Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 31/2003/QĐ-UBBT

Phan Thiết, ngày 13 tháng 5 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HỌAT ĐỘNG CỦA NHÀ VĂN HÓA XÃ - PHƯỜNG - THỊ TRẤN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN.

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Chương trình hành động số 20 –NQ/TU ngày 29/10/1998 của Tỉnh ủy và Kế họach số 1806/KH-UB-VX ngày 18/12/1998 của UBND Tỉnh thực hiện Nghị quyết V Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

- Xét đề nghị của Sở Văn hóa - Thông tin tại Tờ trình số 20/TT-VHTT ngày 04/4/2003 và đề nghị của Ban Tổ chức chính quyền Tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Bản quy định về tổ chức và họat động của Nhà Văn hóa xã - phường - thị trấn".

Điều 2. Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện tốt nội dung của Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký

Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND&UBND Tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- Bộ Tư pháp
- TT Tỉnh ủy (b/c)
- TT HĐND Tỉnh (b/c)
- Ban TC Tỉnh ủy
- Sở TDTT
-Lưu VP, VX

TM. UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

BẢN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ VĂN HÓA XÃ - PHƯỜNG - THỊ TRẤN TRONG TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: /2003/QĐ-UBBT        ngày tháng 5 năm 2003 của UBND tỉnh Bình Thuận )

CHƯƠNG I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA NHÀ VĂN HÓA XÃ - PHƯỜNG - THỊ TRẤN

Điều 1. Vị trí chức năng:

Nhà Văn hoá xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Nhà văn hóa xã) là nơi hội tụ, giao lưu các hoạt động văn hoá - thông tin, thể dục - thể thao của nhân dân ở địa phương.

- Nhà Văn hoá xã chịu sự quản lý, chỉ đạo toàn diện của UBND xã, phường,thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND xã) và sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Văn hoá Thông tin - Thể thao và Trung tâm Văn hoá Thông tin thể thao huyện, thành phố.

- Nhà Văn hoá xã thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá; đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao tại địa phương, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hoá, thể dục, thể thao, nâng cao trình độ thẩm mỹ và hướng dẫn thị hiếu lành mạnh, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, Thôn, Khu phố, xã văn hoá ở địa phương.

Điều 2. Nhiệm vụ:

2.1. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2.2. Tổ chức và hướng dẫn các hoạt động văn hoá văn nghệ quần chúng, thể dục, thể thao ở xã và thôn, xóm, khai thác phát huy tiềm năng nghệ thuật truyền thống ở địa phương và khả năng của quần chúng vào các hoạt động xã hội. Tổ chức và duy trì hoạt động các câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ, nghệ thuật dân gian, các đội nhạc tang, nhạc cưới, thể dục, thể thao.

2.3. Tổ chức phòng đọc sách, báo, quản lý và điều hành tủ sách (Thư viện), Nhà truyền thống, các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ giữa các địa phương. Hướng dẫn quần chúng nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng Gia đình văn hoá, Thôn, Khu phố, Xã văn hoá, bài trừ các tệ nạn xã hội. Hướng dẫn và tổ chức các hoạt động trong việc tang, việc cưới, lễ hội, bài trừ mê tín dị đoan v.v... đảm bảo lành mạnh và tiết kiệm theo quy định của Pháp luật và các quy định của UBND Tỉnh.

2.4. Xây dựng chương trình tham dự các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, hội thao ... do cấp trên tổ chức. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn ngắn ngày theo nhu cầu của quần chúng ở địa phương.

2.5. Tổ chức hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng trong và ngoài huyện.

Điều 3. Quyền hạn:

3.1. Kiến nghị với HĐND, UBND xã và chuyên ngành cấp trên về những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Nhà Văn hoá xã, tạo điều kiện cho Nhà Văn hoá xã hoạt động có chất lượng và hiệu quả.

3.2. Liên kết và phối hợp với các đoàn thể, cá nhân và các thành phần kinh tế để mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà Văn hoá xã.

3.3. Được cung cấp các tài liệu và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Nhà Văn hoá cấp trên.

3.4. Được tham dự các hội nghị xét thưởng hàng năm theo quy định của ngành.

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC BỘ MÁY, CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ VĂN HÓA XÃ - PHƯỜNG - THỊ TRẤN

Điều 4. Tổ chức:

Nhà Văn hoá xã do Chủ tịch UBND xã ra Quyết định thành lập theo đề nghị của Trưởng ban (hoặc cán bộ) Văn hoá thông tin xã và thoả thuận bằng văn bản của Trưởng phòng Văn hoá Thông tin - Thể thao huyện, thành phố.

Nhà Văn hoá xã có Ban chủ nhiệm và các bộ phận nghiệp vụ, Ban chủ nhiệm có từ 3-5 người. Chủ nhiệm do Trưởng ban (hoặc cán bộ) Văn hoá thông tin xã kiêm nhiệm; Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên do Chủ tịch UBND xã chọn.

4.1. Chủ nhiệm: Chịu trách nhiệm trước UBND xã quản lý, điều hành các hoạt động của Nhà Văn hoá xã bao gồm: xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, theo dõi đôn đốc việc thực hiện kế hoạch sau khi đã được UBND xã phê duyệt và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Văn hoá Thông tin - Thể thao và Trung tâm Văn hoá Thông tin - Thể thao huyện, thành phố.

4.2. Phó Chủ nhiệm: Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ nhiệm, thay mặt Chủ nhiệm điều hành các hoạt động của Nhà Văn hoá xã khi Chủ nhiệm uỷ quyền.

4.3. Các Ủy viên: Là đại diện các đoàn thể nhân dân, là những công dân có năng khiếu, nhiệt tình tham gia công tác văn hoá xã hội, thể dục - thể thao.

Các Ủy viên thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm về công việc được phân công.

4.4. Các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ: Tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương có thể hình thành từ 3-5 bộ phận nghiệp vụ chuyên môn như: Câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ, nghệ thuật dân gian, tuyên truyền, khánh tiết, Thư viện, thể thao v.v...

Điều 5. Cơ sở hoạt động:

Nhà Văn hoá xã cần có:

- Hội trường (có nơi để hội họp, tập luyện để biểu diễn nghệ thuật).

- Sân khấu ngoài trời có mái che.

- Phòng đọc sách, phòng truyền thống.

- Phòng để thiết bị Trạm truyền thanh.

- Sân, bãi để hoạt động thể dục, thể thao và vui chơi giải trí thiếu nhi.

Nơi nào chưa có điều kiện xây dựng Nhà Văn hoá xã theo mô hình chung thì chính quyền địa phương có thể cho sử dụng Hội trường UBND xã hoặc các công trình công cộng hiện có để phục vụ hoạt động của Nhà Văn hoá.

Điều 6. Căn cứ khả năng tài chính của địa phương, UBND xã từng bước trang bị cho Nhà Văn hoá xã các thiết bị chuyên dùng như: thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, phông màn, phục trang, dụng cụ hoạt động thể thao, tủ sách v.v...

Điều 7. Kinh phí hoạt động của Nhà Văn hoá xã gồm các nguồn:

- Do ngân sách địa phương cấp theo kế hoạch phân bổ hàng năm của UBND xã.

- Do nhân dân tự nguyện đóng góp và sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Kinh phí thu được do tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao v.v...

Điều 8. Việc thu kinh phí của Nhà Văn hoá xã phải chấp hành theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và phải thực hiện công khai theo đúng quy chế thực hiện dân chủ ở xã và quy định về thanh quyết toán tài chính.

CHƯƠNG III

 TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ngành Văn hoá - Thông tin, Thể dục - Thể thao có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ Nhà Văn hoá xã duy trì hoạt động theo đúng quy định và có chất lượng tốt.

UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức đoàn thể và nhân dân tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nhà Văn hoá xã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 10. Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra việc tổ chức thực hiện Quy định này. Quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc thì kịp thời báo cáo và tham mưu UBND Tỉnh có quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Trong khi chưa có Quyết định chỉnh sửa bổ sung của Chủ tịch UBND Tỉnh thì không được làm trái với những quy định tại Quyết định này./.