Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3179/2007/QĐ-UBND | Thanh Hoá, ngày 23 tháng 10 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN QUỸ KHUYẾN HỌC THANH HOÁ GIAI ĐOẠN 2007-2015 PHỤC VỤ NHIỆM VỤ XÂY DỰNG XHHT”
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật giáo dục năm 2005;
Căn cứ Chỉ thị 11 CT/TW ngày 13/04/2007 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; Chỉ thị số 02- CT/TU ngày 28-2-2006 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH”;
Căn cứ Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18-04-2005 “về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể thao”;
Căn cứ Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ “về phê duyệt đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2005-2010” ;
Theo đề nghị của Liên ngành: Sở Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học tỉnh tại Tờ trình số 96 LN/SGD&ĐT-HKH ngày 20/09/2007 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển Quỹ khuyến học Thanh Hoá giai đoạn 2007-2015 phục vụ nhiệm vụ xây dựng XHHT”; thẩm định của Sở Tư pháp tại văn bản số 457/STP-VB ngày 06/06/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Xây dựng và phát triển quỹ khuyến học Thanh Hoá giai đoạn 2007-2015 phục vụ nhiệm vụ xây dựng XHHT”.
Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh và các ngành có liên quan tổ chức thực hiện và tiến hành theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá trong quá trình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, TX,TP; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
“XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN QUỸ KHUYẾN HỌC THANH HOÁ GIAI ĐOẠN 2007-2015 PHỤC VỤ NHIỆM VỤ XÂY DỰNG XHHT”
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3179/2007/QĐ-UBND ngày 23/10/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
Quỹ khuyến học là một quỹ xã hội nhằm giúp học sinh, sinh viên của các hộ nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học tập có kết quả, lập thân lập nghiệp và khuyến khích các tài năng trẻ đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện ... Vì vậy cần xã hội hoá việc xây dựng quỹ khuyến học, trở thành tình cảm và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và của các tầng lớp nhân dân chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo.
I. MỤC ĐÍCH.
1. Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 05/NQ-CP ngày 18/04/2005 của Chính phủ “Về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể thao”; trong đó nhấn mạnh: "Tiếp tục phát triển các loại quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, quỹ phát triển văn hoá, quỹ khuyến học, vv... trên nguyên tắc công khai, minh bạch và quản lý theo quy định của pháp luật"; Quyết định 183/1999/QĐ-TTg ngày 09/09/1999 của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Quỹ khuyến học Việt Nam nhằm hỗ trợ các hoạt động giáo dục và đào tạo, khuyến khích học tốt, dạy tốt; Quyết định 112/2005/TTg ngày 18/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án: “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”.
2. Góp phần xã hội hoá giáo dục, huy động sức mạnh của toàn xã hội thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục và đào tạo, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ cho học sinh thuộc các gia đình nghèo, gia đình thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, ... được học, vượt lên khó khăn học giỏi, có nghề nghiệp, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo từ việc học... đồng thời hỗ trợ, khích lệ các tài năng trẻ, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.
3. Trực tiếp góp phần giải quyết khó khăn cho trên 130.000 học sinh, sinh viên thuộc các gia đình rất nghèo, gia đình chính sách hiện đang học ở các cấp học, ngành học hàng năm ở tỉnh ta có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế được học lên, học giỏi và được đào tạo nghề... ; trực tiếp khen thưởng cho hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên giỏi, giáo viên dạy giỏi.
II. MỤC TIÊU.
1. Phấn đấu quỹ khuyến học ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện và cơ sở) mỗi năm tăng thêm bình quân khoảng 30 tỷ đồng. Trong 4 năm (2007-2010) có tổng quỹ khuyến học 3 cấp đạt 120 tỷ đồng và đến năm 2015 đạt 250 tỷ đồng; trong đó quỹ khuyến học do cơ sở trực tiếp quản lý khoảng 90%; cấp huyện và tỉnh quản lý 10%.
2. Mỗi năm trợ giúp cho khoảng 70 nghìn lượt học sinh, sinh viên nghèo và khen thưởng cho khoảng 200 nghìn lượt học sinh, sinh viên học khá giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp học, ngành học.
3. Từ đó góp phần giảm tối đa tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học do hoàn cảnh kinh tế khó khăn; tăng nhanh số học sinh được đào tạo nghề, đậu cao đẳng, đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
III. ĐA DẠNG CÁC HÌNH THỨC XÂY DỰNG QUỸ KHUYẾN HỌC.
1. Khuyến khích và vận động xây dựng quỹ khuyến học gia đình, do các thành viên trong gia đình tiết kiệm chi tiêu, dành dụm gửi ngân hàng hoặc mua các loại bảo hiểm cho học sinh, sinh viên để chi phí cho việc học và đào tạo nghề, TCCN, CĐ, ĐH của con em hoặc chuẩn bị tiền cho con em học tập sau này.
2. Xây dựng quỹ khuyến học của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để giúp đỡ cán bộ công chức, viên chức, công nhân lao động đi học, đi đào tạo lại; thưởng cho cán bộ công chức, viên chức, công nhân lao động học giỏi và hỗ trợ cho con em cán bộ công chức viên chức, công nhân lao động của đơn vị gặp khó khăn, trao thưởng cho học sinh, sinh viên học giỏi là con em của cán bộ công chức, viên chức, công nhân lao động trong đơn vị.
3. Xây dựng quỹ khuyến học ở thôn xóm, làng, bản, khu phố, dòng họ do cộng đồng dân cư tự nguyện đóng góp bằng tiền hàng năm hoặc góp vốn, góp đất ao vườn, đồi ... để sản xuất (trồng cây, nuôi cá, nuôi bò, nuôi dê, ...); tổ chức các loại dịch vụ,... lấy lãi giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo, không để cho học sinh, sinh viên các gia đình vì nghèo mà bỏ học hoặc không được tiếp tục học lên, không được đào tạo để có nghề nghiệp; thưởng các học sinh- sinh viên học khá giỏi, trợ giúp cho học sinh- sinh viên gia đình nghèo để đào tạo nghề hoặc học ĐH, CĐ.
4. Xây dựng quỹ khuyến học xã, phường, thị trấn, trường học trực tiếp giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo, khen thưởng học sinh, sinh viên giỏi, trợ giúp học sinh, sinh viên nghèo học nghề, đậu ĐH, CĐ, vinh danh người học thành đạt.
5. Xây dựng quỹ khuyến học của huyện, thị xã, thành phố và của cấp tỉnh để trao học bổng cho học sinh, sinh viên đặc biệt nghèo hoặc có hoàn cảnh éo le; học sinh con thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, chất độc da cam; thưởng cho học sinh, sinh viên giỏi cấp huyện, tỉnh và học sinh, sinh viên đạt giải các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế. Đồng thời hỗ trợ cho các xã có số lượng quỹ khuyến học còn ít do điều kiện kinh tế- xã hội ở đó khó khăn.
6. Khuyến khích hình thành các quỹ khuyến học, quỹ học bổng của những nhà hảo tâm mang tên cá nhân hoặc tập thể để trao học bổng cho những đối tượng nhất định theo yêu cầu hoặc tiêu chí của người sáng lập quỹ.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:
1. Tăng cường sụ lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với nhiệm vụ khuyến học- khuyến tài xây dựng XHHT theo Chỉ thị 11 CT/TW ngày 13/04/2007 của Bộ Chính trị để phát triển quỹ khuyến học – khuyến tài phục vụ sự nghiệp xây dựng XHHT tạo ra sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân
dân, các tổ chức, cơ quan doanh nghiệp... tham gia tích cực vào việc xây dựng quỹ khuyến học, đặc biệt là ở cơ sở; trở thành cuộc vận động toàn dân xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài.
Cần có chủ chương, giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh của từng nơi để đem lại hiệu quả tốt nhất.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội Khuyến học các cấp trong việc phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội, xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp,... chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung và xây dựng quỹ khuyến học nói riêng.
2. UBND các cấp có trách nhiệm cụ thể hoá nội dung đề án này và chỉ đạo thực hiện có kết quả trên mỗi địa bàn, thực hiện tốt ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn, ... vận động toàn dân xây dựng quỹ khuyến học nhằm vừa nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
3. Coi trọng công tác tuyên truyền vận động.
Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động (tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua báo đài địa phương) để mọi người nhận thức được sự cần thiết và tầm quan trọng của quỹ khuyến học nhằm góp phần thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục- đào tạo, trực tiếp giúp đỡ cho các học sinh thuộc các gia đình nghèo, gia đình TB-LS, chất độc da cam, học sinh vùng cao, vùng sâu...vượt lên khó khăn về hoàn cảnh kinh tế được học liên tục, không bị thất học, được đào tạo nghề nghiệp, có việc làm ổn định, lập thân lập nghiệp, xoá đói giảm nghèo nhờ được học... Đồng thời khuyến khích học sinh học giỏi, đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi, tạo nguồn đào tạo nhân lục chất lượng cao và đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước; giành sự quan tâm của xã hội khen thưởng, cổ vũ giáo viên dạy giỏi, hết lòng vì học sinh, vì chất lượng giáo dục toàn diện...
Từ đó khơi dậy truyền thống tốt đẹp trong nhân dân ta ( truyền thống hiếu học và khuyến học, truyền thống thương yêu, nhân ái, lá lành đùm lá rách); nêu cao bản chất tốt đẹp của chế độ ta không để cho bất cứ học sinh nào vì nghèo mà thất học và bồi dưỡng các tài năng trẻ để các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, người làm ăn thành đạt, cá nhân hảo tâm... tự nguyện tham gia ủng hộ, đóng góp cho quỹ.
4. Định hướng phân cấp vận động như sau:
4.1. Quỹ khuyến học xã, phường, thị trấn: Vận động nhân dân sống trên địa bàn, con em người địa phương làm ăn, sinh sống, công tác ở các vùng miền, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các hộ kinh doanh thương mại du lịch.. ở địa bàn cơ sở. Số tiền vận động được để lại 100% cho quỹ khuyến học cơ sở.
4.2. Quỹ khuyến học trường học: Vận động các bậc cha mẹ học sinh (nhất là các phụ huynh có điều kiện về kinh tế) có con em đang học hoặc học sinh cũ của trường, các cựu học sinh thành đạt, các nhà hảo tâm, các tổ chức, các doanh nghiệp... ủng hộ quỹ và được để lại 100% cho quỹ khuyến học nhà trường.
4.3. Quỹ khuyến học của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp:
Vận động cán bộ công chức, viên chức, công nhân lao động ủng hộ quỹ khuyến học (và có thể trích một phần quỹ phúc lợi, quỹ đào tạo bổ sung cho quỹ).
- Quỹ khuyến học của cơ quan, doanh nghiệp được để lại 50% cho quỹ khuyến học cơ quan, doanh nghiệp và ủng hộ cho quỹ khuyến học huyện, thị, thành phố 50% (đối với cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc cấp huyện); hoặc 50% cho quỹ khuyến học tỉnh (đối với cơ quan, đơn vị do tỉnh quản lý, cơ quan trung ương và doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn tỉnh), các doanh nghiệp lớn...
4.4. Quỹ khuyến học của các huyện, thị, thành phố:
Vận động cán bộ công chức, viên chức, công nhân lao động, lực lượng vũ trang, công an thuộc huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Số tiền vận động được để lại 100% cho quỹ khuyến học huyện, thị, thành phố.
4.5. Quỹ khuyến học cấp tỉnh.
Vận động các cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công an nhân dân thuộc các ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh hoặc các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn, các doanh nghiệp nhà nước lớn, các hiệp hội doanh nghiệp... ủng hộ quỹ.
Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ quỹ khuyến học đều được ghi vào sổ vàng quỹ khuyến học. Những cá nhân, đơn vị ủng hộ với số tiền nhiều đều có giấy ghi công để biểu dương các tấm lòng vàng và mời dự hội nghị gặp mặt biểu dương các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp xây dựng quỹ khuyến học.
5. Vận dụng sáng tạo các hình thức vận động.
5.1. Lấy việc vận động các tầng lớp nhân dân (trừ các hộ nghèo) các tổ chức và doanh nghiệp ủng hộ quỹ làm biện pháp bền vững và lâu dài để xây dựng quỹ khuyến học thường xuyên, hàng năm tạo ra sự ổn định cho quỹ.
5.2. Tổ chức các cuộc giao lưu, truyền hình trực tiếp để vận động các doanh nghiệp, các nhà tài trợ cho quỹ khuyến học như: “đêm ca nhạc vì HS-SV nghèo hiếu học”; “Nối vòng tay lớn, tiếp sức cho HS-SV nghèo được đến trường”, ...
- Cuộc gặp mặt và tôn vinh các nhà tài trợ cho quỹ khuyến học.
- Vận động các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nhân thành đạt người Thanh Hoá đang làm ăn ở tỉnh ngoài, nước ngoài, các nhà đầu tư lớn và thành công tại Thanh Hoá...
5.3. Tổ chức tháng khuyến học hàng năm bắt đầu từ 1/9 đến 30/9.
Tháng khuyến học có các nội dung sau:
a. Đưa con em đến trường học.
- Tất cả con em đến độ tuổi (kể cả trẻ em khuyết tật) đều được đến trường học, không để bất cứ trẻ em nào thất học, thực hiện phổ cập giáo dục.
- Học sinh tốt nghiệp THCS nếu không đậu THPT, BTTH thì được đào tạo nghề sau THCS, học sinh tốt nghiệp THPT nếu không đậu CĐ, ĐH thì đều được học TCCN, đào tạo 3 cấp trình độ nghề.
- Người lớn tuổi bắt đầu một năm học mới theo các hình thức học tập thích hợp (chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, tự học...)
b. Gặp mặt giữa phụ huynh nhà trường, giáo viên để tạo sự phối hợp chặt chẽ trong giáo dục con em thường xuyên; thực hiện phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong cuộc vận động: Nói không với tiêu cực trong thi cử và không để học sinh ngồi nhầm lớp.
c. Góp công, góp sức xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà công vụ cho giáo viên. Nhà trường tiếp nhận các tổ chức và cá nhân hiến tặng đất đai, thiết bị giảng dạy hoặc bằng tiền ... Góp sức xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia.
d. Vận động xây dựng quỹ khuyến học, trợ giúp cho học sinh nghèo, học sinh chịu di chứng chất độc da cam, con TB-LS... sách vở, quần áo hoặc bằng tiền...
đ. Cổ vũ, tôn vinh những tấm gương vượt khó, học giỏi thành đạt, những GĐHH, những tổ chức và cá nhân có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khuyến học...
e. Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ, sự chỉ đạo của chính quyền, tạo ra sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị- xã hội, các doanh nghiệp ... trên địa bàn chăm lo sự nghiệp trăm năm trồng người bằng những việc làm và hành động cụ thể.
6. Quản lý và sử dụng quỹ khuyến học.
6.1. Ban Chấp hành Hội Khuyến học các cấp dược giao trực tiếp quản lý và sử dụng quỹ khuyến học đúng mục đích theo đúng các quy định của Nhà nước và Điều lệ quỹ khuyến học Việt Nam.
Quỹ khuyến học phải được quản lý công khai, minh bạch, có sổ sách thu chi, chứng từ; hoạch toán, kế toán thu chi theo luật kế toán hiện hành. Hàng năm phải công khai kết quả thu, chi, sử dụng với các tổ chức cá nhân tham gia tài trợ, báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước và báo cáo UBND cùng cấp.
6.2. Mỗi quỹ khuyến học có một ban quản lý quỹ khuyến học do Ban chấp hành Hội Khuyến học cùng cấp cử ra và chịu trách nhiệm về mọi mặt trước Ban chấp hành Hội cùng cấp và trước Pháp luật.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Hàng năm Hội Khuyến học tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính lập kế hoạch phát triển quỹ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh .
2. Sở Tài chính phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh hướng dẫn chi tiết các quy định về quản lý quỹ khuyến học theo đúng các quy định của pháp luật.
3. Đề nghị UBMT Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Liên hiệp các Hội KH-KT, các đoàn thể quần chúng, các Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội doanh nhân nữ, Hiệp hội doanh nhân trẻ... có sự phối hợp chặt chẽ và tham gia tích cực trong việc vận động xây dựng quỹ Khuyến học ở tỉnh ta đạt kết quả tốt nhất./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 112/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Giáo dục 2005
- 3Quyết định 183/1999/QĐ-TTg về việc cho phép thành lập Quỹ khuyến học Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành
- 6Chỉ thị 03/2003/CT-UB vận động xây dựng Quỹ khuyến học và Quỹ vì người nghèo do Tỉnh An Giang ban hành
Quyết định 3179/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Xây dựng và phát triển quỹ khuyến học Thanh Hóa giai đoạn 2007-2015 phục vụ nhiệm vụ xây dựng XHHT do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành
- Số hiệu: 3179/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/10/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Vương Văn Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra