Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3178/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 17 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2017-2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Người cao tuổi Việt Nam ngày 23/11/2009;

Căn cứ quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 1062/QĐ-UBND ngày 20/05/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia Người cao tuổi tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014-2020;

Xét Tờ trình số 08/TTr-HNCT ngày 15/9/2017 và Công văn số 32/CV-NCT ngày 06/11/2017 của Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh về việc phê duyệt Đề án thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2017-2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 643/TTr-SNV ngày 10/10/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2017-2020 (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án đảm bảo tiến độ, hiệu quả và đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Phòng KGVX;
- Lưu :VT, TH (Ph30b)

CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Nghị

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2017-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)

Phần I

CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật Người cao tuổi Việt Nam;

Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam” giai đoạn 2012- 2020;

Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 1062/QĐ-UBND ngày 20/05/2015 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia Người cao tuổi tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014-2020.

II. CƠ SỞ THỰC HIỆN

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Tính đến cuối năm 2016, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 130.577 người, chiếm 7,4% tổng dân số của tỉnh, trong đó chủ yếu người cao tuổi là người đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng nông thôn, có trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất và tinh thần khó khăn (trên 60% người cao tuổi phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng của con, cháu; trên 45% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo). Toàn tỉnh có 184/184 xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội Người cao tuổi với 2.445 chi hội, trong đó số người cao tuổi tại 40 xã khó khăn có khoảng 51.780 người. Tổng số hội viên 125.456 hội viên; hội viên dưới 60 tuổi là. 11.269 hội viên.

Trong những năm qua, mặc dù được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, song công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế; Hội Người cao tuổi bước đầu đã tập hợp được đối tượng người cao tuổi vào tham gia sinh hoạt, song chưa tổ chức được những hoạt động tích cực, chưa phát huy được trí tuệ của lực lượng người cao tuổi tiếp tục cống hiến những kinh nghiệm hay trong phong trào phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.

Để chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt với đối tượng là phụ nữ rất cần sự hỗ trợ về môi trường và điều kiện để họ tự vươn lên, phát huy vai trò, sự đóng góp của mình để nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng, đòi hỏi phải có những mô hình tổ chức hoạt động năng động, sáng tạo, kết hợp được sự trợ giúp của cộng đồng liên thế hệ, đồng thời khai thác được sự chủ động tích cực của chính bản thân người cao tuổi.

2. Cơ sở thực tiễn

Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là một tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng, có mục tiêu liên kết các thành viên, thúc đẩy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng với mục đích vừa chăm sóc vừa phát huy vai trò người cao tuổi tại cộng đồng khu dân cư. Nguyên tắc hoạt động của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là tự nguyện, tự quản, hoạt động theo Quy chế của Câu lạc bộ, dân chủ, bình đẳng, quyết định theo đa số, đoàn kết, hợp tác, tương trợ dưới sự điều hành của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 1.000 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đã và đang hoạt động rất hiệu quả, đang trợ giúp trực tiếp cho hơn 50.000 người cao tuổi trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Mô hình này phù hợp với mong muốn của người cao tuổi và đã được đưa vào Chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/08/2016.

Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau cũng như các loại hình câu lạc bộ khác do Hội Người cao tuổi, Hội liên hiệp Phụ nữ hoặc các đơn vị khác thành lập, có tư cách pháp nhân, có điều lệ, phạm vi hoạt động trong thôn, liên thôn, tổ dân phố (theo Khoản 2, Điều 2, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ), có quỹ nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển, không vì mục đích lợi nhuận (theo Khoản 2 và Khoản 4, Điều 3, Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ). Được UBND cấp xã, phường, thị trấn cho phép thành lập và do Hội Người cao tuổi cùng cấp quản lý.

Thành viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau: Từ 50 đến 70 người, trong đó 70% là người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên), 70% là phụ nữ, 70% là người nghèo hoặc cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Thành viên trong Câu lạc bộ có một số người biết cách làm ăn; 01 Câu lạc bộ được thành lập ở 01 hoặc 02 thôn; Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm 05 người, mỗi Câu lạc bộ đều có tổ tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, tổ văn nghệ, tổ tăng thu nhập,...

Về cơ chế hoạt động, Câu lạc bộ hoạt động trên cơ sở tự nguyện do thành viên tự quản lý, có kế hoạch và báo cáo hàng tháng; sinh hoạt ít nhất 01 lần/tháng; chủ động xây dựng, thực hiện và giám sát các hoạt động của mình; công khai quản lý tài chính và có thể tự tạo thu nhập thêm để chi cho các hoạt động trong những năm tiếp theo. Hội Người cao tuổi (hoặc phối hợp với các đoàn thể khác) và chính quyền cùng giám sát hoạt động của Câu lạc bộ.

* Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau có 08 hoạt động chính:

- Hoạt động tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo: Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh Đắk Lắk là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm huy động kinh phí theo quy định tại khoản 2, khoản 3, mục 5, Quyết định 1533/QĐ-TTg ngày 02/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện việc hỗ trợ ban đầu cho mỗi Câu lạc bộ số tiền hoặc hiện vật trị giá từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng để làm quỹ cho thành viên vay tăng thu nhập (chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh nhỏ...) với lãi suất tối đa là 1.0%/ tháng. Để sử dụng vốn vay có hiệu quả, Câu lạc bộ có tổ tăng thu nhập, phối hợp với khuyến nông hoặc các cá nhân làm ăn giỏi tổ chức truyền thông về kỹ thuật sản xuất... và giúp đỡ nhau khi khó khăn để hạn chế rủi ro. Toàn bộ số tiền lãi nộp vào quỹ của Câu lạc bộ. Ngoài ra, còn có phí thành viên (2.000 đồng đến 5.000đồng/tháng) và vận động nguồn lực từ cộng đồng. Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện theo các quy định hiện hành.

- Hoạt động chăm sóc sức khỏe: Câu lạc bộ tổ chức tập thể dục dưỡng sinh phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức truyền thông về chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và lập sổ theo dõi sức khỏe và hỗ trợ các thành viên tiếp cận bảo hiểm y tế.

- Hoạt động tình nguyện viên chăm sóc tại nhà: Câu lạc bộ tổ chức đội tình nguyện viên để chăm sóc người cao tuổi cô đơn, ốm đau trong cộng đồng (mỗi tổ từ 05 đến 07 người).

- Hoạt động tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng: Tự giúp nhau là một hoạt động điển hình của Câu lạc bộ. Các thành viên của Câu lạc bộ tự bàn bạc và tình nguyện giúp nhau về ngày công, tiền, hiện vật hoặc kỹ thuật; tổ chức các hoạt động cộng đồng như dọn vệ sinh thôn xóm, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới... ở địa phương.

- Hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích: Câu lạc bộ phổ biến, tuyên truyền chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước cho người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Đồng thời tham gia phát hiện, đề xuất việc thực hiện chính sách, quyền của người cao tuổi theo quy định của luật pháp.

- Hoạt động nâng cao nhận thức, kiến thức: Tại các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ đều tổ chức truyền thông, phổ biến kiến thức, phương pháp tăng thu nhập, cách nâng cao sức khỏe, về các chế độ chính sách,... Hoạt động này không chỉ nâng cao nhận thức, kiến thức mà còn khiến người cao tuổi sống tự tin hơn.

- Hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần thông qua văn hóa văn nghệ, thăm hỏi, giao lưu: Các Câu lạc bộ đều có tổ văn nghệ để các thành viên tham gia các tiết mục hát, múa, thơ, tiểu phẩm,...Phong trào văn nghệ tập thể tạo không khí vui tươi trong mỗi buổi sinh hoạt và tham gia biểu diễn trong các dịp hội họp của cộng đồng. Các thành viên luôn động viên, thăm hỏi, giao lưu.

- Hoạt động vận động nguồn lực: Câu lạc bộ đều có các hình thức vận động nguồn lực như “Sổ tấm lòng vàng” để hỗ trợ người gặp khó khăn, từ nguồn lãi cho vay được quay vòng, từ phí thành viên và hoạt động tăng thu nhập chung của Câu lạc bộ. Điều này giúp Câu lạc bộ bền vững về tài chính.

Thực tiễn đã khẳng định Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của người cao tuổi ở cơ sở, nhất là người cao tuổi nghèo có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tham gia vào các loại hình Câu lạc bộ khác. Theo kết quả nghiên cứu đánh giá về tác động của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của Viện nghiên cứu Y-Xã hội học 2013 cho thấy Câu lạc bộ là mô hình có tác động toàn diện tới Người cao tuổi và cộng đồng, cụ thể là:

- Về kinh tế, thành viên được vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, có thể tăng 50% thu nhập sau 03 năm. Góp phần giảm nghèo cho người cao tuổi và gia đình.

- Về sức khỏe của thành viên tốt lên do rèn luyện và có kiến thức tự chăm sóc sức khỏe.

- Về đời sống tinh thần được nâng cao, có cơ hội giao lưu, nâng cao nhận thức.

- Về xã hội, thúc đẩy sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, các thế hệ, giữa người khó khăn và không khó khăn; gắn kết tình làng nghĩa xóm, thúc đẩy các phong trào tại cộng đồng và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về người cao tuổi.

- Về chính trị, thay đổi cách nhìn nhận về người cao tuổi, về sự đóng góp và phát huy nội lực của người cao tuổi, góp phần làm tốt công tác người cao tuổi.

Từ thực tiễn trên cho thấy việc thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tại 20 xã nhằm giúp cho người cao tuổi nghèo, khó khăn, thiệt thòi vươn lên trong cuộc sống để thoát nghèo, góp phần hỗ trợ cải thiện điều kiện sống và đổi mới đời sống tinh thần cho người cao tuổi ở cộng đồng dân cư.

Phần II

NỘI DUNG ĐỀ ÁN THÀNH LẬP CÂU LẠC BỘ

I. TÊN ĐỀ ÁN

Thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2017 - 2020, hoạt động theo mô hình xã hội tự nguyện.

II. TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổ chức quản lý: Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Đắk Lắk.

2. Cơ quan, tổ chức hỗ trợ thực hiện: Sở Tài chính; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban công tác Người cao tuổi các cấp và các Sở, ngành liên quan.

III. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Phạm vi thực hiện: Đề án được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

2. Đối tượng thực hiện: Người cao tuổi, gia đình người cao tuổi, phụ nữ và các thành viên khác trong cộng đồng, đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn.

IV. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu:

a) Phát triển các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh, thông qua cách tiếp cận liên thế hệ, tự giúp nhau dựa vào cộng đồng để góp phần thực hiện chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia Người cao tuổi và góp phần chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, đặc biệt hướng tới giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cận nghèo và khó khăn tại cộng đồng.

b) Nâng cao vai trò của Hội người cao tuổi và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, xã hội trong công tác chăm sóc; phát huy vai trò người cao tuổi, góp phần làm tốt công tác người cao tuổi và già hóa dân số.

2. Chỉ tiêu:

a) Giai đoạn 2017 - 2020: Thành lập và duy trì hoạt động 20 Câu lạc bộ Liên thế hệ giúp nhau trên địa bàn tỉnh.

b) Giai đoạn 2017- 2018: Thành lập điểm 08 Câu lạc bộ Liên thế hệ ở 04 huyện, thị xã, thành phố; mỗi huyện xây dựng điểm 02 Câu lạc bộ, có ít nhất 400 thành viên tham gia, trong đó có khoảng 350 người cao tuổi.

c) Giai đoạn 2018 - 2020: Duy trì hoạt động của 08 Câu lạc bộ đã thành lập trước đó và thành lập mới 12 Câu lạc bộ tại 06 huyện, có ít nhất 1.000 thành viên tham gia, trong đó có khoảng 600 người cao tuổi.

Các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu theo quy định như: 70% là người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên), từ 60 đến 70% là phụ nữ, từ 60 đến 70% là người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn; có ít nhất 50% thành viên được vay vốn bằng tiền hoặc hiện vật và cải thiện thu nhập; 100% Câu lạc bộ được tập huấn và giám sát theo quy định.

3. Nội dung hoạt động:

a) Thành lập Ban Điều hành, xây dựng kế hoạch: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính lập kế hoạch cụ thể về tiến độ xây dựng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, ngân sách hoạt động (theo 02 giai đoạn).

Huy động nguồn lực của địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án và các quỹ tại địa phương để hỗ trợ nguồn quỹ ban đầu cho các Câu lạc bộ.

b) Tập huấn kỹ thuật, cung cấp tài liệu để nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương:

- Phối hợp với Ban quản lý Đề án Quốc gia của Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau và cán bộ liên quan của các huyện, xã về phương pháp thành lập, quản lý các lĩnh vực hoạt động của Câu Lạc bộ.

- Phối hợp với Ban quản lý đề án Quốc gia của Hội Người cao tuổi Việt Nam biên soạn, cung cấp tài liệu kỹ thuật về Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Tổ chức tham quan mô hình ở các tỉnh khác và trong địa bàn tỉnh.

c) Thành lập các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (theo 02 giai đoạn):

- Lựa chọn các địa bàn phù hợp, chuẩn bị các nguồn lực để hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, chuẩn bị nhân sự.

- Phối hợp với chính quyền và Hội Người cao tuổi cơ sở thành lập các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau theo kế hoạch; Tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ.

d) Giám sát, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau:

- Tổ chức giám sát và hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ cho các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (giám sát mẫu, giám sát điểm...).

- Tiến hành sơ tổng kết rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh.

4. Giải pháp:

a) Truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau và về người cao tuổi.

- Hợp tác với Hội Người cao tuổi Việt Nam và cơ quan truyền thông địa phương để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác động và hiệu quả của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau và về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

- Tổ chức tham quan mô hình, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để phổ biến, xây dựng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

b) Huy động nguồn lực, vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tham gia nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau:

- Ngân sách hỗ trợ thường xuyên từ tỉnh, các huyện và xã dự định thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

- Vận động nguồn lực từ các tổ chức chính trị, xã hội, các hội đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức Quốc tế và cá nhân trong và ngoài tỉnh.

- Phối hợp với Ban Điều hành Đề án Quốc gia của Hội Người cao tuổi Việt Nam tìm kiếm nguồn lực, dự án.

c) Phối hợp với các Sở, ngành, tạo điều kiện hỗ trợ thành lập và hoạt động của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau:

- Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để chỉ đạo lập dự toán ngân sách, lập kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự tham gia của chính quyền (theo Điều 24 Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi); để các thành viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được vay vốn sản xuất giảm nghèo.

- Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh để truyền thông, hướng dẫn Câu lạc bộ kiến thức sản xuất và lồng ghép nguồn lực từ chương trình nông nghiệp, nông thôn mới.

- Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ... của các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

- Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Ban công tác Người cao tuổi, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh và các hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh... tham gia huy động nguồn lực để thành lập, quản lý và giúp đỡ các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động.

V. KINH PHÍ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ cho những nhiệm vụ được Nhà nước giao theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

2. Huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật:

a) Huy động đóng góp từ nguồn xã hội hóa để nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ hoặc tham gia thực hiện đề án.

b) Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể lồng ghép nguồn lực các chương trình, dự án khác tại địa phương để hỗ trợ thực hiện đề án và chăm sóc người cao tuổi.

3. Huy động đóng góp của các hội viên, từ các nguồn quỹ tại địa phương:

a) Phối hợp với chính quyền các cấp sử dụng nguồn lực từ các quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi và các nguồn quỹ khác ở các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã...) để hỗ trợ nguồn quỹ ban đầu cho các Câu lạc bộ Liên thế hệ giúp nhau nhằm mục đích giảm nghèo cho các thành viên Câu lạc bộ.

b) Huy động sự đóng góp của cá nhân, cộng đồng của hội viên Hội Người cao tuổi và các thành viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

4. Vận động nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật:

a) Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế để xây dựng các dự án về nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

b) Vận động sự đóng góp, tài trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, cá nhân nước ngoài và quốc tế để nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. BAN ĐẠI DIỆN HỘI NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH

1. Chủ trì phối hợp với các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban công tác Người cao tuổi, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở ngành có liên quan, các tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng kế hoạch; triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án; hướng dẫn Hội Người cao tuổi cấp huyện thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau theo kế hoạch; giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án; huy động nguồn tài chính hợp pháp khác; báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện và các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai; kiến nghị những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thực tế của từng giai đoạn.

2. Phối hợp với chính quyền các địa phương, Hội Người cao tuổi và các đoàn thể ở địa phương xây dựng Kế hoạch chi tiết của địa phương, tổ chức huy động nguồn lực và hỗ trợ thực hiện Đề án.

3. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ các cấp vận động nguồn lực cho việc nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, sử dụng nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện Đề án.

II. SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện; lồng ghép vào các chương trình Quốc gia và các dự án, Đề án khác có liên quan để thực hiện Đề án, phối hợp với Hội người cao tuổi và Ban công tác Người cao tuổi tỉnh giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện Đề án, hỗ trợ Hội Người cao tuổi các cấp tuyên truyền, lập kế hoạch, lồng ghép các nội dung tập huấn, triển khai xây dựng và huy động nguồn lực thực hiện Đề án.

III. SỞ TÀI CHÍNH

Tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.

IV. SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Phối hợp chỉ đạo về tuyên truyền và nâng cao nhận thức về Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, về huy động nguồn lực để nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

V. SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Chỉ đạo các cấp phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ giúp nhau; tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ tham gia các chương trình giảm nghèo bền vững, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới...

VI. SỞ Y TẾ

Chỉ đạo các cấp tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được khám sức khỏe định kỳ; tuyên truyền, phổ biến về chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi cô đơn, khó khăn; hỗ trợ kỹ thuật để thành lập đội tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

VII. SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Chỉ đạo các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ...của các Câu lạc Liên thế hệ tự giúp nhau.

VIII. SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội... vận động các nguồn hỗ trợ phát triển ODA, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở địa phương.

IX. ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH

Đề nghị chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động nguồn lực để nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thành viên phối hợp hỗ trợ thực hiện và giám sát Đề án.

X. UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ

1. Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai Đề án của địa phương mình trên cơ sở Đề án chung và Chương trình hành động Quốc gia Người cao tuổi của tỉnh, lồng ghép với các Đề án khác đang thực hiện tại địa phương.

2. Tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, xem xét hỗ trợ kinh phí và phối hợp các nguồn lực hợp pháp khác từ các chương trình, dự án để triển khai đề án; tham gia kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.

3. Xây dựng và phát triển Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi tại địa phương; đồng thời hướng dẫn sử dụng Quỹ chăm sóc, phát huy vai trò Người cao tuổi, huy động nguồn lực xã hội hóa tại địa phương để hỗ trợ thực hiện Đề án.

4. Tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về xây dựng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau và chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tại địa phương.

5. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xem xét, công nhận Câu lạc bộ cùng cấp; hướng dẫn, giám sát quá trình hoạt động của Câu lạc bộ, thường xuyên kiểm tra, tổng hợp kết quả báo cáo việc thực hiện Đề án theo định kỳ 06 tháng, 01 năm về Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh Đắk Lắk./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3178/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 3178/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Phạm Ngọc Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản