Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3173/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 21 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM TRA, SÁT HẠCH TIẾP NHẬN CÔNG CHỨC KHÔNG QUA THI TUYỂN NĂM 2016

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về  tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

Căn cứ Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 2657/QD-UBND ngày 09/9/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chỉ tiêu và kế hoạch tuyển dụng công chức làm việc tại các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk năm 2016;

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 676/TTr-SNV ngày 21/10/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế kiểm tra sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển tỉnh Đắk Lắk năm 2016.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan và Hội đồng kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH (Ph 60b).

CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Nghị

 

QUY CHẾ

KIỂM TRA, SÁT HẠCH TIẾP NHẬN CÔNG CHỨC KHÔNG QUA THI TUYỂN NĂM 2016.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3713/QĐ-UBND ngày 21/10/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này Quy định về đối tượng áp dụng, nội dung kiểm tra, sát hạch và cách tính điểm kiểm tra, sát hạch đối với các trường hợp tiếp nhận không qua thi tuyển tỉnh Đắk Lắk năm 2016.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển theo quy định tại khoản 1, Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV.

2. Hội đồng kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển năm 2016.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có người được xem xét tiếp nhận công chức không qua thi tuyển.

Chương II

NỘI DUNG KIỂM TRA, SÁT HẠCH

Điều 3. Nội dung, hình thức kiểm tra, sát hạch

1. Nội dung kiểm tra, sát hạch đối với người dự tuyển bao gồm:

- Sát hạch trình độ hiểu biết chung: Hệ thống chính trị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Cán bộ công chức.

- Sát hạch về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 và cơ quan thuộc UBND cấp huyện theo Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 của Chính phủ và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến vị trí việc làm.

2. Hình thức kiểm tra sát hạch là Phỏng vấn trực tiếp, bao gồm:

- Trả lời câu hỏi bốc thăm trong bộ câu hỏi;

- Trả lời câu hỏi trực tiếp của thành viên Hội đồng kiểm tra sát hạch.

Điều 4. Xây dựng câu hỏi kiểm tra, sát hạch

1. Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch thành lập Tổ xây dựng bộ câu hỏi sát hạch của các vị trí việc làm.

2. Nội dung câu hỏi kiểm tra, sát hạch theo Điều 3 Quy chế này. Kết cấu câu hỏi kiểm tra, sát hạch phải bảo đảm tính chính xác, khoa học. Mỗi câu hỏi kiểm tra, sát hạch phải có đáp án và thang điểm chi tiết. Câu hỏi kiểm tra sát hạch được đóng trong phong bì, niêm phong và bảo quản theo chế độ tài liệu mật và đồng thời bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch; việc giao nhận, mở đề kiểm tra, sát hạch đều phải lập biên bản theo quy định.

Điều 5. Tổ chức kiểm tra, sát hạch

1. Chuẩn bị cho tổ chức kiểm tra, sát hạch

a) Gửi thông báo triệu tập, cụ thể về thời gian, địa điểm kiểm tra, sát hạch cho người dự tuyển đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

b) Trước ngày kiểm tra, sát hạch 02 ngày, niêm yết danh sách người dự tuyển, Quy chế kiểm tra, sát hạch và các văn bản liên quan tại địa điểm kiểm tra, sát hạch.

c) Hoàn thành các công tác chuẩn bị: các biểu mẫu, danh sách người dự tuyển, thẻ cho Hội đồng kiểm tra, sát hạch; giấy làm bài của thí sinh...

d) Hội đồng kiểm tra, sát hạch họp để thống nhất kế hoạch, nắm quy chế, nội quy, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng ủy viên Hội đồng.

đ) Giao Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu và thực hiện các nội dung tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này.

2. Tổ chức kiểm tra, sát hạch

a) Thư ký Hội đồng kiểm tra, sát hạch hướng dẫn người dự tuyển chọn câu hỏi kiểm tra, sát hạch theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên.

b) Người dự tuyển trả lời câu hỏi kiểm tra, sát hạch đã chọn; mỗi người dự tuyển chỉ chọn một đề kiểm tra, sát hạch, không được thay đổi đề kiểm tra sát hạch. Đồng thời trả lời câu hỏi trực tiếp của các thành viên Hội đồng kiểm tra, sát hạch.

c) Thời gian kiểm tra, sát hạch đối với mỗi người dự tuyển tối đa là 30 phút, tính từ khi người dự tuyển bốc thăm câu hỏi, trong đó: Thí sinh chuẩn bị nội dung trả lời tối đa là 15 phút và thực hiện việc trả lời câu hỏi và nội dung phỏng vấn của các Ủy viên Hội đồng kiểm tra, sát hạch trong thời gian 15 phút.

d) Từng ủy viên Hội đồng chấm điểm độc lập đối với các nội dung tại Điều 3 Quy chế này. Sau khi chấm xong, các ủy viên Hội đồng kiểm tra sát hạch ký và gửi Thư ký Hội đồng tổng hợp và báo cáo Chủ tịch Hội đồng phê duyệt.

đ) Kết quả điểm kiểm tra, sát hạch được Thư ký Hội đồng tổng hợp vào bảng kết quả và bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng kiểm tra sát hạch.

e) Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch tổ chức họp để thống nhất, rút kinh nghiệm trong quá trình kiểm tra, sát hạch người dự tuyển.

Chương III

ĐIỂM KIỂM TRA, SÁT HẠCH

Điều 6. Cơ cấu điểm kiểm tra, sát hạch

Tổng điểm kiểm tra, sát hạch được tính theo thang điểm 100 và được cơ cấu như sau:

1. Điểm kiểm tra, sát hạch đối với phần nội dung tại Khoản 1 Điều 3 Quy chế này tối đa 70 điểm, trong đó:

- Sát hạch trình độ hiểu biết chung tối đa là 40 điểm.

- Sát hạch về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tối đa là 30 điểm.

2. Điểm kiểm tra, sát hạch do thành viên Hội đồng phỏng vấn trực tiếp tối đa là 30 điểm.

Điều 7. Chấm điểm kiểm tra, sát hạch của người dự tuyển

1. Khi chấm điểm, các ủy viên Hội đồng kiểm tra, sát hạch chấm điểm độc lập nhau. Điểm chấm ghi rõ bằng số và chữ vào bảng điểm; nếu có sửa chữa thì phải có chữ ký bên cạnh. Nếu điểm của 02 thành viên chấm chênh lệch nhau từ 10% trở xuống so với điểm tối đa thì lấy điểm bình quân, nếu chênh lệch trên 10% so với điểm tối đa thì các thành viên chấm phỏng vấn trao đổi để thống nhất, nếu không thống nhất được thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng kiểm tra sát hạch quyết định.

2. Điểm của người dự tuyển là tổng điểm của các nội dung theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Quy chế này.

3. Điểm kiểm tra, sát hạch của người dự tuyển là điểm bình quân của các thành viên Hội đồng kiểm tra, sát hạch.

Điều 8. Xác định người trúng tuyển

Người trúng tuyển phải là người có kết quả cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển chọn của từng vị trí và điểm kiểm tra, sát hạch của người dự tuyển đạt từ 50 điểm trở lên.

Trường hợp có từ 2 người trở lên có điểm bằng nhau ở vị trí cần tuyển dụng, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch xem xét, quyết định.

Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục báo cáo Bộ Nội vụ cho ý kiến trước khi quyết định công nhận kết quả trúng tuyển.

Điều 9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch thực hiện giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Lưu trữ tài liệu

Các văn bản, tài liệu liên quan đến kỳ tuyển dụng hình thức tiếp nhận không qua thi tuyển được lưu trữ theo quy định hiện hành.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Hội đồng kiểm tra, sát hạch; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Điều 12. Trong quá trình thực hiện nếu gặp vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân kịp thời báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để xem xét, xử lý./.

 

UBND TỈNH ĐẮK LẮK
HỘI ĐỒNG KIỂM TRA, SÁT HẠCH TIẾP NHẬN CÔNG CHỨC KHÔNG QUA THI TUYỂN NĂM 2016

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

NỘI QUY

KIỂM TRA, SÁT HẠCH TIẾP NHẬN CÔNG CHỨC KHÔNG QUA THI TUYỂN NĂM 2016

Điều 1. Quy định đối với ứng viên dự tuyển kiểm tra, sát hạch:

1. Phải có mặt trước phòng phỏng vấn 60 phút, trang phục gọn gàng, thể hiện văn minh, lịch sự.

2. Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân hợp pháp khác (có dán ảnh) để Hội đồng kiểm tra, sát hạch đối chiếu khi gọi vào phỏng vấn.

3. Chỉ được sử dụng giấy nháp do Hội kiểm tra, sát hạch cung cấp.

4. Chỉ được mang vào phòng thi bút viết, thước kẻ; không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi.

5. Giữ trật tự, không trao đổi và không được hút thuốc trong phòng. Nếu cần hỏi điều gì phải hỏi công khai Hội đồng kiểm tra, sát hạch.

6. Chỉ được ra ngoài phòng phỏng vấn sau khi đã hoàn thành xong phần phỏng vấn của mình và được sự đồng ý của Hội đồng kiểm tra, sát hạch. Nếu ứng viên đau, ốm bất thường thì phải báo ngay cho Hội đồng kiểm tra, sát hạch để xem xét, giải quyết.

7. Ngừng chuẩn bị nội dung phỏng vấn khi Hội đồng kiểm tra, sát hạch gọi tên lên dự phỏng vấn.

Điều 2. Xử lý vi phạm đối với ứng viên dự phỏng vấn

1. Hình thức khiển trách: Được áp dụng đối với ứng viên vi phạm một trong các lỗi:

- Mang điện thoại di động, các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến phỏng vấn nhưng chưa sử dụng.

2. Hình thức cảnh cáo: Được áp dụng đối với ứng viên vi phạm một trong các lỗi:

- Đã bị khiển trách nhưng vẫn tiếp tục vi phạm nội quy phỏng vấn;

- Sử dụng điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính và các phương tiện thông tin khác trong phòng phỏng vấn.

3. Nếu ứng viên vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, cố ý gây mất trật tự, làm ảnh hưởng lớn đến công tác kiểm tra, sát hạch (phỏng vấn) thì sẽ bị đình chỉ việc phỏng vấn và xử lý theo quy định pháp luật.

4. Các trường hợp ứng viên vi phạm nội quy kiểm tra, sát hạch thì phải lập biên bản có chữ ký của ủy viên Hội đồng kiểm tra, sát hạch và ứng viên vi phạm. Trường hợp ứng viên không chịu ký vào biên bản thì phải báo cáo ngay với Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch.

5. Ứng viên dự tuyển có quyền tố giác những người vi phạm nội quy cho Hội đồng kiểm tra, sát hạch.

Điều 3. Quy định đối với ủy viên Hội đồng kiểm tra, sát hạch

1. Phải có mặt tại địa điểm thi đúng giờ đúng quy định, trang phục gọn gàng, lịch sự.

2. Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy chế và nội quy của kỳ kiểm tra, sát hạch.

3. Giữ gìn trật tự, không được hút thuốc, không sử dụng máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim trong phòng phỏng vấn.

4. Không được trao đổi riêng với bất cứ ứng viên nào trong thời gian phỏng vấn./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3173/QĐ-UBND Quy chế kiểm tra sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển năm 2016 do tỉnh Đắk Lắk ban hành

  • Số hiệu: 3173/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Phạm Ngọc Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản