Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 315/2008/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 14 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA” TẠI SỞ TÀI CHÍNH TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Quyết định số 115/2007/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại 22 Sở, ban, ngành thuộc tỉnh Ninh Thuận;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 2255/TTr-STC, ngày 25 tháng 9 năm 2008 và Tờ trình số 2347/TTr-STC ngày 07 tháng 10 năm 2008 về việc sửa đổi quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại Sở Tài chính và đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2141/TTr-SNV ngày 03 tháng 11 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và bãi bỏ Phụ lục 1 kèm theo Quyết định số 115/2007/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy định giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại 22 Sở, ban, ngành thuộc tỉnh Ninh Thuận và Quyết định số 30/2008/QĐ-UBND ngày 24 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bãi bỏ bản tự kê khai trong thủ tục thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Út Lan

 

QUY ĐỊNH

GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA” TẠI SỞ TÀI CHÍNH TỈNH NINH THUẬN
(Kèm theo Quyết định số 315/2008/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

A. CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

I. THỦ TỤC THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ:

1. Cơ sở pháp lý:

- Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;

- Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

- Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ;

- Thông tư số 69/2006/TT-BTC ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2004;

- Thông tư liên tịch số 14/2008/TTLT/BTC-BTNMT ngày 31 tháng 01 năm 2008 hướng dẫn Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ;

- Các văn bản pháp lý khác liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại địa phương.

2. Đối tượng áp dụng: các tổ chức được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư; dự án thu hồi đất có liên quan từ 2 huyện, thành phố trở lên; dự án do Trung ương quyết định đầu tư (khi được ủy quyền).

3. Thẩm quyền giải quyết: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Hồ sơ: 2 bộ, mỗi bộ hồ sơ gồm:

- Quyết định thành lập Hội đồng bồi thường (đối với dự án thẩm định đầu tiên) hoặc quyết định giao nhiệm vụ cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường;

- Quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền;

- Tờ trình của Hội đồng bồi thường huyện, thành phố hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ bồi thường đề nghị thẩm định kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư kèm theo các bảng Phụ lục số 01, 02, 03, 04, 05, 06 (theo mẫu đính kèm).

- Biên bản họp Hội đồng bồi thường của dự án (có sự tham gia của đại diện hộ dân trong khu vực quy hoạch sẽ thu hồi đất) thông qua Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

- Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã niêm yết tại Ủy ban nhân dân xã, phường có đất bị thu hồi;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đơn xác nhận quyền sử dụng đất, bản xác nhận loại đất, hạng đất, vị trí đất, tỷ lệ đất thu hồi, số nhân khẩu, số lao động nông nghiệp có tên trong hộ khẩu do địa phương xác nhận;

- Biên bản kiểm kê và các hồ sơ khác có liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

- Kết quả thẩm định của các ngành có liên quan.

5. Quy trình và thời gian giải quyết: 20 (hai mươi) ngày.

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ hợp lệ: 1 (một) ngày;

- Chuyển phòng Quản lý Giá - Công sản xử lý: 3 (ba) ngày;

- Trình Hội đồng thẩm định và hoàn tất hồ sơ: 1 (một) ngày;

- Phòng Quản lý Giá - Công sản rà soát số liệu, Ban quản lý dự án niêm yết công khai: 4 (bốn) ngày;

- Phòng Quản lý Giá - Công sản xử lý: 5 (năm) ngày.

+ Hoàn chỉnh nội dung biên bản, lập Tờ trình trình lãnh đạo Sở: 4 (bốn) ngày.

+ Dự thảo quyết định, phát hành văn bản: 1 (một) ngày;

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định bồi thường: 5 (năm) ngày;

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả: 1 (một) ngày.

* Trường hợp đặc biệt, hồ sơ phức tạp, số hộ bồi thường nhiều được kéo dài thời gian thẩm định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh.

6. Lệ phí: theo quy định của pháp luật.

II. THỦ TỤC THẨM TRA, PHÊ DUYỆT QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN HOÀN THÀNH:

1. Cơ sở pháp lý:

- Luật Xây dựng năm 2003;

- Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

- Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP;

- Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

- Nghị định số 03/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ;

- Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng;

- Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước;

- Thông tư số 98/2007/TT-BTC ngày 09 tháng 8 năm 2007 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 33/2007/TT-BTC;

- Quyết định số 56/2008/QĐ-BTC ngày 17 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính về việc ban hành quy trình thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước;

- Các văn bản khác có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng: Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do ngân sách Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

3. Thẩm quyền giải quyết: Ủy ban nhân dân tỉnh.

Giám đốc Sở Tài chính tổ chức thẩm tra quyết toán đối với các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư bằng nguồn vốn do tỉnh quản lý (trừ các dự án Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân cấp cho các huyện, thành phố), trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Hồ sơ:

4.1. Báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành:

- Đối với báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành: gồm 8 biểu mẫu, từ mẫu số 01/QTDA đến mẫu số 08/QTDA.

Trường hợp dự án có 2 (hai) công trình trở lên, khi có hạng mục công trình hoàn thành thì hồ sơ báo cáo quyết toán vốn đầu tư, hồ sơ gồm 6 biểu mẫu từ mẫu số 01/QTDA đến mẫu số 06/QTDA.

- Đối với hồ sơ báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án quy hoạch hoàn thành và dự án chuẩn bị đầu tư đã bị hủy bỏ theo cấp có thẩm quyền: gồm 3 biểu mẫu 07/QTDA, 08/QTDA, 09/QTDA.

- Tờ trình đề nghị phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

(Tất cả các loại hồ sơ trên đều phải nộp bản chính);

4.2. Thẩm tra quyết toán:

4.2.1 Quy hoạch:

- Quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép tiến hành công tác quy hoạch, đề cương công tác quy hoạch.

- Quyết định phê duyệt dự án quy hoạch xây dựng của cấp có thẩm quyền.

- Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu hoặc chỉ định thầu của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc của Giám đốc các Sở liên quan (theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).

- Hợp đồng kinh tế giữa Chủ đầu tư với đơn vị nhận thầu có tư cách pháp nhân được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ.

- Biên bản tổng nghiệm thu toàn bộ dự án.

- Bảng tính toán chi tiết giá trị quyết toán đồ án quy hoạch xây dựng hoàn thành.

- Biên bản thanh lý hợp đồng.

4.2.2 Dự án chuẩn bị đầu tư đã bị hủy bỏ theo quyết định của cấp có thẩm quyền:

- Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có), báo cáo nghiên cứu khả thi.

- Quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền (bản chính hoặc bản sao).

- Dự toán và quyết định phê duyệt dự toán cho công tác chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền.

- Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư.

- Bảng tổng hợp kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư.

- Chứng từ liên quan khác (nếu có).

4.2.3 Vốn thực hiện dự án:

a) Đối với vốn xây lắp:

- Báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định phê duyệt dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền (bản chính hoặc bản sao).

- Tổng dự toán và dự toán kèm theo quyết định phê duyệt thiết kế, tổng dự toán của cấp có thẩm quyền (đối với dự án thiết kế 2 bước). Tổng dự toán kèm theo quyết định phê duyệt (đối với dự án thiết kế 1 bước).

- Tổng dự toán, dự toán (điều chỉnh) kèm theo quyết định phê duyệt điều chỉnh thiết kế và tổng dự toán (nếu có).

- Bản vẽ thiết kế ban đầu.

- Dự toán trúng thầu kèm theo quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu của cấp có thẩm quyền (bản chính hoặc bản sao) hoặc quyết định chỉ định thầu của cấp quyết định đầu tư (đối với dự án đầu tư được phép chỉ định thầu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ).

- Hợp đồng kinh tế giữa Chủ đầu tư và các đơn vị thi công xây lắp có tư cách pháp nhân sau khi được cấp có thẩm quyền ra quyết định trúng thầu hoặc được cấp có thẩm quyền ra quyết định chỉ định thầu (bản chính hoặc bản sao).

- Bản tính toán chi tiết giá trị quyết toán công trình (chi tiết vật liệu, nhân công, máy thi công) kèm theo bảng tổng hợp kinh phí quyết toán (bản chính).

- Biên bản tổng nghiệm thu bàn giao công trình có đủ thành phần tham dự theo quy định của Nhà nước (bản chính).

- Biên bản bàn giao tài sản giữa Chủ đầu tư và đơn vị sử dụng (bản chính).

- Hồ sơ bản vẽ hoàn công và nhật ký công trình.

- Hồ sơ chất lượng công trình bao gồm: các văn bản kiểm định chất lượng của đơn vị có tư cách pháp nhân đối với các khối lượng đầu tư cần phải kiểm định.

- Các hồ sơ, chứng từ khác có liên quan theo yêu cầu thẩm tra quyết toán (nếu có).

- Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành (nếu có, nộp bản gốc) kèm văn bản của chủ đầu tư về kết quả kiểm toán: nội dung thống nhất, không thống nhất, kiến nghị.

Kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra, báo cáo kiểm toán của các cơ quan: Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước (nếu có) kèm theo báo cáo tình hình chấp hành các báo cáo trên của chủ đầu tư.

b) Đối với vốn thiết bị:

- Hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và đơn vị cung ứng thiết bị (bản chính). Hợp đồng phải được Bộ Công Thương phê duyệt nếu là thiết bị nhập khẩu.

- Biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng (bản chính).

- Các chứng từ liên quan khác.

* Trường hợp là thiết bị nhập khẩu: ngoài các hồ sơ quy định như đối với vốn thiết bị trên đây, cần bổ sung:

- Biên lai thu thuế nhập khẩu, phí lưu kho, lưu bãi, phí bảo quản.

- Giấy bảo hiểm (trường hợp có bảo hiểm từ cảng về kho hoặc công trình).

- Hoá đơn vận chuyển thiết bị từ cảng về kho hoặc công trình.

- Phiếu nhập kho đối với thiết bị không cần lắp.

- Giấy chứng nhận chất lượng thiết bị.

- Các chứng từ liên quan khác.

c) Đối với vốn chi phí khác: ngoài các hồ sơ quy định như đối với vốn xây lắp như trên, cần bổ sung:

- Đối với lệ phí cấp đất xây dựng, lệ phí cấp phép xây dựng, thuê đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất: Biên lai thu tiền hợp lệ.

- Đối với chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, di chuyển dân cư:

+ Biên bản xác nhận giá trị khối lượng thực tế đền bù của Hội đồng thẩm định.

+ Quyết định phê duyệt chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng của cấp có thẩm quyền.

+ Bảng kê danh sách đối tượng được đền bù có ký nhận và được chính quyền sở tại xác nhận.

- Đối với chi phí phá dỡ vật kiến trúc và thu dọn mặt bằng xây dựng:

+ Hợp đồng A - B.

+ Biên bản hiện trạng và biên bản nghiệm thu.

- Đối với chi phí thuê tư vấn:

+ Hợp đồng A - B.

+ Biên bản nghiệm thu bàn giao (bản chính).

+ Báo cáo kết quả, bản thanh lý hợp đồng và hoá đơn kiêm phiếu xuất kho (nếu có).

- Đối với chi phí thuê tư vấn nhưng Ban quản lý dự án làm (không có hợp đồng, biên bản nghiệm thu).

+ Văn bản được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện.

+ Báo cáo kết quả được duyệt.

- Đối với chi phí bảo hiểm:

+ Hợp đồng bảo hiểm.

+ Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho (nếu có).

- Đối với chi phí chuyên gia, đào tạo công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý sản xuất:

+ Hợp đồng A - B.

+ Biên bản thanh lý hợp đồng.

5. Quy trình và thời gian giải quyết:

a) Đối với dự án chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng: 90 (chín mươi) ngày

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ hợp lệ: 1 (một) ngày.

- Chuyển Phòng Đầu tư thẩm tra quyết toán: 83 (tám mươi ba) ngày.

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt: 5 (năm) ngày.

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả: 1 (một) ngày;

b) Đối với dự án thuộc nhóm C: 120 (một trăm hai mươi) ngày.

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ hợp lệ: 1 (một) ngày.

- Chuyển Phòng Đầu tư thẩm tra quyết toán: 113 (một trăm mươi ba) ngày.

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt: 5 (năm) ngày.

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả: 1 (một) ngày;

c) Đối với dự án thuộc nhóm B: 150 (một trăm năm mươi) ngày.

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ hợp lệ: 1 (một) ngày.

- Chuyển Phòng Đầu tư thẩm tra quyết toán: 143 (một trăm bốn mươi ba) ngày.

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt: 5 (năm) ngày.

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả: 1 (một) ngày.

6. Lệ phí: theo quy định của pháp luật.

III. THỦ TỤC GIAO DỰ TOÁN VÀ PHÊ DUYỆT QUYẾT TOÁN CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN THUỘC NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ HẰNG NĂM:

1. Cơ sở pháp lý:

- Thông tư số 118/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước;

- Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối tượng áp dụng:

- Chủ đầu tư;

- Ban quản lý dự án.

3. Thẩm quyền giải quyết: Giám đốc Sở Tài chính.

4. Hồ sơ:

4.1. Thẩm định dự toán (đối với Ban quản lý dự án nhóm I):

- Tờ trình phê duyệt dự toán chi phí quản lý.

- Biểu số 01/DT-BQL: bản tổng hợp nguồn kinh phí.

- Biểu số 02A/DT-BQL: dự toán chi phí quản lý theo niên độ.

- Biểu số 03/DT-BQL: bản kê danh sách công chức, viên chức; tiền lương theo ngạch bậc và quỹ tiền lương tương ứng năm.

- Bản sao các tài liệu:

+ Quyết định giao kế hoạch đầu tư năm.

+ Văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) thực hiện công tác tư vấn, thực hiện công tác bồi thường giải toả mặt bằng, tiếp nhận và bảo quản vật tư thiết bị.

+ Hợp đồng với tổ chức tư vấn (nếu chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn điều hành dự án);

4.2. Thẩm tra phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án: khi kết thúc năm kế hoạch, chậm nhất là ngày 31 tháng 01 năm sau, Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) nhóm I phải lập báo cáo quyết toán tài chính và chi phí quản lý dự án năm kế hoạch theo đúng nội dung quy định tại Quyết định số 214/2000/QĐ-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán áp dụng cho đơn vị chủ đầu tư và Thông tư số 118/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Bộ Tài chính; báo cáo gửi về Sở Tài chính để tổ chức thẩm tra và phê duyệt theo quy định.

a) Đối với báo cáo quyết toán tài chính năm của chủ đầu tư:

- 4 biểu mẫu: B01-CĐT; B02-CĐT; B03-CĐT; B04-CĐT.

- 5 phụ biểu chi tiết: F02-CĐT; F03A-CĐT; F03B-CĐT; F03C-CĐT; F03D-CĐT.

b) Đối với quyết toán chi phí quản lý theo năm (chủ đầu tư nhóm I):

- Tờ trình đề nghị phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án.

- Biểu số 01/QT-QLDA: Bảng tổng hợp quyết toán chi phí quản lý dự án đầu tư năm, có đối chiếu xác nhận số vốn đã cấp phát thanh toán của cơ quan kiểm soát thanh toán.

- Biểu số 02/QT-QLDA: Quyết toán chi phí quản lý dự án đầu tư năm.

- Biểu số 03/QT-QLDA: Thuyết minh báo cáo quyết toán chí phí quản lý dự án đầu tư năm.

- Các chứng từ chi tiết có liên quan phát sinh trong năm.

- Bản sao các tài liệu:

+ Quyết định giao dự toán năm.

+ Quyết định điều chỉnh dự toán năm (nếu có).

+ Thông báo duyệt quyết toán năm trước.

5. Quy trình và thời gian giải quyết:

a) Thẩm định phê duyệt dự toán: 20 (hai mươi) ngày.

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ hợp lệ: 1 (một) ngày.

- Chuyển Phòng Đầu tư thẩm định: 18 (mười tám) ngày:

+ Thẩm định tính pháp lý hồ sơ dự toán.

+ Kiểm tra kế hoạch vốn.

+ Kiểm tra dự toán.

+ Thẩm định sự phù hợp các nội dung trong dự toán so với tiêu chuẩn, định mức, chế độ tài chính hiện hành.

+ Báo cáo kết quả thẩm định.

- Trình lãnh đạo Sở Tài chính, Tổ tiếp nhận và trả kết quả: 1 (một) ngày;

b) Thẩm tra phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án hằng năm: 30 (ba mươi) ngày.

- Tổ tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ hợp lệ: 1 (một) ngày.

- Chuyển Phòng Đầu tư thẩm định: 28 (hai mươi tám) ngày.

+ Kiểm tra hồ sơ báo cáo quyết toán.

+ Đối chiếu số liệu giữa dự toán được duyệt và giá trị khối lượng thực hiện từ đó phát hiện chênh lệch và nguyên nhân.

+ Xem xét chứng từ chi tiêu, tính hợp pháp, hợp lệ so với chế độ.

+ Kiểm tra các khoản tạm ứng cuối năm.

+ Báo cáo kết quả thẩm định.

+ Kiểm tra hạch toán nghiệp vụ phát sinh, kiểm kê tiền mặt, tài sản, vật tư.

+ Lập biên bản thẩm tra: kết luận, kiến nghị.

- Trình lãnh đạo Sở Tài chính; Tổ tiếp nhận và trả kết quả: 1 (một) ngày.

6. Lệ phí: theo quy định của pháp luật.

IV. THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI:

1. Cơ sở pháp lý:

- Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 29 tháng 11 năm 2005;

- Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.

2. Thẩm quyền giải quyết: Giám đốc Sở Tài chính.

3. Thủ tục:

- Người khiếu nại lần đầu phải khiếu nại với người ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có cán bộ, công chức có hành vi hành chính mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

* Trường hợp khiếu nại được ủy quyền thì việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người được ủy quyền cư trú.

* Trường hợp khiếu nại là người đại diện thì người đại diện phải có giấy tờ hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú;

- Cơ quan thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện là thủ trưởng cơ quan. Thủ trưởng cơ quan có thể ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức thực hiện quyền khiếu nại thông qua nguời đại diện là người đứng đầu tổ chức được quy định trong quyết định thành lập tổ chức hoặc trong điều lệ của tổ chức. Người đứng dầu có thể ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật.

4. Quy trình và thời gian giải quyết:

- Trường hợp đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì không có trách nhiệm thụ lý nhưng có văn bản chỉ dẫn, trả lời người khiếu nại trong thời gian thực hiện là 5 (năm) ngày;

- Trường hợp đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng không đủ các điều kiện để thụ lý theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo thì có văn bản trả lời cho đương sự biết rõ lý do không thụ lý trong thời hạn: 5 (năm) ngày;

- Trường hợp đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết có trách nhiệm thụ lý:

+ Phòng Thanh tra tiếp nhận hồ sơ, trình Giám đốc Sở ra quyết định thụ lý trong thời hạn thực hiện là 5 (năm) ngày.

+ Thực hiện nghiệp vụ: 20 (hai mươi) ngày, bao gồm các bước công việc: gặp gỡ, đối thoại trực tiếp người khiếu nại; trường hợp người khiếu nại nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật thì luật sư có quyền tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại.

+ Giám đốc Sở ra quyết định giải quyết khiếu nại: 5 (năm) ngày.

+ Quyết định được gửi cho người khiếu nại, người có quyền và lợi ích liên quan và quyết định được công bố công khai.

* Thời gian giải quyết:

- Trường hợp đơn giản: 30 (ba mươi) ngày (tính từ ngày thụ lý để giải quyết);

- Trường hợp phức tạp: 45 (bốn mươi lăm) ngày (tính từ ngày thụ lý để giải quyết)./.

B. SƠ ĐỒ GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA”

I. SƠ ĐỒ MINH HOẠ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI:

II. QUY TRÌNH THỦ TỤC THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ TÀI CHÍNH:

III. QUY TRÌNH THỦ TỤC THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH:

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 315/2008/QĐ-UBND về Quy định giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 315/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/11/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Hoàng Thị Út Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 12/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản