Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3066/2005/QĐ-UBND

Việt trì, ngày 8 tháng 11 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI ĐƯỜNG PHỐ, VỊ TRÍ ĐẤT TRONG TỪNG LOẠI ĐƯỜNG PHỐ, LÀM CĂN CỨ XÂY DỰNG GIÁ ĐẤT ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;

Căn cứ Thông tư số 114/2004/TT-BTC ngày 26/11/2004 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về phân loại đường phố, làm căn cứ xây dựng giá đất đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Điều 2. Căn cứ quy định tại Quyết định này, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thành, thị hàng năm tổ chức xây dựng, điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện.

 

 

TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN LOẠI ĐƯỜNG PHỐ, VỊ TRÍ ĐẤT TRONG TỪNG LOẠI ĐƯỜNG PHỐ LÀM CĂU CỨ XÂY DỰNG GIÁ ĐẤT ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3066/2005/QĐ-UB ngày 8/11/2005 của UBND tỉnh Phú Thọ)

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

Bản quy định này cụ thể các tiêu chí phân loại đường phố và tiêu chí để xác định vị trí đất trong từng loại đường phố làm căn cứ xây dựng giá đất đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 188/2005/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ và Thông tư số 114/2004/TT-BTC ngày 26/11/2004 của Bộ Tài chính.

Hàng năm, khi đường phố được đầu tư xây dựng mới hoặc được cải tạo, nâng cấp, các địa phương căn cứ vào những tiêu chí của quy định này, để phân loại đường phố, vị trí đất trong từng loại đường phố, làm căn cứ xác định giá đất mới hoặc điều chỉnh giá đất mới cho phù hợp.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

A- Nguyên tắc phân loại đường phố, vị trí từng ô (thửa) đất:

1. Việc phân loại đường phố, vị trí đất trong từng loại đường phố phải theo thứ tự đường phố loại 1, vị trí 1 của đường phố loại 1 ứng với mức giá cao nhất thực tế trên thị trường tại thời điểm; các loại đường phố, vị trí đất tiếp theo ứng với mức giá đất thấp hơn.

2. Một đường phố gồm nhiều đoạn đường có kết cấu hạ tầng giống nhau nhưng có khả năng sinh lợi khác nhau, có giá đất thực tế trên thị trường tại thời điểm khác nhau thì từng đoạn đường ấy được xếp loại theo các vị trí đất tương ứng khác nhau.

3. Trong từng loại đường phố không nhất thiết phải xếp đủ bốn vị trí đất theo quy định, mà phải căn cứ cụ thể vào điều kiện thực tế từng đường phố để xếp loại; có thể xếp ít vị trí hơn nhưng phải tuân thủ theo thứ tự ứng với mức giá đất cao nhất trở xuống.

4. Đối với những ô (thửa đất) đất tiếp giáp với mặt tiền nhiều loại đường trong đô thị (ngã ba, ngã tư) thì giá đất của ô đó được tính theo giá đất mặt tiền của loại đường có mức giá cao nhất mà ô đó tiếp giáp.

B- Căn cứ phân loại đường phố, vị trí đất trong từng loại đường phố:

Việc phân loại đường phố, vị trí đất trong từng loại đường phố phải căn cứ vào điều kiện: Khả năng sinh lợi nhất, điều kiện thuận lợi nhất về kết cấu hạ tầng và khoảng cách gần nhất tới trục giao thông.

C- Các loại đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gồm:

- Đô thị loại 2: Thành phố Việt Trì

- Đô thị loại 4: Thị xã Phú Thọ

- Đô thị loại 5: Thị trấn ở 10 huyện.

D- Tiêu chí để phân loại đường phố cho các đô thị:

1. Thành phố Việt Trì:

1.1. Đường phố loại 1:

a) Khả năng sinh lợi:

Là tuyến đường có điều kiện đặc biệt thuận lợi đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt và có giá đất hai bên đường trên thị trường tại thời điểm ở mức cao nhất.

b) Cơ sở hạ tầng:

Đường phố có chiều rộng lòng đường ³ 14m; kết cấu mặt đường: Mặt đường nhựa; cơ sở hạ tầng đồng bộ (gồm: vỉa hè, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng đường phố và cây xanh).

1.2. Đường phố loại 2:

a) Khả năng sinh lợi: Là tuyến đường có điều kiện thuận lợi đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, dịch vụ và có giá đất hai bên đường thấp hơn giá đất đường loại 1.

b) Cơ sở hạ tầng:

- Đường phố có chiều rộng lòng đường từ 7,5m đến < 14m; kết cấu mặt đường: Mặt đường nhựa; cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ.

- Đường phố có chiều rộng lòng đường ³ 14m, nhưng kết cấu mặt đường, cơ sở hạ tầng kém hơn đường phố loại 1.

1.3. Đường phố loại 3:

a) Khả năng sinh lợi:

Là tuyến đường có điều kiện tương đối thuận lợi đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt và có giá đất hai bên đường thấp hơn giá đất đường loại 2.

b) Cơ sở hạ tầng:

- Đường phố có chiều rộng lòng đường từ 5,5m đến < 7,5m; kết cấu mặt đường: Mặt đường nhựa hoặc đường bê tông xi măng; cơ sở hạ tầng chủ yếu đồng bộ (cấp điện, cấp nước).

- Đường phố có chiều rộng lòng đường từ 7,5 đến < 14m, nhưng kết cấu mặt đường, cơ sở hạ tầng kém hơn đường phố loại 2.

1.4. Đường phố loại 4:

Là các tuyến đường phố còn lại của đô thị, có các yếu tố về khả năng sinh lợi, cơ sở hạ tầng kém hơn đường phố loại 3, có giá đất hai bên đường thấp nhất và thấp hơn giá đất đường loại 3.

2. Thị xã Phú Thọ:

2.1. Đường phố loại 1:

a) Khả năng sinh lợi:

Là tuyến đường có điều kiện đặc biệt thuận lợi đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt và có giá đất hai bên đường cao nhất.

b) Cơ sở hạ tầng:

Đường phố có chiều rộng lòng đường ³ 7,5m; kết cấu mặt đường: Mặt đường nhựa; cơ sở hạ tầng đồng bộ.

2.2. Đường phố loại 2:

a) Khả năng sinh lợi:

Là tuyến đường có điều kiện thuận lợi đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt và có giá đất hai bên đường thấp hơn giá đất đường loại 1.

b) Cơ sở hạ tầng:

- Đường phố có chiều rộng lòng đường từ 5,5m đến < 7,5m; kết cấu mặt đường: Mặt đường nhựa; cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ.

- Đường phố có chiều rộng lòng đường ³ 7,5m, nhưng kết cấu mặt đường, cơ sở hạ tầng kém hơn đường phố loại 1.

2.3. Đường phố loại 3:

a) Khả năng sinh lợi:

Là tuyến đường có điều kiện tương đối thuận lợi đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ sinh hoạt và có giá đất hai bên đường thấp hơn giá đất đường loại 2.

b) Cơ sở hạ tầng:

- Đường phố có chiều rộng lòng đường từ 3,5m đến 5,5m; kết cấu mặt đường: nhựa hoặc đường bê tông xi măng; cơ sở hạ tầng chủ yếu đồng bộ.

- Đường phố có chiều rộng lòng đường từ 5,5m đến 7,5m, nhưng kết cấu mặt đường, cơ sở hạ tầng kém hơn đường phố loại 2.

2.4. Đường phố loại 4:

Là các tuyến đường phố còn lại của đô thị, có các yếu tố về khả năng sinh lợi, cơ sở hạ tầng kém hơn đường phố loại 3, có giá đất thấp nhất và thấp hơn giá đất đường loại 3.

3. Thị trấn ở các huyện.

3.1. Đường phố loại 1:

a) Khả năng sinh lợi:

Là tuyến đường có điều kiện thuận lợi đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt và có giá đất hai bên đường cao nhất.

b) Cơ sở hạ tầng:

- Đường phố có chiều rộng lòng đường từ 5,5m đến ³ 7,5m; kết cấu mặt đường: Mặt đường nhựa hoặc đường bê tông xi măng; cơ sở hạ tầng chủ yếu đồng bộ.

- Đường phố có chiều rộng lòng đường ³ 7,5m, nhưng kết cấu mặt đường, cơ sở hạ tầng kém hơn đường phố loại 1.

3.3. Đường phố loại 3:

Là các tuyến đường phố còn lại của đô thị có các yếu tố về khả năng sinh lợi, cơ sở hạ tầng kém hơn đường phố loại 2, có giá đất hai bên đường thấp nhất và thấp hơn giá đất đường loại 2.

E- Tiêu chí để xác định vị trí đất:

Vị trí đất được xác định theo từng loại đường phố, trong mỗi loại đường phố được phân làm 4 vị trí như sau:

Vị trí 1: Áp dụng đối với đất ở gần nhất với trục đường giao thông và có mức sinh lợi cao nhất.

Vị trí 2: Áp dụng đối với đất ở xa trục đường giao thông hơn vị trí 1 và có mức sinh lợi kém hơn vị trí 1.

Vị trí 3: Áp dụng đối với đất trong ngõ, trong hẻm của đường phố, có mức sinh lợi kém hơn vị trí 2.

Vị trí 4: Áp dụng đối với đất trong ngõ, trong hẻm của các ngõ, hẻm thuộc vị trí 2, vị trí 3 nêu trên và các vị trí còn lại khác có mức sinh lợi kém hơn vị trí 3.

III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Hàng năm, UBND các huyện, thành, thị căn cứ vào tiêu chí quy định tại Quyết định này, tiến hành rà soát, điều chỉnh lại loại đường phố, vị trí đất khi có những thay đổi do quy hoạch, đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới kết cấu hạ tầng làm thay đổi loại đường phố và vị trí đã phân loại trước đó, để làm cơ sở xây dựng, điều chỉnh giá đất mới.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các huyện, thành, thị tổ chức thẩm định kết quả phân loại đường phố, vị trí đất trong từng loại đường phố của các huyện, thành, thị và thực hiện xây dựng, điều chỉnh giá đất hàng năm trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định hiện hành.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3066/2005/QĐ-UBND năm 2005 về phân loại đường phố, vị trí đất trong từng loại đường phố làm căn cứ xây dựng giá đất đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

  • Số hiệu: 3066/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/11/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Ngô Đức Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 10/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản