Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT |
Số: 318-CP | Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 1979 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC KHUYẾN KHÍCH TẬN DỤNG RUỘNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Hiện nay tại các địa phương việc sử dụng ruộng đất còn nhiều lãng phí: diện tích ruộng đất chỉ làm một vụ còn khá nhiều, có nhiều ruộng đất, ao hồ còn bỏ hoang, hóa, v.v.. . Để thực hiện khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”, để khuyến khích cơ sở sản xuất và người lao động sản xuất ra nhiều lương thực, thực phẩm cho xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, Hội đồng Chính phủ quyết định các chính sách khuyến khích tận dụng ruộng đất nông nghiệp như sau:
1. Đối với diện tích làm vụ đông:
Các tỉnh và thành phố phải có kế hoạch chỉ đạo các nông trường, các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất mở rộng diện tích vụ đông đến mức cao nhất. Ngay khi lập kế hoạch sản xuất vụ đông, các nông trường, hợp tác xã và tập đoàn sản xuất phải có kế hoạch huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để cố gắng đạt diện tích tăng vụ cao nhất, thực hiện vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã giao. Đối với những diện tích mà nông trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đã tính toán với mức cố gắng cao nhất mà vẫn không làm hết trong thời vụ quy định thì nông trường, hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất cần được tạm giao cho đội sản xuất, các nhóm lao động, gia đình xã viên hoặc các cơ quan, đơn vị quân đội mượn để gieo trồng cây vụ đông. Sản phẩm vụ đông của tập thể thì hợp tác xã, tập đoàn sản xuất chia thêm cho xã viên, không tính vào cân đối lương thực. Sản phẩm cây vụ đông sản xuất ra trên đất hợp tác xã cho mượn thì đội sản xuất, nhóm lao động hoặc gia đình xã viên nào làm thì được hưởng không tính vào phương án ăn chia.
Nếu cơ quan Nhà nước có yêu cầu thu mua sản phẩm của tập thể và gia đình xã viên thì ký hợp đồng hai chiều và theo giá thỏa thuận.
Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất phải coi việc giao đất cho xã viên mượn để tận dụng trong vụ đông như một nguồn kinh tế phụ gia đình cần khuyến khích và giúp đỡ nhất là khâu làm đất, giống và thuỷ lợi. Các nhóm lao động và gia đình xã viên được hợp tác xã cho mượn đất phải bảo đảm những điều kiện sau đây:
- Phải bảo đảm làm cho hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất đủ số ngày công do hợp tác xã quy định trong từng vụ, nhất là lúc thời vụ gieo trồng, thu hoạch khẩn trương không được thiếu ngày công;
- Phải bảo đảm giao nộp cho hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất đủ và kịp thời số lượng phân bó đã quy định trong từng vụ;
- Phải trả lại ruộng đất cho hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất gieo trồng cây vụ xuân đúng thời vụ.
2. Đối với ruộng đất bỏ hóa một vụ:
Các tỉnh thành phố phải có kế hoạch chỉ đạo cụ thể các nông trường, hợp tác xã và tập đoàn sản xuất tích cực đưa ruộng một vụ trở thành ruộng hai vụ. Số diện tích đưa lên hai vụ phải ghi thành chỉ tiêu kế hoạch hàng năm và phải được giải quyết cân đối vốn đầu tư, lao động, phân bón, v.v… Trước mắt đối với số diện tích hợp tác xã hoặp tập đoàn sản xuất chưa có điều kiện kinh doanh hai vụ thì phải giao cho đội sản xuất, nhóm lao động, gia đình xã viên hoặc cơ quan, đơn vị quân đội mượn để gieo trồng thêm một vụ nữa, Hợp tác xã và tập đoàn sản xuất cần tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ đội sản xuất, nhóm lao động và gia đình xã viên trong việc sản xuất tăng vụ trên đất cho mượn.
Đội sản xuất, nhóm lao động, gia đình xã viên được hợp tác xã cho mượn đất gieo trồng thêm một vụ phải thu hoạch nhanh gọn để trả lại ruộng đất cho hợp tác xã trước khi gieo cấy vụ sau.
Sản phẩm thu hoạch được trên diện tích nói trên do đội sản xuất, nhóm lao động và gia đình xã viên sử dụng, khônng tính vào phương án ăn chia của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất.
3. Đối với đất hoang hóa:
Hiện nay, địa phương nào cũng còn một số ruộng đất, hồ ao còn bỏ hoang, hóa. Các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch kiểm tra và có biệp pháp cụ thể để đôn đốc và giúp các cơ sở khai hoang, phục hóa số diện tích này, không được để ruộng, đất bỏ hoang hóa. Nếu hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất chưa có điều kiện khai hoang, phục hóa thì hợp tác xã phải giao cho đội sản xuất, nhóm lao động, đoàn thể ở xã, gia đình xã viên hoặc các cơ quan, đơn vị quân đội khai hoang, phục hóa. Người có công khai hoang được sử dụng đất 5 năm, người có công phục hóa được sử dụng 3 năm, sau đó sẽ giao lại cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất quản lý. Khi hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất nhận ruộng đất cần trả thù lao cho nguời có công khai phá một cách thích đáng; người có công khai hoang phục hóa có quyền sử dụng toàn bộ sản phẩm thu hoạch được trên ruộng đất, hồ ao khai hoang phục hóa, được miễn thuế theo chính sách hiện hành và không phải nộp bất cứ một khoản thuế hoặc lệ phí nào cho địa phương trong thời gian nói trên.
4. Đối với dược mạ:
Hiện nay các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có khoảng 10% đất dược mạ, cần có kế hoạch tăng vụ trên diện tích này. Các tỉnh, thành phố cần tính toán cụ thể, chỉ đạo các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất sau khi nhổ mạ cần để lại một tỷ lệ diện tích dược mạ nhất định để làm ruộng nhân thả bèo hoa dâu giống và gieo trồng các cây phân xanh khác. Số diện tích còn lại cần gieo cấy thêm một vụ lúa hoặc hoa màu, nhằm tăng thêm thu nhập cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Các địa phương cần áp dụng các biện pháp gieo mạ sân, mạ dầy, gieo thẳng để bớt điện tích dược mạ.
5. Đối với đất nông nghiệp đã được quyết định dùng cho công trình xây dựng, đất ở các nông trường, lâm trường trạm trại nông nghiệp chưa sử dụng đến:
Cơ quan được giao đất nông nghiệp nếu chưa sử dụng phải có kế hoạch đưa vào sản xuất nông nghiệp, không được để đất hoang hóa. Nếu cơ quan được giao đất không sử dụng hết, phải cho các hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị bộ đội hoặc gia đình xã viên ở xung quanh mượn để sản xuất. Khi cơ quan được giao đất muốn lấy lại phải báo cho người mượn đất biết trước 3 tháng trở lên.
Đối với diện tích dùng cho xây dựng cơ bản, nếu để quá 6 tháng không sử dụng thì phải trả lại cho cơ sở sản xuất; nơi nào đã đào đất thuộc thành thùng đấu thì phải có kế hoạch san lấp để đưa vào sản xuất.
Đội sản xuất, nhóm lao động, gia đình xã viên và các cơ quan, đơn vị được mượn đất để sản xuất có trách nhiệm bảo vệ màu mỡ của đất.
6. Đối với hồ, ao:
Những hồ, ao lớn, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đã quản lý thì phải có kế hoạch sử dụng, kinh doanh thiết thực có hiệu quả kinh tế cao. Những ao nhỏ liền với thổ cư, thì không nên quản lý, nơi nào đã quản lý nhưng chưa sử dụng tốt thì giao lại cho xã viên sử dụng.
7. Trách nhiêm của các ngành, các cấp:
Bộ nông nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn các ngành, các địa phương thi hành quyết định này. Tổng cục quản lý ruộng đất và cơ quan quản lý ruộng đất ở địa phương có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các cơ quan có đất hoang hóa thi hành cụ thể quyết định này. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ vào đặc điểm tình hình cụ thể để các ngành, các cấp ở địa phương thi hành.
Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm giám sát, đôn đốc các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các cơ quan có đất hoang hóa ở địa phương chấp hành quyết định này. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất cần phát huy tinh thần làm chủ tập thể của quần chúng xã viên, dân chủ bản bạc, bảo đảm công bằng hợp lý và có kế hoạch cụ thể giúp đỡ các đội sản xuất, nhóm lao động và gia đình xã viên tận dụng từng mảnh đất để đẩy mạnh sản xuất, ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong nội bộ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất như chỉ chăm lo sản xuất của gia đình, không chăm lo công việc sản xuất của tập thể, không công bằng trong việc giao đất cho xã viên mượn.v.v…
Mọi tập thể và cá nhân đều có quyền đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, có đất bỏ hoang, cho mượn đất để sản xuất. Các cơ quan quản lý có đất bỏ hoang hóa, dù là hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hay cơ quan Nhà nước đều phải giải quyết nhanh chóng các yêu cầu của xã viên, hoặc của các cơ quan, đơn vị khác xin tận dụng những diện tích còn bỏ hoang hóa. Nếu vì quan liêu, vô trách nhiệm mà không giải quyết các yêu cầu chính đáng của người xin tận dụng diện tích bỏ hoang hóa thì người đứng dầu các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các cơ quan, đơn vị có đất bỏ hoang hóa phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và chịu xử phạt theo pháp luật hiện hành.
Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phổ biến rộng rãi quyết định này cho nhân dân biết đế thi hành.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Quyết định 318-CP năm 1979 về viêc khuyến khích tận dụng ruộng đất nông nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 318-CP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/09/1979
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 17
- Ngày hiệu lực: 25/09/1979
- Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra