Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 30/2011/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 08 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ VI PHẠM ĐỂ VẬT LIỆU XÂY DỰNG, CHƯỚNG NGẠI VẬT, PHƠI NÔNG SẢN, ĐỐT RƠM RẠ TRÁI PHÉP TRÊN LÒNG, LỀ ĐƯỜNG BỘ, CẦU ĐƯỜNG BỘ THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Pháp Lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Pháp Lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về trách nhiệm phối hợp quản lý và xử lý vi phạm để vật liệu xây dựng, chướng ngại vật, phơi nông sản, đốt rơm rạ trái phép trên lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ” thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 2. Quyết định ngày có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ VI PHẠM ĐỂ VẬT LIỆU XÂY DỰNG, CHƯỚNG NGẠI VẬT, PHƠI NÔNG SẢN, ĐỐT RƠM RẠ TRÁI PHÉP TRÊN LÒNG, LỀ ĐƯỜNG BỘ, CẦU ĐƯỜNG BỘ THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30 /2011/QĐ-UBND ngày 08/12/2011 của UBND tỉnh Hà Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm để vật liệu xây dựng, chướng ngại vật, phơi nông sản, đốt rơm rạ trái phép trên lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp quản lý và xử lý vi phạm để vật liệu xây dựng, chướng ngại vật, phơi nông sản, đốt rơm rạ trái phép trên lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Trách nhiệm phối hợp quản lý và xử lý vi phạm

1. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

a) Phân công, giao nhiệm vụ và chỉ đạo cán bộ chuyên trách, lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, Trưởng thôn xóm, tổ dân phố tuyên truyền, vận động, phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý các vi phạm lòng, lề đường, cầu đường bộ.

b) Thực hiện ký cam kết không vi phạm lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ với các hộ dân và bố trí lực lượng, chủ động giải toả, xử lý phát sinh ngay từ ban đầu.

c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với Thanh tra giao thông, đơn vị quản lý đường xử lý các vi phạm. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo UBND huyện, thành phố để giải quyết.

2. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố:

a) Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra UBND các xã, phường, thị trấn và cơ quan chuyên môn của huyện, thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quản lý lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ trên địa bàn.

b) Xử lý kịp thời các vi phạm lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ thuộc thẩm quyền của UBND huyện, thành phố.

3. Sở Giao thông vận tải:

a) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông, Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng công trình giao thông Hà Nam tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ công tác quản lý, bảo vệ lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ.

b) Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đường, chính quyền địa phương kiên quyết xử lý vi phạm, lập kế hoạch giải toả vi phạm lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ.

4. Công an tỉnh:

Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát 113, Cảnh sát cơ động phối hợp chặt chẽ với Thanh tra giao thông, đơn vị quản lý đường, chính quyền địa phương xử lý các vi phạm lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ.

Điều 4. Quy trình xử lý các vi phạm

1. Xử lý các trường hợp để vật liệu xây dựng, các chướng ngại vật trái phép trên lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ:

1.1. Đơn vị quản lý đường khi phát hiện vi phạm, thông báo ngay cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc Thanh tra giao thông để phối hợp lập biên bản vi phạm, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm; đôn đốc việc dỡ bỏ, di dời các vật chiếm dụng lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ; đồng thời lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Thanh tra giao thông xử lý theo thẩm quyền.

1.2. Trường hợp vượt thẩm quyền của UBND xã, phường, thị trấn, đơn vị quản lý đường chuyển biên bản vi phạm cho Thanh tra giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

1.3. Trường hợp đối tượng không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

a) Thanh tra giao thông tập hợp đầy đủ hồ sơ vi phạm, chuyển hồ sơ vi phạm đề nghị Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định cưỡng chế.

b) Trường hợp UBND xã, phường, thị trấn không xử lý được, Thanh tra giao thông lập kế hoạch cưỡng chế, đề nghị Chủ tịch UBND huyện, thành phố ra Quyết định cưỡng chế, giao UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện.

c) Thanh tra giao thông phối hợp với cơ quan thực hiện cưỡng chế (UBND xã, phường, thị trấn) tập hợp đầy đủ hồ sơ, sơ đồ hiện trường sau cưỡng chế giao cho đơn vị quản lý đường, đồng thời báo cáo kết quả giải quyết lên cấp trên theo quy định.

1.4. Trường hợp đối tượng vi phạm không ký biên bản vi phạm.

a) Nếu đối tượng vi phạm từ chối ký biên bản vi phạm thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản. Đơn vị quản lý đường đề nghị chính quyền địa phương xử lý. Trường hợp chính quyền địa phương không xử lý được, đơn vị quản lý đường tập hợp biên bản vi phạm chuyển cho Thanh tra giao thông.

b) Trên cơ sở biên bản vi phạm do đơn vị quản lý đường chuyển đến, Thanh tra giao thông tổng hợp, lập kế hoạch giải toả vi phạm trình Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải phê duyệt và tổ chức giải toả.

c) Trong quá trình giải toả, các trường hợp để vật liệu xây dựng, gỗ, đá…vi phạm không tự giác tháo dỡ, di dời, Thanh tra giao thông lập biên bản thu giữ giao cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Xử lý tuốt lúa, phơi rơm rạ, nông sản trên lòng lề, đường bộ, cầu đường bộ:

2.1. Đơn vị quản lý đường phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn lập biên bản vi phạm, yêu cầu đối tượng vi phạm di dời máy tuốt, lúa, rơm rạ ra khỏi lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ; đồng thời ký cam kết không tái vi phạm.

2.2. Thanh tra giao thông phối hợp với công an huyện, xã, phường, thị trấn lập biên bản tạm giữ máy tuốt lúa đối với trường hợp đã ký cam kết không tái vi phạm nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, giao cho Công an huyện, thành phố quản lý xử phạt theo quy định của pháp luật.

3. Xử lý các trường hợp đốt rơm rạ trên lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ:

Đơn vị quản lý đường phối hợp với Công an huyện, xã, phường, thị trấn, Thanh tra giao thông kịp thời có biện pháp ngăn chặn và xử lý các trường hợp đốt rơm rạ trên lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ theo quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện dập tắt các đám cháy đốt rơm rạ trên lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ và san gạt các đống rơm rạ ra khỏi lòng, lề đường, cầu đường bộ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc, xử lý nghiêm các vi phạm theo các quy định của pháp luật.

2. Các cơ quan thông tin đại chúng: Báo Hà Nam, Đài phát thanh - Truyền hình Hà Nam, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở văn hoá - Thể thao và du lịch, Đài truyền thanh các huyện, thành phố, xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến quy định này để nhân dân hiểu biết, nâng cao nhận thức và nghiêm chỉnh chấp hành.

3. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, giáo dục Hội viên và nhân dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ và quy định này; trong phạm vi chức năng của mình, phối hợp chặt chẽ với Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp triển khai thực hiện.

4. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phố biến, hướng dẫn các thôn xóm, Tổ dân phố, các hộ gia đình nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ và Quy định này; chỉ đạo lực lượng Công an xã, phường, thị trấn phối hợp với Thanh tra giao thông, đơn vị quản lý đường kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời các vi phạm trên địa bàn.

Điều 6. Điều khoản thi hành

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh những phát sinh, vướng mắc, những nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 30/2011/QĐ-UBND về Quy định trách nhiệm phối hợp quản lý và xử lý vi phạm để vật liệu xây dựng, chướng ngại vật, phơi nông sản, đốt rơm rạ trái phép trên lòng, lề đường bộ, cầu đường bộ thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành

  • Số hiệu: 30/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản