ký kết phụ lục hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng công trình (trường hợp không vượt tổng mức đầu tư của dự án), báo cáo Bộ Y tế.

- Chịu trách nhiệm toàn bộ về Hồ sơ, giá trị dự toán bổ sung do điều chỉnh giá được duyệt.

- Trường hợp sau khi phê duyệt lại dự toán công trình vượt Tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt, Chủ đầu tư trình Bộ Y tế thẩm định và phê duyệt lại Tổng mức đầu tư. Hồ sơ xin phê duyệt lại dự án bao gồm :

+ Tờ trình xin phê duyệt lại dự án.

+ Báo cáo đánh giá đầu tư của dự án và các hồ sơ pháp lý sau: (1) Quyết định phê duyệt dự án (2) Dự toán thiết kế, Quyết định phê duyệt dự toán công trình (3) Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu (4) Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu (5) dự toán dự thầu (6) hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình (7) Hồ sơ dự toán bổ sung (8) báo cáo kết quả thẩm tra dự toán bổ sung của Ban QLDA hoặc cơ quan Tư vấn thẩm tra (9) Quyết định phê duyệt dự toán bổ sung của Chủ đầu tư.

b) Nhà thầu xây dựng: Phối hợp với Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, đối chiếu khối lượng được nghiệm thu với tiến độ đã cam kết trong hợp đồng làm căn cứ để xác định khối lượng được điều chỉnh giá, cung cấp hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính để lập dự toán bổ sung do điều chỉnh giá.

c) Nhà thầu tư vấn thẩm tra: Thẩm tra, đối chiếu khối lượng và đơn giá vật liệu được điều chỉnh theo công bố giá vật liệu của liên Sở Tài chính-Sở Xây dựng địa phương hoặc theo hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính, phù hợp với giá thị trường nơi xây dựng công trình. Nhà thầu tư vấn thẩm tra chịu trách nhiệm hoàn toàn về số liệu dự toán được thẩm tra theo quy định của pháp luật hiện hành. 

d) Cơ quan thẩm định của Bộ Y tế: Giao Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế làm đầu mối, phối hợp với các Vụ, cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ tổ chức thẩm định và trình duyệt theo quy định hiện hành.

9. Hiệu lực thi hành

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có dự án đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm thực hiện việc điều chỉnh dự toán, giá các gói thầu, hợp đồng xây dựng theo quy định tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng và nội dung công văn số 1551/BXD-KTXD ngày 01/8/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thêm một số nội dung của Thông tư số 09/2008/TT-BXD và  hướng dẫn tại Quyết định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế và Vụ Kế hoạch-Tài chính) để tổng hợp, nghiên cứu, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 32/2008/QĐ-BYT Hướng dẫn tạm thời phương pháp điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Y tế quản lý do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 32/2008/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/09/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Trần Chí Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 555 đến số 556
  • Ngày hiệu lực: 19/10/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản