Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 316/QĐ-BNN-HTQT

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC HỆ THỐNG KIỂM SOÁT AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG, THỦY SẢN” DO CƠ QUAN HỢP TÁC QUỐC TẾ CỦA NHẬT BẢN (JICA) TÀI TRỢ

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008, Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/09/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Căn cứ Thông tư số 04/2007/TT-BKH ngày 30/7/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Căn cứ Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 49/2009/TT-BNNPTNT ngày 04/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ biên bản cuộc họp thẩm định ngày 04/01/2012 do Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tại công văn số 158/QLCL-KN ngày 08/02/2012;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án Hỗ trợ kỹ thuật do JICA - Nhật Bản tài trợ với các nội dung sau:

1. Tên dự án:

Tiếng Việt: Dự án “Tăng cường năng lực hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm nông, thủy sản”;

Tiếng Anh: The Project “Strengthening Capacity of Inspection System for Ensuring Safety of Agro-Fishery Foods”.

2. Thời gian thực hiện: Trong vòng 3 năm (12/2011 - 12/2014)

3. Cơ quan tài trợ: Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA

4. Cơ quan thực hiện dự án: Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản

5. Địa điểm triển khai dự án: Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản và các Trung tâm Vùng IV và Vùng VI trực thuộc Cục.

6. Mục tiêu của dự án:

6.1. Mục tiêu dài hạn:

Nâng cao năng lực cán bộ trong hệ thống quản lý và kiểm tra an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản giúp cải thiện và đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng trong nước và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản và thủy sản của Việt Nam tại thị trường xuất khẩu.

6.2. Mục tiêu ngắn hạn:

a) Đào tạo tăng cường năng lực cán bộ chuyên sâu về phân tích và kiểm tra an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản, và năng lực quản lý phòng thí nghiệm cho cán bộ của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y và Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị trực thuộc các Cục này theo mô hình đào tạo giáo viên (TOT), qua các khóa đào tạo tại Nhật Bản.

b) Bổ sung trang thiết bị cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản để triển khai các hoạt động đào tạo tại chỗ trong điều kiện Việt Nam có sự hỗ trợ của các chuyên gia ngắn hạn của Nhật Bản.

c) Hỗ trợ xây dựng, thực hiện và sửa đổi bổ sung các chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản.

d) Tổ chức các khóa đào tạo mở rộng cho đội ngũ cán bộ chuyên sâu về phân tích và kiểm tra an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản và năng lực quản lý phòng thí nghiệm tại Việt Nam.

7. Nội dung hoạt động của dự án:

7.1. Tăng cường năng lực kiểm tra an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản và quản lý phòng kiểm nghiệm.

a) Đào tạo cán bộ chuyên trách kiểm tra an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản và quản lý phòng kiểm nghiệm chuyên môn tại Nhật Bản.

b) Trang bị thêm các máy móc thiết bị kiểm tra cho Trung tâm vùng IV và Trung tâm vùng VI.

c) Đào tạo cán bộ tại chỗ tại Trung tâm vùng IV và Trung tâm vùng VI trên cơ sở trang thiết bị được bổ sung, có sự phối hợp và hướng dẫn của chuyên gia ngắn hạn Nhật Bản.

d) Đào tạo cán bộ quản lý phòng thí nghiệm theo Hệ thống thực hành phòng thí nghiệm tốt (GLP) của Nhật Bản, trên cơ sở đó xem xét điều chỉnh lại hệ thống quản lý thực hành phòng thí nghiệm các Trung tâm vùng của Cục và các Cục liên quan.

đ) Xây dựng, thực hiện và sửa đổi bổ sung các quy trình phân tích chuẩn (SOPs) nhằm chuẩn hóa phương pháp phân tích.

7.2. Xây dựng chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản.

a) Đào tạo cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và xây dựng các chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm.

b) Xây dựng mô hình quản lý và chương trình giám sát dựa trên kỹ năng được đào tạo áp dụng với đối tượng là loại thực phẩm cần kiểm soát, danh mục các chỉ tiêu an toàn tương ứng.

c) Thí điểm tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả các chương trình giám sát an toàn đối với thực phẩm nông sản và thủy sản.

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích cơ sở dữ liệu thu được qua các chương trình giám sát qua đó có đề xuất và điều chỉnh bổ sung cho các năm tiếp theo.

7.3. Đào tạo mở rộng cho các cán bộ kiểm kiệm, quản lý phòng thí nghiệm và tổ chức hội thảo tại Việt Nam.

a) Chuẩn bị nguồn lực chuyên gia và cán bộ cho các khóa đào tạo mở rộng.

b) Tổ chức các khóa đào tạo mở rộng (echo-training) cho các cán bộ làm công tác kiểm tra an toàn thực phẩm và quản lý phòng thí nghiệm của các Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y và Cục Bảo vệ thực vật.

8. Dự kiến kết quả:

8.1. Nâng cao được năng lực kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản và thủy sản của các phòng kiểm nghiệm của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y và Cục Bảo vệ thực vật.

8.2. Nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý phòng thí nghiệm theo phương pháp thực hành phòng thí nghiệm tốt (GLP).

8.3. Nâng cao năng lực cho cán bộ trong quản lý và thực hiện chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản.

9. Tổng kinh phí dự án:

Tổng kinh phí tài trợ cho 3 năm dự án là 350.000.000 Yên Nhật và 9.500.000.000 VND.

Trong đó:

- Nguồn hỗ trợ của JICA là 350.000.000 Yên Nhật

(tương đương 4.666.667 USD);

- Nguồn đối ứng trong nước là 9.500.000.000 VND

(tương đương 452.273 USD).

Các khoản kinh phí được cụ thể hóa trong văn kiện dự án được phê duyệt.

10. Tổ chức thực hiện

Dự án được tổ chức quản lý và thực hiện dựa trên sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo dự án và Ban quản lý dự án phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thực hiện.

10.1. Ban chỉ đạo dự án:

Trưởng ban: Thứ trưởng phụ trách

Thành viên: Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng JICA Việt Nam, Cố vấn trưởng dự án, và Lãnh đạo các Cục/Vụ cơ quan liên quan của Bộ, gồm Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y và Cục Bảo vệ thực vật.

Quan sát viên: Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Y tế.

10.2. Ban quản lý dự án: (làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm)

Giám đốc: Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Phó giám đốc: Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản.

Điều phối viên dự án: Lãnh đạo văn phòng SPS Việt Nam, Vụ Hợp tác quốc tế.

Thành viên: Lãnh đạo và 01 chuyên viên phòng quản lý kiểm nghiệm; Lãnh đạo phòng chất lượng Thủy sản và phòng chất lượng Nông lâm sản; Lãnh đạo và 01 chuyên viên các Trung tâm vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV, vùng V, Vùng VI; Kế toán Cục và thủ quỹ của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

10.3. Điều phối quản lý và đánh giá hoạt động của dự án

a) Ban Quản lý dự án thay mặt cho chủ dự án trong việc phối hợp với nhà tài trợ JICA, cố vấn trưởng dự án lập kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm, tổ chức triển khai thực hiện, giám sát và tổ chức đánh giá kết quả trong quá trình thực hiện dự án, lập báo cáo kỳ, báo cáo hàng năm và báo cáo tổng thể cho ban chỉ đạo dự án.

b) Ban Quản lý dự án và cố vấn trưởng dự án lập kế hoạch tổng thể và ký kết các hợp đồng với chuyên gia trong nước và quốc tế trong triển khai các hoạt động truyền thông và kỹ thuật trong triển khai các hoạt động dự án.

c) Ban Quản lý dự án đại diện cho chủ dự án trong việc tìm kiếm các nguồn tài chính bổ sung từ các nhà tài trợ khác bổ sung và hỗ trợ cho các hoạt động triển khai và mở rộng của dự án.

Điều 2. Giao Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị trực thuộc của Cục, tổ chức thực hiện dự án có hiệu quả theo quy định tại Điều 1 của Quyết định này và nội dung văn kiện dự án được phê duyệt, Biên bản thỏa thuận giữa Nhà tài trợ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ dự án (RD), các quy chế về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA của chính phủ và quy định tài chính đối với nguồn tài chính được cấp từ ngân sách nhà nước và nguồn thu từ các khoản thu phí và lệ phí của Cục.

Điều 3. Chánh văn phòng Bộ; Vụ trưởng các Vụ: Hợp tác quốc tế, Kế hoạch, Tài chính; Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Các thứ trưởng (để biết);
- JICA Việt Nam tại Hà Nội;
- Cục Thú y;
- Cục Bảo vệ thực vật;
- Lưu: VP, HTQT (LTH).

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát