Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3076/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 09 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ NGHĨA TRANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2014-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 /11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 /11/2003;

Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về Xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang; Nghị định số 140/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ về quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và các dự án phát triển;

Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;

Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCXDVN01:2008/BXD ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008;

Căn cứ Thông báo số 1473-TB/TU ngày 04 /11/2014 của Thường trực Tỉnh ủy về Quy hoạch tổng thể nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 60/TTr-SXD ngày 19 tháng 9 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Duyệt Quy hoạch tổng thể nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch tổng thể nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Chủ đầu tư: Sở Xây dựng Phú Thọ.

3. Địa điểm, phạm vi lập quy hoạch: Nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

4. Quan điểm lập quy hoạch:

- Phù hợp với quy hoạch hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn tỉnh Phú Thọ, các quy hoạch đô thị, các quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất thủy văn và khả năng khai thác quỹ đất, phù hợp với tổ chức phân bổ dân cư; tiết kiệm đất, hạn chế sử dụng đất lúa.

- Đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sử dụng đất, về môi trường và các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành. Đáp ứng nhu cầu táng trước mắt và lâu dài của các khu vực lập quy hoạch, đảm bảo cảnh quan môi trường.

- Xác định được nguyên tắc đối với hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang; đảm bảo tính ổn định lâu dài đối với vị trí xây dựng nghĩa trang.

- Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các nghĩa trang phục vụ cho nhiều địa phương khác nhau và các nghĩa trang có sử dụng hình thức táng mới văn minh hiện đại, nhằm tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

5. Mục tiêu quy hoạch:

5.1. Mục tiêu chung:

- Xác định vị trí, quy mô các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh; nhằm cải tạo, sắp xếp, xây dựng và chỉnh trang các khu vực nhân dân đã sử dụng vào việc mai táng, xây dựng lăng mộ, từng bước di dời hoặc chuyển thành nghĩa trang chính thức. Theo lộ trình thực hiện quy hoạch, số lượng và quy mô diện tích nghĩa trang do Nhà nước cùng nhân dân xây dựng và quản lý tăng lên, số lượng và quy mô diện tích đất do nhân dân tự mai táng và xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch ngày một giảm dần, tiến đến chấm dứt việc mai táng và xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch.

- Làm cơ sở để lập các đồ án quy hoạch chi tiết các nghĩa trang, từng bước triển khai các dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang các loại, quản lý và khai thác các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh có hiệu quả. Đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

5.2. Mục tiêu cụ thể:

Từ năm 2014 - 2020 tiến hành lập xong quy hoạch chi tiết các loại nghĩa trang trên địa bàn thành phố, thị xã và các thị trấn huyện lỵ; đóng cửa và di rời phần mộ tại các nghĩa địa và các khu mộ nhỏ lẻ trong khu vực nội thị của các đô thị vào nghĩa trang tập trung theo quy hoạch (thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các thị trấn, tổng số 48 nghĩa địa).

Từ năm 2020 - 2030 đóng cửa, di rời 33 nghĩa địa vào nghĩa trang tập trung; quy hoạch chỉnh trang tôn tạo cảnh quan các nghĩa địa tại các xã thuộc thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các thị trấn. Xác định vị trí và quy mô các nghĩa địa cần đóng cửa, di chuyển hoặc quy hoạch cải tạo mở rộng thành nghĩa trang tập trung tại các xã vùng nông thôn còn lại trên địa bàn toàn tỉnh.

6. Quy hoạch tổng thể nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030

6.1. Các nhu cầu táng:

a. Dự báo số người chết tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 là: 71.354 người, đến năm 2030 là: 202.029 người.

b. Dự báo tỷ lệ các hình thức táng (%)

TT

Hình thức táng

Đô thị

Nông thôn

Đến năm

GĐ 2020 -

Đến năm

GĐ 2020

 

 

2020

2030

2020

- 2030

1

Hung táng, cát táng

80 - 85

70 - 75

85 - 87

83 - 85

2

Táng một lần

5

5

12

12

3

Hỏa táng

10 - 15

20 - 25

1 - 3

3 - 5

c. Dự báo nhu cầu diện tích đất an táng giai đoạn 2014-2030:

Tổng diện tích đất nghĩa trang táng mới dự báo đến năm 2020 là 57,08ha và đến năm 2030 là 161,62ha.

6.2. Các hình thức táng:

a. Địa táng: Chia làm 03 loại

- Hung táng: Là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng.

- Cát táng: Là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng.

- Chôn cất một lần: Là hình thức mai táng thi hài vĩnh viễn trong lòng đất.

b. Hỏa táng: Thực hiện việc thiêu xác người chết ở nhiệt độ cao.

6.3. Định hướng quy hoạch:

a. Đối với các đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn):

- Nghĩa trang của các đô thị như thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các thị trấn phải tuân thủ theo quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Xây dựng hệ thống nghĩa trang tập trung: Giai đoạn 2014 - 2020 quy hoạch từ 1 - 2 điểm/đô thị; Giai đoạn 2020 - 2030 đóng cửa bớt, chỉ để 1 nghĩa trang tập trung.

- Quy mô nghĩa trang phải đảm bảo cho nhu cầu và phát triển mở rộng đô thị và liên vùng.

- Di dời toàn bộ nghĩa địa trong nội thị.

- Từng bước tiến đến đóng cửa các nghĩa địa ven đô.

- Đầu tư hạ tầng đồng bộ, từng bước áp dụng công nghệ mai táng hiện đại.

b. Đối với các xã vùng nông thôn khu vực đồng bằng:

- Giai đoạn 2014 - 2020 quy hoạch mỗi xã từ 1 đến 2 nghĩa trang tập trung; Giai đoạn 2020 - 2030 đóng cửa một số, chỉ để 1 nghĩa trang tập trung.

- Di dời các nghĩa địa nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong đất ở và đất canh tác; khoanh vùng các nghĩa địa tập trung.

c. Đối với các xã vùng nông thôn khu vực trung du:

- Giai đoạn 2014 - 2020 quy hoạch mỗi xã từ 2 đến 3 nghĩa trang tập trung; Giai đoạn 2020 - 2030 đóng cửa một số, chỉ để 2 nghĩa trang tập trung.

- Di dời các nghĩa địa nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong đất ở và đất canh tác; khoanh vùng các nghĩa địa tập trung.

- Phát triển vành đai cây xanh cách ly tại các nghĩa trang. d. Đối với các xã vùng nông thôn khu vực vùng núi cao:

Tùy điều kiện có thể quy hoạch xây dựng nghĩa trang cho từng thôn, xóm: Giai đoạn 2014 - 2020 quy hoạch mỗi xã từ 3 đến 5 nghĩa trang tập trung; Giai đoạn 2020 - 2030 đóng cửa một số, chỉ để 3 nghĩa trang tập trung. Khoanh vùng hạn chế chôn cất mới tại các nghĩa địa cũ.

6.4. Nội dung quy hoạch cụ thể:

a. Nghĩa trang vùng tỉnh:

- Nghĩa trang vùng tả ngạn sông Hồng: Nghĩa trang Vĩnh Hằng Phú Thọ, địa điểm thuộc địa bàn xã Bảo Thanh và xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, quy mô giai đoạn I là 60,6ha, giai đoạn II là 30ha. Đây là nghĩa trang tổng hợp phục vụ cho nhu cầu của các huyện Phù Ninh, Thanh Ba, Phú Thọ, Việt Trì và các vùng phụ cận.

- Nghĩa trang vùng hữu ngạn sông Hồng: đặt tại xã Tề Lễ huyện Tam Nông (giáp chân dãy núi Vòng Kiềng), là nghĩa trang tổng hợp phục vụ cho vùng hữu ngạn sông Hồng trong việc di rời tập trung các nghĩa trang nhỏ lẻ và mai táng mới với công nghệ tiên tiến, hình thức táng phù hợp với phong tục tập quán địa phương. Diện tích dự kiến khoảng 60ha.

b. Quy mô, số lượng, diện tích, địa điểm các nghĩa trang tại địa bàn các huyện, thành, thị: Theo Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này.

7. Nguồn vốn đầu tư và các dự án ưu tiên:

7.1. Tổng mức đầu tư dự kiến thực hiện quy hoạch: 1.317,2 tỷ đồng

7.2. Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn ngân sách Nhà nước: Chi phí cho các dự án quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng nghĩa trang bằng ngân sách nhà nước, các dự án điều tra cơ bản, các dự án cải tạo môi trường, cải tạo nghĩa trang cũ, thí điểm công nghệ mai táng mới, các chương trình truyền thông và giáo dục…

- Huy động xã hội hóa: Mọi tổ chức, cá nhân có đủ năng lực đều có thể tham gia đầu tư vào quy hoạch, xây dựng, khai thác và quản lý nghĩa trang theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.

7.3. Các dự án ưu tiên:

- Quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang mới thành Phố Việt Trì.

- Quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang mới tại thị xã Phú Thọ (mẫu).

- Quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang mới tại thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao (mẫu).

- Quy hoạch và đầu tư xây dựng cải tạo hoặc xây mới 03 nghĩa trang ở các xã: đồng bằng, trung du, miền núi (mẫu).

- Dự án di rời nghĩa trang trong nội thị thành phố Việt Trì.

- Dự án trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan tại một số nghĩa trang khống chế phát triển.

- Quy hoạch tổng mặt bằng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật các nghĩa trang tập trung.

- Dự án truyền thông về quy hoạch nghĩa trang và công nghệ mai táng mới.

- Quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang vùng tại xã Tề Lễ - Tam Nông.

8. Giải pháp thực hiện quy hoạch:

8.1. Công tác quản lý Nhà nước:

- Xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang trên địa bàn toàn tỉnh nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

- Nhà nước quản lý nghĩa trang do nhà nước đầu tư từ ngân sách nhà nước; Tư nhân quản lý nghĩa trang do mình đầu tư.

- Tăng cường công tác tuyên truyền các cơ chế chính sách pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư.

- Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp xã, huyện, tỉnh để bổ sung vào quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

- Tăng cường quản lý theo quy hoạch:

+ Kiểm tra theo quy chế quản lý đã được phê duyệt.

+ Đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

+ Xử phạt nghiêm minh các trường hợp không làm theo quy hoạch.

- Kiện toàn bộ máy quản lý ở cấp xã, huyện. Mỗi nghĩa trang cần xây dựng quy định quản lý và hoạt động làm cơ sở cho hoạt động và quản lý.

8.2. Các giải pháp bảo vệ môi trường:

- Công tác tang lễ phải đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

- Xây dựng cầu rửa xe tại các đường ra vào nghĩa trang.

- Từng nghĩa trang cần xây dựng nội quy cho công nhân làm việc tại nghĩa trang và đến đưa tang, thăm viếng để hạn chế tác động xấu đến môi trường.

- Các phần mộ trong khu vực an táng một lần cần giải quyết bằng hình thức chôn chặt “trong quan ngoài quách” để đặt thi hài.

- Để phục vụ khách thăm viếng, mỗi khu phần mộ xây dựng một nhà vệ sinh công cộng. Nước thải của các khu vệ sinh xử lý cục bộ bằng bể tự hoại trước khi xả ra hệ thống chung hoặc tự thấm.

- Chất thải rắn từ các dịch vụ như vòng hoa, gỗ ván mục từ khu vực hung táng lá cành của cây xanh và rác thải sinh hoạt sẽ được phân loại theo tính chất. Chất hữu cơ được ngâm ủ để phục vụ bón phân cho cây trồng các chất hữu cơ và vô cơ khó tự tiêu hủy sẽ được thêu đốt bằng lò thủ công hoặc trung chuyển đến bãi rác tỉnh.

8.3. Giải pháp huy động vốn đầu tư:

Nghĩa trang nhân dân là một hạng mục hạ tầng xã hội phục vụ cho cộng đồng dân cư, vì vậy việc đầu tư xây dựng hệ thống các nghĩa trang không chỉ là công việc của Nhà nước mà còn là việc của toàn bộ cộng đồng dân cư. Nhiều địa phương trên cả nước đang áp dụng phương thức này để huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp và người dân đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý nghĩa trang nhân dân. Chính vì điều này, việc xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng nghĩa trang trên địa bàn cấp xã là rất quan trọng. Kiến nghị các nguồn vốn đầu tư cho nghĩa trang các cấp như sau:

- Vốn ngân sách Nhà nước:

Chi phí cho các dự án quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng theo nghĩa trang bằng ngân sách nhà nước, các dự án điều tra cơ bản, các dự án cải tạo môi trường, cải tạo nghĩa trang cũ, thí điểm công nghệ mai táng mới, các chương trình truyền thông và giáo dục....

- Huy động xã hội hóa:

+ Đầu tư xây dựng nghĩa trang tập trung, các dịch vụ tang lễ đi kèm theo đúng quy hoạch phê duyệt. Chủ động khai thác khả năng nghĩa trang để thu hồi vốn.

+ Mọi tổ chức, cá nhân có đủ năng lực đều có thể tham gia đầu tư vào quy hoạch, xây dựng, khai thác và quản lý nghĩa trang theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.

8.4. Một số giải pháp khác:

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và quản lý nghĩa trang theo quy hoạch.

- Cho các tổ chức và tư nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang với kích thước, kiểu mẫu, màu sắc các ngôi mộ theo một tiêu chuẩn thống nhất để bán lại cho người có nhu cầu theo giá do Nhà nước quản lý.

- Đưa quy định về hạn mức đất lăng mộ vào quy ước, hương ước làng, xã, thôn văn hóa để thực hiện.

- Đối với các khu vực nghĩa trang thuộc các xã, phường thuộc thành phố Việt Trì và các trung tâm huyện lỵ khi di dời mồ mả, việc cải táng đề nghị bố trí vào Khu quy hoạch nghĩa trang chung của huyện, tỉnh.

- Các nghĩa trang cho dù của tư nhân hay Nhà nước quản lý ra đời sau này đều phải biến nó thành “Nghĩa trang công viên” có lối đi, thảm cỏ, các công trình phụ... tạo cho nghĩa trang một khoảng không gian xanh, sạch, đẹp, văn minh, giảm tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường và tâm lý nặng nề trong khu vực nghĩa trang.

- Tuyên truyền đến từng người dân về ý nghĩa của quy hoạch nghĩa trang nghĩa trang đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, mỹ quan khu dân cư từ đó thay đổi dần thói quen, tập quán mai táng chôn cất mồ mả nhỏ lẻ trong từng thôn xóm của người dân. Giới thiệu những hình thức mai táng mới theo công nghệ mới để người dân làm quen tiến tới ứng dụng trong các khu nghĩa trang tập trung.

9. Tổ chức thực hiện:

9.1. Sở Xây dựng: Chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch. Theo dõi và cập nhật các quy định của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương về quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh bổ sung kịp thời. Khi thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị phải xác định rõ địa điểm nghĩa trang trên địa bàn trong đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị.

9.2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Là cơ quan giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về nghĩa trang trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng các chế độ, chính sách xã hội, trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết đối với các đối tượng chính sách trong việc táng trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

9.3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường đối với hệ thống nghĩa trang nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập phương án điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất nghĩa trang, quy định vùng hạn chế, vùng cấm khai thác nước ngầm, khai thác khoáng sản theo Quy hoạch tổng thể nghĩa trang nhân dân của tỉnh được phê duyệt.

9.4. Sở Y tế: Chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh trong các hoạt động táng tại các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.

9.5. Sở Tài chính: Hướng dẫn việc sử dụng vốn ngân sách trong đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng, chi phí quản lý nghĩa trang, nguồn thu dịch vụ; Tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phương án khai thác kinh doanh đối với các nghĩa trang do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng để làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân quyết định giá dịch vụ nghĩa trang theo khung giá được UBND tỉnh phê duyệt.

9.6. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Theo chức năng, nhiệm vụ bảo đảm cân đối vốn đầu tư ngân sách nhà nước hàng năm để đầu tư xây dựng nghĩa trang từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy hoạch, dự án được duyệt và nghiên cứu xây dựng phương án, khuyến khích huy động các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống nghĩa trang nhằm bảo đảm việc phát triển và nâng cấp đô thị cho từng thời kỳ theo kế hoạch, quy hoạch được phê duyệt.

9.7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin Truyền thông, các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí: Tuyên truyền, vận động việc thực hiện các hình thức táng văn minh, tiết kiệm đất và đảm bảo vệ sinh môi trường như hỏa táng; hạn chế tối đa đi đến chấm dứt việc đốt giấy vàng mã trong nhân dân nhằm tránh lãng phí và đảm bảo vệ sinh môi trường.

9.8. Ban Dân tộc: Tuyên truyền, vận động việc thực hiện các hình thức táng văn minh, tiết kiệm đất và đảm bảo vệ sinh môi trường cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số.

9.9. Ban Tôn giáo: Tuyên truyền, vận động đối với các đối tượng là công chức, viên chức và tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, nhân sỹ các tôn giáo trong việc thực hiện các hình thức táng văn minh, tiết kiệm đất và đảm bảo vệ sinh môi trường.

9.10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:

- Thực hiện phân công và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng nghĩa trang đã được phân cấp theo quy hoạch này.

- Khi thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn phải xác định rõ địa điểm nghĩa trang trên địa bàn trong đồ án quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.

- Chỉ đạo cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố giao nhiệm vụ quản lý cụ thể cho các xã, phường, thị trấn quản lý nhà nước đối với nghĩa trang cấp xã.

- Kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hoạt động về quản lý và sử dụng nghĩa trang của tổ chức, cá nhân có liên quan theo các quy định của pháp luật.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm cho Sở Xây dựng và UBND tỉnh về các nội dung công tác quản lý nghĩa trang.

9.11. Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Quản lý nghĩa trang đối với nghĩa trang của xã, cụm xã, các nghĩa trang khác theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Thực hiện các chế độ, chính sách xã hội đối với các đối tượng đặc biệt, đối tượng chính sách trong việc táng khi chết.

- Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý sử dụng nghĩa trang trên địa bàn mình quản lý theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thông báo cho nhân dân về việc đóng cửa, di chuyển nghĩa trang.

- Tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về quản lý sử dụng nghĩa trang trên địa bàn theo địa giới hành chính.

- Định kỳ kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo Ủy ban nhân dân huyện về công tác xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thuộc địa giới hành chính.

l). Trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp nghĩa trang:

* Đơn vị quản lý nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước:

- Thực hiện việc cải tạo, đóng cửa, di chuyển nghĩa trang theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Thực hiện quy chế quản lý nghĩa trang sau khi được Ủy ban nhân dân cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

- Thực hiện giá dịch vụ nghĩa trang các cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang.

- Cung cấp các dịch vụ nghĩa trang cho người sử dụng, bảo đảm chất lượng dịch vụ theo quy định.

- Đơn vị quản lý trực tiếp nghĩa trang có trách nhiệm xây dựng nội quy của nghĩa trang.

- Thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm cho đơn vị cấp trên trực tiếp về tình hình xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.

- Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

* Tổ chức, cá nhân quản lý nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng:

- Thực hiện việc xây dựng, cải tạo, đóng cửa, di chuyển nghĩa trang theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phê duyệt và ban hành nội quy, quy chế quản lý nghĩa trang sau khi được UBND cấp thẩm quyền thỏa thuận. Sau khi ban hành phải gửi cho Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý nghĩa trang để quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

- Xây dựng, quyết định và ban hành giá dịch vụ nghĩa trang do mình cung cấp trên cơ sở phương án khai thác kinh doanh được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận đối với các nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng.

- Thực hiện nội dung quản lý nghĩa trang, lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang.

- Cung cấp các dịch vụ nghĩa trang cho người sử dụng, bảo đảm chất lượng dịch vụ theo quy định;

- Thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm cho đơn vị cấp trên trực tiếp về tình hình xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.

- Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

9.12. Trách nhiệm và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ nghĩa trang:

* Trách nhiệm:

- Tuân thủ các nội quy của các nghĩa trang đã được phê duyệt và các quy định khác của pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.

- Thực hiện các trách nhiệm theo thỏa thuận với đơn vị quản lý tại các nghĩa trang.

- Cung cấp lý lịch mộ, tro cốt để đơn vị quản lý nghĩa trang lập hồ sơ lưu trữ, quản lý.

- Tham gia, đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến nghĩa trang.

* Quyền lợi:

- Yêu cầu đơn vị quản lý cung cấp các dịch vụ nghĩa trang đúng theo thỏa thuận và quy định.

- Thăm viếng, chăm sóc mộ theo quy định của đơn vị quản lý nghĩa trang.

Điều 2. Tổ chức thực hiện: Giao Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai quy hoạch được duyệt; phối hợp cùng các cơ quan liên quan căn cứ nhiệm vụ phân công tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch theo hiện hành của pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các cơ quan: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính; Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ Quyết định thực hiện./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Chu Ngọc Anh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3076/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 3076/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Chu Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản