Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 303/QĐ.UB

Long Xuyên, ngày 04 tháng 10 năm 1988

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH 1 SỐ ĐIỂM CỤ THỂ ĐỂ THỰC HIỆN CHỈ THỊ 47-CT.TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ TW ĐẢNG VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT 1 SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ RUỘNG ĐẤT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

 - Căn cứ điều 49 Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 09 tháng 7 năm 1983;

- Căn cứ vào Luật đất đai do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 08/01/1988 và Chỉ thị 47-CT.TW ngày 31/08/1988 của Bộ Chính trị TW Đảng về việc giải quyết 1 số vấn đề cấp bách về ruộng đất;

- Căn cứ Nghị quyết của Tỉnh ủy ngày 09,10,11,12/08/88 và Nghị quyết kỳ họp lần thứ 12 của HĐND Tỉnh khóa III (ngày 16, 17/08/1988) và những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1988;

- Căn cứ tinh thần cuộc họp ngày 26, 27/09/1988 gồm có thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị bàn những biện pháp cụ thể giải quyết về ruộng đất để triển khai thực hiện chỉ thị 47 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND Tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế trong tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1:- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định 1 số điểm cụ thể thực hiện chỉ thị 47-CT.TW của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc giải quyết các vấn đề cấp bách về ruộng đất.

Điều 2:- Giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý ruộng đất, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp, Ban chỉ đạo giải quyết các tranh chấp về ruộng đất phối hợp với UBND các huyện, thị triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện.

Quyết định này được áp dụng kể từ ngày ký, những điều quy định trong văn bản của tỉnh trước đây trái với tinh thần quyết định này đều được bãi bỏ.

Điều 3:- Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp, Trưởng Ban quản lý ruộng đất, Ban chỉ đạo giải quyết các tranh chấp về ruộng đất, Chủ tịch UBND các huyện, thị cùng thủ trưởng các Ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Các đ/c TUV
- Các đ/c TT.UBND Tỉnh
- Các Ban của HĐND
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn
   thể khối chính quyền, khối đảng
- Các huyện ủy, TX. Ủy
- UBND các huyện, thị
- Chánh Phó VP.UBND Tỉnh
- VP.TU
- Các khối NC
- Lưu

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Phú Hội

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ ĐỂ THỰC HIỆN CHỈ THỊ 47-CT.TW CỦA BCT.TW ĐẢNG VỀ VIỆC GIẢIQUYẾT CÁC VẤN ĐỀ  CẤP BÁCH VỀ RUỘNG ĐẤT.
(Ban hành kèm theo quyết định số 303/QĐ.UB ngày 04/10/1988 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

 Căn cứ Chỉ thị 47-CT-TW ngày 31/08/1988 của Bộ Chính trị TW Đảng về việc giải quyết 1 số vấn đề cấp bách về ruộng đất.

Căn cứ báo cáo của UBND các cấp về tình hình tranh chấp ruộng đất đang diễn ra quá trình tổ chức thực hiện quyết định 93/QĐ.UB ngày 19/2/1987 và quyết định 176/QĐ.UB ngày 13/05/1988 của UBND Tỉnh về quản lý, khai thác, sử dụng đất đai trong tỉnh có 1 số điểm cần được sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Để tổ chức thực hiện thật tốt chỉ thị 47-CT.TW của Bộ Chính trị Trung ương Đảng phù hợp với tình hình thực tế trong tỉnh, theo tinh thần kết luận của hội nghị Tỉnh ủy tháng 8/1988 và hội nghị HĐND Tỉnh lần thứ 12 ngày 16, 17/8/1988 đảm bảo đúng chủ trương chính sách đáp ứng quyền lợi chính đáng giữa người sử dụng đất cũ (trung nông) và người sử dụng đất mới, giữ vững đoàn kết trong nông nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định 1 số điểm về việc giải quyết các vấn đề cấp bách về ruộng đất như sau:

A- Bồi hoàn công sức lao động khai phá, cải tạo đất ruộng và hoa lợi cho người sử dụng đất cũ là trung nông.

Ruộng đất của Trung nông có công khai phá sang nhượng, hoặc thừa kế có đủ chứng lý hợp pháp, kể cả người quá trình cải tạo nông nghiệp điều chỉnh chia cấp cho người khác như nhường cơm xẻ áo bình quân nhân khẩu, khoán theo lao động, cắt xâm canh, nếu có tranh chấp phải giải quyết như sau:

1- Đất đã cấp hợp lý, đúng đối tượng, người được cấp sản xuất có hiệu quả, làm tròn nghĩa vụ, thì vẫn giữ cho người sử dụng tiếp tục canh tác và người sử dụng mới phải bồi hoàn công sức lao động cải tạo đất và hoa lợi (nếu có) cho người sử dụng cũ.

2- Trường hợp người sử dụng cũ hiện nay không có đất hoặc thiếu đất sản xuất yêu cầu nhận lại đất để sản xuất, có thể điều chỉnh lại cho họ trên nều đất cũ hoặc nơi cấp khác. Mức độ điều chỉnh lại do sử thỏa thuận của đôi bên. Người nhận được đất điều chỉnh lại phải trả công lao động bồi bổ cải tạo và hoa lợi (nếu có) cho người đang sử dụng đất đó.

3- Mức và thời gian trả công lao động, hoa lợi do sự thỏa thuận của đôi bên hoặc dưới sự hòa giải của Hội đồng hòa giải cơ sở hay Ban chỉ đạo giải quyết ruộng đất cấp trên.

- Đối với những gia đình thương binh, liệt sĩ nguồn sống chính dựa vào đất được chia cấp trực tiếp lao động sản xuất thì nên ổn định. Động viên người sử dụng cũ không đặc vấn đề bồi hoàn thành quả lao động hoặc có thể với mức độ theo khả năng của gia đình thương binh, liệt sĩ.

- Những gia đình thương binh, liệt sĩ không có lao động trực tiếp sản xuất, nếu người sử dụng cũ có đủ đất sản xuất thì giải quyết như trên, trường hợp người sử dụng cũ không còn đất hoặc quá thiếu đất sản xuất đảm bảo cuộc sống bình thường thì có điều chỉnh lại 1 phần hoặc toàn bộ đất đó cho người sử dụng cũ.

Sau khi giao lại đất mà nhưng gia đình thuộc đối tượng trên gặp khó khăn, thì chính quyền đoàn thể xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, tỉnh có trách nhiệm đảm bảo theo chính sách.

B- Đất quy hoạch nông trường, lâm trường, trạm trại, doanh trại, xây dựng công trình công cộng:

1- Đất nông trường, lâm trường, trạm trại, doanh trại quân đội, công an, đang sử dụng phải quy hoạch lại cho hợp lý với khả năng sản xuất và diện tích ở. Số đất thừa giao lại cho chính quyền địa phương cấp cho những hộ nông dân không đất hoặc thiếu đất sản xuất. Nếu trong phần đất thừa đó có tranh chấp của người sử dụng cũ là trung nông thì giao lại cho họ sản xuất theo yêu cầu chính đáng.

Trong diện tích quy hoạch được giữ lại, có phần diện tích đất của nông dân, có tranh chấp phải bồi hoàn công sức lao động và hoa lợi cho người sử dụng cũ. Nhưng đây là đất sử dụng cho lợi ích chung, vì vậy cần phải vận động người sử dụng cũ miễn bồi hoàn hoặc giảm mức bồi hoàn do đôi bên thỏa thuận.

Trong diện tích đất của nông trường, lâm trường nên áp dụng hình thức khoán cho nông dân sản xuất theo khả năng, nông lâm trường làm dịch vụ cho nông dân sản xuất.

2- Khu đất quy hoạch xây dựng công trình xã hội, có chiếm diện tích đất của nông dân, phải thương lượng sắp xếp cho họ có diện tích đất sản xuất tương ứng và hợp lý, nếu trên phần đất đó có hoa lợi phải bồi thường thỏa đáng.

C- Đất mượn sản xuất tự túc, bao chiếm, chia cắt không đúng đối tượng, ...

1- Các cơ quan Nhà nước, cán bộ mượn đất sản xuất, tự túc đều phải giao trả nết lại cho chính quyền địa phương quản lý làm quỹ đất để cấp cho nông dân sản xuất hoặc giải quyết các trường hợp cần thiết. Nếu trong số đất đó có tranh chấp của người sử dụng cũ là trung nông thì cấp lại cho người đó sản xuất theo khả năng của họ.

2- Cán bộ lợi dụng chức quyền hoặc những người lợi dụng thế lực bao chiếm đất đều phải thu hồi để cấp lại cho nông dân sản xuất.

3- Đất chi cấp cho những người mà nghề sinh sống chủ yếu không phải sản xuất nông nghiệp nay thu hồi giao lại cho người sử dụng cũ sản xuất, hoặc cấp cho nông dân không đất hay thiếu đất sản xuất.

D- Các trường hợp khác:

1- Đất ở vùng biên giới, vùng khó sản xuất đã bỏ hoang, bỏ hóa trên 6 tháng, người khác đến phục hóa sản xuất, người sử dụng cũ trở về tranh chấp, phải ưu tiên cho người đang canh tác.

2- Người không chịu vào tập đoàn bỏ đất hoặc không chuyển vụ, đã trang trãi cho người khác canh tác, nay người sử dụng cũ tranh chấp, nếu người đó hiện nay không có đất hoặc thiếu đất sản xuất thì xét giao lại 1 phần và có bồi hoàn thành quả lao động của cả đôi bên.

3- Các trường hợp tranh chấp đất liên quan đến thanh niên không thi hành luật nghĩa vụ quân sự: Nếu tập thể hay chính quyền cơ sở thu hồi của cả gia đình hiện còn đang ở tại chổ thì giao lại cho hộ đó. Nếu cả gia đình bỏ đi quá 6 tháng đất đã cấp cho người khác nay trở lại đòi thì xét cụ thể tình hình đất đai tại chổ, nếu có thì cấp lại.

4- Người sử dụng đất khai giấu diện tích, căn cứ phần khai giấu truy thu thuế và nếu thấy cần thu hồi phần khai giấu đó cấp cho nông dân khác sản xuất.

5- Đất trước đây các tập đoàn sản xuất tổ chức bóc thăm, lợi dụng chức quyền đổi đất xấu, đất xa, lấy đất tốt, đất gần nhà nay có tranh chấp thì phải đổi lại chỗ cũ.

6- Đất dọc 2 bờ kinh cấp I, cấp II vùng tứ giác Long Xuyên nếu có quy hoạch dân cư thì dành từ bờ kinh vào 60m là đất thổ cư do chính quyền phân phối. Tùy từng vùng mà cấp cho mỗi hộ có chiều ngang từ 20-30m. Nếu đất còn lại để sản xuất của hộ nào quá ít thì được điều chỉnh cấp thêm.

7- Đất nông dân được chia cấp trong các thời kỳ kháng chiến, đất của nhà chung, nhà thờ, đất của bọn phản động đã tịch thu, trưng thu và đất của cá nhân hiến cho nhà nước, đã chia cấp cho nông dân sản xuất ổn định thì vẫn giữ nguyên trạng, người sử dụng cũ không có quyền tranh chấp.

- Tất cả các trường hợp khiếu nại, tranh chấp ruộng đất, đương sự phải tuân thủ chờ sự giải quyết củ Hội đồng hòa giải cơ sở nếu chưa thỏa đáng thì sẽ có xử lý của UBND huyện, thị xã, hoặc tỉnh có hiệu lực thi hành. Tất cả các hành đồng tự tiện điều không được chấp nhận, Tùy mức độ vi phạm bị xử lý bằng biện pháp hành chính hay pháp luật hiện hành.

E- Tổ chức thực hiện:

Để tổ chức thực hiện chu đáo quy định này cần:

1- Thanh lập Ban chỉ đạo của tỉnh, huyện, thị xã thành phần gồm có: Đại diện TT.UBND và thủ trưởng các ngành có liên quan trực tiếp.

Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo trực tiếp góp ý kiến, kiểm tra, đôn đốc cấp dưới xử lý các vụ tranh chấp ruộng đất, đảm bảo đúng chủ trương chính sách.

2- Cấp xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng xét giải quyết tranh chấp ruộng đất, thành phần như Ban chỉ đạo huyện, thị xã. Nhiệm vụ của Hội đồng là tập hợp đơn thư khiếu nại của nông dân tại địa phương, của cấp trên chuyển đến thẩm tra, xác minh cụ thể từng vụ việc. Tổ chức họp dân tại chổ, lấy ý kiến góp ý của nhân dân giải quyết.

3- Hội đồng giải quyết ruộng đất cần phối hợp chặt chẻ với UB Mặt trận tổ quốc, Hội nông dân và các đoàn thể quần chúng khác tổ chức khai hội từng xóm ấp thông suốt chủ trương của Đảng và Nhà nước động viên tình nghĩa giai cấp xóm riềng thương lượng thỏa thuận giữa đôi bên từng trường hợp tranh chấp, khiếu nại.

4- Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị chịu trách nhiệm phổ biến chủ trương này sâu rộng trong nội bộ từ tỉnh đến xóm ấp thông suốt, chấp hành thật nghiêm chỉnh, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện nếu cố tình vi phạm thì phải cương quyết xử lý kỹ luật nghiêm khắc.

5- Điều nào của quyết định 93/QĐ.UB ngày 19/02/87 và quyết định 176/QĐ.UB ngày 13/05/1988 của UBND Tỉnh khác với quy định này đều bãi bỏ.

Các Thủ trưởng các ngành có chức năng giải quyết về vấn đề ruộng đất, Chủ tịch UBND các huyện, thị kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội đồng Nhân dân và các đoàn thể thực hiện tốt quy định này. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc khó khăn báo cáo về Ban chỉ đạo tỉnh góp ý, chỉ đạo giải quyết.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 303/QĐ.UB năm 1988 ban hành bản quy định một số điểm cụ thể để thực hiện Chỉ thị 47-CT.TW giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 303/QĐ.UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/10/1988
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Phú Hội
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/10/1988
  • Ngày hết hiệu lực: 07/03/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản