Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3191/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HỢP TÁC VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA HẢI QUAN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021-2025

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hợp tác và hội nhập quốc tế của Hải quan Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan tổ chức triển khai các nhiệm vụ cụ thể được phân công theo Kế hoạch này, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đạt được mục tiêu đề ra.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thứ trưởng Vũ Thị Mai (thay báo cáo);
- LĐTC (để chỉ đạo);
- Vụ HTQT - Bộ Tài chính (để phối hợp);
- Lưu: VT, HTQT (03 b).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Cẩn

 

KẾ HOẠCH

HỢP TÁC VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA HẢI QUAN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 3191/QĐ-TCHQ ngày 17/11/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Phần 1

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. MỤC ĐÍCH

1. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hải quan nhằm đóng góp cho tiến trình cải cách, hiện đại hóa các quy trình, thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp và công tác thực thi pháp luật hải quan; phục vụ cho việc hoàn thiện các hoạt động quản lý hải quan của Hải quan Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; góp phần bảo vệ lợi ích, chủ quyền, an ninh kinh tế, an toàn xã hội của đất nước.

2. Tiếp tục khẳng định vị thế và nâng cao vai trò, uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng Hải quan thế giới.

3. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong hợp tác và hội nhập quốc tế của Hải quan Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

4. Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cấp và cán bộ, công chức trong toàn ngành đối với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành hải quan; tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế; đảm bảo nguồn lực cán bộ có chất lượng, được đào tạo bài bản tham gia các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế.

5. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của hải quan trên thế giới để định hướng cho sự phát triển của Hải quan Việt Nam phù hợp với xu thế của hải quan thế giới.

II. YÊU CẦU

1. Đảm bảo phù hợp với chủ trương đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về đối ngoại và hội nhập quốc tế; gắn liền với việc triển khai Chiến lược Phát triển Hải quan Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

2. Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế phải được triển khai một cách chủ động, linh hoạt, trên cơ sở các cam kết quốc tế và trong khuôn khổ các điều ước và thỏa thuận quốc tế có hiệu lực; hợp tác cùng có lợi; kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia.

3. Các nhiệm vụ được phân công cụ thể, rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong từng khâu từ tổ chức triển khai đến theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện.

4. Tất cả các hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Hải quan phải được theo dõi, đánh giá, kiểm tra và quản lý theo quy chế của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính.

Phần 2

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP HỢP TÁC VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. MỤC TIÊU

1. Hỗ trợ mạnh mẽ cho tiến trình cải cách và hiện đại hóa của ngành hải quan; hỗ trợ việc nghiên cứu và ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp, công nghệ và phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong các lĩnh vực nghiệp vụ của ngành nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đảm bảo an ninh an toàn, kiểm soát hải quan.

2. Thiết lập và hoàn thiện các cơ sở pháp lý cần thiết, đầy đủ và đồng bộ cho các hoạt động hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan với các nước phù hợp với các quy định của pháp luật và chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hải quan; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực hải quan.

3. Củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác đa phương và song phương, nâng cao mức độ và chất lượng hợp tác và hội nhập, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo trong hợp tác hải quan tại khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đến năm 2025 theo kịp các nước ASEAN-4 về mức độ hội nhập khu vực.

4. Thúc đẩy hoạt động trao đổi thông tin nghiệp vụ với các đối tác nước ngoài theo các quy định của pháp luật để hỗ trợ công tác điều tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và quản lý hải quan một cách hiệu quả và kịp thời.

5. Đảm bảo việc thực thi đầy đủ, thực chất, hiệu quả các cam kết quốc tế trong và liên quan đến lĩnh vực hải quan mà Việt Nam tham gia.

6. Tăng cường phối hợp, kết nối giữa các hoạt động hợp tác quốc tế của ngành hải quan với hoạt động hợp tác quốc tế chung của ngành tài chính phục vụ các mục tiêu phát triển ngành hải quan và ngành tài chính nói chung.

7. Đào tạo tối thiểu từ 1 - 3 cán bộ công chức trong một số lĩnh vực nghiệp vụ trọng yếu có đủ khả năng chủ trì các cuộc họp quốc tế.

8. Chủ động xây dựng, đề xuất các sáng kiến, chương trình hợp tác quốc tế.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Công tác hợp tác và hội nhập quốc tế giai đoạn 2021 - 2025 tập trung chủ yếu vào sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm dưới đây:

1. Tổ chức trao đổi, chia sẻ thông tin một cách kịp thời, hiệu quả và thiết thực với các cơ quan hải quan và đối tác nhằm đấu tranh phòng, chống và ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp qua biên giới các loại hàng hóa, hàng cấm, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm các công ước quốc tế, các chất ma túy và các vi phạm pháp luật hải quan trên cơ sở các điều ước, thỏa thuận quốc tế đã ký kết và các quy định hiện hành của pháp luật.

2. Tổ chức đàm phán, ký kết một số điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế song phương với những đối tác chiến lược, quan trọng có quan hệ chặt chẽ về kinh tế, thương mại, chính trị với Việt Nam nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan.

3. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về hải quan và thuận lợi hóa thương mại bao gồm cả yêu cầu nội luật hóa đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước, trong đó chú trọng đến các cam kết trong khuôn khổ ASEAN, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA), các hiệp định đối tác, hợp tác kinh tế mà Việt Nam đã ký kết.

4. Tổ chức thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế, diễn đàn khu vực và quốc tế có liên quan đến lĩnh vực hải quan như: Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), WTO, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hợp tác tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS)... đồng thời tích cực, chủ động tham gia, đảm bảo lợi ích thực chất của Việt Nam trong hợp tác đa phương theo đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước.

5. Hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài để nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá: (i) các mô hình quản lý hải quan và xu hướng phát triển của quản lý hải quan hiện đại trong bối cảnh mới của thế giới và khu vực về kinh tế, thương mại; (ii) các biện pháp, phương pháp thực hiện thủ tục hải quan tiên tiến; (iii) các chuẩn mực nghiệp vụ hải quan hiện đại; (iv) các ứng dụng khoa học và công nghệ mới nhằm phục vụ việc xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam theo hướng hiện đại hiệu quả và hiệu lực với các chính sách quản lý và thủ tục hải quan minh bạch, hài hòa và tự động hóa; (v) phương thức quản trị nguồn nhân lực hiện đại.

6. Tìm kiếm vận động và khai thác các nguồn lực quốc tế phục vụ trực tiếp cho công tác cải cách hiện đại hóa và phát triển của Hải quan Việt Nam, trong đó bao gồm các nguồn lực để: (i) đào tạo phát triển nguồn nhân lực; (ii) tiếp cận với khoa học, công nghệ và trang thiết bị quản lý hải quan mới; (iii) xây dựng chính sách pháp luật mới về hải quan; và (iv) thực thi các cam kết quốc tế.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Nhằm thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên, công tác hợp và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp và hoạt động tương ứng, cụ thể như sau:

1. Tổ chức hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin và phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ với các đối tác nước ngoài phục vụ cho công tác quản lý hải quan

Trên cơ sở tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế quản lý hoạt động trao đổi thông tin với nước ngoài theo Quyết định số 1719/QĐ-TCHQ ngày 1/7/2020 của Tổng cục Hải quan, các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin và phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ với các đối tác nước ngoài phục vụ cho công tác quản lý hải quan, tập trung vào các nội dung sau:

a) Xây dựng và triển khai có hiệu quả quy trình phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ với các đối tác nước ngoài trên cơ sở các cam kết/thỏa thuận đã được thiết lập với các đối tác này và căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm soát, chống buôn lậu và gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn cho cộng đồng thông qua việc đề xuất tham gia và thực hiện các công ước quốc tế trong lĩnh vực hải quan, các công ước có liên quan do các Bộ, ngành chủ trì mà Hải quan Việt Nam phối hợp triển khai; tham gia và thực hiện các sáng kiến đa phương và song phương, các chương trình, dự án về kiểm soát, chống buôn lậu, an ninh thương mại.

c) Khai thác và triển khai có hiệu quả các cam kết về trao đổi và chia sẻ thông tin trong khuôn khổ các Hiệp định/thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan với các nước quan trọng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, các nước ASEAN, các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hoa Kỳ.

d) Thực hiện việc trao đổi thông tin trong khuôn khổ các chiến dịch kiểm soát của WCO, Văn phòng liên lạc tình báo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (RILO A/P) và các thể chế đa phương khác như ASEAN, ASEM và Liên Hiệp quốc (UN).

đ) Tổ chức có hiệu quả việc trao đổi thông tin và xác minh thông tin về tính chính xác của các chứng từ trong hồ sơ hải quan của lô hàng phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ như giải quyết thủ tục tái xuất hàng hóa do gửi nhầm hàng, xác minh tính đúng đắn của các giấy chứng nhận hàng hóa, xác minh thông tin lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu nhằm chống buôn lậu và gian lận thương mại.

e) Mở rộng địa bàn hợp tác đối với các đối tác tại Trung Đông, Tây Á và Châu Phi.

g) Phát huy và khai thác tối đa vai trò của đại diện hải quan tại WCO trong công tác thu thập, trao đổi và chia sẻ thông tin nghiệp vụ với hải quan các nước khu vực Châu Âu và Cơ quan chống gian lận Châu Âu (OLAF).

2. Hợp tác với các cơ quan hải quan và các tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu các mô hình, biện pháp, phương pháp quản lý hải quan tiên tiến, các chuẩn mực nghiệp vụ hải quan hiện đại

a) Tổ chức nghiên cứu các mô hình tổ chức bộ máy quản lý hải quan hiện đại, đặc trưng của một số nước tiên tiến trên thế giới phục vụ cho việc tái cơ cấu tổ chức bộ máy hải quan theo yêu cầu của cải cách hành chính mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

b) Nghiên cứu tiếp thu phương thức quản trị nguồn nhân lực hiện đại từ hải quan các nước tiên tiến trên thế giới.

c) Nghiên cứu và xây dựng cơ sở dữ liệu về luật Hải quan, thuế quan của các nước phục vụ cho việc sửa đổi Luật Hải quan theo yêu cầu tiếp tục cải cách hiện đại hóa hải quan.

d) Nghiên cứu các chiến lược phát triển hải quan của các nước và trong khuôn khổ hợp tác hải quan đa phương và khu vực.

đ) Nghiên cứu các mô hình công nghệ thông tin và công nghệ số đang được ứng dụng vào xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; nghiên cứu mô hình biên giới thông minh.

e) Nghiên cứu về các công nghệ trong kiểm tra, kiểm soát hải quan và đảm bảo an toàn, bảo hộ cho công chức hải quan.

g) Nghiên cứu về các xu hướng kỹ thuật nghiệp vụ và thủ tục hải quan: thương mại điện tử, xử lý đối với hàng chuyển phát nhanh, thủ tục hải quan đối với các khu vực kinh tế đặc biệt,... để xây dựng và hoàn thiện các chính sách về thủ tục hải quan hiện đại....

h) Đào tạo nguồn nhân lực cán bộ công chức Hải quan về các các lĩnh vực nghiệp vụ liên quan đến ứng dụng phương thức quản lý tiên tiến.

3. Vận động và khai thác có hiệu quả các nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật nhằm hỗ trợ công tác chuyên môn của ngành

a) Tổ chức triển khai dự án Tạo thuận lợi thương mại (TFP) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại trong các lĩnh vực nghiệp vụ.

b) Duy trì và mở rộng các dự án hợp tác với Hoa Kỳ, Anh, Úc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Chương trình kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) một cách hiệu quả.

c) Tìm kiếm vận động các nguồn tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ nghiên cứu đề xuất ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý hải quan thông qua việc nghiên cứu mô hình quản lý hải quan hiện đại của các nước, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng, thiết kế hệ thống công nghệ thông tin, cũng như việc sử dụng các hệ thống soi chiếu, camera theo dõi giám sát có ứng dụng công nghệ cao (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối...) trong các hoạt động nghiệp vụ.

d) Tìm kiếm vận động nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hải quan Việt Nam từ các đối tác: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Úc, Niu Di-lân, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Liên bang Nga và một số nước EU.

đ) Nghiên cứu và liên hệ với các đối tác để tổ chức nghiên cứu khảo sát các vấn đề nghiệp vụ và quản lý hải quan như tạm quản, quá cảnh, khu kinh tế đặc biệt, quản lý thuế, thương mại điện tử, kiểm tra chuyên ngành, sử dụng các thiết bị soi chiếu...

4. Tiếp tục rà soát, xây dựng, và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan

Để tạo dựng cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác quốc tế, giai đoạn 2021-2025, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết các điều ước và thỏa thuận quốc tế nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả hợp tác hải quan với các đối tác, đặc biệt là các đối tác quan trọng như các nước láng giềng, các nước có mối quan hệ hợp tác truyền thống các nước đối tác phát triển có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với hoạt động kinh tế thương mại của đất nước, cùng với đó tiến hành nghiên cứu, lựa chọn các đối tác tiềm năng theo lĩnh vực thế mạnh để mở rộng hợp tác, cụ thể:

a) Đề xuất việc đàm phán và ký kết các thỏa thuận với các đối tác hải quan trong EU để thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dự kiến gồm: Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Séc, Phần Lan, Hungary và Cơ quan chống gian lận Châu Âu (OLAF).

b) Hoàn tất đàm phán để ký kết các hiệp định hợp tác và trợ giúp lẫn nhau về hải quan với Anh, Pháp, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mê-hi-cô, Ca-na-đa, Lào, Sri-lan-ka và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).

c) Đàm phán và ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với Hàn Quốc và 02 đối tác quan trọng khác trong đó có EU.

5. Nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương

a) Các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN

- Tổ chức thực hiện các cam kết quốc tế trong khuôn khổ ASEAN bao gồm việc vận hành hệ thống một cửa ASEAN, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) và Danh mục Biểu thuế Hài hòa ASEAN (AHTN).

- Điều phối và tổ chức triển khai thực hiện 15 Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan ASEAN (SPCD) giai đoạn 2020-2025.

- Tham gia đàm phán và thực hiện các quy định có liên quan đến việc ký kết và phê duyệt Thỏa thuận về Công nhận lẫn nhau Doanh nghiệp ưu tiên (AEO) trong khuôn khổ ASEAN.

- Tiếp nhận và điều hành vị trí Chủ tịch Hội nghị Hải quan ASEAN vào năm 2024/2025 và Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Hải quan ASEAN 2024/2025, đồng thời chủ động nghiên cứu định hướng hải quan ASEAN giai đoạn 2025-2030 cho năm Chủ tịch Hải quan ASEAN của Việt Nam.

- Tham gia điều hành 2 Nhóm làm việc của Hải quan ASEAN.

- Hàng năm đăng cai tổ chức 2-3 cuộc họp Hải quan ASEAN theo cơ chế luân phiên trong ASEAN.

b) Các hoạt động trong khuôn khổ WTO, ASEM và APEC

Nâng cao hiệu quả tham gia, tăng cường đóng góp trong các cơ chế hợp tác hải quan tại các khuôn khổ WTO, APEC, ASEM thông qua việc chủ động, tích cực nghiên cứu, khởi xướng và tham gia định hình các quy tắc và luật lệ tại các diễn đàn này trên cơ sở các định hướng chung về hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

c) Các hoạt động trong khuôn khổ GMS

- Phối hợp với các bộ ngành để triển khai bản ghi nhớ về thu hoạch sớm Hiệp định về Tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và người qua lại biên giới các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (Hiệp định GMS-CBTA) với nội dung về chế độ hải quan đối với quản lý tạm nhập phương tiện và công ten nơ thông qua khuôn khổ Tiểu ban Hải quan GMS với sự điều phối của ADB để thực hiện Hiệp định GMS-CBTA.

- Tổ chức thực hiện Nghị định thư về tuyến đường và các cặp cửa khẩu thực hiện Hiệp định GMS-CBTA.

- Tham gia đàm phán rà soát và sửa đổi Hiệp định GMS-CBTA trong đó bao gồm việc xây dựng hệ thống quá cảnh hải quan trong GMS.

- Tham gia đàm phán và tổ chức thực hiện Hiệp định song phương Việt - Lào về thực hiện Hiệp định GMS-CBTA tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen Sạ Vẳn.

- Chủ động nghiên cứu và đưa ra các sáng kiến hợp tác hải quan và thực hiện các chương trình hợp tác trong các cơ chế hợp tác như Mê Công - Lan Thương; Mê Công - Nhật Bản; Mê Công - Sông Hàn; Mê Công - Sông Hằng; Mê Công - Hoa Kỳ; hợp tác tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia (CLV); hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Kông (ACMECS).

d) Các hoạt động trong khuôn khổ WCO

- Nâng cao mức độ và hiệu quả tham gia trong Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), đặc biệt chủ động trong trình sửa đổi Công ước Kyoto sửa đổi, hướng tới là thành viên trong Ủy ban Chính sách của WCO, đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch WCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

- Tham gia đầy đủ vào các cuộc họp kỹ thuật và Ủy ban chuyên môn của WCO trong đó có việc duy trì và nâng cao năng lực cho các đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO.

- Khai thác sự hỗ trợ kỹ thuật của WCO trên bình diện thế giới và Trung tâm đào tạo khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ROCB/AP) cho quá trình cải cách hiện đại hóa và thực thi các cam kết quốc tế nhất là các chuẩn mực quốc tế về hải quan.

- Tham gia vào các chiến dịch và các chương trình kiểm soát của WCO trên bình diện thế giới và RILO/AP.

- Thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ thành viên WCO của Việt Nam.

6. Củng cố và mở rộng hợp tác song phương

a) Duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả hợp tác hải quan với các nước láng giềng, các nước có mối quan hệ truyền thống gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác theo cụm, theo cấp cục hoặc cấp chi cục với các đơn vị tương ứng của Hải quan Trung Quốc, Hải quan Lào và Hải quan Campuchia nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy để hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện công tác quản lý hải quan trên các tuyến biên giới đường bộ nhất là tại các cặp cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn: trong đó chú trọng đến việc trao đổi thông tin về chính sách pháp luật hải quan, thủ tục hải quan, thông tin nghiệp vụ phục vụ cho xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu, thông tin để điều tra, giải quyết các vụ việc vi phạm, ngăn chặn việc vận chuyển bất hợp pháp hàng hóa qua biên giới.

b) Thiết lập, củng cố và nâng cao hiệu quả hợp tác hải quan với các các nước đối tác phát triển có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với hoạt động kinh tế thương mại của đất nước bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Úc, Niu Di-lân...; duy trì các kênh hợp tác đã được thiết lập, tập trung vào việc triển khai cụ thể các kế hoạch/chương trình hợp tác đã được thống nhất theo các thỏa thuận, hiệp định hợp tác hải quan đã ký với các nước này.

c) Nghiên cứu, lựa chọn các đối tác tiềm năng theo lĩnh vực thế mạnh để mở rộng hợp tác như các nước thuộc khu vực Trung Đông, Trung Mỹ, các nước thuộc khu vực Châu Phi đang có nền kinh tế phát triển nhanh chóng...

7. Thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan của Việt Nam

a) Tổ chức rà soát, triển khai và thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết có liên quan đến lĩnh vực hải quan trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO.

b) Đẩy nhanh quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế, đảm bảo tuân thủ hoàn toàn theo các lộ trình, đáp ứng đầy đủ nội dung và mức độ đã cam kết.

c) Tổ chức triển khai cam kết liên quan đến cam kết xây dựng và vận hành hệ thống một cửa ASEAN theo lộ trình trong ASEAN cũng như kế hoạch của chính phủ về cơ chế một cửa quốc gia theo các cam kết quốc tế; tổ chức triển khai Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) đạt hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

d) Rà soát Công ước Kyoto sửa đổi phục vụ cho việc sửa đổi công ước đảm bảo các yêu cầu và lợi ích của Việt Nam.

đ) Rà soát Công ước quốc tế về hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) và AHTN theo phiên bản 2022 và các phiên bản tiếp theo và nội luật hóa.

e) Xây dựng chương trình hợp tác cụ thể với các nước đối tác đã ký kết thỏa thuận/hiệp định hợp tác hải quan song phương trên cơ sở cân đối/hài hòa giữa nhu cầu hỗ trợ và thế mạnh của đối tác.

g) Xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế đã được nội luật hóa, đặc biệt chú trọng các khâu tuyên truyền phổ biến thông tin, hướng dẫn thi hành và theo dõi, giám sát quá trình thực hiện của các đơn vị có liên quan.

8. Xây dựng nguồn nhân lực tham gia công tác hợp tác và hội nhập quốc tế chuyên nghiệp, có năng lực chuyên môn tốt, giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng đàm phán và am hiểu luật pháp quốc tế; từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia/giảng viên trong các mảng nghiệp vụ hải quan được khu vực và quốc tế công nhận

a) Tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập của ngành, ưu tiên đào tạo kỹ năng đàm phán thương mại, trình độ ngoại ngữ và luật pháp quốc tế để tăng cường hiệu quả tham gia các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế.

b) Tăng cường nguồn lực cán bộ làm công tác hợp tác và hội nhập tại các đơn vị nghiệp vụ và hải quan các tỉnh/thành phố nhằm bổ sung và hỗ trợ các hoạt động hợp tác, đối ngoại, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, hợp tác với hải quan các nước láng giềng.

c) Thực hiện luân chuyển đội ngũ công chức tham gia công tác hội nhập về công tác thực tế tại địa phương để được cọ xát và nâng cao kinh nghiệm thực tiễn trong các vấn đề nghiệp vụ hải quan, qua đó trau dồi và tích lũy thêm kiến thức chuyên môn phục vụ công tác tham mưu cũng như tham gia các diễn đàn quốc tế hiệu quả hơn.

d) Chủ động tham gia các chương trình tuyển chọn chuyên gia, các chương trình ứng tuyển cho các vị trí việc làm/thực tập sinh trong khuôn khổ ASEAN và WCO; tiến tới hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực chuyên môn, cọ sát và đáp ứng được các yêu cầu làm việc tại các tổ chức quốc tế.

đ) Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, từng bước xây dựng, phát triển Trường Hải quan Việt Nam thành Trung tâm đào tạo hải quan khu vực của WCO.

9. Quản lý và tổ chức tốt công tác đối ngoại của ngành, tận dụng tối đa hiệu quả các hoạt động đối ngoại trong và ngoài nước

a) Thực hiện đúng các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác đối ngoại theo từng thời kỳ.

b) Tổ chức thực hiện và rà soát đánh giá đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 380/QĐ-TCHQ ngày 08/2/2018 về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Tổng cục Hải quan.

c) Rà soát chặt chẽ quy trình cử các đoàn ra tại nước ngoài đảm bảo trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng đối ngoại của các cán bộ được cử tham gia các đoàn công tác.

d) Tổ chức tốt và tham gia có hiệu quả trong các hoạt động đối ngoại trong và ngoài nước, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả, tiết kiệm.

đ) Quản lý, đảm bảo hiệu quả thực chất của các dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài, thực hiện việc rà soát, đánh giá thường xuyên hiệu quả và xử lý ngay những bất cập phát sinh, đặc biệt tập trung vào việc quản lý Dự án Tạo thuận lợi thương mại (TFP) hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đảm bảo mục tiêu và các kết quả đầu ra của Dự án.

10. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành hải quan

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng, những yêu cầu và những thách thức đặt ra trong công tác hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hải quan, các mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của toàn bộ cán bộ công chức trong toàn ngành về vấn đề hợp tác và hội nhập.

b) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập và các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan cho các đơn vị nghiệp vụ và các Cục Hải quan địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.

c) Tổ chức hoạt động thông tin đối ngoại theo hướng bài bản hơn, đi vào thực chất, nội dung phong phú, cập nhật và kịp thời, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quảng bá hình ảnh của Hải quan Việt Nam; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về hoạt động của Hải quan Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên trường quốc tế dưới hình thức các ấn phẩm theo chủ đề bằng tiếng Anh (các hoạt động của Hải quan Việt Nam theo các lĩnh vực nghiệp vụ, kết quả hoạt động nổi trội hàng năm, kế hoạch chiến lược phát triển...).

Phần 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan được phân công chủ trì triển khai các nhiệm vụ theo Phụ lục kèm theo Kế hoạch này có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đúng các nội dung được Tổng cục Hải quan phân giao tại Kế hoạch này; thực hiện chế độ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện định kỳ trước ngày 20/12 hàng năm và khi có yêu cầu cho đơn vị tham mưu đầu mối hợp tác quốc tế.

2. Đơn vị chủ trì hoặc đầu mối theo phân công tại Kế hoạch có trách nhiệm triển khai các công việc được giao; chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình về những nhiệm vụ được phân công chủ trì, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Tổng cục Hải quan (qua Vụ Hợp tác quốc tế).

3. Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì điều phối, giám sát, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện tổng thể các nội dung trong kế hoạch, tổng hợp kết quả và báo cáo việc thực hiện kế hoạch này theo từng giai đoạn, thời kỳ.

4. Vụ Pháp chế phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế trong việc theo dõi, rà soát đánh giá đảm bảo các cam kết quốc tế được đàm phán phù hợp, có tính khả thi và đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật.

5. Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì phối hợp với các đơn vị tiến hành rà soát, đề xuất, bổ sung sửa đổi kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

(Chi tiết các nhiệm vụ và hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2025 theo Phụ lục đính kèm).

II. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Hải quan bố trí các nguồn lực cần thiết trong phạm vi của Tổng cục Hải quan để thực hiện kế hoạch, bao gồm: nguồn nhân lực, tài chính để chủ động thực hiện.

2. Tài chính để thực hiện Kế hoạch được bố trí chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp thường xuyên cho hoạt động của Ngành Hải quan.

3. Tổng cục Hải quan nỗ lực tìm kiếm, khai thác và tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài cho quá trình triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế.

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 3191/QĐ-TCHQ ngày 17/11/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

TT

Nội dung, hoạt động

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời hạn

I. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1

Theo dõi đánh giá và tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.

Vụ HTQT

Các đơn vị thuộc và trực thuộc có liên quan (gọi tắt là các đơn vị liên quan)

Định kỳ hàng tháng, quý & năm

2

Công tác tuyên truyền đối ngoại

Báo Hải quan

Vụ HTQT

Văn phòng TC

Các đơn vị liên quan

Hàng năm

3

Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hải quan

Vụ TCCB

Trường HQVN

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

Hàng năm

II. XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC VÀ HỖ TRỢ LẪN NHAU TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

1

Đàm phán và ký các Điều ước quốc tế về hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan với các đối tác Anh, Pháp, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mê-hi-cô, Canada, Lào, Srilanka và UAE.

Vụ HTQT

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan

2021-2025

2

Đàm phán và ký kết các Thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực với các đối tác hải quan trong EU gồm Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Séc, Tây Ban Nha, Hungary và Cơ quan chống gian lận Châu Âu (OLAF) để thực hiện triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA

Vụ HTQT

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan

2021-2025

3

Nghiên cứu và đề xuất để đàm phán, ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau Doanh nghiệp ưu tiên với Hàn Quốc và EU.

Vụ HTQT

Cục KTSTQ

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan

2021-2025

4

Triển khai các Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan đã ký như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ, Nga, Ucraina, Belarus, Ấn Độ, Italia, A-déc-bai-gian, Hà Lan và Hoa Kỳ,...và các Thỏa thuận hợp tác cấp Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã ký.

Vụ HTQT

Cục ĐTCBL

Các đơn vị liên quan

2021-2025

III. HỢP TÁC SONG PHƯƠNG VỚI HẢI QUAN LÁNG GIỀNG

1. Với Trung Quốc

a

Tổ chức Hội nghị Hải quan biên giới Việt Nam - Trung Quốc về phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các chất ma túy và hàng cấm qua biên giới.

Cục ĐTCBL

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

b

Hội đàm hợp tác giữa Hải quan các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Hải Phòng với Hải quan Côn Minh Trung Quốc tuyến biên giới Tây Bắc và Hành lang Kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hải Phòng.

Luân phiên giữa các Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Hà Giang Điện Biên

Vụ HTQT

Cục ĐTCBL

Các đơn vị liên quan

2021-2025

c

Hội đàm hợp tác giữa Hải quan các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với Hải quan Nam Ninh Trung Quốc.

Luân phiên giữa các Cục Hải quan các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh

Vụ HTQT

Cục ĐTCBL

Các đơn vị liên quan

2021-2025

d

Triển khai các nội dung liên quan đến hải quan trong các Điều ước quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc, gồm (1) Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc; (2) Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc; (3) Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc và các Nghị Định Thư sửa đổi có liên quan; (4) Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực Sông Bắc Luân giữa Việt Nam - Trung Quốc; (5) Hiệp định khai thác Thác Bản Giốc giữa Việt Nam -Trung Quốc.

Cục GSQL

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

d

Trao đổi thông tin chống buôn lậu và gian lận thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc theo Quyết định số 1719/QĐ-TCHQ ngày 1/7/2020 của Tổng cục Hải quan ban hành Quy chế quản lý việc trao đổi thông tin với nước ngoài trong lĩnh vực hải quan.

Cục ĐTCBL

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

2. Với Lào

a

Triển khai Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tài chính nước CHDCND Lào về trao đổi thông tin và hỗ trợ điều tra trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và gian lận thương mại ký ngày 27/10/2014

Cục ĐTCBL

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

b

Triển khai các nội dung của Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Lào về Hợp tác thống kê và trao đổi số liệu thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ký ngày 27/10/2014

Cục CNTT và TK HQ

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

c

Triển khai các nội dung của Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Lào về triển khai thực hiện mô hình một cửa một lần dừng tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen Sa Vanh ký ngày 27/10/2014

Cục HQ tỉnh Quảng Trị

Cục GSQL

Vụ HTQT

2021-2025

d

Triển khai các nội dung liên quan đến hải quan trong các hiệp định thương mại, vận tải, quá cảnh, biên giới giữa Việt Nam với Lào.

Cục GSQL

Các đơn vị liên quan

2021-2025

đ

Hợp tác theo các cụm giữa Cục Hải quan các tỉnh, thành phố Hà Nội, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam với các Hải quan vùng II, III, IV, V, VI, VIII tương ứng của Hải quan Lào.

Cục Hải quan các tỉnh, TP liên quan

Vụ HTQT

Cục ĐTCBL

2021-2025

3. Với Campuchia

a

Tổ chức Hội nghị Hải quan biên giới Việt Nam - Campuchia về phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các chất ma túy và hàng cấm qua biên giới.

Cục ĐTCBL

Vụ HTQT Cục Hải quan có biên giới tiếp giáp với Campuchia

Các đơn vị liên quan

2021-2025

b

Tham gia đàm phán, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến quản lý hải quan trong các hiệp định thương mại, vận tải, quá cảnh, biên giới giữa Việt Nam - Campuchia.

Cục GSQL

Vụ HTQT

Các đơn vị

2021-2025

c

Trao đổi thông tin chống buôn lậu và gian lận thương mại giữa Việt Nam - Campuchia theo Quyết định số 1719/QĐ-TCHQ ngày 1/7/2020 của Tổng cục Hải quan ban hành Quy chế quản lý việc trao đổi thông tin với nước ngoài trong lĩnh vực hải quan và trên cơ sở thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Kinh tế và Tài chính Cam Pu Chia về hợp tác và trợ giúp lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan ký ngày 4/10/2019.

Cục ĐTCBL

Vụ HTQT và các đơn vị liên quan

2021-2025

IV. HỢP TÁC ĐA PHƯƠNG

1. Hợp tác Hải quan ASEAN

a

Các vấn đề Hải quan và hội nhập kinh tế ASEAN: Hội nghị Thượng đỉnh, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế, Hội nghị Bộ Trưởng Tài chính, Hội nghị quan chức kinh tế ASEAN (SEOM) và các hội nghị cấp cao khác

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

b

Tổ chức HN Tổng cục trưởng HQ ASEAN lần thứ 33 năm 2024 tại Việt Nam

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2024

c

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Ủy ban Điều phối Hải quan ASEAN (CCC).

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

d

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Nhóm đặc trách về quy tắc xuất xứ ASEAN (ROO Task force).

Cục GSQL

Cục KTSTQ

2021-2025

đ

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Ủy ban Điều phối Thực hiện Thương mại hàng hóa ASEAN (CCA)

Vụ HTQT

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan

2021-2025

Xuất xứ hàng hóa ATIGA Form D

Cục GSQL

Kiểm tra chuyên ngành, hàng rào kỹ thuật và thủ tục HQ theo ATIGA

Cục GSQL

Trao đổi dữ liệu xuất xứ hàng hóa, giấy phép, tờ khai

Cục CNTT

Thực thi biểu thuế ATIGA và các vấn đề liên quan đến thuế quan

Cục TXNK

e

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Nhóm làm việc về Thủ tục Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại ASEAN

Vụ HTQT

Cục GSQL

Cục CNTT

Cục TXNK

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan

2021-2025

g

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Nhóm đặc trách về quá cảnh ASEAN (ACTS)

Cục GSQL

Cục CNTT

Cục TXNK

Vụ HTQT

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan

2021-2025

h

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Nhóm đặc trách về Danh mục Biểu thuế Hài hòa ASEAN (AHTN)

CụcTXNK

Vụ HTQT

Vụ Pháp chế

Cục Kiểm định

Cục GSQL

Các đơn vị liên quan

2021-2025

i

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Nhóm làm việc về Xây dựng năng lực Hải quan ASEAN

Vụ TCCB

Trường HQ

Vụ HTQT

Ban CCHĐH

2021-2025

k

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Nhóm làm việc về Kiểm soát và Tuân thủ Hải quan ASEAN

Cục ĐTCBL

Cục KTSTQ

Vụ HTQT

2021-2025

l

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Ủy ban Chỉ đạo Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và các nhóm làm việc về pháp lý, kỹ thuật... trực thuộc Ủy ban chỉ đạo ASW.

Cục CNTT

Cục GSQL

Vụ Pháp chế

Vụ HTQT

2021-2025

m

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Nhóm làm việc của ASEAN về MRA AEO

Cục KTSTQ

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

2. Hợp tác Khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng

a

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Hiệp định CBTA - GMS

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021

b

Điều phối và triển khai các hoạt động trong khuôn khổ: Ủy ban Hỗn hợp GMS, SOMNTFC, Tiểu ban Hải quan trong GMS

Vụ HTQT

Cục CNTT

Cục TXNK

Cục GSQL

Vụ Pháp chế

2021-2025

c

Các cơ chế hợp tác GMS mở rộng khác (Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lan Thương, Sông Hằng, ACCMES)

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

d

Tham gia đàm phán và tổ chức thực hiện Hiệp định một cửa một lần dừng tại Lao Bảo-Đen-sa-vẳn

Vụ HTQT

Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị

Cục GSQL

Vụ Pháp chế

Cục CNTT

2021-2025

3. Hợp tác trong ASEM, APEC, WTO và các khuôn khổ khác

a

Điều phối, triển khai các hoạt động hợp tác hải quan trong khuôn khổ hợp tác APEC đã được phê duyệt

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

b

Điều phối, triển khai các hoạt động hợp tác hải quan trong khuôn khổ hợp tác ASEM đã được phê duyệt

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

c

Điều phối, triển khai các hoạt động hợp tác trong các khuôn khổ khác như: UN, WB, ADB ...

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

d

Triển khai các cam kết có liên quan theo Hiệp định Trị giá Hải quan của WTO

Cục TXNK

Cục KTSQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

đ

Triển khai các cam kết có liên quan theo Hiệp định Xuất xứ hàng hóa, Hiệp định TRIPS

Cục GSQL

Cục KTSQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

e

Rà soát chính sách thương mại và Hiệp định tạo thuận lợi thương mại TFA

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

4. Hợp tác trong khuôn khổ WCO

a

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Hội đồng hợp tác hải quan; Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

b

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Ủy ban Kiểm soát của WCO và các Nhóm làm việc trực thuộc gồm Nhóm làm việc về gian lận thương mại; Nhóm Thực hiện dự án Chiến lược Thông tin tình báo toàn cầu; Nhóm làm việc về hàng giả hàng nhái; Nhóm làm việc về tội phạm công nghệ cao.

Cục ĐTCBL

Cục TXNK

Cục QLRR

Cục CNTT

Cục KTSQT

Tham tán HQ

Vụ HTQT

2021-2025

c

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Ủy ban HS, Tiểu ban Sửa đổi HS, Tiểu ban Khoa học, Nhóm làm việc về HS

Công ước HS và các vấn đề về phân loại hàng hóa, UB Kỹ thuật về Trị giá HQ và Nhóm chuyên môn về chuyển giá

Cục TXNK

Cục Kiểm định

Vụ HTQT

2021-2025

d

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Ủy ban kỹ thuật thường trực

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

đ

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Ủy ban Kỹ thuật về Xuất xứ hàng hóa

Cục GSQL

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

e

Các cuộc họp và nội dung làm việc của Ủy ban Xây dựng năng lực, Tiểu ban Liêm chính Hải quan

Vụ HTQT

Vụ TCCB

Trường HQ

Vụ Thanh tra, kiểm tra

2021-2025

g

Xây dựng Trường Hải quan Việt Nam thành Trung tâm đào tạo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của WCO

Trường HQVN

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

5. Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA)

a

Tham gia đàm phán, xây dựng và triển khai thực hiện các Biểu thuế theo các FTA Việt Nam tham gia ký kết

Cục TXNK

Vụ HTQT

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan

2021-2025

b

Tham gia đàm phán và triển khai các nội dung quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ trong các FTA

Cục GSQL

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan

2021-2025

c

Tham gia đàm phán các vấn đề chung về quản lý hải quan trong các FTA

Vụ HTQT

Cục GSQL

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan

2021-2025

d

Tổng hợp theo dõi, đánh giá việc thực hiện các cam kết hải quan trong các FTA

Vụ HTQT

Cục GSQL

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan

Hàng năm

6. Các chương trình, dự án do nước ngoài tài trợ

a

Vận động tìm kiếm các nguồn tài trợ cho danh mục, điều phối thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của WCO, JICA, USAID, KOICA, Norad, IAEA, ADB, các đối tác khác

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

b

Triển khai và điều phối triển các hoạt động trong khuôn khổ các dự án, chương trình do nước ngoài tài trợ

Vụ HTQT

Các Ban QLDA

Các đơn vị liên quan

2021-2025

7. Nghiên cứu các mô hình, phương pháp quản lý hải quan tiên tiến, các chuẩn mực nghiệp vụ hải quan hiện đại

a

Tổ chức nghiên cứu các mô hình tổ chức bộ máy quản lý hải quan đặc trưng của một số nước trên thế giới gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Liên bang Nga, Anh, Úc, Ấn Độ,... phục vụ cho tái cơ cấu tổ chức bộ máy hải quan theo yêu cầu của cải cách hành chính mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Vụ TCCB

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

b

Nghiên cứu tiếp thu phương thức quản trị nguồn nhân lực hiện đại từ hải quan các nước tiên tiến trên thế giới

Vụ TCCB

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

c

Nghiên cứu và xây dựng cơ sở dữ liệu về luật Hải quan, thuế quan của các nước phục vụ cho việc sửa đổi Luật Hải quan theo yêu cầu tiếp tục cải cách hiện đại hóa hải quan.

Vụ Pháp chế

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

d

Nghiên cứu các chiến lược phát triển hải quan của các nước và trong khuôn khổ đa phương và khu vực.

Ban CCHĐH

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

đ

Nghiên cứu các mô hình công nghệ thông tin và công nghệ số đang được ứng dụng trên thế giới vào xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu quá cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Cục CNTT và TKHQ

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

e

Nghiên cứu về các công nghệ kiểm soát hải quan và đảm bảo an toàn, bảo hộ cho công chức hải quan.

Cục ĐTCBL

Vụ HTQT, Cục TVQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

g

Nghiên cứu mô hình quản lý hải quan hiện đại bao gồm mô hình xử lý thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh, quản lý biên giới thông minh và các công nghệ về kiểm tra giám sát hải quan.

Cục GSQL

Vụ HTQT, Cục TVQT

Các đơn vị liên quan

 

h

Nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước và WCO về các xu hướng kỹ thuật nghiệp vụ và thủ tục hải quan như: thương mại điện tử, xử lý đối với hàng chuyển phát nhanh, thủ tục hải quan tại các khu vực kinh tế đặc biệt, kiểm tra chuyên ngành, quá cảnh...

Cục GSQL

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

i

Nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước và WCO về các chuẩn mực và xu hướng áp dụng quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan

Cục QLRR

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

8. Rà soát, triển khai, theo dõi, đánh giá việc thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan

a

Xây dựng cơ sở dữ liệu cam kết quốc tế để theo dõi, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế đã được nội luật hóa để hướng dẫn thi hành và theo dõi, giám sát quá trình thực hiện.

Vụ HTQT

Cục CNTT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

b

Rà soát cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan để đề xuất nội luật hóa

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

c

Tổ chức triển khai cam kết liên quan đến cam kết xây dựng và vận hành hệ thống một cửa ASEAN theo lộ trình trong ASEAN cũng như kế hoạch của chính phủ về cơ chế một cửa quốc gia theo các cam kết quốc tế

Cục CNTT

Cục GSQL

Cục TXNK

Vụ Pháp chế

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

d

Rà soát Công ước Kyoto sửa đổi phục vụ cho việc sửa đổi công ước.

Vụ Pháp chế

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

đ

Rà soát Công ước HS và AHTN theo phiên bản 2022 và các phiên bản tiếp theo và nội luật hóa

Cục TXNK

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

2021-2025

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3191/QĐ-TCHQ năm 2020 về kế hoạch hợp tác và hội nhập quốc tế của Hải quan Việt Nam giai đoạn 2021-2025 do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 3191/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/11/2020
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Văn Cẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản