Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 314-CT

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐỢT THANH TRA CÁC TỔ CHỨC LÀM KINH TẾ THEO QUYẾT ĐỊNH 268-CT CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

 CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG 

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Để chấn chỉnh và thiết lập trật tự trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức làm kinh tế do các cơ quan hành chính, các Viện nghiên cứu khoa học, các trường học, các đoàn thể chính trị - xã hội và các Hội quần chúng theo nghề nghiệp lập ra theo Quyết định 268-CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương, các Bộ: Thương mại và du lịch, Tư pháp, Nội vụ, Trọng tài kinh tế Nhà nước và mời Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tham gia thực hiện một đợt thanh tra từ nay đến hết năm 1991, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của các tổ chức làm kinh tế do các cơ quan hành chính, các Viện nghiên cứu khoa học, các trường học, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúng theo nghề nghiệp đặt ra theo Quyết định 268-CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kể cả các tổ chức làm kinh tế thuộc diện này của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ.

Yêu cầu, nội dung và kế hoạch triển khai được thanh tra theo bản đề cương kèm Quyết định này.

Điều 2. Ở một số đơn vị trọng điểm tại một số địa bàn trọng điểm (Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...) đoàn thanh tra Trung ương phối hợp với Uỷ ban Nhân dân địa phương trực tiếp tổ chức thanh tra. ở các nơi khác, do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo thanh tra theo kế hoạch thống nhất của đoàn thanh tra Trung ương.

Điều 3. Thành lập đoàn thanh tra Trung ương để thực hiện Điều 1 và Điều 2 của Quyết định này. Thành phần đoàn thanh tra Trung ương gồm :

- Bộ trưởng Bộ Tài chính, trưởng đoàn, thực hiện chức năng đặc phái viên của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

- Đại diện có thẩm quyền của ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương, Bộ Thương mại và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Trọng tài Kinh tế Nhà nước là thành viên.

- Mời đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tham gia đoàn thanh tra Trung ương để tiến hành đợt thanh tra này.

Ở các tỉnh, thành phố cũng lập đoàn thanh tra của tỉnh, thành phố với thành phần tương tự để trực tiếp thanh tra trên địa bàn.

Đoàn thanh tra Trung ương và đoàn thanh tra của tỉnh, thành phố có thể lập các tổ chức thanh tra trực thuộc mình.

Điều 4. Đoàn thanh tra Trung ương và đoàn thanh tra tỉnh, thành phố có quyền xử lý tại chỗ theo đúng pháp luật những vi phạm của các tổ chức làm kinh tế theo Quyết định 268-CT.

Điều 5. Thủ trưởng các cơ quan hành chính, các Viện nghiên cứu khoa học, các trường học, các đoàn thể chính trị - xã hội và các Hội quần chúng theo nghề nghiệp có các tổ chức làm kinh tế thuộc diện này có trách nhiệm cùng các tổ chức làm kinh tế đó cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu, nội dung thanh tra theo yêu cầu của các đoàn và các tổ chức thanh tra.

Điều 6. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có thẩm quyền trưng dụng các cán bộ của các ngành, các cơ quan có liên quan như quản lý thị trường, nội vụ, quân đội. Để thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo Quyết định này.

Điều 7. Kinh phí cho đợt thanh tra do đoàn thanh tra dự trù với cơ quan Tài chính cùng cấp theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 8. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 9. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương, thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban nhân dân Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã Ký)

 

ĐỀ CƯƠNG

KẾ HOẠCH THANH TRA VỀ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 268-CT CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ RƯỞNG VỀ ĐĂNG KÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC LÀM KINH TẾ DO CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH VÀ CÁC ĐOÀN THỂ THÀNH LẬP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 314-CT ngày 15 tháng 10 năm 1991)

Để phát huy mặt tích cực, khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động của các tổ chức làm kinh tế do các cơ quan hành chính, các Viện nghiên cứu khoa học, các trường học, các đoàn thể chính trị - xã hội và các Hội quần chúng theo nghề nghiệp thành lập theo Quyết định 268-CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; khôi phục kỷ cương trật tự trong kinh doanh, góp phần phát triển sản xuất, ổn định nền kinh tế; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định chỉ đạo một đợt thanh tra toàn diện các mặt hoạt động kinh doanh (bao gồm kinh doanh sản xuất, buôn bán xuất nhập khẩu và các hoạt động dịch vụ) của các tổ chức làm kinh tế thuộc diện này trong cả nước.

I - YÊU CẦU CỦA ĐỢT THANH TRA

1. Thông qua việc thanh tra các tổ chức làm kinh tế thuộc diện thi hành Quyết định 268-CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các tổ chức làm kinh tế thuộc loại này của Bộ quốc phòng và Bộ Nội vụ mà kết luận cơ quan nào, đơn vị nào chấp hành đúng và không đúng việc quy định thành lập, xin phép và cấp giấy phép và chấp hành luật của Nhà nước trong kinh doanh. Nếu có sự vi phạm pháp luật thì làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể.

2. Qua thanh tra, đánh giá mặt được và chưa được của việc thực hiện mục đích và yêu cầu đã đề ra trong quyết định 268-CT (khuyến khích các hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ sản xuất nhằm bổ sung kinh phí hoạt động cho đoàn thể góp phần cải thiện đời sống và sắp xếp việc làm cho số cán bộ, nhân viên dôi ra). Từ đó rút ra kết luận và kiến nghị sửa đổi hoặc bổ sung quyết định 268-CT.

3. Toàn bộ đợt thanh tra phải tiến hành nhanh, gọn làm đến đâu xử lý ngay đến đó; biểu dương kịp thời những cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh và sử lý tại chỗ theo đúng pháp luật, những cơ quan, đơn vị cố tình làm trái quy định trong quyết định 268-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng làm cho các tổ chức kinh tế này hoạt động một cách lành mạnh.

II - NỘI DUNG THANH TRA

Căn cứ vào những quy định trong Quyết định 268-CT, chú ý các vấn đề sau:

1. Thực chất của tổ chức làm kinh tế này thuộc loại hình gì? Là kinh tế tập thể hay quốc doanh? Kinh tế tư nhân hay công ty cổ phần hoặc tư nhân núp bóng cơ quan, đoàn thể?

2. Các thủ tục khi thành lập có thực hiện đúng theo quy định trong Điều 4 và 5 của Quyết định 268-CT và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính không?

3. Cơ quan nào ra quyết định thành lập, cấp giấy phép, cấp đăng ký kinh doanh? Có thực hiện đúng quy định hiện hành không? Ai chịu trách nhiệm?

4. Với những ngành nghề, mặt hàng kinh doanh cần có giấy phép riêng có được cơ quan chủ quản ngành nghề cấp giấy phép trước khi cơ quan tài chính cấp đăng ký và giấy phép kinh doanh không?

5. Việc sử dụng các tài sản của Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức này có được thực hiện đúng những quy định trong Điều 6 Quyết định 268-CT không.

6. Từ ngày ra đời đến nay, các tổ chức kinh tế này đã hoạt động kinh doanh như thế nào? Đối chiếu với mục đích, yêu cầu nói trong Điều 1 Quyết định 268-CT và nội dung kiểm tra trong Chỉ thị 317-CT ngày 17 tháng 10 năm 1989 thì được gì, chưa được gì, mất gì? Tại sao? Trách nhiệm do ai?

7. Các cơ quan hành chính, các Viện nghiên cứu khoa học, các trường học, các đoàn thể và Hội quần chúng theo nghề nghiệp đã thực hiện vai trò quản lý, giám sát các tổ chức kinh tế do mình lập ra như thế nào? Các cơ quan chức năng, Uỷ ban Nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của các tổ chức kinh tế loại này như thế nào? Có gì vướng mắc? Nếu kém hiệu lực thì do nguyên nhân gì?

III - ĐỐI TƯỢNG THANH TRA

Tất cả các đơn vị, tổ chức kinh tế được lập ra theo Quyết định 268-CT, không miễn trừ đối với tổ chức nào, đặc biệt chú ý những tổ chức kinh tế để tư nhân núp bóng hoạt động kinh doanh trái phép, buôn lậu, trốn thuế.

IV - PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THANH TRA.

- Thanh tra từ ngày đơn vị, tổ chức kinh tế thuộc loại này được thành lập đến nay.

- Cuộc thanh tra được tiến hành trong cả nước từ nay đến hết năm 1991.

V - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập đoàn thanh tra Trung ương và các đoàn thanh tra của các tỉnh, thành phố có chức năng, quyền hạn sử lý tại chỗ những vi phạm pháp luật của các tổ chức kinh tế được thành lập theo Quyết định 268-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

- Thành phần đoàn thanh tra Trung ương:

+ Trưởng đoàn: Bộ trưởng Bộ Tài chính, đặc phái viên của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

+ Thành viên: đại diện có thẩm quyền của các Bộ : Thương mại và Du lịch, Tư pháp, Quốc phòng, Nội vụ, ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương, Trọng tài kinh tế Nhà nước và mời đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tham gia.

+ Trụ sở của đoàn thanh tra Trung ương đặt tại Bộ Tài chính và sử dụng con dấu của Bộ Tài chính.

2. Nhiệm vụ của đoàn thanh tra Trung ương:

- Lập kế hoạch thanh tra và chỉ đạo việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra các tổ chức làm kinh tế thuộc diện Quyết định 268-CT trong phạm vi cả nước.

- Lập một số tổ thanh tra của Trung ương để tiến hành thanh tra trực tiếp một số đơn vị tiêu biểu có nhiều vấn đề, ở các địa bàn trọng điểm: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hậu Giang...

- Hướng dẫn và giao cho Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố lập đoàn thanh tra và các tổ thanh tra của tỉnh, thành phố với thành phần gồm những cơ quan như trên để tiến hành thanh tra các tổ chức kinh tế thuộc diện này trong địa phương.

- Tổ chức tập huấn cán bộ để thống nhất mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp biểu mẫu thống kê... trước khi các đoàn và tổ thanh tra triển khai công tác.

- Hàng tháng gửi báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tiến độ thực hiện và kết quả thanh tra, xử lý. Cuối đợt thanh tra phải có báo cáo tổng kết và nêu những kiến nghị.