THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 307-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 1995 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM THỜI KỲ 1995 - 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét Tờ trình số 377/TCDL ngày 24 tháng 4 năm 1995 của Tổng cục Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
Nằm ở khu vực Đông Nam á - một khu vực đang diễn ra những hoạt động du lịch sôi động, Việt Nam có một vị trí địa lý kinh tế và giao lưu quốc tế thuận lợi để sớm hoà nhập với trào lưu phát triển du lịch của khu vực và thế giới.
1. Đầu tư phát triển du lịch Việt Nam là phù hợp với xu thế chung, phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trên phạm vi thế giới, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống xã hội và phát triển với tốc độ ngày càng nhanh.
Trong vòng 30 năm (1960 - 1991) số khách du lịch trên thế giới tăng khoảng 64 lần, thu nhập từ du lịch đã tăng khoảng 38 lần. Với nguồn thu nhập gia tăng như vậy nhiều nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia... đã coi du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn, hướng chủ yếu trong chiến lược khai thác tiềm năng, tạo việc làm, mở rộng giao lưu để phát triển kinh tế - xã hội của mình.
Hiện nay, nhịp độ tăng trưởng về số khách quốc tế và thu nhập từ du lịch của khu vực Đông á - Thái Bình Dương thuộc loại hàng đầu thế giới. Dự kiến đến năm 2010 khoảng 72 triệu người; thu nhập từ du lịch tăng khoảng 15,6%. Vai trò, vị trí của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân cũng ngày càng tăng và được khẳng định.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta hoàn toàn có đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển, sớm đưa du lịch của nước ta hoà nhập vào trào lưu phát triển du lịch của khu vực và thế giới.
2. Tiềm năng du lịch của nước ta phong phú, đa dạng:
Nằm ở vị trí cửa ngõ giao lưu quốc tế, Việt Nam có điều kiện để phát triển giao thông cả về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không nối với các quốc gia trên thế giới.
Tài nguyên du lịch Việt Nam đa dạng, giầu bản sắc cả về thiên nhiên (bãi biển, hang động, nước nóng, nước khoáng, đảo, lớp phủ thực vật và thế giới động vật quí hiếm, nhiều cảnh quan tự nhiên độc đáo điển hình...) lẫn nhân văn (các di tích lịch sử, nghệ thuật, kiến trức, những phong tục tập quán, các làng nghề và truyền thống văn hoá đặc sắc của các dân tộc...) tạo điều kiện cho chúng ta phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, hấp dẫn như: nghỉ dưỡng, thể thao, nghiên cứu khoa học, hội chợ, hội nghị, festival... dài ngày và ngắn ngày.
Tài nguyên du lịch nước ta được phân bố thành từng cụm hình thành các môi trường du lịch điển hình trong toàn quốc. Mỗi vùng, mỗi khu vực du lịch có một sắc thái riêng, tạo nên các tuyến du lịch xuyên quốc gia, không lập lại giữa các vùng làm nhàm chán khách du lịch. Những tài nguyên du lịch này nhằm gắn các đô thị lớn, các cửa khẩu quốc tế quan trọng thuận lợi cho việc đi lại, tham quan và ăn nghỉ của du khách. Nhiều vùng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận Hà Tây, Ninh Bình, Vĩnh Phú, Hoà Bình..., vùng biển Hạ Long - Cát Bà - Đồ Sơn (Quảng Ninh - Hải Phòng) vùng Đại Lãnh - Văn Phong, Nha Trang (Khánh Hoà), đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Huế - Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng - Đà Lạt và vùng đồng bằng Châu thổ sông Cửu Long..., nếu được qui hoạch và đầu tư thích đáng sẽ trở thành những trung tâm du lịch lớn có khả năng cạnh tranh với các nước khác trong khu vực và thế giới.
Trong tương lai không xa, việc nối tour du lịch đường bộ tới Malaysia - Singapore và Myanma với tuyến du lịch Đông Dương (Việt Nam - Lào - Cămpuchia) thực sự sẽ khép kín lộ trình của khách du lịch quốc tế ở Đông Nam á và sẽ tạo ra tuyến du lịch hấp dẫn trong khu vực, mở ra cho nước ta nhiều cơ hội để khai thác và phát triển du lịch với các hình thức hấp dẫn theo phong cách và truyền thống văn hoá Việt Nam.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, du lịch Việt Nam còn kém phát triển. Nếu so sánh với 5 nước Đông Nam á trong cùng thời điểm năm 1988, Việt Nam chỉ đón lượng khách du lịch quốc tế bằng 1/10 Philippines, 1/5 Indonesia và xấp xỉ 1/40 Malaysia, Thái Lan hoặc Singapare.
Mấy năm gần đây, nhờ sự nghiệp đổi mới đất nước thu được kết quả quan trọng: kinh tế tăng trưởng, chính trị ổn định, đường lối ngoại giao đa dạng hoá, đa phương hoá, Ngành Du lịch Việt Nam có những bước tiến bộ. Nhịp độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hàng năm đạt trên dưới 40%. Năm 1990 Việt Nam mới đón 250.000 khách quốc tế thì năm 1994 đã đạt trên 1.000.000, thu hẹp dần khoảng cách đón khách quốc tế so với năm nước Đông Nam á. Số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 1994 đã bằng 2/3 số khách du lịch quốc tế đến Philippines, bằng 1/4 Indonesia và xấp xỉ bằng 1/6 số khách du lịch quốc tế đến Thái Lan, Singapore hoặc Malaysia.
Lực lượng lao động trực tiếp trong ngành Du lịch tăng nhanh (năm 1992 có 21.510 lao động trong khu vực Nhà nước, đến năm 1993 đã có 36.851 lao động, tăng 72% so với năm 1992). Nhìn chung lao động trong Ngành Du lịch chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách hệ thống. Một số liên doanh đã tự tào tạo dưới hình thức tại chỗ hoặc ở nước ngoài. Hiện nay đã có những mạng lưới đào tạo du lịch từ công nhân kỹ thuật đến đại học, tuy nhiên còn thiếu những cơ sở đào tạo có qui mô hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.
Kết cấu hạ tầng tuy đã có những bước phát triển nhất định, song nhìn chung còn ở tình trạng thấp kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Hiện nay việc phát triển du lịch ở nước ta còn phân tán và đơn điệu, mới chỉ tập trung vào việc xây dựng khách sạn. Việc xây dựng các khu du lịch, các khách sạn chưa được tính toán kỹ lưỡng, cả về qui hoạch và thiết kế nên dẫn đến tình trạng xây dựng tràn lan, nhiều nơi, đặc biệt là ở các vùng ven biển, vùng có khả năng xây dựng phát triển các loại hình du lịch đã gây nên những tác động tiêu cực đối với cảnh quan, môi trường. Mặt khác, sự chuẩn bị để hoà nhập với du lịch thế giới về nhận thức, tổ chức bô máy, con người, cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh nghiệm và hiểu biết về quản lý điều hành du lịch chưa dáp ứng yêu cầu, có mặt chưa tốt; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý, thúc đẩy phát triển du lịch chưa chặt chẽ, trong khi sự cạnh tranh du lịch trong vùng lại ngày càng trở nên gay gắt. Mâu thuẫn giữa sự tăng trưởng khách du lịch với năng lực phục vụ như: khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ kỹ thuật, giữa phát triển du lịch với phát triển kết cấu hạ tầng, giữa mở cửa thu hút khách với việc bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội đang là những trở ngại và thách thức đối với ngành Du lịch.
3. Vị trí, vai trò của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội:
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, du lịch được xác định là "ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" (Nghị quyết số 45/CP ngày 22/6/1993 của Chính phủ) và "là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước" (Chỉ thị số 46/CT-TW ngày 14/10/1994 của Ban Bí thư). Vì vậy đòi hởi mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương và tổ chức xã hội, với trách nhiệm của mình, trong đó ngành Du lịch là nòng cốt, phải có nhận thức và tư duy mới, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực của đất nước để "Phát triển mạnh du lịch, hình thành ngành công nghiệp du lịch có quy mô ngày càng tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của nước ta" mà Nghị quyết lần thứ VII của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII đã đề ra.
Trước tình hình đó, việc xây dựng chiến lược, qui hoạch phát triển du lịch đã trở nên cấp thiết để đề xuất một sự tiếp cận quốc gia đối với tương lai phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
II. NHỮNG MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM THỜI KỲ 1995 - 2010:
1. Những mục tiêu:
1.1 Mục tiêu về kinh tế:
Tối ưu hoá sự đóng góp của ngành du lịch vào thu nhập quốc dân, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm để bước vào thập kỷ đầu của thế kỷ 21, du lịch trở thành một ngành công nghiệp tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của đất nước.
1.2 Mục tiêu an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội:
Qui hoạch phát triển du lịch nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhưng không làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
1.3 Mục tiêu về môi trường:
Qui hoạch du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, với cơ chế quản lý phù hợp vừa tôn tạo, khai thác, vừa bảo vệ được các di sản thiên nhiên, cảnh quan, môi trường.
1.4 Mục tiên văn hoá - xã hội:
Qui hoạch du lịch phải gắn liền với việc giữ gìn phát huy truyền thống văn hoá, nhân phẩm của con người Việt Nam; đồng thời khai thác các di sản văn hoá nghệ thuật có giá trị, giầu bản sắc dân tộc, các di tích lịch sử, công trình văn hoá nổi tiếng, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển du lịch và văn hoá có chất lượng cao của các nước, nâng cao các tiêu chuẩn của ngành để đa dạng hoá các sản phẩm du lịch Việt Nam. Song song với phát triển du lịch quốc tế, đẩy mạnh phát triển du lịch trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của nhân dân, góp phần từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt ở các vùng xa xôi hẻo lánh, vùng đồng bào các dân tộc ít người.
1.5 Mục tiêu hỗ trợ phát triển:
Cung cấp thông tin tư liệu, những định hướng chiến lược cơ bản để hỗ trợ cho việc lập kế hoạch, xúc tiến, phát triển, sự phối kết hợp, nghiên cứu, thống kê... giúp cho sự phát triển của ngành ở Trung ương cũng như địa phương.
Những mục tiêu cụ thể: Qui hoạch phát triển du lịch Việt Nam, xác định các mục tiêu cho các kế hoạch chỉ đạo phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến năm 2010, sao cho đến năm 2000 đón 3,5 - 3,8 triệu khách quốc tế và đến năm 2010 khoảng 9 triệu khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch quốc tế (không kể vận chuyển) đạt khoảng 2,60 tỷ USD năm 2000 và khoảng 11,80 tỷ USD năm 2010. Khách du lịch trong nước: 11,0 triệu khách vào năm 2000 và 25 triệu khách vào năm 2010. Năm 1994 tỷ lệ GDP du lịch mới chiếm 3,5 % GDP của cả nước. Dự kiến đến năm 2000 sẽ đạt 9,6 và đến năm 2010 là 12%. Nếu tính cả tỷ lệ GDP của ngành Du lịch và các ngành dịch vụ liên quan đến hoạt động du lịch thì năm 1994 đạt 10,2%. Dự kiến năm 2000 sẽ đạt 18,6% và đến năm 2010 đạt 27,0% GDP của cả nước.
2. Các chiến lược phát triển du lịch:
2.1 Chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Tổ chức đào tạo lại và đào tạo mới ngày càng tốt hơn cán bộ công nhân viên của ngành du lịch dưới hình thức tại chỗ, chính qui ở trong nước và nước ngoài, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của ngành Du lịch. Chú trọng giáo dục du lịch toàn dân.
2.2 Chiến lược sản phẩm:
Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường du lịch. Đối với từng vùng du lịch phải tạo ra được sản phẩm du lịch đặc thù và phải kết hợp với nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực và các nước có chung biên giới để nối tour du lịch, tạo thêm khả năng tiêu thụ các sản phẩm du lịch Việt Nam.
Tạo sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng giầu bản sắc dân tộc, đặc biệt là các sản phẩm du lịch mang truyền thống văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, phong tục tập quán của Việt Nam ... để tạo ưu thế cạnh tranh, thu hút khách, chiếm lĩnh, mở rộng thị trường.
Tạo sản phẩm du lịch chuyên đề như: Du lịch bồi dưỡng sức khoẻ, nghỉ biển, du lịch hang động, du lịch chơi golf, thể thao, câu cá, sông nước, du lịch cho người ham thích thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống, sinh vật cảnh, lễ hội, sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc, du lịch hội nghị, festival...
2.3 Chiến lược nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch:
Tăng cường chất lượng dịch vụ trên cả ba góc độ: thái độ phục vụ, tính đa dạng, tiện nghi của hàng hoá dịch vụ và khả năng sẵn sàng phục vụ tiếp đón khách.
2.4 Chiến lược về giữ gìn, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch, môi trường (cả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn).
Tiến hành phân vùng chức năng trên địa bàn du lịch lớn, xác định các khu vực cần bảo vệ nguyên vẹn, khu vực qui hoạch dự trữ đất đai, các khu cần phục hồi. Xây dựng qui chế xếp hạng và khai thác bảo vệ thắng cảnh, tài nguyên du lịch.
2.5 Chiến lược về đầu tư du lịch:
Khuyến kích cả đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước (cả khu vực Nhà nước lẫn tư nhân), tham gia đầu tư xây dựng phát triển du lịch theo qui hoạch và có dự án đầu tư cụ thể. Nước ngoài liên doanh đầu tư các khách sạn lớn, cao cấp, các khu du lịch. Bằng nhiều hình thức huy động vốn để góp vốn phía Việt Nam trong các liên doanh. Phấn đấu đến năm 2000 có khoảng 10 -15 dự án khu du lịch được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động.
2.6 Chiến lược về thị trường:
Nghiên cứu, phân tích, đánh giá các thị trường hiện tại và thị trường tiềm năng. Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển, mở rộng thị trường du lịch của Việt Nam để sớm hoà nhập vào thị trường du lịch của khu vực và thế giới. Trong giai đoạn dầu nên tập trung vào các nước Động Nam á, Châu á - Thái Bình Dương, tiếp đó là các thị trường Tây emdashu và Bắc Mỹ.
III. CÁC ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:
1. Định hướng về tổ chức không gian lãnh thổ du lịch:
Qui hoạch tổng thể phát triển du lịch ở nước ta được chia thành ba vùng du lịch với những chỉ tiêu và sản phẩm du lịch đặc trưng.
* Vùng du lịch Bắc Bộ.
Bao gồm 23 tỉnh từ Hà Giang đến Hà Tĩnh với thủ đô Hà Nội là trung tâm của vùng và tam giác, động lực tăng trưởng du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.
Sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là du lịch văn hoá kết hợp với du lịch thăm quan, nghiên cứu.
Các địa bàn hoạt động du lịch chủ yếu:
- Địa bàn các di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, lễ hội truyền thống, làng nghề chủ yếu ở Hà Nội, Hà Tây, Ninh Bình, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Nam Hà, Hải Hưng...
- Địa bàn của nền văn hoá các dân tộc Tày - Nùng (Cao Bằng - Lạng Sơn) H'Mông (Hà Giang - Lào Cai), Thái (Lai Châu - Sơn La), Mường (Hoà Bình).
- Địa bàn cảnh quan, nghỉ dưỡng: vùng biển và ven biển Hạ Long, Bái Tử Long, Cát Bà, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò... Các cảnh quan vùng hồ Hoà Bình, Hồ Tây, hồ Ba Bể, Yên Lập... Các cảnh quan vùng núi: Tam Đảo, Ba Vì, Sa Pa, Yên Tử, Mẫu Sơn, Fansipan.
* Vùng du lịch Bắc Bộ:
Bao gồm 5 tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi với Huế và Đà Nẵng là trung tâm đồng vị của vùng và phát triển du lịch Huế - Đà Nẵng - Lao Bảo.
Sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tham quan các di tích lịch sử cách mạng, kết hợp với du lịch biển, hang động và du lịch quá cảnh.
Các địa bàn hoạt động du lịch chủ yếu:
Địa bàn có các di sản văn hoá thời Nguyễn (Huế), văn hoá Chàm (Quảng Nam - Đà Nẵng).
Địa bàn các di tích chống Mỹ, cứu nước chủ yếu ở Quảng Trị (địa đạo Vĩnh Mốc, dải đường 9 đến Nam Lào, thành cổ Quảng Trị...)
Địa bàn các cảnh quan nghỉ dưỡng, giải trí dải ven biển Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Vĩnh Nam Ô, Non Nước, Hội An (Quảng Nam - Đà Nẵng), Mỹ Khê (Quảng Ngãi). Các cảnh quan nghỉ dưỡng vùng núi Bạch Mã, Bà Ná, cảnh quan hang động ở Phong Nha (Quảng Bình).
* Vùng du lịch Nam Trung bộ và Nam bộ:
Bao gồm 25 tỉnh từ Kon Tum đến Minh Hải với hai á vùng du lịch: Nam Trung Bộ (9 tỉnh ) và Nam Bộ (16 tỉnh), trung tâm của vùng là thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ- Kiên Giang (Phú Quốc) và tam giác tăng trưởng kinh tế và du lịch: thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu.
Các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng này là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng biển và núi, du lịch sông nước, du lịch sinh thái đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.
Các địa bàn hoạt động du lịch chủ yếu:
Địa bàn đô thị:
* Thành phố Hồ Chí Minh: với các khu vực Thanh Đa - Bình Quới, Lái Thiêu, hồ Kỳ Hoà, Lâm Viên, Văn Thánh, Đầm Sen... sẽ phát triển mở rộng dọc sông Sài Gòn, dọc sông Đồng Nai, khu Thủ Thiêm, rừng Sác, Cần Giờ.
* Vũng Tàu: phát triển khu vực du lịch biển để phục vụ cho dân cư tại chỗ, nghỉ cuối tuần của khách du lịch quốc tế cũng như khách du lịch tham quan trong nước, ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận.
* Thành phố Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm giao tiếp và du lịch của đồng bằng sông Cửu Long khi xây dựng cảng nước sâu cho tầu trọng tải trên 1 vạn tấn và nâng cấp sân bay.
Địa bàn nghỉ dưỡng giải trí:
* Cảnh quan nghỉ dưỡng ven biển thuộc Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà như: Vũng Rô, Đại Lãnh, Văn Phong, Dốc Lết, Bãi Tiêu, Đồng Đế, Nha Trang, Hòn Trũ. Ngoài ra các bãi biển: Ninh Chữ, Cà Ná (Ninh Thuận), Bình Châu - Long Hải - Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hòn Chông (Hà Tiên) sẽ bổ sung cho sự hoàn chỉnh của dải du lịch ven biển của vùng này.
* Cảnh quan nghỉ dưỡng núi ở Lâm Đồng - Đà Lạt và một số tỉnh Tây Nguyên đặc biệt thành phố Đà Lạt với nhiều cảnh quan, núi, hồ, thác và một hệ thống biệt thự có kiến trúc độc đáo.
* Các hồ: hồ Yali (Kon Tum), Biển Hồ (Pleiku), hồ Lắc (Đắc lắc), Dầu Tiếng (Tây Ninh), Thác Mơ (Sông Bé), Trị An (Đồng Nai), Thị Nại (Quy Nhơn), hệ thống hồ của Đà Lạt như hồ Đan Kia, Suối Vàng...
* Các công viên quốc gia: Nam Cát Tiên, Bù Đăng (Sông Bé), Côn Đảo, các sân chim cần bảo vệ (Minh Hải), rừng thông (Lâm Đồng).
Địa bàn các di tích kháng chiến chống Mỹ:
Bán đảo Phượng Hoàng (Quy Nhơn), Cam Ranh (Khánh Hoà), sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), Xuân Lộc (Đồng Nai), chiến khu Đ (Lâm Đồng - Tây Ninh - Sông Bé), núi Bà (Tây Ninh), dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi, Bến Lức (thành phố Hồ Chí Minh) , Phước Long (Sông Bé), Đất Đỏ (Đồng Nai), Biệt Dinh (Đà Lạt), Bạch Dinh (Vũng Tàu), Bến Tre đồng khởi, các khám ở Sài Gòn, Sông Bé, Côn Đảo...
Địa bàn các di tích khác:
Các tháp Chàm (Ninh Thuận, Bình Thuận), Tây Sơn (Bình Định), toà thánh Cao Đài, đền Bà (Tây Ninh), các chùa Bà núi Sam, núi Sập khu di tích ốc Eo Tri Tôm, Thoại Sơn (An Giang), quê Bác Tôn (Long Xuyên), kênh Xà No (Tiền Giang).
Các trung tâm lưu trú: Trung tâm chính: thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt - Vũng Tàu; Trung tâm phụ: Quy Nhơn - Cần Thơ.
2. Định hướng đầu tư xây dựng khách sạn:
Trước mắt tập trung đầu tư hai loại nhóm khách sạn là: khách sạn chuyển tiếp (1 đến 3 sao) và khách sạn cao cấp (4 - 5 sao).
- Khách sạn chuyển tiếp phục vụ du lịch theo tuyến. Cả nước đến năm 2000 cần có thêm 25.270 buồng (vùng du lịch Bắc Bộ 10.100, Bắc Trung Bộ 2.390 và vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ 12.780 buồng khách sạn). Cần số vốn tính theo thời điểm 1994 khoảng: 1478 triệu USD (bình quân mỗi năm cần 211 triệu) và đến năm 2010 cần thêm 51.200 buồng (vùng I: 20.200, vùng II: 10.700, vùng III: 20.300 buồng) với số vốn khoảng 3039 triệu USD.
- Tập trung xây dựng ở các trung tâm du lịch Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khách sạn cao cấp (loại 4 - 5 sao qui mô lớn từ 200 buồng trở lên. Ngoài ra có thể xem xét để xây dựng thêm một số khách sạn loại này ở các địa bàn ven biển như Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Văn Phong và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến năn 2000 cần có thêm 13.760 buồng (vùng I: 6.610, vùng II: 730, vùng III: 6.420 buồng), cần khoảng 1530 triệu USD (bình quân mỗi năm cần 218 triệu USD). Đến năm 2010 cần có thêm 28.240 buồng (vùng I: 14.000, vùng II: 3.500, vùng III: 10.740 buồng), cần khoảng 3163 triệu USD.
Các khách sạn thương gia và khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp 4 -5 sao ở các đô thị và khu du lịch quan trọng khuyến khích liên doanh với nước ngoài để xây dựng. Các khách sạn nhỏ, cấp thấp huy động vốn trong nước (trong dân, vốn vay...) để phát triển.
3. Định hướng đầu tư khu du lịch và cơ sở vui chơi giải trí:
Đồng thời với việc xây dựng các khách sạn, đầu tư nâng cấp cơ sở vui chơi giải trí hiện có, cần nghiên cứu để hình thành các khu du lịch, các cơ sở vui chơi giải trí mới, thích hợp với điều kiện khả năng của mỗi vùng, góp phần vào việc đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam, tăng khả năng thu hút và lưu giữ khách.
Phải chú ý đầu tư, tôn tạo danh lam thắng cảnh và di tích để giữ gìn bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch. Ưu tiên những dự án đầu tư lớn cho các khu du lịch tổng hợp như dự án ở khu Non Nước (Đà Nẵng), Thuận An (Huế), Hạ Long (Quảng Ninh), Vịnh Văn Phong (Khánh Hoà), Đan Kia, hồ Suối Vàng (Lâm Đồng - Đà Lạt), vùng ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu v.v... phấn đấu đến năm 2000 chúng ta có từ 10 đến 15 dự án các khu du lịch lớn đi vào hoạt động với sản phẩm cao cấp tương đối hoàn chỉnh, gắn với cảnh quan, di tích lịch sử, văn hoá của ta, thu hút nhiều khách.
Các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển du lịch:
4.1. Thủ đô Hà nội và phụ cận gồm Bắc Ninh (Hà Bắc), Hà Tây, Ninh Bình, Vĩnh Phú v.v... tạo ra các khu nghỉ dưỡng và du lịch cuối tuần của Thủ đô Hà nội. Các dự án bao gồm: Các khu phố cổ, khu vực Hồ tây, Cổ Loa - Sóc Sơn (Hà nội), Tam Cốc - Bích Động, Hoa Lư (Ninh Bình), Chùa Hương, Ba Vì - Đồng Mô, Suối Hai (Hà Tây), Tiên Sơn (Hà Bắc), Tam Đảo (Vĩnh Phú), nền văn hoá các dân tộc thuộc tỉnh Hoà Bình, Điện Biên Phủ (Lai Châu), hồ Ba Bể (Cao Bằng), khu hang động Nhất, Nhị, Tam Thanh - Mẫu Sơn (Lạng Sơn), xây dựng làng văn hoá các dân tộc Việt Nam ở Hà Tây.
4.2. Hạ Long - Bái Tử Long, Cát Bà, Đồ Sơn (Quảng Ninh, Hải Phòng): các dự án du lịch cần tập trung vào hải đảo Cát Bà và không gian trên biển của vịnh Hạ Long và Bái Tử Long... tạo nên quần thể có những sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh trong vùng.
4.3. Huế - Đà Nẵng - Lao Bảo: các dự án du lịch cần tập trung bảo tồn và khai thác các di sản văn hoá kiến trúc ( Huế), Cách mạng (Quảng Trị) cùng các di sản thiên nhiên ở trục đường Huế - Lăng Cô - Hải Vân - Sơn Trà - Đà Nẵng, dải ven biển từ vịnh Nam Ô đến đô thị cổ Hội An, động Phong Nha (Quảng Bình). Chú ý các dự án về kết cấu hạ tầng trong việc phát triển du lịch đường bộ với Lào - Thái Lan qua đường xuyên á đến Myanma, Malaysia và Singapo trong tương lai.
4.4. Nha trang - Ninh Chữ - Đà Lạt: các dự án kết hợp giữa khu nghỉ biển và núi. Đầu tư vào việc xây dựng một khu du lịch biển lớn ở Việt Nam cho những năm sau 2000 ở vùng biển Đại Lãnh, vịnh Văn Phong, Nha trang (Khánh Hoà). Xây dựng tuyến du lịch thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt - Nha trang. Xây dựng sân bay Đông Trác (Tuy Hoà), đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch đến á vùng Nam Trung Bộ.
4.5. Vũng Tàu - Long Hải - Côn Đảo: Đầu tư phát triển du lịch nghỉ cuối tuần (cho cư dân của thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận) trên khu vực bãi biển Long Hải - Phước Hải. Có dự án riêng cho Côn Đảo, quy hoạch lại các khu du lịch ở bãi trước, bãi sau và thành phố Vũng Tàu.
4.6. Thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận: tận dụng thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh để khai thác tuyến du lịch trên sông Sài Gòn đến các vùng sông nước của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long cùng các dự án phát triển du lịch trên sông Mê Công đến Pnômpênh (Cămpuchia), với Lào và Thái Lan. Dự án làng văn hoá các dân tộc ở thành phố Hồ Chí Minh. Một khu vực vui chơi giải trí ở thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận (Thủ Đức, Biên Hoà...).
4.7. Hà Tiên - Phú Quốc (Kiên Giang): cần có một định chế riêng cho việc đầu tư đảo Phú Quốc. Dự án đầu tư Phú Quốc phải là một dự án toàn diện và đồng bộ trong một chiến lược phát triển lâu dài cho cả vùng, trong đó phát triển du lịch sinh thái là một hướng ưu tiên.
- Quy hoạch xây dựng các cơ sở du lịch, khu du lịch phải xuất phát từ định hướng phát triển kinh tế xã hội của mỗi vùng, mỗi dịa phương, tiềm năng, tài nguyên du lịch tại chỗ và định hướng phát triển du lịch, nhằm khai thác một cách có hiệu quả tài nguyên du lịch, thúc đẩy phát triển và mở rộng khả năng du lịch của mỗi vùng, đồng thời duy tu tôn tạo nâng cấp di sản văn hoá, lịch sử, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch. Phát triển các hình thức du lịch phù hợp, gắn địa bàn du lịch trọng điểm với du lịch vùng và du lịch cả nước. Khuyến khích và có những chính sách phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể để huy động mọi nguồn lực nhằm tập trung đầu tư phát triển du lịch một cách có hiệu quả, thiết thực. Từng bước tạo việc làm, tăng nguồn thu, mở rộng giao lưu, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.
- Trong giai đoạn đầu, một mặt cải tạo, nâng cấp các cơ sở du lịch hiện có để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch. Mặt khác phải có kế hoạch cụ thể và phương án xây dựng phát triển du lịch với hình thức và quy mô thích hợp theo từng giai đoạn, đón trước thời cơ chủ động trong phát triển. Trên cơ sở đó tập trung đầu tư xây dựng và mở rộng các tuyến điểm, khu du lịch, làng văn hoá du lịch, kết hợp được nhiều loại hình du lịch khác nhau. Huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư: Liên doanh liên kết trong nước, các thành phần kinh tế; đầu tư nước ngoài để tranh thủ nguồn vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm tổ chức quản lý hiện đại nhằm xây dựng các cơ sở du lịch, khu du lịch có chất lượng cao. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng phát triển du lịch với xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế xã hội tại chỗ.
- Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Củng cố hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch ở tất cả các cấp học: tiêu chuẩn hoá công tác đào tạo để đáp ứng đòi hỏi của quá trình phát triển du lịch nước ta. Kết hợp giữa đào tạo lại, đào tạo mới với bồi dưỡng dưới các hình thức thích hợp ở trong và ngoài nước để nhanh chóng có đội ngũ cán bộ đủ năng lực và phẩm chất phục vụ trong ngành du lịch.
- Kiện toàn tổ chức hệ thống quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương cả hệ thống quản lý Nhà nước và các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ; xây dựng các cơ sở chính trị, các đoàn thể quần chúng vững mạnh trong sạch; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh bổ sung hoàn thiện dần hệ thống cơ chế chính sách và quy định về du lịch phù hợp với yêu cầu phát triển để đảm bảo hiệu lực quản lý về du lịch, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh doanh phát triển du lịch.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các địa phương chỉ đạo quản lý và phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước và chiến lược phát triển kinh tế xã hội mỗi vùng, mỗi địa phương, sớm đưa du lịch nước ta trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước và theo kịp du lịch các nước phát triển trong vùng và thế giới.
- 1Nghị quyết số 45-CP về đổi mới quản lý và phát triển ngành du lịch do Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 201/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 3624/QĐ-BVHTTDL năm 2013 phê duyệt nội dung Đề cương “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 4Quyết định 3625/QĐ-BVHTTDL năm 2013 phê duyệt nội dung Đề cương Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 5Quyết định 2162/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật Tổ chức Chính phủ 1992
- 2Nghị quyết số 45-CP về đổi mới quản lý và phát triển ngành du lịch do Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 201/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 3624/QĐ-BVHTTDL năm 2013 phê duyệt nội dung Đề cương “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 5Quyết định 3625/QĐ-BVHTTDL năm 2013 phê duyệt nội dung Đề cương Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 6Quyết định 2162/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 307-TTg năm 1995 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 - 2010
- Số hiệu: 307-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/05/1995
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: 15/09/1995
- Số công báo: Số 17
- Ngày hiệu lực: 08/06/1995
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định