Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2025/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 14 tháng 3 năm 2025

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 125/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Căn cứ Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lí giáo dục và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; việc quản lí và sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm về dạy thêm, học thêm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm (gọi chung là cơ sở dạy thêm) và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 3. Quản lí và sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm

1. Đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật

2. Đối với hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường: Việc thu, quản lí và sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm (sau đây gọi tắt là Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT).

Điều 4. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

1. Việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động dạy thêm học thêm thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.

2. Việc xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.

Điều 5. Trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lí, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

b) Hướng dẫn thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm đối với các cơ sở giáo dục, các tổ chức và cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định của pháp luật có liên quan.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi, mức chi và nguồn kinh phí ngân sách cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.

d) Chịu trách nhiệm quản lí, tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm đối với các cơ sở giáo dục, các cơ sở dạy thêm thuộc phạm vi quản lí theo quy định; xử lí theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm.

2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi, mức chi cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; Chủ trì tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối nguồn kinh phí ngân sách cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật hiện hành.

3. Các sở, ban, ngành liên quan

Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lí giáo dục trong công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc dạy thêm, học thêm tại địa phương.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Thực hiện quy định tại Điều 10 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong các trường công lập thuộc phạm vi quản lí.

5. Phòng Giáo dục và Đào tạo

a) Thực hiện quy định tại Điều 11 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

b) Báo cáo kết quả thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí về Sở Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất (nếu có).

6. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

a) Thực hiện quy định tại Điều 12 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

b) Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan quản lí, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

c) Thực hiện chế độ báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu.

7. Trách nhiệm của Hiệu trưởng

a) Tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cuối học kỳ và cuối năm học rà soát, xây dựng kế hoạch dạy thêm học thêm cho các đối tượng theo quy định, báo cáo các cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác cho việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị.

b) Quản lí giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 6

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT; có ý kiến bằng văn bản đối với báo cáo của giáo viên về việc tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang dạy học tại nhà trường.

c) Chịu trách nhiệm trước Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với các trường trung học phổ thông/trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với các trường trung học cơ sở) về việc tổ chức dạy thêm, học thêm, về chất lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường; việc quản lí, sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định.

d) Định kỳ cuối học kỳ và cuối năm học, hoặc đột xuất báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm về Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với các trường trung học phổ thông/trung tâm trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với các trường trung học cơ sở).

đ) Xử lí vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lí các ý kiến, kiến nghị về dạy thêm, học thêm theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 13 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Trách nhiệm của cơ sở dạy thêm

a) Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

b) Các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ có tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm thì phải thực hiện các quy định về điều kiện, thủ tục cho phép thành lập tại Nghị định số 125/2024/NĐ-CP.

c) Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

d) Cơ sở dạy thêm sau khi được cấp đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở dạy thêm khi đi vào hoạt động hoặc tạm ngừng, chấm dứt hoạt động để cập nhật, công khai; hoàn trả các khoản tiền đã thu trước của người học mà chưa tổ chức dạy thêm; thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm và các tổ chức, cá nhân liên quan.

đ) Định kỳ cuối học kỳ, cuối năm học hoặc đột xuất, các cơ sở dạy thêm (trừ cá nhân) báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm về Sở Giáo dục và Đào tạo (thông qua Phòng Giáo dục và Đào tạo).

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 3 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục KTVB&QLXLVPHC - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Phòng GDĐT các huyện, TX, TP (do UBND cấp huyện sao gửi);
- Các cơ sở giáo dục phổ thông (do Sở GDĐT sao gửi);
- Trung tâm CNTT&HN - Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VXNV, Hiển (10).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/2025/QĐ-UBND về Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hải Dương

  • Số hiệu: 31/2025/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/03/2025
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Minh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/03/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản