Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 305/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG CHI VÀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG CHO ĐỊA PHƯƠNG THỰC HIỆN PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC, XÂM NHẬP MẶN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 27 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Thực hiện Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 10 ngày 10 tháng 2020 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, cụ thể như sau:

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

a) Phạm vi: Chỉ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với những địa phương đã xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng (Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị), khó khăn về ngân sách, có đề nghị bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

b) Đối tượng hỗ trợ:

- Tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn và các đơn vị khác liên quan được giao thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt nông thôn.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được giao tổ chức thực hiện giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

2. Nội dung chi thực hiện giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

a) Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương và các tổ chức khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiền điện, dầu thực hiện bơm nước vượt định mức; nạo vét các cửa lấy nước của các công trình đầu mối thủy lợi và hệ thống kênh mương; lắp đặt trạm bơm dã chiến (trường hợp thực sự cần thiết).

b) Đối với địa phương thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ thêm kinh phí khi phải thực hiện kéo dài đường ống cấp nước sạch: mua thiết bị trữ nước hỗ trợ cho người dân, lọc nước mặn thành nước ngọt, chở nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

c) Riêng khu vực Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ bổ sung kinh phí đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt

3. Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương

a) Các địa phương thuộc các tỉnh khu vực miền núi, Tây Nguyên: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 70% mức thực chi để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

b) Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại:

- Các địa phương có tỷ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi ngân sách địa phương từ 50% trở lên: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 50% mức thực chi để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

- Các địa phương có tỷ lệ sổ bổ sung cân đối/tổng chi ngân sách địa phương dưới 50%: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 30% mức thực chi để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tỷ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi cân đối ngân sách địa phương xác định theo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

c) Các địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương: Chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo các tổ chức khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Bộ và các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên cơ sở tình hình thực tế và dự báo về khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn hằng năm.

b) Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ các địa phương và đơn vị khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Bộ; rà soát, đề xuất nhu cầu kinh phí hỗ trợ gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Bộ Tài chính

a) Trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; dự phòng ngân sách Trung ương; kịp thời tổng hợp kinh phí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra tình hình phân bổ, sử dụng kinh phí hỗ trợ thực hiện phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của các địa phương và tổ chức khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chỉ đạo, tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho từng khu vực phù hợp với thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từng năm để có giải pháp cụ thể bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

b) Chủ động sử dụng các nguồn lực của địa phương (nguồn dự phòng ngân sách địa phương, Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh và các nguồn tài chính hợp pháp khác) để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn.

c) Tổng hợp, báo cáo tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phương án triển khai giải pháp ứng phó và kết quả thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

d) Chậm nhất 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo bổ sung kinh phí từ Bộ Tài chính, báo cáo bằng văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp nhận, sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng, chống, khắc phục hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

đ) Thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí được hỗ trợ đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả. Trường hợp kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ sử dụng không hết hoặc được sử dụng không đúng đối tượng và nội dung quy định tại Quyết định này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện hoàn trả về ngân sách Trung ương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, được áp dụng cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành và có hiệu lực.

Điều 4. Các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: NN&PTNT, TC, KHĐT, TP;
- HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN. Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, Các Vụ: PL, KTTH, CN:
- Lưu: VT, NN (3) Tuynh.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 305/QĐ-TTg năm 2021 quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 305/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/03/2021
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trịnh Đình Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản