Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 310-TTg | Hà Nội , ngày 25 tháng 6 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CÁC CƠ QUAN CHÍNH QUYỀN VỚI PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Quyết định số 203-TTg ngày 27-4-1993 của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Điều lệ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam;
Xét đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ (dưới đây gọi chung là các cơ quan Chính phủ) có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định trong Điều lệ đã được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y tại Quyết định số 203-TTg ngày 27-4-1993.
Điều 2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm tham gia ý kiến với các cơ quan Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách kinh tế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Điều 3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ; tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa đại diện các nhà doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ để trao đổi các vấn đề có liên quan tới các hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Điều 4. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được mời dự các cuộc họp của Chính phủ bàn về các vấn đề có liên quan. Khi cần thiết, lãnh đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được mời tham gia các hoạt động về hợp tác kinh tế song phương, đa phương và các đoàn công tác của Chính phủ ở trong và ngoài nước.
Điều 5. Khi cần thiết, Thủ tướng chính phủ có thể uỷ quyền hoặc thông qua Phòng Thương mại và Công nhiệp Việt Nam để thực hiện một số nhiệm vụ của Chính phủ trong việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại với các tổ chức phi Chính phủ ở các nước và với các nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Điều 6. Bộ Thương mại, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc tổ chức xúc tiến Thương mại, đầu tư. Thủ trưởng các cơ quan nói trên và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có kế hoạch làm việc định kỳ để triển khai các hoạt động phối hợp thuộc các lĩnh vực công tác đó.
Điều 7. Các cơ quan Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cung cấp cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam các văn bản pháp quy và các thông tin khác cần thiết cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của phòng.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm 6 tháng một lần báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động của Phòng; gửi báo cáo về tình hình doanh nghiệp tới các cơ quan Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có liên quan .
Điều 8. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được đặt chi nhánh hoặc cơ quan đại diện tại các địa phương trong nước và ở nước ngoài; được thiết lập, phát triển quan hệ với các tổ chức phi Chính phủ, các hiệp hội, các tổ chức khác của các nước và của các tổ chức quốc tế phù hợp với mục đích hoạt động của mình.
Điều 9. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được phân bổ chỉ tiêu cử cán bộ đi học theo các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Chính phủ và có thể được Chính phủ giao phối hợp với các tổ chức hữu quan trong và ngoài nước tổ chức thực hiện một số dự án và chương trình đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp và xúc tiến thương mại, đầu tư.
Điều 10. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được quyết định cử cán bộ, nhân viên thuộc bộ máy làm việc của Phòng đi công tác, học tập ở nước ngoài và được quyết định mời các nhà kinh doanh, đầu tư, nghiên cứu nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy chế hiện hành của Chính phủ.
Điều 11. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam là cơ quan tự chủ về tài chính với Nhà nước theo quy định đối với các hiệp hội phi lợi nhuận trong khi Nhà nước chưa ban hành quy định này, Bộ Tài chính quy định tạm thời chế độ thu ngân sách phù hợp với tính chất hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp sau khi bàn thống nhất với Phòng.
Khi cần thiết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được Chính phủ hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác để thực hiện các dự án tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng các hoạt động xúc tiến Thương mại, đầu tư.
Điều 12. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Bộ Trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ Trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành.
| Phan Văn Khải (Đã Ký) |
Quyết định 310-TTg năm 1993 về quan hệ công tác các cơ quan chính quyền với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 310-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/06/1993
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 17
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra